6. Kết cấu của luận văn
2.4.1. Một số tồn tại, hạn chế
- Phần lớn các điều luật trong Bộ luật hình sự quy định theo mức độ hình phạt từ thấp đến cao theo thứ tự 1, 2, 3, 4 thì cách hiểu thống nhất về khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật theo quy định của Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15/03/2001 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Nhưng Bộ luật hình sự cũng có nhiều điều luật lại quy định khung hình phạt nặng nhất là khung 1 sau đó mới đến các khung có mức án nhẹ hơn như quy định tại các Điều về xâm phạm an ninh quốc gia (từ Điều 78 đến 92), tội giết người (Điều 93), tội khủng bố (Điều 230a). Theo tinh thần của Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15/03/2001 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và của Điều 47 Bộ luật hình sự về "khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật" thì có thể hiểu khung liền kề nhẹ hơn của khoản 1 sẽ là khoản 2… [20, tr. 10].
Tuy nhiên, Bộ luật hình sự tại một số điều luật quy định không theo trật tự chiều thuận hoặc chiều nghịch của khung hình phạt có mức hình phạt nhẹ hơn, cụ thể như: Điều 111 về tội Hiếp dâm; Điều 112 về tội Hiếp dâm trẻ em; Điều 113 về tội Cưỡng dâm và Điều 227 về tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người, nên có nhiều quan điểm khác về việc áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự trong những trường hợp này.
Ví dụ: Theo quy định tại Điều 112 thì khung hình phạt liền kề của khoản bốn là khoản ba, khung hình phạt liền kề của khoản ba là khoản hai, khung hình phạt liền kề của khoản hai là khoản một. Song quy định tại Điều 112 thì
khung hình phạt quy định tại khoản 4 của điều luật, mức hình phạt khởi điểm lại thấp hơn mức hình phạt khởi điểm quy định tại khoản 3 (mười hai năm so với hai mươi năm) và bằng với mức hình phạt khởi điểm quy định tại khoản 2 của điều này cùng là 12 năm tù. Vì vậy, trong trường hợp bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, xứng đáng được áp dụng các quy định của Điều 47 thì việc xác định mức án trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn là rất khó khăn. Vì nếu áp dụng khung hình phạt liền kề tại khoản 3 thì mức khởi điểm lại cao hơn khoản 4, nếu áp dụng theo mức hình phạt khởi điểm tại khoản 2 thì lại có mức hình phạt khởi điểm bằng nhau và như vậy việc áp dụng các quy định tại Điều 47 lại chẳng có ý nghĩa gì. Còn nếu coi khoản 1 là khung hình phạt liền kề nhẹ hơn để áp dụng thì lại không đúng quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự…
Theo quy định và ví dụ tại Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15/03/2001 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng thống nhất Điều 47 Bộ luật hình sự thì việc quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật hình sự đối với bị cáo bị xét xử theo khoản 4 của điều luật này chưa thể bảo đảm quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh và hiệu lực của quy định Điều 47 Bộ luật hình sự đối với những điều luật nêu trên.
- Trong các hội nghị sơ kết, tổng kết công tác xét xử hoặc trong các hội thảo khoa học có nhiều ý kiến cho rằng, quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự là quá chặt chẽ, thiếu khả thi trong trường hợp bị cáo vừa có nhiều tình tiết giảm nhẹ, vừa có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Bị cáo trộm cắp tài sản của Nhà nước trị giá 51 triệu đồng nhưng lại có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là tự nguyện bồi thường toàn bộ thiệt hại là tài sản đã chiếm đoạt, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Tòa án có thể cân nhắc áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự đối với bị cáo với nhân thân tốt có 01 tình tiết tăng nặng theo điểm i khoản 1 Điều 48 và 03 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự hay không?
Có áp dụng quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật hình sự khi sự chênh lệch giữa các tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đảm bảo nhiều hơn ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự và bị cáo có đủ điều kiện, căn cứ theo quy định của Điều 47 Bộ luật hình sự hay không ?
- Chưa có quy định hoặc hướng dẫn về quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật hình sự trong giai đoạn phạm tội và đồng phạm, đối với người chưa thành niên phạm tội, nên Tòa án nhân dân các cấp tại thành phố Hải Phòng nói riêng và các Tòa án khác nói chung vướng mắc khi áp dụng, giải thích quy định này.
- Bộ luật hình sự chưa đề cao vai trò độc lập xét xử của Hội đồng xét xử nhận định, đánh giá lý do hoặc những tình tiết đặc biệt thể hiện bản chất làm giảm đáng kể mức độ nguy hiểm của tội phạm để linh hoạt quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với người phạm tội có những tình tiết đặc biệt làm giảm thật sự và khách quan tính chất, mức độ nguy hiểm đáng kể của tội phạm cùng hậu quả của vụ án trong trường hợp tự thú hoặc lập công lớn đặc biệt giúp cho các cơ quan bảo vệ pháp luật phá tan các tổ chức tội phạm góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng chống các tội phạm có tổ chức hoặc những trường hợp khác chưa thể dự liệu đến. Ví dụ: Tòa án chỉ xét xử bị cáo có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản có giá trị trong mỗi vụ án là 50 triệu đồng về tội trộm cắp tài sản theo khung hình phạt của khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, nếu tách thành 3 vụ án do yếu tố khách quan chỉ tìm được người bị hại trong các vụ án đó sau khi xét xử xong từng vụ án thì bị cáo bị xét xử 3 lần với hình phạt mỗi lần theo khung hình phạt của khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự, sau đó tổng hợp hình phạt của 3 bản án đó với mức hình phạt gấp khoảng 3 lần so với trường hợp bị cáo đó bị xét xử 1 lần đối với 3 hành vi là một bất cập và không đảm bảo nguyên tắc công bằng.