Thời gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu hát lượn slương của người tày (qua khảo sát ở xã yên cư, huyện chợ mới, tỉnh bắc kạn) (Trang 94 - 98)

6. Kết cấu của luận văn

3.3.1. Thời gian nghệ thuật

Thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với chiều thời gian là hiện tại, quá khứ hay tương lai. Người nghệ sĩ có thể chọn điểm bắt đầu, điểm kết thúc, có thể chọn điểm nhìn từ quá khứ, hiện tại hay tương lai, có thể chọn độ dài trong một khoảnh khắc hay nhiều thế hệ, nhiều cuộc

đời. D.X Likhachốp đã nói: “Thời gian là đối tượng, là chủ thể, là công cụ

miêu tả - là sự ý thức và cảm giác về sự vận động và đổi thay của thế giới trong các hình thức đa dạng của thời gian xuyên suốt toàn bộ văn học”.

Tìm hiểu thời gian nghệ thuật lượn Slương, chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt với thời gian của thần thoại, truyền thuyết, của sử thi và cổ tích thần kỳ… Thời gian của lượn Slương là thời gian hiện tại, thời gian diễn xướng. Likhachốp đã rất có lý khi cho rằng trong thơ ca dân gian, tác giả với tư cách là một cá thể, là “cái tôi” trữ tình riêng biệt, tách biệt với cộng đồng, không được biểu lộ ra. Ở đây hoàn toàn không có khoảng cách thời gian giữa người sáng tác với thời gian của người đọc, người thưởng thức như trong văn học viết. Trong thơ ca dân gian, thời gian của tác giả và thời gian của “người đọc” (người thưởng thức) hoà lẫn với thời gian của người diễn xướng. Thời gian ở đây là thời gian hiện tại. Điều này khác với thời gian trong truyện cổ tích luôn luôn là thời gian quá khứ phiếm định, khác với thời gian trong truyền thuyết luôn luôn là thời gian quá khứ xác định.

Có thể khẳng định ngay rằng hầu hết lượn Slương đều lấy thời gian hiện tại làm thời gian nghệ thuật của mình. Điều này cũng dễ hiểu, trước hết lượn Slương được sáng tác là để diễn xướng trong một môi trường không gian và thời gian nhất định. Trong các cuộc hát lượn Slương của người Tày xã Yên Cư, khung cảnh, thời gian diễn ra cuộc lượn là thời gian hiện tại, chủ yếu là vào buổi tối bên bếp lửa. Hầu hết những câu hát lượn Slương thường không mang thời gian xác định rõ ràng, nhưng hát trong một không gian, thời gian cụ thể là hiện tại thì tất cả các lời hát đó đều mang tính hiện tại.

Mở đầu cuộc lượn người “xiên lý” đã hát những khúc hát mời bạn lượn với thời gian không rõ ràng:

“Giữa đêm khảm khắc gọi rừng già Hình như đúng rồi duyên bạn lượn Hình như đúng có người cựu cũ Cựu hỡi còn thương hãy lượn đây”.

[51.Tr.137]

Mặc dù trạng từ chỉ thời gian ở đây là giữa đêm nhưng thực chất giữa đêm lại đang được hát vang trong thời gian thực tại, trong thời gian diễn xướng của đêm lượn Slương. Thời gian này luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh, đối tượng nhằm diễn đạt tình cảm cũng như tâm lý của người diễn xướng tại thời điểm diễn ra cuộc hát. Vì vậy mà thời gian ở đây mang tính ước lệ.

Dấu hiệu để nhận ra thời hiện tại trong những câu hát lượn nói trên là ở những từ chỉ thời gian như: bây giờ, hôm nay, năm nay… Ta cũng có thể gọi đây là thời gian tâm lý, thời gian này khác với thời gian vật lý tức thời gian khách quan, tự nhiên gồm các đại lượng ngày, đêm, tháng, năm và các đơn vị nhỏ hơn là sáng, trưa, chiều… Thời gian hiện hữu trong lời hát là thời gian tâm lý vì thời gian khách quan đã biến đổi theo cung bậc của thế giới nôi tâm đang lúc diễn xướng, có tính chất công thức, ước lệ. Trong khi diễn xướng, người hát có thể thay đổi trạng từ chỉ thời gian trong câu hát để phù hợp với hoàn cảnh thời gian diễn ra cuộc lượn:

“Chang cừn khám khắc rọng pù phia Thoảng thuất ngòi hăn ruyên cựu mà Thoảng thuất ngòi hăn ruyên cố cựu Thúc mì phúc đức tọng hà tha” (Giữa đêm khảm khắc gọi rừng già Hình như đúng rồi duyên người cựu Hình như đúng là người lượn cũ Nhờ có phúc đức thỏa lòng ta).

Ta có thể thay đổi giữa đêm thành tối nay để phù hợp với thời gian thực tại. Ca dao của người Kinh cũng sử dụng thời gian nghệ thuật mang tính ước lệ. Có nhiều bài bắt đầu bằng những từ như chiều chiều có ý nghĩa chỉ thời gian lặp lại và có “tác dụng diễn tả quá trình của sự việc (hoặc hiện

tượng) kéo dài từ một quá khứ gần đến hiện tại”:

- Chiều chiều én liệng cò bay Bâng khuâng nhớ bạn, bạn rày nhớ ai?

- Chiều chiều ra đứng bực sông Dặn con nước cả đừng trông chim trời.

- Chiều chiều vịt lội bờ sen Để anh lên xuống cho quen cửa nhà.

- Anh về ở ngoải chi lâu,

Chiều chiều em đứng hàng dâu ngó chừng.

[35.Tr.593]

Tần số xuất hiện của chiều chiều trong kho tàng ca dao Việt nói chung là rất cao. Nhiều tác giả đã xem chiều chiều là cái khoảnh khắc thời gian trữ tình đã trở thành công thức ngữ nghĩa nghệ thuật riêng của ca dao.

Điều đáng nói ở lượn Slương là trong số các khái niệm thời gian như giây, phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm, người dân Tày hầu như không sử dụng trong câu hát của mình các khái niệm chỉ đơn vị giây, phút, giờ, tuần mà chỉ tập trung vào các đơn vị ngày, tháng, năm. Có lẽ vì đây là những đơn vị thời gian cụ thể, gắn liền với sinh hoạt của một cộng đồng nông nghiệp quen với việc đo thời gian bằng ngày (từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn), rồi tiếp đến là theo mùa, theo năm. Nhịp độ thời gian vì thế mà chậm lại, không có cái hối hả, gấp gáp của xã hội công nghiệp chính xác đến từng giây, từng phút, từng giờ.

Ngày:

“Ban ngày nghe rõ tiếng gió thổi

Thoang thoảng nghe ra như tiếng buồn Tiếng gió thổi đến buồn thân quá Nghe mà không rõ tưởng ong bay”.

[51.Tr.141]

Tháng:

“Tháng giêng cảnh sắc tiết mùa hoa Hoa nở ong bướm rộn lân la

Mai trúc tìm chơi khi thì đến Tiếng ve tha thiết khắp giang hà”

[51.Tr.177]

Năm:

“Xuất hành năm mới tới mùa xuân Vận đến mùa xuân thư điệp vần Ngưu mạ đi tìm nơi sinh quý

Chốn này chẳng phải chốn chơi xuân”

[51.Tr.141]

Cư dân người Tày nhìn nhận thời gian như là phương tiện để bộc lộ tình cảm. Cho nên, trong nhiều khúc hát, nhân vật trữ tình thường đối lập ngày với đêm và lấy đêm làm thời điểm để giãi bày hoài niệm, để thổ lộ nhớ thương như một nỗi niềm da diết:

“Đêm nằm chẳng nhắp ở giường cao Nằm chẳng an thân một lúc nào Nhớ tưởng nhân tình mà nên dậy Phiền lòng ao ước liệu làm sao”

Trong ca dao của người Kinh nhân vật trữ tình cũng lấy đêm để giãi bày tâm tư tình cảm của mình:

- Đêm nằm lưng chẳng bén giường Trông cho mau sáng ra đường gặp em.

- Đêm nằm tơ tưởng tưởng tơ Chiêm bao thấy bậu, dậy rờ chiếu không.

- Đêm qua rót đĩa dầu đầy Bấc non chẳng cháy, oan mày dầu ơi.

[36.Tr.785]

Cũng có rất nhiều bài không có từ chỉ thời gian cụ thể như đã nêu.

Trong trường hợp này, theo GS Nguyên Xuân Kính, “người bình dân hát

(hoặc ngâm, đọc) vào lúc nào (sáng, trưa, chiều, tối…) thì lúc đó chính là thời gian bộc lộ tâm trạng của người diễn xướng” [17] Và thời gian bộc lộ tâm trạng ấy chính là thời hiện tại như Likhachốp đã nói.

Một phần của tài liệu hát lượn slương của người tày (qua khảo sát ở xã yên cư, huyện chợ mới, tỉnh bắc kạn) (Trang 94 - 98)