Cảm hứng nhân đạo

Một phần của tài liệu Khuynh hướng thế sự trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1975 đến 1985 (Trang 63 - 67)

6. Cấu trúc của luận văn

2.1.5. Cảm hứng nhân đạo

Để sáng tạo văn chương, người nghệ sĩ phải có cảm xúc, phải là cảm xúc mãnh liệt. Trạng thái cảm xúc ở cường độ cao đặc biệt ấy, người ta gọi là cảm hứng. Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sử: Cảm hứng là trạng thái tâm lý căng thẳng nhưng say mê khác thường. Sự căng thẳng của ý chí và trí tuệ, sự dồi dào về cảm xúc, khi đã đạt đến sự hài hoà, kết tinh, sẽ cháy bùng trong tư duy nghệ thuật của nhà văn, dẫn dắt họ đến những mục tiêu da diết bằng con

đường gần như trực giác, bản năng [61\210]. Cảm hứng nghệ thuật là trạng

thái tâm lý then chốt và bao trùm trong sáng tác của nhà văn. Nó là yếu tố đầu tiên dẫn đến sự hình thành của một tác phẩm nghệ thuật. Cảm hứng có thể đến trong một giây với thi sĩ, nhưng nó lại là sự tích tụ, thai nghén lâu dài trong một quá trình đối với một nhà tiểu thuyết, bởi tiểu thuyết là thể loại có dung lượng đồ sộ, kết cấu phức tạp và hệ thống nhân vật phong phú.

Viết về cuộc đời, về con người, đi sâu vào các số phận khác nhau, các tính cách và cảnh ngộ khác nhau, các nhà văn đã sống cùng với nhiều kiểu người, đã vui buồn, đau khổ và hạnh phúc…cùng với họ. Dù viết bằng cảm hứng phê phán, cảm hứng bi kịch hay cảm hứng thế sự… thì tất cả đều thống nhất trong cảm hứng nhân đạo, nhân văn. Bởi qua các nhân vật, tác phẩm đã bộc lộ lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút trước những đau khổ, buồn vui của con người và cuộc đời. Vì thế, dù tác phẩm viết về một hiện thực nghiệt ngã, phũ phàng hay một số phận bất hạnh cũng phải truyền đến cho con người niềm tin vào cuộc sống, vào con người.

Mẹ Êm trong Miền cháy của Nguyễn Minh Châu dù phải trải qua nhiều mất mát, đau đớn nhưng mẹ có một tình yêu thương vô bờ. Những cán bộ đã từng lăn lộn ở giữa “rốn vùng sâu Triệu Phong” chắc chắn suốt đời không bao

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 58

giờ quên được tấm lòng của mẹ. Đặc biệt, tình thương yêu của mẹ thể hiện trong tình cảm với con bé Tỏ, thằng bé Sinh. Mặc dù không phải máu mủ ruột rà nhưng mẹ đã hết lòng cưu mang, chăm sóc, yêu thương chúng. Nhất là, sau khi biết thằng bé Sinh chính là con trai của kẻ đã giết Nghĩa, trong lòng bà mẹ đã dấy lên một cuộc xung đột dữ dội nhưng sự bao dung, lòng nhân hậu đã giúp mẹ hiểu rằng nó chỉ là một đứa trẻ vô tội, nó không đáng phải hứng chịu sự căm giận do bố nó gây ra và mẹ vẫn hết lòng thương yêu, chăm sóc nó. Thậm chí, sự gần gũi làm cho bà mẹ mỗi ngày lại thương thằng bé hơn, có phần nào lại hơn ngày đầu Hiển vừa mang nó về…nhất là những khi bà đi làm ở ngoài đồng về mà thằng bé đi chơi vẫn chưa thấy về, bà cứ cảm thấy ngôi nhà sao mà lạnh lẽo, trống trải, và ở trong lòng cũng vậy, cứ chống

chếnh, thiếu vắng [13\468]. Cuối cùng, bản chất nhân đạo đã giúp mẹ một lần

nữa nén nỗi đau riêng để dắt thằng bé Sinh đi gặp bố nó. Đây là cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa, nó không chỉ đánh thức lương tri của bố thằng bé Sinh mà còn thể hiện được chính nghĩa lớn của cách mạng, tránh cho đất nước những đau khổ và nặng nề mới, để đất nước có thể mau chóng ra khỏi cái quá khứ đau khổ kéo dài. Mặt khác, cuộc gặp gỡ này một lần nữa đã nâng cao nhân cách của mẹ Êm. Cái đọng lại qua câu chuyện về mẹ Êm chính là tình người cao đẹp. Tình cảm ấy rất đáng được ca ngợi và sẽ mãi khắc sâu trong lòng người đọc.

Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, bà lang Chí chỉ là một

con người có thân phận nhỏ bé trong xã hội nhưng bà lại có một trái tim nhân hậu. Từng cử chỉ của bà, như từ tâm hồn bà toả ra, là sự dịu dàng, thân ái. Đời bà là một chuỗi những mất mát, thiệt thòi. Phải, bà không được hưởng cái hạnh phúc thiêng liêng và giản dị như rất nhiều người. Ba lần lấy chồng, ba lần để tang chồng, không một người con…Nhưng đau thương đã chắt lọc, kết tinh lại thành sự yêu thương kẻ khác. Đó là một trong những điều kì diệu nhất ở thế gian này…Bà lang đôn hậu, nhân ái, cao quý ơi, thế giới này đẹp quá nhờ bàn tay bà! [41\193]. Ngoài bà Chí, chị Hoài trong truyện cũng có một

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 59

tấm lòng thật đáng quý. Mặc dù đã có gia đình riêng, đã sống một số phận ít còn liên quan đến gia đình người chồng đầu tiên đã hi sinh trong chiến tranh nhưng chị vẫn quan tâm sâu sắc đến từng người và gắn bó với những biến động buồn vui của gia đình chồng cũ. Điều xúc động hơn cả là chị trở về gia đình bố chồng (trước đây) của mình đúng chiều ba mươi tết, khi gia đình đó đang có những thay đổi không vui. Sự có mặt của chị đã gắn kết mọi thành viên trong gia đình, đánh thức tình cảm thiêng liêng về gia tộc. Cái cách chị quan tâm đến từng người trong gia đình bố chồng cũ, rồi những món quà quê của chị thật mộc mạc, giản dị nhưng lại đem đến sự ấm áp cho gia đình ông Bằng. Mọi người trong nhà ông Bằng, mỗi người một tính cách khác nhau nhưng tất cả đều yêu quý chị Hoài. Có thể nói, chính tấm lòng nhân hậu của những con người tưởng như rất bình thường như bà lang Chí, như chị Hoài đã giúp cho các mối quan hệ trong xã hội trở nên tốt đẹp. Xây dựng những nhân vật này, nhà văn Ma Văn Kháng đã thể hiện niềm tin vào cuộc sống, vào con người. Cuộc sống thay đổi, có thể có nhiều người đang tự đánh mất mình, nhưng cuộc đời vẫn có nhiều những người tốt như bà lang Chí, như chị Hoài, như Luận, Phượng…Xã hội luôn cần có những người như họ, dù trong bất cứ thời kì nào.

Quan tâm đến những con người bình thường trong xã hội, các nhà văn thời kì này cũng chú ý tới cuộc sống mà họ phải trải qua. Đó là cuộc sống thời bình nhưng lại bộn bề những khó khăn, sự phức tạp, thậm chí có rất nhiều cái xấu, cái tiêu cực nảy sinh. Con người không có cách nào khác là phải tiếp tục đấu tranh, thậm chí đấu tranh rất quyết liệt. Trong số họ, có người nhận phải sự phản kháng của chính những người thân yêu ruột thịt (Những khoảng cách còn lại của Nguyễn Mạnh Tuấn), có người phải đứng trước sự chống đối của kẻ xấu trong cơ quan, từ chính đồng nghiệp (Đứng trước biển, Cù lao tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn), có người phải đấu tranh để vượt qua chính mình (Thời xa vắng của Lê Lựu), có người phải đứng trước sự lựa chọn (Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải), thậm chí có người đã hi sinh ngay trong cuộc sống thời bình (Mưa mùa

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 60

hạ của Ma Văn Kháng)…Tất cả sự nỗ lực của họ đều nhằm mục đích xây dựng một xã hội mới tốt đẹp. Các nhà văn thấu hiểu, đồng cảm và sẻ chia với những khó khăn, thách thức, cả sự mất mát mà con người phải trải qua. Đồng thời, các nhà văn cũng đã góp một tiếng nói mạnh mẽ khi phơi bày, phanh phui những cái xấu, mặt trái, tiêu cực của xã hội trong tác phẩm của mình.

Không chỉ quan tâm tới đời sống sinh hoạt hàng ngày, tiểu thuyết sau 75 còn chú ý đến đời sống bên trong, đời sống tinh thần của con người. Tiểu thuyết sử thi thường chú ý xây dựng nhân vật mang những phẩm chất anh hùng, thể hiện tầm vóc lớn lao, kết tinh ý chí chung của cả cộng đồng nên ít chú ý miêu tả đời sống nội tâm của nhân vật. Tiểu thuyết thế sự thì hướng vào cả thế giới bên trong tâm hồn con người. Qua đó, tính cách nhân vật được bộc lộ rất rõ.

Chẳng hạn trong Cha và con, và…, nhà văn Nguyễn Khải đã đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật khi miêu tả những nỗi phân vân, những dòng suy nghĩ với những giằng xé day dứt nơi tâm hồn Cha Thư. Rất nhiều câu hỏi dồn dập, liên tiếp đang treo lơ lửng trước mặt người giáo sĩ trẻ tuổi mà việc tìm ra lời giải đáp vẫn đang còn là những ấn số: Nên làm việc nào nhỉ? Lạy chúa! Con nên bắt đầu như thế nào để tỏ được mình ra trước các tín hữu?...Nhân nhượng với đời hay đối mặt với đời? Hoặc giả có việc phải đối mặt và cũng

có việc phải nhân nhượng?[37\29]. Làm thế nào để vừa là người anh em tốt

mà vẫn là người chăn dắt tốt [37\29]. Làm sao để cuối cùng việc đời vui vẻ

mà sự đạo cũng trọn lành [37\68]. Cuộc đấu tranh căng thẳng, dữ dội trong

thế giới nội tâm của nhà tu hành là để tìm một niềm tin chủ động. Với cách xây dựng nhân vật ấy, nhà văn đã để nhân vật tự bộc lộ tính cách, phẩm chất của mình. Người đọc cũng hiểu hơn cuộc sống của những người hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo, từ đó có thể đồng cảm hơn với họ.

Có thể nói, sự thay đổi về đề tài, sự phong phú trong cảm hứng đã mang lại cho tiểu thuyết sau 75 những sắc diện mới. Tuy nhiên, cảm hứng nhân đạo

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 61

vẫn là cảm hứng xuyên suốt tiểu thuyết thời kì này. Chính sự thường trực của cảm hứng nhân đạo trong văn học đã đem tới cho người đọc niềm tin yêu vào cuộc đời, vào con người.

Một phần của tài liệu Khuynh hướng thế sự trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1975 đến 1985 (Trang 63 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)