Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại cổ phần kiên long chi nhánh khánh hoà (Trang 109 - 110)

 Nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ nhân viên

Cán bộ nhân viên là nhân tố quan trọng và quyết định hiệu quả kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Kết quả này phụ thuộc rất lớn vào trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tính năng động sáng tạo, thái độ phục vụ của cán bộ ngân hàng. Chất lượng và thái độ phục vụ là những vấn đề mà khách hàng phàn nàn nhiều nhất và mong muốn cải thiện nhiều nhất từ phía ngân hàng. Để nâng cao trình độ nghiệp vụ trong đội ngũ nhân viên, ngân hàng cần thực hiện các giải pháp sau:

+ Nên xây dựng một quy trình tuyển dụng nhân viên khoa học, chính xác và hợp lý nhằm tuyển dụng được những nhân viên có trình độ và phù hợp với yêu cầu công việc.

+ Định kỳ tổ chức các khoá đào tạo nghiệp vụ chuyên môn về khả năng thực hiện công việc với công nghệ hiện đại, khả năng ứng xử với khách hàng. Đồng thời, lập kế hoạch cử các cán bộ trẻ có năng lực đi đào tạo chuyên sâu ở các lĩnh vực kinh doanh chủ chốt, các dịch vụ mới nhằm xây dựng được đội ngũ chuyên viên giỏi, làm nồng cốt cho nguồn nhân lực trong tương lai.

+ Định kỳ tổ chức các cuộc thi sát hạch nghiệp vụ, năng lực quản lý của cán bộ nhân viên ngân hàng, từ đó xác định năng lực thực sự của nhân viên và có kế hoạch bố trí vào các vị trí phù hợp hơn. Đây cũng là điều kiện và cơ hội để cán bộ nhân viên không ngừng học tập, phấn đấu hoàn thiện hơn trong quá trình học tập và làm việc.

 Nâng cao kỹ năng giao tiếp, kỹ năng bán hàng của nhân viên khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, nếu như chất lượng dịch vụ là mục tiêu quan trọng mà mỗi ngân hàng hướng tới, thì khả năng giao tiếp chính là công cụ đưa những sản phẩm đó đến với khách hàng. Kỹ năng giao tiếp tốt của cán bộ nhân viên tạo nên ấn tượng tốt đẹp đối với khách hàng, xây dựng hình ảnh thương hiệu cho ngân hàng. Qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của ngân hàng.

Các vấn đề trên đã được triển khai thực hiện tại Ngân hàng Kiên Long, tuy nhiên cần được tập trung hơn, thường xuyên hơn để chất lượng nguồn nhân lực ngày một nâng cao hơn.

 Chính sách lương, đãi ngộ hợp lý cho người lao động, tạo tâm lý an tâm và nhiệt huyết cống hiến sức lao động. Hiện nay, chính sách lương của Ngân hàng Kiên Long tính theo chức vụ và theo đơn vị kinh doanh. Điều này khó kích thích sự phấn đấu học tập, nâng cao trình độ tri thức, hoàn thiện kỹ năng làm việc của người lao động.

 Tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên có thể vừa làm vừa học (cử nhân khác, thạc sĩ, tiến sĩ, …) để nâng cao trình độ nhân lực. Tốt hơn nữa, ngân hàng có thể tài trợ nguồn kinh phí hỗ trợ cán bộ nhân viên đi học, tất nhiên phải có điều kiện kèm theo khi nhận viện trợ kinh phí từ ngân hàng. Trong thời buổi người nhiều hơn việc như hiện nay, việc đầu tư cho cán bộ nhân viên đi học là điều khó xảy ra đối với các ngân hàng. Tuy nhiên, việc đầu tư đó mang một ý nghĩa thiết thực, tạo động lực cho cán bộ nhân viên, tạo sự khác biệt so với các NHTM khác.

Một phần của tài liệu nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại cổ phần kiên long chi nhánh khánh hoà (Trang 109 - 110)