9. Dự kiến cấu trúc luận văn
1.2.4.1. Khái niệm văn hoá
Khái niệm văn hóa được nhiều người đề cập, vào năm 1994, trong công trình Văn hóa VN và cách tiếp cận mới, PGS. Phan Ngọc cho biết: “ Một nhà dân tộc học Mỹ đã dẫn ngót bốn trăm định nghĩa về văn hóa khác nhau”; do vậy, trên thế giới hiện nay, có rất nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan nghiên cứu… đã nghiên cứu về văn hoá, bằng kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu sắc của mình trên từng lĩnh vực, với cách tiếp cận khác nhau trên cương vị công tác của mình đã có những khái niệm về văn hoá như sau:
Ông Federico Mayor, cựu Tổng giám đốc UNESCO cho rằng: Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo (của cá nhân và các cộng đồng) trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc.
Thập niên 40 của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày một quan niệm về văn hoá: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá.”
Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã kế thừa tư tưởng của Bác và cho rằng: “Nói tới văn hoá là nói tới một lĩnh vực vô cùng phong phú và rộng lớn, bao gồm tất cả những gì không phải là thiên nhiên mà có liên quan đến con người trong một quá trình tồn tại, phát triển, quá trình con người làm nên lịch sử… cốt lõi của sức sống dân tộc là văn hoá với nghĩa bao quát và đẹp nhất của nó, bao gồm cả hệ thống giá trị: tư tưởng và tình cảm, đạo đức với phẩm chất, trí tuệ và tài năng, sự nhạy cảm và sự tiếp thu cái mới từ bên ngoài, ý thức bảo vệ tài sản và bản lĩnh các cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu để bảo vệ mình và không ngừng lớn mạnh.”[22].
Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường thiên nhiên và XH của mình.
Có thể thấy sự phong phú trong cách sử dụng thuật ngữ, diễn đạt, với nhiều góc độ và cách tiếp cận khác nhau đã dùng ở một số định nghĩa nêu trên, qua nghiên cứu chúng tôi nghĩ khái niệm văn hóa cũng có thể hiểu như sau : Văn hoá là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần được hình thành theo thời gian qua sự tác động sáng tạo của con người vào tự nhiên, XH và vào chính con người để vươn tới sự hoàn thiện góp phần thúc đẩy sự tiến bộ, phát triển không ngừng của đời sống XH loài người.
Để hiểu rõ khái niệm văn hóa và phân biệt một khái niệm gần với khái niệm văn hóa (culture) đó là khái niệm văn minh (civilization); bởi lâu nay, không ít người vẫn sử dụng văn minh như một từ đồng nghĩa với văn hóa.
“Văn minh (văn nghĩa là vẻ đẹp, minh nghĩa là sáng) là khái niệm có nguồn gốc từ phương Tây chỉ trình độ phát triển nhất định của văn hóa về phương diện vật chất, nó đặc trưng cho một thời đại và một khu vực rộng lớn hoặc cả nhân loại.”[33]. Hai khái niệm văn hóa và văn minh “gần gũi, có liên quan mật thiết với nhau song không đồng nhất”[33]; trong khi văn hóa luôn luôn có bề dày của quá khứ thì văn minh chỉ cho biết trình độ phát triển của văn hóa; thực tế chứng minh như sau: nếu như vào thế kỷ XIX, chiếc đầu máy hơi nước đã từng là biểu tượng của văn minh thì sang thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI nó là biểu tượng của sự lạc hậu và nhường chỗ cho máy vi tính, máy kỹ thuật số, phi thuyền bay vào vũ trụ...
Ở Việt Nam còn có các khái niệm: văn hiến, văn vật đó là những khái niệm bộ phận của văn hoá; hai khái niệm này khác với khái niệm văn hoá ở độ bao quát các giá trị: “văn hiến là văn hoá thiên về các giá trị tinh thần, còn văn vật là văn hoá thiên về các giá trị vật chất”.
* Chức năng của văn hoá: Văn hoá có 4 chức năng: tổ chức XH, điều chỉnh XH, giáo dục, giao tiếp.
+ Chức năng tổ chức XH : “Chính văn hóa thường xuyên làm tăng độ ổn định của XH, cung cấp cho XH mọi phương tiện cần thiết để ứng phó với môi trường tự nhiên và XH của mình.” [33]. Thể hiện của chức năng này, đó là: tận dụng môi trường (nếu tác động của môi trường là tích cực), đối phó môi trường (nếu tác động của môi trường là tiêu cực) và chủ động cải biến, sáng tạo ra môi trường.
+ Chức năng điều chỉnh XH: Văn hóa định hướng các giá trị, xem xét, phân loại các giá trị, điều chỉnh các ứng xử của con người, “giúp cho XH duy trì trạng thái cân bằng động của mình, không ngừng tự hoàn thiện và thích ứng với những biến đổi của môi trường để tồn tại và phát triển.”[33].
+ Chức năng giáo dục: Nhờ chức năng giáo dục mà truyền thống văn hóa được tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác.
+ Chức năng giao tiếp : Văn hóa trở thành một công cụ giao tiếp quan trọng bởi văn hóa luôn gắn liền với con người và hoạt động của con người trong XH, thể hiện cụ thể: “giao tiếp giữa các cá nhân trong một dân tộc, giữa những người thuộc các dân tộc khác nhau, giữa các nền văn hóa khác nhau trên thế giới.”[33].