Hội sở: Tăng nguồn vốn chủ sở hữu từ các nhà đầu tư, đối tác chiến lược nhằm ổn định thanh khoản, đây cũng là lộ trình tăng vốn điều lệ theo cơ chế tái cấu trúc ngành ngân hàng đến năm 2015.
Chi nhánh Khánh Hoà: Là đơn vị kinh doanh cấp chi nhánh, trực thuộc Hội sở nên năng lực tài chính không phụ thuộc vào nguồn vốn tự có mà phụ thuộc vào tính tự chủ về nguồn vốn huy động tại chỗ. Chú ý phát triển nguồn vốn huy động trung và dài hạn, cân đối tỷ lệ cấp tín dụng trung dài hạn trên nguồn vốn huy động ngắn hạn nhằm đảm bảo tính thanh khoản cho đơn vị. Thực hiện kiểm soát tín dụng, kiểm soát nợ xấu, nâng cao chỉ số ROA nhằm khai thác triệt để hiệu suất sử dụng tài sản của chi nhánh.
- Để nâng cao năng lực tài chính, ngân hàng cần đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, thực hiện nguyên tắc “đi vay để cho vay” theo cơ chế lãi suất thị trường, đơn vị cần thực hiện các giải pháp sau:
Một là, điều chỉnh lãi suất tiền gửi trung và dài hạn hợp lý nhằm tăng quy mô vốn kinh doanh, đặc biệt là huy động tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng và trên 12 tháng. Để thu hút tiền gửi các kỳ hạn này, ngoài chính sách về lãi suất, ngân hàng cần đưa ra các chương trình ưu đãi khách hàng như: quà tặng, dự thưởng, khuyến mãi các dịch vụ ưu đãi,….
Hai là, tăng số lượng giao dịch, số dư tiền gửi thanh toán của khách hàng. Đây là nguồn vốn giá rẻ và tương đối ổn định. Để thu hút được nguồn vốn huy động giá rẻ này, ngân hàng phải tăng số lượng các tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng, đặc biệt là khách hàng doanh nghiệp. Để làm được điều này, ngân hàng phải phát triển giao dịch
thanh toán, thanh toán quốc tế với các khách hàng doanh nghiệp, tăng cường bán chéo sản phẩm đối với khách hàng cá nhân để gia tăng số tài khoản tiền gửi thanh toán, đặc biệt là nhận chuyển lương của cán bộ nhân viên các cơ quan đoàn thể, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp thông qua thẻ ATM.
- Nâng cao chất lượng tài sản có bằng các biện pháp khắc phục khó khăn về nợ xấu, kiểm soát và phòng chống rủi ro trong tương lai. Chi nhánh phải nỗ lực, tập trung nguồn lực để giải quyết nợ xấu về lại mức quy định (<3%), bằng cách lập kế hoạch chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, giám sát công tác xử lý và thu hồi nợ xấu, khống chế nợ xấu phát sinh mới và nợ tái xấu, đặc biệt là có các chế tài xử lý các vi phạm liên quan đến nợ xấu.
Trong thời gian tới, cần xây dựng cơ chế kiểm soát tín dụng hữu hiệu, đặc biệt là ngăn chặn nợ xấu gia tăng. Thực hiện việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro theo đúng quy định. Hoàn thiện hoạt động của phòng kiểm tra kiểm soát nội bộ, phòng kiểm toán nội bộ, phòng quản lý rủi ro, tăng cường khả năng thu thập và xử lý thông tin, nâng cao năng lực thẩm định khách hàng, đánh giá tài sản đảm bảo,……