6. Kết cấu của luận văn
1.2.3. Nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa
Tư tưởng pháp lý tiến bộ của nhân loại về tính nhân đạo của pháp luật, của quyết định hình phạt được thể hiện tại hai văn bản quốc tế quan trọng của Liên hợp quốc (Điều 5 Tuyên ngôn nhân quyền và Điều 7 Công ước quốc tế) và Công ước của Liên hợp quốc ngày 10/12/1984 về việc chống tra tấn và các hình thức đối xử và hình phạt khác tàn nhẫn, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm của người khác [42, tr. 48].
Đây là một nguyên tắc đặc thù của luật hình sự Việt Nam và đòi hỏi phải đảm bảo mục đích cải tạo, giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội trong suốt quá trình tranh tụng để đưa ra phán quyết của bản án hình sự. Khi quyết định hình phạt, Tòa án phải xem xét toàn diện nhiều căn cứ về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; mục đích, động cơ, điều kiện, hoàn cảnh, tâm sinh lý và nhân thân của người phạm tội; đồng thời phải đánh giá đầy đủ các lợi ích của Nhà nước, của xã hội, của gia đình và của bị cáo trong mối quan hệ biện chứng, hài hòa và hợp lý.
Nguyên tắc nhân đạo được thể hiện với các nội dung cơ bản, đó là:
- Hình phạt, các biện pháp tư pháp và chế định pháp lý hình sự khác áp dụng đối với bị cáo không nhằm mục đích gây nên những đau đớn về thể xác và hạ thấp nhân phẩm con người.
- Nếu trong việc gây thiệt hại về mặt pháp lý hình sự mà thiếu dù chỉ là một trong năm đặc điểm của tội phạm, thiếu một trong năm dấu hiệu của chủ thể tội phạm, thiếu một trong năm điều kiện của trách nhiệm hình sự, thì tương ứng như vậy, hành vi ấy không phải là tội phạm, người thực hiện hành vi ấy không phải là chủ thể tội phạm và do vậy, trách nhiệm hình sự bị loại trừ.
- Mức độ trách nhiệm hình sự của người phạm tội là người có năng lực trách nhiệm hình sự hạn chế, người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ, người đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo được giảm nhẹ hơn so với người phạm tội là người bình thường [3, tr. 207-209].
Các quy định trong Bộ luật hình sự thể hiện nguyên tắc này như sau:
- Tại khoản 3 Điều 3 Bộ luật hình sự quy định: Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, đã hối cải, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục.
- Tại khoản 2 Điều 7 Bộ luật hình sự quy định: điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
- Tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự quy định: điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
- Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo Điều 46 Bộ luật hình sự và quyết định hình phạt nhẹ hơn luật định theo Điều 47 Bộ luật hình sự.
- Miễn hình phạt theo Điều 54 Bộ luật hình sự.
- Các quy định đối với người chưa thành niên phạm tội theo các điều từ Điều 57 đến Điều 63 Bộ luật hình sự [3, tr. 207-209].
1.2.4. Nguyên tắc cá thể hóa hình phạt
Căn cứ các quy định của pháp luật hình sự và ý thức pháp luật xã hội chủ nghĩa, Tòa án phải đánh giá đầy đủ và toàn diện các tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; mục đích, động cơ, hoàn cảnh, điều kiện và nhân thân của người phạm tội; các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt cụ thể đối với bị cáo đảm bảo mục đích và hiệu quả của hình phạt. Do đó, phản ánh rõ "nguyên tắc xử lý" trong luật hình sự Việt Nam là mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng và công minh theo đúng pháp luật, góp phần đảm bảo mục đích cơ bản của hoạt động tư pháp hình sự trong Nhà nước pháp quyền - bảo vệ vững chắc các quyền tự do của công dân với phương châm
"không bỏ lọt kẻ phạm tội, tránh làm oan người vô tội" [3, tr. 211-212].
Tùy theo tính chất và mức độ gây nguy hại cho xã hội theo quy định của pháp luật mà phân loại tội phạm để xử lý hình sự và quyết định hình phạt khác nhau. Tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy đến ba năm tù là tội phạm ít nghiêm trọng; tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy đến bảy năm tù là tội phạm nghiêm trọng; tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy đến mười lăm năm tù là tội phạm rất nghiêm trọng; tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Các điều
luật trong Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự đều quy định khung hình phạt và các hình phạt khác nhau để Tòa án quyết định hình phạt trên những cơ sở, căn cứ nhất định theo quy định luật hình sự nhằm cá thể hóa hình phạt trong áp dụng luật hình sự đối với từng vụ án hình sự và bị cáo khác nhau.
Nguyên tắc này được thể hiện thông qua nhiều quy phạm như sau:
- Tại Điều 2 Bộ luật hình sự quy định: Chỉ người nào phạm một tội đã
được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
- Tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật hình sự quy định:
Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng. Khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra [23].
- Trong Bộ luật hình sự quy định: Điều 8 (Khái niệm tội phạm); Điều 9 (Cố ý phạm tội); Điều 10 (Vô ý phạm tội); Điều 11 (Sự kiện bất ngờ); Điều 12 (Tuổi chịu trách nhiệm hình sự); Điều 13 (Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự); Điều 14 (Phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác); Điều 15 (Phòng vệ chính đáng); Điều 16 (Tình thế cấp thiết); Điều 17 (Chuẩn bị phạm tội); Điều 18 (Phạm tội chưa đạt);
Điều 19 (Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội); Điều 49 (Tái phạm, tái phạm nguy hiểm); Điều 53 (Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm),... [3, tr. 211-212].
Nguyên tắc này có ý nghĩa rất lớn trong tư tưởng pháp lý loại trừ nguyên tắc trách nhiệm hình sự tập thể như là di sản pháp lý phi nhân tính của các chế độ chiếm hữu nô lệ, chế độ phong kiến, phát xít đàn áp dã man người dân.
1.3. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT NHẸ HƠN QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ NĂM 1985 ĐẾN NAY