Nhân vật văn học

Một phần của tài liệu đặc điểm lời thoại nhân vật trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 36 - 39)

7. Cấu trúc luận văn

1.4.1. Nhân vật văn học

a. Khái niệm

Văn học không thể thiếu nhân vật, bởi vì đó là hình thức cơ bản để qua đó miêu tả thế giới một cách hình tượng. Theo Từ điển thuật ngữ Văn học, “Nhân vật văn học là hình tượng nghệ thuật về con người trong nghệ thuật ngôn từ. Bên cạnh con người, nhân vật văn học có khi còn là con vật, các loài cây, các sinh thể hoang đường được gán cho những đặc điểm giống con người” [16,241]. Theo cách giải thích trên thì nhân vật văn học là phương thức nghệ thuật nhằm khai thác những nét thuộc tính con người. Tính toàn vẹn (chỉnh thể) của con người được thể hiện ở văn học trong giới hạn những khả năng ngôn từ nghệ thuật, chủ yếu là các khả năng miêu tả (tạo hình) và biểu cảm.

Phương Lựu trong “Lí luận văn học” cho rằng: “Nói đến nhân vật văn học là nói đến con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học”. Với cách lí giải này thì đồng nghĩa việc nhân vật có thể được thể hiện bằng những hình thức khác nhau. Đó có thể là những con người được miêu tả đầy đặn cả ngoại hình lẫn nội tâm, có tính cách… nhưng cũng có thể thiếu hẳn những nét đó. Đôi khi nhân vật còn được sử dụng một cách ẩn dụ không để chỉ một con người cụ thể nào mà chỉ một hiện tượng nổi bật trong tác phẩm.

Qua các quan điểm trên chúng tôi đưa ra nhận xét sau: Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật, có mang tính ước lệ, không thể bị đồng nhất với con người có thật, ngay khi tác giả xây dựng nhân vật với những nét rất gần nguyên mẫu có thật.

Nhân vật văn học là sự thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người; nó có thể được xây dựng chỉ dựa trên cơ sở quan niệm ấy. Ý nghĩa của nhân vật chỉ có được trong hệ thống một tác phẩm cụ thể. Nhân vật chính là hình thức cơ bản để qua đó văn học miêu tả thế giới một cách hình tượng. Chính vì những lí do đó mà văn học không thể thiếu nhân vật.

b. Chức năng

Nhà văn sáng tạo ra nhân vật là để thể hiện những cá nhân xã hội nhất định và để thể hiện quan niệm của tác giả về cá nhân đó. Cho nên chức năng chung của nhân vật văn học là khái quát các quy luật về nhân cách, vừa tổ chức tác phẩm đồng thời biểu hiện quan điểm, tư tưởng, thái độ của tác giả về cuộc sống. Hay nói như Phương Lựu thì “Chức năng của nhân vật là khái quát của tác giả về con người, thể hiện những hiểu biết, những ước ao và kì vọng về con người” [37, 279]. Có thể đưa ra các chức năng của nhân vật văn học như sau:

- Nhân vật là phương tiện khái quát các tính cách của con người. Theo nghĩa rộng nhất thì tính cách là sự thể hiện các phẩm chất xã hội lịch sử của con người qua các đặc điểm cá nhân, gắn với phẩm chất tâm sinh lí của họ. Tính cách trở thành một đặc điểm của nhân vật, là quy luật hoạt động của nhân vật. Điều này thể hiện trong toàn bộ sự miêu tả nhân vật. Bên cạnh đó tính cách nhân vật cũng là một hiện tượng xã hội, lịch sử, xuất hiện trong hiện thực khách quan cho nên mang tính chất lịch sử.

- Nhân vật còn là người dẫn dắt vào một thế giới đời sống khác bởi vì mỗi tính cách đều là kết tinh môi trường. Nhân vật là công cụ cho nên việc tìm ra nhân vật mới bao giờ cũng là chìa khóa để mở rộng các mảng đề tài mới.

- Bên cạnh tính cách xã hội và mảng đời sống gắn liền với nó trong nội dung khái quát của nhân vật còn là quan niệm về tính cách và tư tưởng mà tác giả muốn thể hiện. Nói cách khác, nhà văn sáng tạo nhân vật là để thể hiện một tư tưởng về cuộc đời.

Tóm lại, nhân vật văn học là hình thức khái quát đời sống. Đọc tác phẩm, cần tìm hiểu hết nội dung đời sống và nội dung tư tưởng thể hiện trong nhân vật.

Nhân vật văn học là hiện tượng hết sức đa dạng. Các nhân vật thành công thường là những sáng tạo độc đáo, không lặp lại. Từ những góc độ khác nhau có thể chia nhân vật văn học thành nhiều kiểu loại khác nhau:

- Dựa vào vai trò của các nhân vật trong kết cấu và cốt truyện của tác phẩm, nhân vật văn học chia thành: nhân vật chính, nhân vật phụ và nhân vật trung tâm

- Dựa vào phương diện hệ tư tưởng, về quan hệ đối với lí tưởng, các nhân vật lại được chia ra làm: nhân vật chính diện (còn gọi là nhân vật tính cực) và nhân vật phản diện (còn gọi là nhân vật tiêu cực).

- Dựa vào tiểu loại văn học ta có: nhân vật tự sự, nhân vật trữ tình và nhân vật kịch. - Dựa vào cấu trúc hình tượng, nhân vật được chia thành: nhân vật chức năng, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách và nhân vật tưởng tượng.

Trên đây là các cách phân loại nhân vật văn học thường gặp. Ngoài ra trong văn văn học cũng có thể gặp một số kiểu loại nhân vật khác nữa. Những sự phân biệt trên đây chỉ là tương đối, loại này lại bao hàm yếu tố của loại kia. Tuy nhiên trong cấu trúc từng loại đều có những nét nổi trội làm nên đặc điểm khu biệt riêng.

d. Các phương tiện, thủ pháp khắc họa nhân vật

Nhân vật văn học chỉ xuất hiện thông qua sự trần thuật, miêu tả bằng các phương tiện, thủ pháp nghệ thuật. Các phương tiện, thủ pháp thể hiện nhân vật hết sức đa dạng. Có thể kể đến một số phương tiện, thủ pháp khắc họa nhân vật như:

- Nhân vật văn học được miêu tả bằng chi tiết. Văn học dùng chi tiết để miêu tả chân dung, ngoại hình, hành động và tâm trạng của nhân vật. Ngoài ra nhân vật văn học còn được thể hiện qua mâu thuẫn, xung đột, sự kiện. Các mâu thuẫn, xung đột bao giờ cũng có tác dụng làm nhân vật bộc lộ phẩm chất sâu kín nhất của nó.

- Nhân vật còn được thể hiện bằng các phương tiện kết cấu, bằng các phương tiện ngôn ngữ, bằng các phương thức miêu tả riêng của thể loại.

- Nhân vật có thể được miêu tả một cách trực tiếp nhưng cũng có thể miêu tả gián tiếp qua sự cảm nhận của mọi người xung quanh đối với nhân vật qua đồ vật, môi trường mà nhân vật sống.

Như vậy, nhân vật văn học là hình thức văn học để phản ánh hiện thực. Hình thức ấy rất đa dạng nhằm thể hiện các khía cạnh vô cùng phong phú của đời sống.

Một phần của tài liệu đặc điểm lời thoại nhân vật trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)