Tình huống bi kịch, éo le

Một phần của tài liệu Khuynh hướng thế sự trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1975 đến 1985 (Trang 55 - 60)

6. Cấu trúc của luận văn

2.1.3. Tình huống bi kịch, éo le

Tiểu thuyết từ sau 1975 đã thực sự quan tâm đến con người, đến thân phận con người và có nhiều khám phá mới mẻ về con người. Một trong những biểu hiện của sự khám phá ấy là các tác giả đã nhìn thấy những tình huống bi kịch, éo le mà con người phải trải qua trong cuộc sống thời hậu chiến.

Tình huống là một yếu tố nghệ thuật then chốt của tác phẩm tự sự. Dù là một tác phẩm lớn hay nhỏ, có cốt truyện hay không có cốt truyện, dù không có cao trào thắt nút, mở nút thì truyện cũng luôn luôn dựa trên tình huống nhất định. Các nhà văn thường rất coi trọng tình huống và thực tế đôi khi người ta nghĩ ra được một tình thế xảy ra cho câu chuyện thật hay và thế là

coi như xong một nửa [72/85].

Những năm chiến tranh, do yêu cầu cổ vũ, động viên tinh thần nhân dân để tích cực chiến đấu và giành chiến thắng, văn học nói chung, tiểu thuyết nói riêng ít nhiều có phần né tránh cái bi, ngại viết về những nỗi buồn. Đó là sự lựa chọn đúng và cần thiết trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Nhưng khi cuộc sống đã trở về với dòng chảy bình thường trong tất cả sự phong phú và phức tạp vốn có của nó với bao niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, đau khổ của những số

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 50

phận éo le, những cuộc đời buồn vui dang dở, những cảnh ngộ thương tâm, bất hạnh…thì việc xuất hiện cái bi và những nỗi buồn trong văn học là một lẽ tự nhiên, một đòi hỏi chính đáng của cuộc sống và cũng là một nghĩa vụ, món nợ của văn chương đối với cuộc đời. Viết về cái bi và nỗi buồn chính là sự bổ sung cho đầy đủ hơn trong cách nhìn hiện thực, nghiên cứu, khám phá hiện thực trong tính trọn vẹn vốn có của nó. Chính vì thế, sau 1975, các nhà văn đã để tác phẩm chân thực như vốn dĩ hiện thực cuộc sống khi xây dựng những tình huống bi kịch, éo le xoay quanh các nhân vật của mình.

Có thể nói, tình huống bi kịch xuất phát từ mâu thuẫn và đấu tranh trong ý thức con người. Đó là những mâu thuẫn trong đời sống xã hội và trong đời sống riêng tư. Có cái bi cá nhân trong tình yêu, gia đình, trong các mối sinh hoạt đạo đức, có cả những cái bi kịch lịch sử. Trong thực tế, có những tác phẩm văn học chỉ chủ yếu mô tả bi kịch cá nhân, có những tác phẩm chỉ dành để nói đến những xung đột xã hội- lịch sử và đồng thời cũng có những tác phẩm nói về cái bi của cá nhân nhưng đằng sau đó lại hiện ra những xung đột xã hội to lớn.

Việc xây dựng tình huống bi kịch, éo le trong tiểu thuyết sau 1975 bắt nguồn từ cái nhìn đa diện, nhiều chiều, tinh tế, nhạy cảm của nhà văn về con người và cuộc đời trong thời kì này. Do vậy, tình huống bi kịch thường gắn với số phận cá nhân, góp phần khắc hoạ tâm hồn, tính cách, khái quát về số phận con người. Đó là những tình thế có sự xung đột giữa cái thiện và cái ác, giữa khát vọng cá nhân với sự khắc nghiệt của hoàn cảnh, trong xu thế cái thiện, cái cao cả còn chưa được khẳng định, ước muốn chân chính cá nhân còn bị chi phối bởi sự nghiệt ngã của cuộc sống.

Trong Miền cháy, mẹ Êm được đặt trong một tình huống đầy bi kịch. Người con trai cuối cùng của mẹ bị tên lính nguỵ bắn chết trong đúng ngày chiến tranh kết thúc. Trớ trêu hơn, mẹ lại nuôi đứa trẻ- con trai của chính người lính nguỵ đã giết chết con trai mình. Khi biết sự thật, bà mẹ có cảm tưởng y như lâu nay có một con rắn vẫn nằm khoanh trên tấm phản gỗ, và còn

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 51

bà thì đêm nào cũng ấp ủ nó. Chính nó không phải ở đâu xa mà lâu nay vẫn

gối đầu trên cánh tay mình, vẫn rúc trong ngực mình…[13\436]. Trong một

khoảnh khắc, nỗi căm phẫn từ bao lâu nay dồn về, bà mẹ giơ tay túm lấy tóc thằng bé, lật ngửa mặt nó ra nhưng tiếng khóc của đứa bé làm bà mẹ như sực tỉnh. Bà đứng im như kiệt sức trước mặt nó. Một tiếng thở dài từ từ trút hết cơn giận ra. Bà mẹ đứng yên một hồi lâu, sau giây phút có đôi chút ngập ngừng, bà mẹ đã cúi xuống ôm lấy đứa trẻ, dỗ dành an ủi và lại chăm chút cho nó như thường ngày, rồi giữ nó bên mình để chăm sóc cho nó. Đôi khi, nghĩ đến Nghĩa và hoàn cảnh thực tại của mình, bà mẹ giận dỗi đẩy nó ra khỏi lòng mình. Nhưng chỉ chốc lát, bà lại cảm thấy trống trải, chống chếnh, trơ trọi. Thằng bé ngây thơ thì không thể biết rằng nó đang vừa hành hạ bà, lại vừa sắp sửa được đón nhận một một tình cảm yêu thương mới đang bắt đầu nảy nở, đang bắt đầu manh nha trong lòng bà mẹ. Đặt người mẹ trong tình huống bi kịch nghiệt ngã đó, Nguyễn Minh Châu vừa cho thấy bi kịch khủng khiếp của chiến tranh, vừa khắc đậm bản lĩnh và bản chất nhân văn cao cả của người mẹ.

Hai mươi năm xa nhà đi chiến đấu, khi trở về có lẽ ông Sĩ (Những

khoảng cách còn lại- Nguyễn Mạnh Tuấn) không thể ngờ được rằng mình

sắp phải đối diện với bao sóng gió ngay chính trong gia đình mình, từ chính người vợ và những đứa con yêu quý của mình. Cái bi kịch gia đình ly tán tưởng đã kết thúc sau ngày giải phóng, nay lại hiện ra ở một khía cạnh mới, thậm chí nó còn nặng nề, gây đau xót hơn cả cái bi kịch xa cách trước đó. Bên cạnh người vợ xảo trá lúc thật, lúc giả, lúc đắm đuối, dịu dàng, lúc lại hiện nguyên hình như một con yêu tinh khiến ông Sĩ không một phút thanh thản khi ở nhà. Những mâu thuẫn, dằn vặt trong gia đình ông Sĩ cứ như sóng của biển liên tục oằm oặp vỗ bờ. Có lúc con sóng trào ra xa, nhưng chỉ để xô vào thêm mạnh hơn mà thôi. Điều khiến ông Sĩ đau lòng nhất có lẽ là Quỳnh. Không phải đến khi đi bảo lãnh cho Quỳnh, ông mới biết được sự bất trị, hư đốn của con gái. Nhưng đến khi nghe Năm Khởi nói Quỳnh là mộtcô gái hư

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 52

hỏng, xếp vào loại gái điếm và lưu manh chưa có cơ sở nhưng thuộc loại híp-

pi sa đoạ [64\270] thì ông Sĩ vẫn không đủ bình tĩnh để nghe tiếp. Khi Quỳnh

xấc xược vắt chân chữ ngũ, bĩu môi lãnh đạm nói: Tôi không cần gì hết. Tôi

chán các người lắm rồi… mặt ông Sĩ tái hẳn, mạch máu hai bên cổ phập

phồng, bàn tay phát run lên, mắt tối sầm [64\271]. Sự hỗn láo, biến chất của

Quỳnh là một trong những vết thương đau nhất của ông Sĩ do quân thù để lại. Không dừng lại ở đó, những đau khổ của ông Sĩ vẫn sẽ còn dai dẳng khi các thành viên trong gia đình ấy chưa đi hết “những con đường đau khổ” theo cách riêng của mình để xoá bỏ dần “những khoảng cách còn lại”.

Trong Thời xa vắng của Lê Lựu, nhân vật Sài có một cuộc đời đầy bi kịch. Sài là người thành đạt xét về địa vị xã hội nhưng anh ta lại bất hạnh trong cuộc sống riêng tư. Xét cho cùng, bi kịch của Sài là do anh ta đã tự đánh mất chính mình. Sài phải im lặng chịu đựng theo ý mọi người, để được coi là tốt, gương mẫu, nhưng mấy ai biết được Sài đang tự đánh mất bản ngã, không dám khẳng định mình, đang gồng lên đẽo gọt mình cho phù hợp với chuẩn mực của gia đình và xã hội. Chính Sài cũng đã thú nhận: Giá ngày ấy em cứ sống với tình cảm của chính mình, mình có thế nào cứ sống như thế, không sợ ai, không chiều theo ý ai, sống hộ ý định của người khác, cốt cho đẹp mặt mọi người chứ

không phải cho hạnh phúc của mình [50\389]. Có thể thấy, bi kịch của Sài nảy

sinh từ mối xung đột giữa một bên là điều người khác muốn (ý chí tập thể) và một bên là điều mình mong muốn (khát vọng hạnh phúc cá nhân). Nhưng bi kịch của Sài không phải chỉ do nguyên nhân khách quan mà còn bắt nguồn từ chính tính cách của anh ta. Vì thế, khi đi tìm nguyên nhân của bi kịch, Lê Lựu đã phân tích một cách sắc sảo tính cách của nhân vật Sài. Sài nhận thức được và đau đớn khổ tâm vì hạnh phúc của mình nằm trong tay người khác nhưng lại không thoát khỏi sự định đoạt ấy. Sài khổ vì cách người ta quan tâm đến cuộc sống của anh. Nhưng Sài không có hạnh phúc còn vì chưa bao giờ anh lên tiếng hay phản kháng để được sống thật với lòng mình, sống như mình mong muốn,

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 53

khao khát. Có thể nói, sự nhu nhược, yếu đuối, thiếu bản lĩnh chính là nguyên nhân sâu xa tạo nên những bi kịch của Sài.

Khác với tiểu thuyết Lê Lựu, bi kịch thường ở trong bản thân cá nhân nhân vật, trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng, bi kịch thường xảy ra từ những mối quan hệ xã hội như giữa các thế hệ trong gia đình (Mùa lá rụng trong vườn), đối với đồng nghiệp trong quan hệ công việc (Mưa mùa hạ)…

Trong Mùa lá rụng trong vườn, nhân vật ông Bằng là đại diện cho tư tưởng thủ cựu, ông duy trì gia đình theo cách của mình mà không biết rằng nó đã không còn hợp thời. Ông cố gắng xây dựng gia đình mình từ những điều nhỏ nhất, răn dạy các con cũng phải biết giữ gìn nền nếp như mình. Mọi sự cố gắng của ông đều nhằm bảo vệ danh dự gia đình, vì với ông đó là điều lớn lao nhất, quan trọng nhất. Ông đã chống lại những cái xấu đang tàn phá cuộc sống bằng cách dựa vào một nền tảng tinh thần bền vững của gia đình. Nhưng thực ra, ông đang tự dối lòng mình, trong ông đầy mâu thuẫn. Cái chết của Cừ khiến ông nhận ra cách giáo dục con cái của mình qua cứng nhắc, hà khắc, lỗi thời. Vì thế, ông đã gục ngã. Bi kịch gia đình không chỉ dừng lại ở những cái sai trong suy nghĩ, hành động lỗi thời của ông Bằng, mà còn bởi trong gia đình ấy có những kẻ mang mầm mống nổi loạn như Cừ và Lý. Họ muốn tung hê tất cả, đi ngược lại với mọi chuẩn mực đạo đức, nền nếp truyền thống. Cừ coi đạo đức là con số không vô nghĩa. Anh ta coi thường tất cả những giá trị tinh thần cao quý thiêng liêng và chỉ coi cái gì hợp với mình thì cái đó là đạo đức. Cừ coi việc hệ trọng với cô thợ dệt chiếu chỉ là chuyện sinh hoạt vặt vãnh nên chối bỏ trách nhiệm làm chồng, làm cha. Tệ hại hơn, anh ta còn rủ Ngọc Liên trốn chồng để cùng vượt biên với mình. Chỉ đến khi chứng kiến cảnh nhục nhã, đau đớn của Ngọc Liên khi sống trong trại tị nạn nơi đất khách quê người thì Cừ mới tỉnh ngộ. Bế tắc, Cừ đã phải chọn cái chết để chuộc lỗi lầm của mình. Bên cạnh Cừ là Lý- một phụ nữ xinh đẹp, thông minh, tháo vát, có tài nội trợ, giỏi mua bán, biết chiều nịnh…Đã có lúc Lý sống tốt, nhưng ngay cả khi ấy, Lý vẫn

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 54

ấp ủ trong mình những khao khát tầm thường. Ở Lý toát ra tất cả sự phàm tục: thích những quyền hành nho nhỏ, thích sai khiến xung quanh bàn ăn, bếp nấu, thích đứng mũi chịu sào, coi mình hơn người, thích ăn diện, thích được khen, thích theo đòi cuộc sống xa hoa…Với lối sống thực dụng của mình, Lý rơi vào sự sa ngã. Có thể nói, các thế hệ trong gia đình ông Bằng đã biến thiên theo dòng đời. Có người sống tốt đẹp lên, nhưng có người sống kém đi. Có người phải từ giã cõi đời, có kẻ phải trả giá bằng cái chết. Điều đó, khiến cho gia đình ấy rơi vào bi kịch. Bi kịch vì sự mâu thuẫn của các mối quan hệ trong chính gia đình họ. Cuối cùng tất cả mọi người đều nhận ra chân lý, song cái giá mà họ phải trả cho những lầm lạc của mình là không nhỏ.

Để xây dựng tình huống bi kịch, các nhà tiểu thuyết đã xuất phát từ nền tảng nhân văn trong cách nhìn nhận, đánh giá con người và cuộc sống. Thực tế cho thấy đời sống luôn bao hàm cả cái bi và cái hài, cái thấp hèn và cái cao cả. Vì thế, mỗi con người ngoài bản chất xã hội cần được nhìn nhận như một cá nhân mang những bản chất người với cả bóng tối và ánh sáng, cả sức mạnh và sự yếu đuối, với những mất mát, những nỗi đau, những khao khát, cùng những giới hạn không thể vượt qua. Với cách nhìn nhận ấy, với ưu thế của thể loại, tiểu thuyết không thể không đề cập đến những tình huống bi kịch, éo le trong cuộc sống con người. Bởi khi dám nhìn thẳng vào bi kịch, con người sẽ tự có ý thức vươn lên để chiến thắng cái ác hướng tới sự hoàn thiện.

Một phần của tài liệu Khuynh hướng thế sự trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1975 đến 1985 (Trang 55 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)