7. Cấu trúc luận văn
3.1.2. Nhân vật người nghệ sĩ tài tử
Viết về người nông dân Nam Bộ, Nguyễn Ngọc Tư còn dành nhiều trang văn để viết về những người nghệ sĩ tài tử. Mê đờn ca tài tử là một đặc điểm nổi bật trong tính cách của người Nam Bộ. Sử sách còn ghi tình yêu văn nghệ của người Nam Bộ rất mạnh mẽ. Người ta có thể ngồi cả đêm để nghe kể truyện Lục Vân Tiên và bỏ công việc để nghe cải lương. Và như một duyên nợ, người Nam Bộ không thể xa những hình thức nghệ thuật này. Lớn lên trên quê hương Nam Bộ, dòng máu yêu cải lương có lẽ ăn sâu vào Nguyễn Ngọc Tư. Vì thế trong truyện ngắn của chị, chị dành những trang viết về những người nghệ sĩ tài tử. Số lượng 4/26 truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư dành viết về người Nam Bộ là cái nhìn đầy "tính nhạc" trong tâm hồn tác giả cũng như tâm hồn nhân vật. Nhân vật người nghệ sĩ của Nguyễn Ngọc Tư thường là những nghệ sĩ mang bản tính "di gan". Họ không cố định ở một chỗ, trong họ có cái nhiệt huyết yêu nghề, có cá tính mạnh mẽ, táo bạo. Nhân vật có nhiều tâm trạng nhất là nhân vật Phi trong Biển người mênh mông. Bởi lẽ đây là nhân vật có nhiều lời độc thoại nội tâm nhất (11 lần). Trong lời thoại của nhóm nhân vật này, chúng tôi nhận thấy lời nói của họ luôn có sự băn khoăn, giằng xé, có cái uyển chuyển mang
tính nghệ sĩ trong đó. Mỗi người là một thế giới riêng, khó hòa lẫn vào nhau. Vì thế nói đến Đào Hồng người ta nhớ ngay một người đàn bà xinh đẹp, kiêu kì, cả đời phụng sự nghệ thuật trong Cuối mùa nhan sắc; nói đến nghệ sĩ diễn vài con nít người ta nhớ đến nghệ sĩ cả đời chỉ đóng một vai - Điệp trong Chuyện của Điệp...
Ví dụ 63: Hồi ngoại Phi còn sống, thấy tóc anh ra hơi liếm ót bà đã cằn nhằn: "Cái thằng, tóc tai gì mà xấp xãi, hệt du côn". Phi cười, "Con làm nghệ sỹ, tóc phải dài chút đỉnh chớ, ngoại". Ngoại anh nạt, "Người ta nhìn nghệ sỹ là nhìn tài, nhìn tánh chứ nhìn mái tóc sao?" [1, 100].
Qua lời đối thoại của bà Phi, nhân vật Phi hiện lên khá chân thật và điển hình cho người nghệ sĩ. Theo quan niệm của Phi: là nghệ sĩ phải lãng tử, phải khác thường nên việc anh để tóc dài cũng là tạo phong cách riêng cho mình. Và đây cũng là đặc điểm dễ nhận thấy ở những người nghệ sĩ.
Ví dụ 64: Phi tự hỏi, mình sống bê bối từ hồi nào vậy cà. Từ hồi nào thì phong trần, bụi bặm, khắc khổ, ăn bận lôi thôi, quần Jean bạc lổ chổ, lại rách te tua, áo phông dài quá mông, râu ria rậm rạp, móng tay dài, tóc dài. Từ hồi nào muốn soi kiếng phải lấy tay vẹt mớ râu tóc ra như người ta vẹt bụi ô rô [1, 101].
Lời độc thoại nội tâm trực tiếp, tự do ngắn nhưng lại vẽ lên chân dung Phi rất rõ nét. Một người nghệ sĩ lãng tử, bụi bặm và trong lòng luôn mang những nỗi niềm đa cảm. Tất cả hiện lên rất rõ qua những lời đối thoại và độc thoại. Và dường như sự phác họa chân dung này báo hiệu một hoàn cảnh éo le trong cuộc đời nhân vật Phi.
Ví dụ 65: Phi mười, mười lăm tuổi đã biết rất nhiều chuyện. Thì ra, đã không còn cách nào khác, má mới bỏ Phi lại. Sau giải phóng, ba Phi về, xa nhau biền biệt chín năm trời, về nhà thấy vợ mình có đứa con trai chưa đầy sáu tuổi, ông chết lặng. Cũng như nhiều người ở Rạch Vàm Mấm này, ông ngờ rằng má Phi chắc không phải bị tên đồn trưởng ấy làm nhục, hắn lui tới ve vãn hoài, lâu ngày phải có tình ý gì với nhau, nếu không thì giữ cái thai ấy làm gì, sinh ra thằng Phi làm gì [1, 101].
Qua lời độc thoại nửa trực tiếp cho thấy Phi là đứa trẻ bị coi là "lạ dòng" và từ nhỏ đã sống thiếu tình cảm của cha, của mẹ. Sự thiếu thốn tình cảm nhiều khi không được bù đắp mà thay vào đó là cái nhìn không thiện cảm của cha. Nhưng Phi không
hư hỏng theo cái nghĩa xấu xa khi đi theo nghiệp hát. Trong Phi vẫn nặng những yêu thương và được sự yêu thương của ngoại. Có lẽ vì thế mà Phi thấu hiểu được sự cô đơn, thấu hiểu được những tình cảm con người cao quý và thấu hiểu được cái giá của người nghệ sĩ.
Ví dụ 66: Nhưng lần nào ông cũng đứng nghe anh hát, hết bản, vỗ tay xong, ông cũng "boa", không phải cái kiểu kẹp tờ giấy bạc giữa hai ngón tay rồi phe phẩy trước mặt anh, ông từ tốn rút trong túi ra tờ giấy bạc hai ngàn, nhét vào túi Phi rồi cài nắp túi cẩn thận. Trân trọng như trân trọng người nghệ sỹ. [1,107]
Lời độc thoại nửa trực tiếp đã thể hiện tính cách, cá tính của Phi. Phi là một người nghệ sĩ chân chính chứ không phải là kẻ ăn xin, kẻ được bố thí. Và anh trân trọng những người như ông Sáu. Đồng cảm với ông Sáu trong sự cô đơn và chia sẻ với ông những tình cảm đau thương trong cuộc đời ông Sáu.
Qua những lời đối thoại và độc thoại, Phi hiện lên như một người nghệ sĩ chân chính với nỗi cô đơn cho số phận đứa con lạ dòng. Không giống Phi, Điệp lại là người nghệ sĩ cô đơn, nhỏ bé. Người nghệ sĩ cả đời chỉ đóng một vai như Điệp tưởng chừng không có gì đáng kể. Nhưng thực sự rất nhiều giá trị của người nghệ sĩ được bộc lộ qua nhân vật này. Sống cùng ngoại từ nhỏ và chịu sự dạy dỗ của ngoại:
Ví dụ 67: Ngoại dạy: "Con muốn diễn hay thì phải sống nhân ngãi trước đã. Mình sống có tình đóng vai nào cũng dễ, con à".[1,44]
Lời đối thoại của ngoại Điệp chính là con đường nghệ thuật mà nhân vật Điền theo đuổi. Và cũng chính vì thế người nghệ sĩ cả đời chi đóng một vai - Điệp không nhàm chán, không thấy bế tắc và là kim chỉ nam cho con đường nghệ thuật của tác giả. Đó cũng là động lực để:
Ví dụ 68: Điệp ôm đứa bé mềm xèo trong tay, kêu lên : - Thôi để em nuôi. [1,48]
Qua lời đối thoại của Điệp ta thấy sự quyết đoán, sự cứng cỏi và tình yêu bao la trong con người Điệp. Nhận nuôi một đứa trẻ tức là Điệp dám thách thức với một khó khăn lớn nhưng Điệp không sợ. Nhận bé Bơ tức là Điệp cũng tìm lại cho mình những giá trị tình yêu mà mình bị thiếu hụt từ người mẹ.
Ví dụ 69: Ngoại dạy, cái gì của mình trước sau gì cũng của mình, cái gì không phải của mình đừng giành giật uổng công. [2, 48]
Trong dòng độc thoại nội tâm trực tiếp thể hiện Điệp luôn lấy tình yêu làm thước đo cho mọi giá rị. Lời ngoại dạy, Điệp luôn tâm niệm, luôn cố gắng đạt tới và hướng tới không chỉ là một người nghệ sĩ chân chính mà còn là một con người giàu tình yêu thương.
Ví dụ 70: Có những chuyện chắc má biết, tại má hỏi vậy thôi, chớ Điệp lặn lội vô đây đâu phải để nói với má vài câu lỉnh lảng như nước đìa, đâu phải để nói chuyện bé Bơ, mà là Điệp tự dưng nhớ má, thương má. Hằn học với má là khi bắt đầu nghĩ tới má.[1,56]
Không giống Phi trong Biển người mênh mông và không giống Điệp trong
Nỗi buồn rất lạ, Phi trong Lý con sáo sang sông lại là người nghệ sĩ mang trên mình trách nhiệm gia đình và cả sự cô đơn, đau đớn của tình yêu không đến đích.
Ví dụ 71: Những móng chân thúi sạm, kẽ chân nước ăn lở đến tận xương. "Con thấy ba má con cực khổ con chịu không nổi, dì Hai à"[2, 72]
Lời độc thoại thường của Phi không chỉ là lời thông báo mà còn là lời khẳng định trách nhiệm của một người con trai trong gia đình. Một tình yêu gia đình lớn lao đang chảy tràn trong Phi. Và những khó khăn trong cuộc sống hiện thực như chiếc kim xuyên vào từng thớ thịt của Phi. Trách nhiệm và tình cảm với gia đình đã khiến Phi từ bỏ những quyền lợi thuộc về mình như được đi học, được bình thường như bao thanh niên cùng trang lứa. Trách nhiệm đó gắn với Phi như giọng ca của Phi không thiếu đi sông nước.
Ví dụ 72: Nó cười:
- Thôi, giọng ca tao, thiếu sông, thiếu nước, coi như hết hay rồi. [2, 24]
Lời đối thoại của Phi thể hiện Phi luôn đưa trách nhiệm với gia đình lên trên tất cả. Và cái trách nhiệm ấy không phải bó buộc Phi mà tự Phi bó buộc mình với nó. Để rồi tình yêu sâu sắc của anh và Út Thà phải ngậm ngùi trong sự nuối tiếc chia li. Không nước mắt, không ầm ĩ nhưng tình yêu đó đang rỉ máu trong Phi. Và dù Phi có cố gắng tỏ ra mạnh mẽ vẫn không xóa được những nỗi đau đang chảy máu trong anh.
Viết về người nghệ sĩ, có lẽ Nguyễn Ngọc Tư dành cả ngòi bút của mình khi xây dựng nhân vật Đào Hồng trong Cuối mùa nhan sắc. Đào Hồng theo nghề đàn ca khi còn rất trẻ.
Ví dụ 73: Ðào Hồng chưa uống cạn ly trà ông đã hỏi thẳng, không cưỡng lòng được: "Vậy chứ cô Hồng có muốn lấy chồng chưa?". Ðào Hồng cười: "Tôi đã nguyện với Tổ cả đời theo nghiệp hát".[1, 89]
Lời đối thoại của Đào Hồng cũng chính là lời khẳng định cuộc đời đàn ca của nhân vật. Qua lời đối thoại thường, nhân vật Đào Hồng đã thể hiện mình là người nghệ sĩ sẽ suốt đời mình theo nghiệp đờn ca. Bà coi bà sinh ra để là nghệ sĩ, bà sinh ra để phục vụ cho nghệ thuật chân chính. Và vì thế cuộc đời bà gắn với gương mặt nghệ sĩ và ánh đèn sân khấu.
Ví dụ 74: Bà biết ngay là ông, bà giận lắm, mặt lạnh tanh: "Anh tài khôn làm gì, tui đâu có cần gương mới". Ông cố cãi: "Nhưng cái cũ nó mờ lắm...". "Mờ mờ tui mới thích", bà nạt ngang.[1, 93]
Lời đối thoại của Đào Hồng và ông Chín lại là lời khẳng định cuộc đời nghệ sĩ của bà. Từng là nghệ sĩ có tiếng một thời nên những thói quen rất nghệ sĩ ăn sâu trong bà. Bà bực mình với việc ông Chín mua gương mới không phải bà ghét ông mà bà sợ hiện thực. Bà sợ sự già nua kia khiến bà từng ngày mất đi cơ hội đứng trên sân khấu. Và chỉ khi bước sang một thế giới khác bà mới tạm rời tư cách một người nghệ sĩ để về với những kỉ niệm còn thơ và tìm lại sự yêu thương, tha thứ.
Ví dụ 75: Ðào Hồng đã gặp lại rất nhiều người thân thuộc cũ, bà nghe con trai bà gọi má, nghe ba má bà nói lên lời tha thứ vì đứa con gái đã bỏ nhà theo nghiệp xướng ca, lời tha thứ bà chờ đợi ngót năm mươi năm ròng rã. Bà sung sướng trở về nhà thơ ấu, đi bắt chuồn chuồn đậu trên hàng bông bụt, cạnh mé mương...[1,97]
Qua lời độc thoại nửa trực tiếp, ta dường như thấy số phận hẩm hiu chung của những người nghệ sĩ được miêu tả trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Mỗi nhân vật một số phận nhưng mỗi người họ đều có một sự cô đơn và một tình yêu nghệ thuât diệu kì. Có thể họ tìm đến với nghệ thuật với nhiều con đường khác nhau nhưng tình yêu ca hát chính là thứ duy nhất đưa tất cả họ đến với nghệ thuật.