Chuyển đổi quan niệm nghệ thuật về hiện thực

Một phần của tài liệu Khuynh hướng thế sự trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1975 đến 1985 (Trang 28 - 33)

6. Cấu trúc của luận văn

1.4.1.Chuyển đổi quan niệm nghệ thuật về hiện thực

Sự chuyển đổi của văn học trước hết thể hiện ở sự chuyển đổi quan niệm nghệ thuật của người cầm bút. Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, quan niệm là một khái niệm về chủ thể, khái niệm về hệ quy chiếu, thể hiện tầm lí giải, tầm hiểu biết, tầm đánh giá, tầm trí tuệ, tầm nhìn, tầm cảm, nói tổng quát là tầm hoạt động của chủ thể. Quan niệm cung cấp một mặt bằng để trên đó diễn ra sự lựa chọn, khái quát, nhào nặn, tạo ra hình tượng nghệ thuật, thậm chí có thể biến đổi hình dạng sự vật hoặc miêu tả không chính xác về đời sống

[59/8]. Quan niệm thuộc về chủ thể sáng tạo nên mỗi nhà văn có quan niệm riêng và quan niệm của họ có thể thay đổi theo thời đại.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 23

Quan niệm nghệ thuật về hiện thực là sự nhận thức, đánh giá về hiện thực cuộc sống của nhà văn theo một quan điểm thẩm mĩ nhất định. Đây không phải là sự nhận thức lí thuyết, trừu tượng, chung chung mà là cách nhìn, cách cảm nhận về đời sống xã hội mang hơi thở cuộc sống, hơn nữa gắn bó máu thịt với cuộc đời nhưng đã được nâng lên tầm khái quát. Quan niệm về hiện thực thể hiện sự khám phá, lí giải, trình độ chiếm lĩnh hiện thực của người sáng tác. Thực tế, mỗi nhà văn, nhà thơ có một vùng đối tượng thẩm mĩ riêng mà tự nó đã ghi đậm dấu ấn của họ.

Về tính hiện thực, đây là thuộc tính cơ bản của văn chương. Nó phản ánh mối liên hệ giữa tác phẩm và cuộc đời. Nhưng quan niệm về hiện thực trong văn chương thì luôn vận động.

Giai đoạn 1945- 1975, do yêu cầu của cách mạng nên văn học dồn trọng tâm cho nhiệm vụ tuyên truyền lí tưởng, cổ vũ chiến đấu. Hiện thực được lựa chọn thường là hiện thực lớn lao phát triển theo hướng xuôi chiều và lạc quan. Đó là hiện thực của cuộc sống chiến đấu, sản xuất nhiều khi đã được tráng một

lớp men trữ tình hơi dày. Văn học phát triển theo thiên hướng ca ngợi một chiều,

tô hồng. Ai viết về người không tốt, việc không tốt thường bị quy kết vào tội bôi

đen. Đánh giá về hiện thực trong văn học thời kì này, nhà văn Nguyễn Minh

Châu cho rằng: Hiện thực của văn học có khi không phải là cái hiện thực đang tồn tại mà là cái hiện thực mọi người đang mơ ước[45]. Đó là cái hiện thực trong cái nhìn lí tưởng hóa, nó đẹp nhưng có phần đơn giản, dễ dãi.

Chiến tranh kết thúc, hiện thực cuộc sống thay đổi. Tư duy nghệ thuật ngày càng dân chủ hơn. Vì thế, biên độ của hiện thực ngày càng được mở rộng. Văn học sau 75 ngày càng có sự nới rộng phạm vi hiện thực. Đó có thể là hiện thực chiến tranh được miêu tả dưới cái nhìn mới. Đó cũng có thể là hiện thực về số phận của một cá nhân, một gia đình, một dòng họ…trong thời kì khủng hoảng, bế tắc của xã hội. Những mặt trái, những mặt khuất lấp, cái tiêu cực, cái xấu, cái bất hợp lí đều được phát hiện. Có thể nói, cuộc sống

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 24

được phản ánh vào trong tác phẩm không chỉ là cái phần anh hùng cao cả mà còn thấm thía nỗi buồn của con người thời hậu chiến, là cuộc sống với tất cả cái sôi động, quyết liệt của cuộc đấu tranh cũng như cái đời thường vừa nhân

hậu ấm áp, vừa nhếch nhác, lấm lem [32/12].

Sự thay đổi trong quan niệm về hiện thực đã giúp nhà văn thoát ra khỏi sự ràng buộc của chủ nghĩa đề tài để phản ánh cuộc sống một cách toàn vẹn, chân thực hơn, đồng thời mở ra khả năng phong phú, vô tận trong việc khám phá và thể hiện đời sống. Nhà văn cũng có thể khám phá những miền khuất lấp, những mặt trái của đời sống, đi sâu vào chiều sâu tư tưởng, tình cảm, tâm linh của con người. Những nơi mà trước đây trong hoàn cảnh chiến tranh, họ ít có điều kiện đề cập đến.

Đề tài chiến tranh và những vấn đề thời sự- chính trị vẫn là mối quan tâm của văn học và gây được tiếng vang nhất định trong công chúng. Tuy nhiên, hướng khai thác đề tài này của các tác giả không hoàn toàn giống trước. Miền cháy của Nguyễn Minh Châu là một ví dụ tiêu biểu. Tác phẩm này đã đánh dấu bước chuyển của Nguyễn Minh Châu từ chủ nghĩa hiện thực đậm chất lãng mạn cách mạng và cảm hứng sử thi trước 1975 tới chủ nghĩa hiện thực tỉnh táo sau 1975. Miền cháy là câu chuyện của đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thử thách. Nhiều những thử thách là hậu quả của chiến tranh để lại, nhiều những thử thách mới nảy sinh sau cuộc chiến và thậm chí ngay trong hàng ngũ những người chiến thắng. Chọn Quảng Trị- miền đất gánh chịu sự tàn phá, hủy diệt khốc liệt nhất của cuộc chiến, Nguyễn Minh Châu đã giúp người đọc cảm nhận được những nỗi đau mất mát to lớn của bao gia đình, bao số phận ngay và cả sau khi cuộc chiến đã kết thúc khi đặt các nhân vật vào những hoàn cảnh trớ trêu, những tình huống éo le. Ở đó vẫn sáng lên những phẩm chất tốt đẹp của những người lính, những bà mẹ có con, những cô gái có người yêu chiến đấu và hi sinh nơi chiến trường…Đồng thời, nhà văn cũng sớm cảnh báo về những ung

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 25

nhọt hiểm họa của cái xấu, cái ác đang mọc ngay ra ngay trong hàng ngũ cách mạng sau ngày chiến thắng. Một số cán bộ được nhân dân che chở nuôi dưỡng trong thời kì chiến tranh, nay có quyền lực có những biểu hiện xa rời nhân dân, quan liêu, thờ ơ trước số phận của nhân dân. Miền cháy cho thấy sự mẫn cảm của nhà văn với thời cuộc, quan trọng hơn là sự đổi mới cách nhìn về hiện thực và cách viết của tác giả.

Song song với đề tài chiến tranh, nổi bật và nở rộ hơn cả là những tác phẩm viết về hiện thực cuộc sống thường nhật sau cuộc chiến. Nhiều tác phẩm dành sự quan tâm hơn cho thời hậu chiến như quá trình hòa hợp dân tộc, từ bỏ các thói quen thời chiến để bước vào thời bình, những vấn đề đạo đức mới nảy sinh trong các quan hệ thường nhật, phổ biến…Tháng Ba ở Tây Nguyên của Nguyễn Khải, Lửa từ những ngôi nhà của Nguyễn Minh Châu, Những

khoảng cách còn lại của Nguyễn Mạnh Tuấn, Hai người trở lại trung đoàn

của Thái Bá Lợi…là những tác phẩm như vậy. Cái mới của những tác phẩm này thể hiện qua những dự cảm, những trăn trở có sức ám ảnh sâu sắc, đòi hỏi người đọc phải suy nghĩ nghiêm túc. Đó có thể là nỗi ái ngại của nhà văn trước những người lính dày dặn kinh nghiệm trận mạc nhưng lại khá xa lạ với cái đời thường có vẻ như nhạt nhẽo tầm thường mà lại chính là máu thịt tự nhiên của cuộc sống (Lửa từ những ngôi nhà). Đó có thể là mong muốn khước từ cái nhìn một chiều về người anh hùng (Hai người trở lại trung đoàn). Đó cũng có thể là những lời phê phán sự lầm lạc trong đức tin của con người nhưng bằng cái nhìn mềm dẻo, uyển chuyển khi xử lí đề tài tôn giáo (Cha và con và…)… Dòng mạch mới này lúc đầu âm thầm, lặng lẽ nhưng càng về sau càng mạnh mẽ và chứa đựng những nhận thức vừa đầy đủ, vừa khoa học hơn về hiện thực. Chính sự nới rộng phạm vi hiện thực đã rút ngắn dần khoảng cách giữa văn học và hiện thực, đồng thời giữa văn học và công chúng.

Dần dần xu hướng chung là các nhà văn, nhà thơ không muốn trói mình vào một quan niệm đơn giản, cứng nhắc, nhất thành bất biến về hiện thực. Họ

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 26

muốn được phát huy tận độ trí tưởng tượng nghệ sĩ. Họ muốn thuyết phục người khác bằng sự trải nghiệm của riêng mình. Khi mỗi nhà văn muốn trình bày một cách nhìn riêng, một cách cắt nghĩa riêng về hiện thực thì hiện thực được phản ánh hoàn toàn có thể trở thành phương tiện của nghệ thuật chứ không chỉ là mục đích nghệ thuật. Khi đó, nhà văn sẽ không bị gò bó vào “bút pháp tả thực” theo nguyên tắc duy nhất. Có thể nói, do yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt nên văn học trước 1975 nổi bật ở tính thống nhất một hướng. Các nhà văn không nghĩ đến việc kiếm tìm tư tưởng riêng mà tự nguyện lựa chọn tư tưởng chỉ đạo chung, cùng soi vào hiện thực cái nhìn giống nhau, sử dụng nguyên tắc mô tả như nhau. Đôi khi cũng có người muốn khác đi nhưng kết cục thường là không thành công và bị phê phán nghiêm khắc. Điều này cho thấy tâm lí thời đại tán thành sự thống nhất về tư tưởng, tán thành những chuẩn mực chung ổn định. Nhưng từ sau 1975, văn học dần dần xuất hiện tính nhiều khuynh hướng. Tính chất này xuất phát từ những tư tưởng khác nhau về hiện thực. Cũng từ đây, cảm hứng minh họa lùi xuống nhường chỗ cho cảm hứng phân tích, đối thoại, khám phá. Trong thời kì này, mặc dù cùng tìm kiếm ý nghĩa triết học về sự tồn tại của con người nhưng Nguyễn Minh Châu theo đuổi những “hạt ngọc” đạo đức, Ma Văn Kháng lại đề cao giá trị cội nguồn, Nguyễn Khải lại coi trọng khả năng “chọn lựa” sáng suốt của mỗi cá nhân, mỗi thế hệ…

Tất nhiên chúng ta vẫn không thể phủ nhận những thành tựu mà văn học trước 1975 đạt được và cũng không thể khẳng định rằng cứ đổi mới, cứ khác trước là hay hơn, đúng hơn. Bởi từ nhận thức đến tạo được giá trị là cả một chặng đường dài, gian nan đòi hỏi tài năng của người nghệ sĩ. Nhưng xét ở bản chất văn chương, ở cơ chế sáng tạo nơi người nghệ sĩ, thì một quan hệ tự do, không phụ thuộc với hiện thực miêu tả là hợp lý và ở thực tiễn văn học nước ta, nó cũng là một bước phát triển tự giác của ý thức nghệ thuật. Và nhìn vào cuộc sống của đất nước sau cuộc chiến, chúng ta thấy Nguyễn Minh Châu

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 27

thật có lí khi nói rằng: Trong bối cảnh đầy khó khăn của đời sống hậu chiến không cho phép những người đã nếm trải chiến tranh, đã biết như thế nào là cái nghiêm khắc của chiến tranh, cầm bút một cách điệu đàng, ca ngợi vuốt

ve một cách dễ dãi [45/94].

Một phần của tài liệu Khuynh hướng thế sự trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1975 đến 1985 (Trang 28 - 33)