Căn cứ vào nhân thân người phạm tội

Một phần của tài liệu [ Bản Full ] Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật hình sự trong luật hình sự Việt Nam và thực tiễn áp dụng trên địa bàn thành phố Hải Phòng (Trang 46 - 49)

6. Kết cấu của luận văn

2.1.2. Căn cứ vào nhân thân người phạm tội

- Nhân thân người phạm tội là tổng hợp những đặc điểm, đặc tính xã

hội khác nhau của một con người cụ thể với tư cách là chủ thể của tội phạm mà những đặc điểm, đặc tính này có ảnh hưởng nhất định đến hành vi phạm tội và khả năng giáo dục, cải tạo người phạm tội. Toàn bộ các yếu tố về tự nhiên và xã hội có liên quan đến người phạm tội bao gồm: Tuổi đời, tình trạng sức khỏe, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, quá trình công tác, thành tích, kỷ luật, lịch sử bản thân, hoàn cảnh gia đình... Các yếu tố

về thân thân người phạm tội được thể hiện trong lý lịch bị cáo và các tài liệu khác có liên quan đến nhân thân người phạm tội phải được các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập đầy đủ trong hồ sơ vụ án.

Trong một số trường hợp, các yếu tố về nhân thân người phạm tội đã

được nhà làm luật quy định là yếu tố loại trừ trách nhiệm hình sự, yếu tố miễn hình phạt, yếu tố định tội, định khung hình phạt hoặc quy định là tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: Người phạm tội từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng (khoản 2 Điều 12);

người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (khoản 1 Điều 13);

người không tố giác tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 313 của Bộ luật hình sự (khoản 2 Điều 22); không phạt tử hình hoặc tù chung thân đối với người phạm tội chưa đủ 18 tuổi; không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa đủ 16 tuổi (khoản 5 Điều 69); không phạt tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử (Điều 35); người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt, v.v...

Trong trường hợp các yếu tố về nhân thân người phạm tội chưa được quy định là yếu tố định tội, định khung hình phạt hoặc quy định là tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, thì khi quyết định hình phạt, Tòa án phải đánh giá được khả năng phát triển nhân cách của họ, khả năng cải tạo cũng như các vấn đề ảnh hưởng đến quá trình cải tạo họ trở thành

người có ích cho xã hội để áp dụng một hình phạt cho tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo.

- Đối với người chưa thành niên phạm tội, các yếu tố và đặc điểm về nhân thân cũng phụ thuộc vào các đặc điểm gắn liền với cuộc đời của họ là căn cứ quan trọng để Tòa án cân nhắc khi quyết định hình phạt. Các yếu tố như độ tuổi, trình độ văn hóa, lịch sử bản thân và hoàn cảnh gia đình là những yếu tố có ý nghĩa trực tiếp đến hành vi phạm tội của họ, cụ thể:

Về độ tuổi, ngoài quy định của Điều 12 Bộ luật hình sự về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì trong độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau thì tuổi càng nhỏ hình phạt phải nhẹ hơn.

Về trình độ văn hóa cũng là yếu tố ảnh hưởng đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên. Nhận thức về tính nguy hiểm cho xã hội của người có học khác với người không được đi học. Đối với người chưa thành niên phạm tội mà không được đi học dễ bị mua chuộc, lôi kéo hơn.

Lịch sử bản thân của người chưa thành niên có liên quan đáng kể đến hành vi phạm tội của họ. Một đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi, sống lang thang, đã vi phạm pháp luật nhiều lần dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội hơn một đứa trẻ có bố mẹ, được nuôi dạy tử tế.

Hoàn cảnh gia đình của người chưa thành niên là một yếu tố quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi phạm tội của họ. Sống trong gia đình có truyền thống, giáo dục, bố mẹ, ông bà là công dân tốt khác với một đứa trẻ sống thiếu tình thương của cha mẹ, người thân như: bố mẹ ly hôn, bố hoặc mẹ phạm tội phải đi tù hoặc phải sống trong một gia đình bố mẹ lục đục, mâu thuẫn, sống ích kỷ không quan tâm đến con cái, v.v…

Khi quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật hình sự, Tòa án cân nhắc thêm yếu tố nhân thân khác về tương quan giữa người phạm tội có nhân thân tốt, bị lôi kéo, rủ rê, có quá trình học tập, tu dưỡng bản thân, trong hoàn cảnh, điều kiện phạm tội nhất định, với người đã từng có tiền án,

tiền sự, thường lang thang bỏ nhà, không chịu lao động; tương quan giữa người chưa thành niên phạm tội có bị người khác xúi giục với người thực hành, người tổ chức là người đã thành niên;…

Một phần của tài liệu [ Bản Full ] Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật hình sự trong luật hình sự Việt Nam và thực tiễn áp dụng trên địa bàn thành phố Hải Phòng (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)