3.4.4.1 Chế độ lương, thưởng
Theo kết quả điều tra của tác giả về chính sách tiền lương cho người lao động trong thời gian qua tại KCN Bắc Vinh thì có đến 44,5% người lao động có mức lương không đủ sống; 22,8% người lao động được trả lương không tương xứng với năng lực và 24,6% người lao động không được tăng lương theo quy định. Để người lao động yên tâm làm việc, cống hiến lâu dài cho doanh nghiệp thì các chính sách về tiền lương phải được quan tâm đúng mức, đảm bảo được mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người lao động như phù hợp với mức sống của họ để tái tạo sức lao động, tra đùng năng lực để khuyến khích họ làm việc, cống hiến nâng cao NSLĐ. Có như vậy thì nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp mới được nâng cao, ít có sự biến động, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhằm đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp cần tiến hành một số công việc cụ thể như sau:
-Tùy vào đặc thù của doanh nghiệp mà xây dựng chính sách tiền lương và cách trả lương hợp lý nhưng phải đảm bảo nguyên tắc trả lương: cạnh tranh, công bằng và hợp lý. Mặt khác, việc trả lương cũng phải tuân theo quy định về lao động tiền lương của pháp luật Việt Nam. Ví dụ, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trực tiếp như may mặc, sản xuất đồ chơi trẻ em… thì nên trả lương theo phương pháp 40% tiền lương cứng cơ bản để đáp ứng những nhu cầu tối thiểu, thiết yếu cho người lao động, 60% tiền lương trả theo sản phẩm để kích thích người lao động tăng năng suất, chất lượng lao động.
Để gắn tiền lương với chất lượng lao động, mỗi người lao động sau một tháng làm việc thì cần được đánh giá xếp loại theo các mức độ để đảm bảo sự công bằng, tránh hiện tượng cào bằng về tiền lương. Ví dụ: Doanh nghiệp có thể chấm điểm và xếp loại người lao động theo các mức độ:
+ Loại A: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. + Loại B: Hoàn thành nhiệm vụ
Trên cơ sở đánh giá, xếp loại đó mà chủ doanh nghiệp trả lương, thưởng cho người lao động hợp lý. Ví dụ: Ngoài lương cơ bản, lao động loại A được công thêm thêm 20-30% tiền thưởng; lao động loại B được 10% và lao động loại C không được thêm lương…
Mặt khác, để kích thích sự gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp có thể áp dụng thêm hình thức tính thêm tiền lương theo thâm niên công tác. Nếu người lao động có thời gian làm việc từ 5 năm trở lên được tính thêm tiền thâm niên công tác là 5-7%, rồi cứ mỗi năm tăng thêm lại được cộng thêm 1 – 2%.
Tuy nhiên, các tiêu chí và phương pháp đánh giá xếp loại người lao động phải công khai, minh bạch thì mới phát huy được tinh thần làm việc của họ, nếu không phương pháp này sẽ phản tác dụng.
-Để kích thích tăng năng suất lao động, doanh nghiệp nên áp dụng các chính sách khen thưởng và đãi ngộ khác như:
+ Thưởng cho những nhân viên giới thiệu được sản phẩm của doanh nghiệp đến khách hàng. Mức thưởng được xác định bằng tỷ lệ phần trăm trên doanh thu.
+ Thưởng đối với những nhân viên cung cấp đươc các dịch vụ có chất lượng cho khách hàng như được khách hàng khen ngợi, được các đồng nghiệp tín nhiệm và được người quản lý trực tiếp xác nhận. Mức thưởng được xác định bằng tỷ lệ phần trăm trên mức lương tháng của người đó.
+ Ngoài ra, các doanh nghiệp cần duy trì các hình thức thưởng khác như thưởng cuối năm, thưởng hoàn thành vượt kế hoạch, thưởng sáng kiến…
3.4.4.2. Các chính sách phúc lợi cho người lao động
Về chính sách phúc lợi cho người lao động của các doanh nghiệp trong KCN Bắc Vinh, tác giả tiến hành phân tích và rút ra được một số kết quả như: 65,9% người lao động đang gặp khó khăn về nhà ở; 42,1% người lao động phản ánh về các điều kiện sinh hoạt như trường học, bệnh xá của KCN không đảm bảo; 36,8% số công nhân không được hỗ trợ cơm ca. Để tạo động lực cho người lao động yên tâm công tác và cống hiến cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp nói riêng và cả KCN nói chung cần thực hiện tốt các chính sách phúc lợi cho người lao động sau đây:
-Chăm lo chỗ ở cho công nhân: Như báo chí đã phản ánh, hiện nay tình trạng nhà ở cho công nhân tại KCN Bắc Vinh nói chung và các KCN trên địa bản tỉnh Nghệ An nói chung đang là vấn đề bức xúc của người lao động đang làm việc trong các
KCN (tác giả đã phân tích cụ thể tại chương 2). “An cư mới lạc nghiệp”, người lao động đang rất cần các khu nhà trọ đạt tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu tối thiểu về sinh hoạt. Ngoài sự đầu tư của tỉnh thì các doanh nghiệp cũng nên có những chính sách hợp lý như hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho công nhân, xây dựng các khu trọ cho công nhân gần chỗ làm việc… có như vậy thì công nhân mới yên tâm làm việc.
-Thành lập các trạm y tế của doanh nghiệp và thực hiện khám sức khoẻ định kỳ cho lao động: Hầu hết các doanh nghiệp trong KCN Bắc Vinh đều có phòng y tế cho người lao động. Tuy nhiên, các phòng y tế đang thiếu và yếu. Thiếu về trang thiết bị chăm sóc sức khỏe, thăm khám định kỳ cho lao động. Yếu về đội ngũ chăm sóc y tế. Vì vậy, để người lao động yên tâm làm việc thì các doanh nghiệp nên chú trọng hơn nữa đến vẫn đề này đó là mua sắm thêm các trang thiết bị, cho nhân viên y tế đi đào tạo nâng cao trình độ.
-Chăm lo bữa cơm cho người lao động: Một số doanh nghiệp đã thực hiện chính sách hỗ trợ cơm ca cho người lao động từ 10.000 đến 12.000đ/ngày/người như Công ty CP May Minh Anh – Kim Liên, Công ty TNHH Matrix. Tuy nhiên, qua thực tế trên thấy rằng việc tổ chức bữa ăn hiện nay đang còn nhiều điều phải bàn. Đó là chưa kể đến những công ty chưa tổ chức được bữa ăn mà ngay cả tại Công ty CP may Minh Anh - Kim Liên, Công ty TNHH Matrix hiện vẫn còn nhiều trường hợp công nhân phản ánh tình trạng cơm không đảm bảm, đã từng xẩy ra hiện tượng ngộ độc tập thể… vì vậy các doanh nghiệp cần phải kiểm tra, giám sát và quan tâm hơn nữa đến bữa ăn của người lao động để họ có đủ sức khỏe làm việc cho doanh nghiệp, tiến hành tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm cho những người nấu ăn cho công nhân và trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho công nhân viên.
-Tiến hành xây dựng các khu nhà giữ trẻ, các điểm vui chơi giải trí, thể dục thể thao, sinh hoạt cộng đồng để nâng cao sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động.
-Có chế độ nghỉ dưỡng hợp lí cho người lao động: Thực trạng tăng ca, làm thêm ở các doanh nghiệp của KCN Bắc Vinh được phản ánh nhiều, nhất là các doanh nghiệp may mặc, sản xuất đồ chơi, xuất khẩu…không đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Kết quả điều tra tại chương 2 cho thấy có 56,7% số lao động được hỏi phải làm thêm giờ liên tục nhất là các ngày thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ. Vì vậy, để người lao
động làm việc lâu dài thì các doanh nghiệp phải bố trí việc nghỉ ngơi cho người lao động hợp lý để họ có thời gian tái tạo lại sức lao động của mình.
-Các doanh nghiệp cũng cần xây dựng chế độ chính sách ưu đãi đối với nhân lực chất lượng cao để tạo động lực thu hút nhân tài trong và ngoài nước vào làm việc. Ngoài ra, cũng cần thường xuyên tôn vinh nhân tài đi kèm với các cơ chế khuyến khích về lợi ích vật chất đối với những cống hiến mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội.
-Các hình thức đãi ngộ khác có tác động đến động cơ và năng suất lao động như các danh hiệu khen thưởng, thăm hỏi, động viên tinh thần của lãnh đạo doanh nghiệp đối với cá nhân và gia đình người lao động nhân dịp hiếu hỉ, sinh nhật, lễ tết…