6. Cấu trúc của luận văn
3.3.2. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình, hành động
Nói đến ngoại hình là nói đến những đặc điểm về hình dáng bên ngoài như diện mạo, trang phục, cử chỉ… Ngoại hình là thứ ngôn ngữ không lời của nhân vật. Tính cách nhân vật phần nào sẽ bộc lộ qua ngoại hình. Vì thế, việc miêu tả ngoại hình một nhân vật như thế nào cũng hết sức quan trọng.
Trong Mùa lá rụng trong vườn, Nhà văn Ma Văn Kháng đã rất thành công trong cách miêu tả ngoại hình làm nổi bật tính cách nhân vật. Ma Văn Kháng đã miêu tả nhân vật Lý có cái nhan sắc làm mê hồn đàn ông. Chị đẹp và sang như một diễn viên trên sân khấu. Nhưng vẻ đẹp bên ngoài của Lý cũng cho thấy rõ sự thay đổi của con người này: Mặt Lý phính, bừng một men hồng bóng lọng của nắng gió phương Nam. Mắt Lý tô xanh, lẳng và táo tợn. Tóc Lý cuốn gọn trong cái mũ vải có lưỡi trai xòe to cum cúp che trước mặt. Cái mũ màu trắng sang trọng thường thấy những thiếu nữ nhởn nhơ đội ở ngoài bãi biển. Cái quần côn đắp hai túi sau mông, thon bó dưới ống, mầu sáng làm nổi bật cái may ô láng như sa tanh đỏ gắt nịt lấy người, tôn sự đầy đặn của đôi tay trần nuột óng và một bộ ngực nhô cao như đắp nặn, ngạo nghễ và thách thức
[41\231]. Có vẻ như cái chân dung của Lý đang thay đổi cùng thời đại, cùng cái biến thiên của nền kinh tế thị trường. Vẻ ngoài của Lý phản ánh trung thực
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 82
những thay đổi bên trong con người chị. Và vì thế, người đọc cũng nhận thấy rõ sự biến động trong tâm trạng của người phụ nữ này: Yêu đời nồng nhiệt và
những hoan lạc thầm kín cùng lúc đồng thời bộc phát [41\113].
Bên cạnh ngoại hình, các nhà văn cũng rất chú ý miêu tả hành động của nhân vật để lột tả tính cách, nhân cách của họ. Hành động của nhân vật là toàn bộ những việc làm cụ thể của nhân vật trong giao tiếp, trong các quan hệ ứng xử. Mặt khác, hành động cũng là nguyên nhân trực tiếp tạo nên biến cố, là cơ sở hình thành, phát triển cốt truyện của tác phẩm.
Với nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, để các nhân vật có thể hành động liên tục được, ông luôn đặt họ vào những tình huống giàu kịch tính với những xung đột dồn dập, căng thẳng. Chính ở đó, nhân vật của Nguyễn Mạnh Tuấn có điều kiện bộc lộ khá rõ bản chất tính cách của mình. Chẳng hạn, trong tiểu thuyết “Đứng trước biển”, nét tính cách nổi bật nhất của nhân vật Ba Đức là dám nghĩ, dám làm. Để cho nhân vật bộc lộ rõ nét tính cách đặc trưng ấy, tác giả đã đặt nhân vật vào một loạt các tình huống hết sức căng thẳng như: Tình trạng xí nghiệp bê bối, cảng cá lộn xộn, Chín Tâm tìm đủ cách để gây khó khăn về tài chính, con trai bị công an giữ, thiếu vật tư phụ tùng thay thế cho tàu đánh cá trong lúc thời vụ khẩn trương, giám đốc cũ Lê Tám thì bất mãn, lừng chừng trong việc ủng hộ Ba Đức…Giữa lúc Ba Đức đang đau đầu vì hàng loạt công việc trên thì vợ bị bệnh nặng phải cấp cứu, nhà bị đòi…Nhưng chính ở thời điểm căng thẳng này, tính cách của Ba Đức đã bộc lộ ra mạnh mẽ. Ba Đức dứt khoát phá bỏ cơ chế lãnh đạo quản lý cũ, cải cách toàn bộ các khâu của xí nghiệp. Hành động cương quyết ấy của Ba Đức đã giúp xí nghiệp Sao Mai dần thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng và ngày càng phát triển.
Hành động của các nhân vật tiểu thuyết rất đa dạng. Nhưng nhìn chung những nhân vật chính diện thường có hành động cao thượng, còn những nhân vật phản diện thường có những hành động thấp hèn, chỉ cốt để đạt được cái lợi
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 83
cho bản thân mình. Chẳng hạn, trong Mưa mùa hạ của Ma Văn Kháng, Trọng luôn phải chịu sự hằn học, đố kỵ của đồng nghiệp, va vấp trong công tác nhưng anh vẫn say mê làm việc, lấy công việc làm niềm vui, hạnh phúc. Vật lộn với mưa gió bão lụt, chiến đấu quyết liệt với dòng nước lũ trên con đê Nguyên Lộc, Trọng đã cố gắng tìm cách khắc phục, chữa trị các tổ mối trong thân đê. Anh cũng vượt qua bao khó khăn, trở ngại để nghiên cứu phương pháp bảo vệ những công trình thuỷ lợi khỏi sự đục khoét của lũ mối. Không chỉ vậy, Trọng còn phải đấu tranh với những cái xấu của con người giữa hiện thực đời thường. Những hành động của Trọng là hành động của con người chân chính. Đối lập với hành động của Trọng là hành động thấp hèn tìm mọi cách tiến thân của Hưng, hành động vì tiền, vì tham vọng vật chất mà rũ bỏ tất cả của Loan...
Khi xây dựng hành động nhân vật, mỗi nhà văn lại có một cách thể hiện khác nhau. Chẳng hạn, hành động của các nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Mạnh Tuấn nhìn chung là nhằm mục đích làm bộc lộ dần tính cách đã có sẵn chứ ít làm phát triển, thay đổi tính cách. Còn xét trên toàn thể, các nhân vật của Nguyễn Khải thường tự mổ xẻ phân tích thế giới nội tâm của mình để rồi qua một số hành động then chốt ở điểm nút của mâu thuẫn, tính cách nhân vật có sự chuyển đổi đột biến. Mỗi người một cách xây dựng hành động nhân vật, một cách thể hiện tính cách nhân vật. Chính sự đa dạng trong cách khám phá con người đó của các nhà văn đã làm nên sự phong phú của kiểu loại nhân vật và sức cuốn hút của tiểu thuyết thời kỳ này.