Những lời chia tay day dứt, xót xa

Một phần của tài liệu hát lượn slương của người tày (qua khảo sát ở xã yên cư, huyện chợ mới, tỉnh bắc kạn) (Trang 58 - 64)

6. Kết cấu của luận văn

2.1.3. Những lời chia tay day dứt, xót xa

Đời con người thật lắm nghịch lý; nghịch lý nhiều nhất của đời người thường lại tụ trong chuyện tình yêu trai gái. Khi yêu nhau ai cũng mơ ước sẽ có một kết cục tốt đẹp, đó là thành vợ thành chồng, sinh con đẻ cái, sống với nhau đến khi đầu bạc. Nhưng không phải đôi trai gái nào cũng thực hiện được mơ ước đó. Dù tình yêu có tha thiết, cháy bỏng đến đâu nhưng vì một lí do nào đó, họ không thể đến được với nhau, đó là một sự buồn đau vô kể. Ta có thể bắt gặp trong lượn Slương tình cảm của những đôi trai gái yêu nhau nhưng không đến được với nhau qua giọng hát trầm buồn, sâu lắng, không còn là những khúc hát vui vẻ, dí dỏm như trước nữa. Thay vào đó là lời hát chia tay xót xa day dứt không nguôi với tâm trạng khổ đau, trách móc, tủi hờn khi lỗi duyên.

Đây là nỗi lòng của nhân vật trữ tình khi chia tay nhau ngay trong buổi đầu yêu thương nhưng vẫn lưu luyến, nhớ nhung da diết:

“Kết duyên khác bản bạn đồng tâm Hoa tàn nhưng cây biết mấy xuân Lập tuyết mùa xuân nhờ ong bướm Gọi đến mùa này lại buồn thêm Kết duyên khác bản bạn đồng tâm Cách trở đường xa biết đến sao Duyên bạn có đôi rồi hãy nghĩ Ắt là thiên số tại mường trời”

[51.Tr. 162]

Nhân vật trữ tình đau xót khi yêu nhau không đến được với nhau, chỉ vì một nỗi ở xa nhau quá bị ngăn cách bởi sông núi, nên không thể kết duyên, không biết trách ai, chỉ biết trách tại duyên tại số mà thôi:

“Kết duyên khác bản bạn đồng tâm Hai ta lấn lội cách ngăn sông Viện cớ đường xa đi chẳng tới Biết rồi trong lòng cũng khổ tâm Kết duyên khác bản bạn đồng tâm Trách rằng duyên số tại mường trời Cái nỗi sinh ra người một sứ

Mẹ trời cấm đoán chúa đông quân”.

[51.Tr. 162]

Khi yêu nhau, tình yêu đẹp thì vạn vật xung quanh cũng trở lên đẹp, khi tình yêu bị chia cắt thì mọi thứ xung quanh đều trở lên tàn lụi, ong bướm cũng cảm nhận và buồn với nỗi đau của nhân vật trữ tình:

“Kết duyên khác bản bạn đồng tâm Ong bay lên núi nơi lắm hoa

Ong bay lên núi tìm hút nhụy

Ong bướm chúng bay tìm hoa xuân Kết duyên khác bản bạn đồng tâm Trông lên núi đá hoa tàn rồi Mạn tiết mùa xuân hoa đã lụi Làm cho ong bướm bay lung tung Kết duyên khác bản bạn đồng tâm Năm tháng rằng rặc vẫn trôi xa Mạn tiết mùa xuân hoa sẽ lụi

Ong bướm buồn thân nước mắt ra”

[51.Tr. 162]

Phải chia cắt với người yêu, chàng trai người Tày ngày đêm thương nhớ người yêu đến quên ăn quên ngủ:

“Đêm nằm chẳng nhắp dậy lầu môn Thức dậy trông sao bóng nguyệt tròn Tư tưởng chi ân cùng buồn bã

Sầu não đêm ngày cơm chẳng ngon”

[51.Tr. 162]

Ta hãy nghe nhân vật trữ tình hát lên câu bi than, lòng buồn da diết, chỉ biết trách thân, trách phận. Mặc dù không thể đến được với người mình yêu, nhưng nhân vật trữ tình hiểu rằng, theo quy luật thì trai sẽ cũng vẫn phải lấy vợ, gái cũng phải lấy chồng, không để người đời chê cười được, nếu không có đôi có lứa, khác gì lên chùa để tu, nên đành phải nhắm mắt kết duyên, làm tròn bổn phận với mẹ cha:

“Không được quyền kết đôi vợ chồng Sinh ra chỉ được vui chơi gần gũi Nên lòng buồn rũ rượi chân tay Vì thế ăn không biết bữa ngon Ngủ không đêm nào giấc say kĩ Hai ta nên kết duyên hợp bước Đến với nữ đẹp duyên người Ngày xuân rồi cũng thành lễ cưới Rồi sinh cũng phải theo quy luật Chứ không thể để người chê cười Số đó chỉ đi chùa để tu

Nếu ai không có đôi có lứa”.

[51.Tr. 227]

Sự chia xa của chàng trai, cô gái người Tày đau buồn đến vậy nhưng không vì thế mà họ chán nản. Họ có tấm lòng vị tha cao cả, không đến được với nhau thì giải thoát cho nhau mỗi người một phương để tìm cuộc sống mới:

“Có lời với người bạn khác nơi Hết lễ tình duyên tạm gác thôi Em thì ở lại quê em nhé

Anh nay lại về quê anh thôi Có lời nhắn với bạn lượn hay Có gì kỷ niệm cho nhau hay Bạn lượn cho về như vẫn thấy

Thấy mặt người thương ngày lại ngày”

Sự đau đớn khi không đến được với nhau cũng được thể hiện trong ca dao của dân tộc Kinh. Ở dân tộc Tày, sự đau buồn đó được diễn tả một cách trực diện, cởi mở, còn với dân tộc Kinh, nó được diễn tả một cách tế nhị và kín đáo hơn. Một vị khế chua mang theo bao xót xa cho tình duyên không trọn vẹn. Những nghịch cảnh bất công trong cuộc đời cũ luôn là lực cản khiến cho đôi lứa phải chia lìa. Trong những trái ngang ấy, lời ca dao cất lên bao thiết tha nhung nhớ:

“Mặt nhìn mặt châu rơi chan chứa Tay dang tay lụy ứa hai hàng Ai làm cho thiếp xa chàng

Để con chim nhạn, dạo làng bán rao!”

[51.Tr. 1319] Ca dao của người Kinh đã diễn tả nỗi lòng hướng về nhau thật tinh tế:

Khăn thương nhớ ai Khăn rơi xuống đất Khăn thương nhớ ai Khăn vắt lên vai Khăn thương nhớ ai Khăn chùi nước mắt Đèn thương thương ai Mà đèn không tắt Mắt thương nhớ ai Mắt không ngủ yên

Đêm qua em những lo phiền Lo vì một nỗi không yên một bề

Ta nghe như có bao dùng dằng thương nhớ trong từng lời nồng nàn. Khăn thương nhớ ai, đèn thương nhớ ai… từng động tác, từng cái nhìn như mang theo nỗi bồn chồn lo lắng cho duyên tình trắc trở của mình. Có thể hình dung ra từng cử chỉ, từng động tác dồn nén nhớ thương. Lời ca dao gợi lên bao suy ngẫm về hoàn cảnh trớ trêu của người phụ nữ do không tự định đoạt được duyên tình của mình. Bức tranh tâm trạng ấy vừa được tạo nên bằng những hình ảnh nối kết khăn - đèn - mắt, vừa là điệp khúc tâm trạng đầy day

dứt “… thương nhớ ai” - hàm chứa trách móc giận hờn. Khoảnh khắc người

con gái đối diện chính mình cũng là lúc ta nhận ra chiều sâu tâm hồn đằm thắm thủy chung, nhận ra nỗi lòng ngổn ngang trăm mối tơ vò. Lời ca dao kín đáo như oán như than, hé mở bao bất công ngang trái trong tình duyên. Không gian cảnh vật như chứa đựng nỗi niềm con người, cất lên lời nhắn nhủ tha thiết. Nhưng có thể thấy cùng với niềm tin son sắt, tình cảm nhớ nhung, không bao giờ ca dao lại đem đến cảm giác ủy mị yếu đuối mà luôn đau đáu một tấm lòng thủy chung.

Ta lại bắt gặp tâm sự của một chàng trai về tình duyên trắc trở:

“Vườn nay người khác đã vào

Khóm mai thay chỗ khóm đào ngày xưa”. [35.Tr.750] Ta hiểu ra rằng, chàng trai không lấy được người mình hằng yêu (Đào), mà phải sống với người con gái khác (Mai). Nhưng rồi từ đó, anh không ngớt dõi theo thân phận cuộc đời người tình xưa - xưa mà không chịu cũ!

Ngay trong những hoàn cảnh đắng cay chua xót, trong sự cách xa chia lìa, tấm lòng của họ dành cho nhau thật bền bỉ, sắt son:

“Muối ba năm muối đang còn mặn Gừng chín tháng gừng hãy còn cay Đôi ta nghĩa nặng tình dày

Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”

Hình tượng “muối mặn - gừng cay” từ lâu đã gắn với cuộc sống bình dị

của người dân quê: “Tay bưng đĩa muối chấm gừng - Gừng cay muối mặn xin

đừng quên nhau”. Cái mặn nồng của ân tình, cái cay cực cùng nếm trải đã kết

lại những tấm lòng. Thời gian dù có cách xa, nhưng những ân tình đã thành gừng cay muối mặn thì không có một trở lực nào có thể làm nhạt phai. Ân tình ấy đã được đo bằng thời gian đời người ba vạn sáu ngàn ngày, đã trở thành lẽ sống đậm đà tình nghĩa thủy chung của dân tộc. Tình yêu, lòng chung thủy đã gắn kết đôi lứa, giúp con người vượt qua qui luật khắc nghiệt của tạo hoá.

Qua đây ta thấy rằng sự đau đớn xót xa của chàng trai, cô gái trong ca dao của người Kinh được diễn tả gián tiếp thông qua các hình ảnh ví von với sự vật hiện tượng làm tăng thêm cảm xúc, còn ở người Tày sự đau xót đó được diễn tả một cách trực tiếp, tự nhiên, đúng với bản chất con người Tày chăm chỉ, hiền lành và chân thật.

Một phần của tài liệu hát lượn slương của người tày (qua khảo sát ở xã yên cư, huyện chợ mới, tỉnh bắc kạn) (Trang 58 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)