Các giải pháp

Một phần của tài liệu Giải pháp tăng cường quản lý chi ngân sách địa phương nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Trang 66 - 70)

5. Bố cục của luận văn

4.2.1. Các giải pháp

Một là, Mọi khoản chi của Ngân sách Nhà nước nói chung và NSĐP nói riêng phải được nhận thức là chi đầu tư cho phát triển.

Năm 1990, chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) đã đưa ra chỉ số đánh giá tăng trưởng kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia gồm 4 chỉ tiêu là: GDP, Thu nhập, trình độ giáo dục và tuổi thọ. Quá trình phát triển bao gồm trong nó sự tăng trưởng về lượng và biến đổi về chất của tất cả các lĩnh

vực sản xuất, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Bản thân chi tiêu dùng là một sự cần thiết, một nhu cầu và đồng thời cũng là một yếu tố bên trong của hoạt động sản xuất, là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển. Mỗi khoản chi tiêu dùng đều tác động trực tiếp, gián tiếp đến các thông số ảnh hưởng đến tăng trưởng, thu nhập, trình độ giáo dục và tuổi thọ. Vì vậy nên nhận thức mọi khoản chi tích luỹ và tiêu dùng từ Ngân sách đều phải được coi là khoản chi đầu tư cho phát triển.

Mặt khác các phần trên cho thấy rằng nhiều khoản chi tiêu dùng mang tính chất đầu tư và thay thế những khoản đầu tư trong tương lai. Cụ thể, nếu chi duy tu, bảo dưỡng giao thông không đủ dẫn đến hệ thống giao thông bị hư hỏng và đòi hỏi chi đầu tư, chi phí vận hành cao hơn trong tương lai, chi phòng bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu làm giảm phần nào gánh nặng chi đầu tư xây dựng bệnh viện nói riêng và chi y tế nói chung….

Từ đó, cần nhận thức mới trong việc bố trí chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, khắc phục tình trạng bố trí chi tiêu dùng bằng cách lấy phần còn lại sau khi đã bố trí chi tích luỹ như hiện nay.

Hai là, Khai thác và huy động các nguồn vốn ngoài Ngân sách để cùng với chi Ngân sách Nhà nước đáp ứng nhu cầu chi của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Cũng có nghĩa là bố trí chi Ngân sách phải tính đến xu hướng xã hội hoá, tạo điều kiện khơi dậy các nguồn lực tài chính xã hội để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Chi Ngân sách Nhà nước nói chung và chi Ngân sách địa phương trên địa bàn nói riêng là một bộ phận trong tổng chi của xã hội, hay nói cách khác các khoản chi ''chung, công cộng” trong xã hội phải bao gồm cả phần Ngân sách và phần của đối tượng khác. Có nghĩa là các khoản chi công cộng của xã hội đều phải có trách nhiệm đóng góp của Nhà nước và trách nhiệm đóng góp cuả các đối tượng được sử dụng. Chi Ngân sách địa phương chủ yếu có vai trò khơi dậy các nguồn lực tài chính trong xã hội để đáp ứng yêu cầu phát

triển kinh tế - xã hội. Nếu tính toàn xã hội, thì hiện nay thu nhập toàn xã hội (GDP) là 100% thì mới huy động vào Ngân sách Nhà nước khoảng 22 - 23% để chi Ngân sách Nhà nước còn lại 77 - 78% thu nhập xã hội vẫn nằm trong các tổ chức kinh tế và trong các tầng lớp dân cư.

Còn Ngân sách địa phương chỉ chiếm khoảng 19 - 20% GDP toàn tỉnh, 80 - 81% GDP còn lại nằm trong các tổ chức kinh tế - xã hội và các cá nhân trong xã hội. Như vậy tiềm năng từ việc huy động nguồn lực xã hội cho chi tiêu công, phục vụ cho mục tiêu phát triển là hết sức to lớn. Vấn đề là khoản chi nào Nhà nước nên đảm nhận và đảm nhận đến mức độ nào? Thực tế, sự tham gia của khu vực tư nhân vào sự nghiệp phát triển y tế, giáo dục - đào tạo đã làm giảm bao cấp của Ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực này, mức độ cạnh tranh được nâng lên, kéo theo là chất lượng cũng đòi hỏi phải được cải thiện.

Như vậy, các khoản chi công cộng cho toàn xã hội Ngân sách Nhà nước bỏ ra hết số huy động được là 22 - 23%, còn lại 77 - 78% số thu nhập ở trong các tổ chức kinh tế - xã hội và tư nhân đã bỏ ra là bao nhiêu? Có lẽ là rất nhỏ không đáng kể, mà thành quả các khoản chi công cộng không chỉ có một mình Nhà nước được hưởng.

Nhận thức như vậy để khi chúng ta đặt vấn đề phải huy động và khai thác được các nguồn vốn trong xã hội, đảm bảo tăng đầu tư cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thực tế mấy năm vừa qua, Nhà nước ta đã có chủ trương thực hiện chính sách xã hội hoá nhiều lĩnh vực như: y tế, giáo dục - đào tạo, văn hoá thông tin, phát thanh truyền hình, thể dục thể thao… và giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp có thu… Vì vậy, phải phân tích các khoản chi, khoản chi nào nên giao cho các đối tượng khác, thành phần kinh tế khác mà có hiệu quả hơn thì mạnh dạn chuyển giao. Nhà nước chỉ tập trung những khoản chi mang tính chất chủ đạo, can thiệp, điều chỉnh và kích thích nền kinh tế - xã hội.

Ba là, Bố trí chi Ngân sách địa phương phải xử lý tốt mối quan hệ giữa Ngân sách địa phương và Ngân sách Trung ương, Ngân sách các cấp chính quyền địa phương theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, Ngân sách Trung ương đủ mạnh để thực hịên những nhiệm vụ quan trọng của cả nước; đồng thời khơi dậy tính chủ động, sáng tạo của các cấp Ngân sách trong một thể chế thống nhất. Chi Ngân sách địa phương phải tạo điều kiện tập trung, thống nhất, nhằm đảm bảo chi Ngân sách địa phương có hiệu quả và tiết kiệm hơn.

Bốn là, Khuyến khích bằng lợi ích vật chất cho những khoản chi đạt hiệu quả, tiết kiệm, coi đó là biện pháp thích hợp, thường xuyên của công tác quản lý chi Ngân sách địa phương trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Đây có thể coi là một quan điểm đã được nói tới rất nhiều, nhưng thực tế lại rất khó thực hiện, nhất là địa phương. Nguyên nhân chính là: khó xác định mức độ hiệu quả tiết kiệm của khoản chi và chưa có chế độ, chính sách về khuyến khích vật chất nên địa phương chưa dám mạnh dạn chi ''Ngoài chính sách chế độ''. Tuy hiện nay Nhà nước đã có cơ chế khoán chi, cơ chế trao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp, song vấn đề khuyến khích bằng lợi ích vật chất cho những khoản chi đạt hiệu quả và thực sự tiết kiệm là chưa hợp lý, mới dừng lại ở mức độ nhất định.

Năm là, chi Ngân sách địa phương phải được cân đối vững chắc, tích cực và đảm bảo các mối quan hệ cơ bản trong cơ cấu chi.

Ngân sách Nhà nước ổn định là một chỉ tiêu quan trọng để đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội, do vậy Ngân sách phải được thực hiện cân đối vững chắc, tích cực đảm bảo giữa chi tích luỹ và chi tiêu dùng, giữa tích tụ và tập trung, giữa vốn trong nước và vốn ngoài nước, giữa đầu tư và đi vay nợ, giữa tổng chi và dự phòng, dự trữ tài chính.

Trên đây là một số quan điểm và nguyên tắc về tăng cường công tác quản lý chi Ngân sách địa phương theo qui định của Luật Ngân sách Nhà nước nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Một phần của tài liệu Giải pháp tăng cường quản lý chi ngân sách địa phương nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Trang 66 - 70)