Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực của một số nước trên thế giới

Một phần của tài liệu phát triển nguồn nhân lực cho khu công nghiệp bắc vinh - nghệ an (Trang 37 - 40)

Ở những nước tiên tiến, họ xác định đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển; cho nên, chính sách nguồn nhân lực luôn là một trong những bộ phận cấu thành chủ chốt trong hầu hết các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các nước trên thế giới.

Nhật Bản coi nguồn nhân lực là yếu tố quyết định tương lai của đất nước; cho nên, từ đầu thập niên 1980, Nhật Bản đã đề ra mục tiêu: đào tạo những thế hệ mới có tính năng động, sáng tạo có kiến thức chuyên môn sâu, có khả năng suy nghĩ và làm việc độc lập, khả năng giao tiếp quốc tế để đáp ứng những đòi hỏi của thế giới, với sự tiến bộ không ngừng của khoa học và xu thế cạnh tranh - hợp tác toàn cầu. Qua nghiên cứu trong phụ lục số 2 thì từ năm 1995 – 2002, dân số trong độ tuổi từ 15 trở lên thì

năm sau tăng hơn năm trước nhưng lực lượng lao động và tỷ lệ tham gia lao động thì có giảm nhưng không nhiều, điều này cho thấy mức ổn định về lực lượng lao động đã tạo cho ổn định về nguồn nhân lực trong xã hội Nhật Bản.

Luật Giáo dục của Nhật Bản chỉ rõ giáo dục được coi là nhiệm vụ của quốc gia và là quyền cơ bản của mọi người dân Nhật Bản. Giáo dục ở Nhật Bản được ưu tiên đầu tư trên tất cả các cấp học; các điều luật thành lập hệ thống giáo dục mới nêu rõ rằng các gia đình phải có nhiệm vụ đặt việc học tập của con cái mình lên trên hết. Sự đầu tư còn được thấy rõ các nguồn tài trợ phát triển giáo dục, các khoản chi phí cho giáo dục và đào tạo thường chiếm từ 5-6% ngân sách hằng năm của chính phủ Trung ương.

Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra một chiến lược tham gia toàn diện vào quá trình toàn cầu hoá vào giữa thập kỷ 1990, mà trước tiên và quan trọng nhất là hệ thống giáo dục phải được cải thiện triệt để, để đào tạo một số lượng đủ những công dân trẻ, sáng tạo và dám làm, những nhà lãnh đạo tương lai của đất nước. Trong bản báo cáo của Chính phủ nước này về giáo dục mang tên “Hình ảnh Hàn Quốc trong Thế kỷ 21” đã khẳng định : “Giáo dục và Đào tạo phải hướng tới mục tiêu bồi dưỡng tính sáng tạo, tinh thần kỷ luật tự giác, tính cạnh tranh, phát triển khả năng và nhân cách bảo vệ, phát huy sức mạnh, ý chí dân tộc, năng lực trí tuệ của người Hàn Quốc lên những trình độ cao nhất, đưa Hàn Quốc trở thành một quốc gia có vai trò chủ chốt trong các vấn đề của thế giới”.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo ở Hàn Quốc luôn ở mức 18 – 20%. Hướng tới tương lai đó là mục tiêu của nền giáo dục Hàn Quốc hiện đại; cùng với sự phát triển kinh tế, người dân Hàn Quốc đang cố gắng tạo ra những điều kiện tốt nhất có thể có cho việc đào tạo thế hệ trẻ.

Từ đầu những năm 1990, Trung Quốc rất coi trọng phát triển giáo dục và đào tạo để phát triển nguồn lực đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và hiện đạt hoá đất nước. Phát biểu tại Hội nghị quốc gia về nhân lực, ngày 19 – 20/12/2003 do Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản và Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đồng tổ chức, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã khẳng định: “Nhân lực là nguồn lực chủ yếu của Trung Quốc và đất nước Trung Quốc phải biến dân số hùng mạnh của mình thành một nguồn lực lớn với nguồn nhân tài phong phú”. Chính phủ Trung Quốc cho rằng chiến lược chấn hưng đất nước dựa trên phát triển nhân lực phải được coi trọng là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hiện nay của Trung Quốc.

Trong những năm đầu thập kỷ XXI, Trung Quốc tiếp tục coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ theo phương châm “4 hoá” ở giai đoạn thứ 3 là “cách mạng hoá, trẻ hoá, tri thức hóa và chuyên môn hoá (Ba giai đoạn là : Chuẩn bị, hình thành và chín muồi); đặc biệt, để tăng cường hội nhập quốc tế sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc thực hiện chủ trương bồi dưỡng, giáo dục nhân tài theo “3 hướng” là : Hướng về hiện đại hoá, hướng ra thế giới, hướng tới tương lai”. Hướng về hiện đại hoá là nói tới quan hệ giữa giáo dục và phát triển kinh tế, gắn giáo dục với việc thực hiện các nhiệm vụ chung của cả nước; hướng ra thế giới là một mối quan hệ giữa giáo dục và thế giới, vừa tuân theo những đặc trưng của nền giáo dục Trung Quốc, vừa chú ý tới xu thế phát triển của khoa học kỹ thuật và giáo dục của các nước trên thế giới; hướng tới tương lai là đề cập đến mối quan hệ giữa giáo dục với tương lai, vừa nhấn mạnh việc phục vụ sự nghiệp hiện đại hoá, vừa dự kiến nhu cầu phát triển trong tương lai. Mục tiêu “3 hướng” nhằm gắn giáo dục của Trung Quốc với giáo dục của nước ngoài, giáo dục hiện đại với giáo dục tương lai để bồi dưỡng nguồn nhân lực tốt hơn cho đất nước.

Chính phủ Thái Lan luôn khẳng định: Nguồn nhân lực có học vấn cao thực sự là một nhân tố thiết yếu cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Trên cơ sở đó, mục tiêu đề ra cho tới 2020 là nâng cao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học so với lứa tuổi ở Thái Lan lên tới 40% (tương đương với tỷ lệ của Hàn Quốc và Nhật Bản hiện nay); đồng thời, phát triển hệ thống đào tạo công nhân kỹ thuật nhằm tạo cơ hội học tập cho thế hệ thanh thiếu niên hiện nay. Thái Lan coi đây là một nhân tố quan trọng nhất để biến mục tiêu đạt mức GDP/người là 1.200 USD trở thành hiện thực vào năm 2020.

Ngay từ khi mới thành lập, Singapore đã đề ra chính sách phát triển giáo dục và đào tạo và chủ trương là xây dựng nền giáo dục mang nét đặc trưng của dân tộc. Chính phủ Singapore luôn coi việc khai thác và sử dụng nguồn lực là nội dung quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế. Nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu đã nói: “Biến tài năng trời phú của một dân tộc thành kỹ năng chuyên môn là nhân tố trọng đại quyết định thành tựu phát triển đất nước”.

Vào thập kỷ 1980, ngân sách dành cho giáo dục của Singapore mỗi năm tăng trung bình khoảng 30%. Mức chi cho giáo dục và đào tạo chỉ đứng thứ hai sau ngân sách quốc phòng, đã vượt các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản v.v; vào thập niên 1990, việc không ngừng tăng cường đầu tư cho con người, tích cực thúc đẩy cải cách

và điều chỉnh giáo dục chính là nhân tố quan trọng thúc đẩy nền kinh tế Singapore phát triển nhanh.

Từ năm 2005, Chính phủ Philippin đặt ra mục tiêu người dân Philippin phải được tiếp cận với một nền giáo dục (chính quy và không chính quy) giúp thể hiện toàn bộ tiềm năng của mình với tư cách là cá nhân, là thành viên của gia đình, của xã hội, của cộng đồng và của ngôi nhà chung của toàn cầu. Trong các kế hoạch phát triển trung và dài hạn của đất nước và trong từng thời kỳ Philippin luôn có kế hoạch phát triển con người. Chẳng hạn, “Kế hoạch phát triển quốc gia: hướng tới thế kỷ XXI” của Philippin đã viết “Từ năm 2005, người dân Philippin được trao quyền không chỉ khoẻ mạnh, có chế độ dinh dưỡng tốt, được giáo dục tốt, được có chỗ ở tiện lợi và an toàn về kinh tế mà họ còn được trang bị để thực hiện sự lựa chọn, được thông tin đầy đủ, được hưởng phúc lợi công bằng và quyền được lên tiêng bình đẳng trong sự phát triển của đất nước”.

Một phần của tài liệu phát triển nguồn nhân lực cho khu công nghiệp bắc vinh - nghệ an (Trang 37 - 40)