THÀNH PHỐ SÁNG TẠO
2. Nhận diện các nguồn lực có thể khai thác phát triển công nghiệp sáng tạo ở Huế
2.1. Nguồn lực di sản văn hóa
Với bề dày lịch sử 700 năm phát triển, trong đó có gần bốn thế kỷ là vùng đất cố đô, Huế lưu giữ trong lòng một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú.
Về di sản văn hóa vật thể, Huế sở hữu rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa, công trình kiến trúc, danh lam cổ tự có giá trị cao. Theo thống kê, hiện Huế có gần 1.000 di tích lịch sử - văn hóa từ cấp quốc gia đặc biệt đến cấp quốc gia, cấp tỉnh... với những cung điện, thành quách, đền đài, miếu vũ, lăng tẩm có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật to lớn. Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO ghi danh là di sản thế giới vào năm 1993. Ngoài ra còn vô vàn địa danh nổi tiếng như Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Kỳ Đài, Ngọ Môn, đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, hàng trăm ngôi chùa cổ, đình, đền miếu, phủ, các ngôi làng cổ, nhà rường, nhà vườn, phủ đệ…
Về di sản văn hóa phi vật thể, Huế nổi tiếng có các lễ hội truyền thống đặc sắc, các diễn xướng dân gian và âm nhạc cung đình, các làng nghề thủ công mỹ nghệ, các phong tục, tập quán lâu đời. Huế hiện có hơn 500 lễ hội truyền thống, trong đó có những lễ hội độc đáo như: Lễ hội Điện Hòn Chén, lễ tế xã tắc, lễ thượng tiêu, lễ rước hến, hội đua ghe truyền thống,... Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2003. Huế còn có 2 di sản được ghi danh chung với các địa phương khác là Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Ca Huế cũng là một di sản văn hóa độc đáo của vùng đất Cố đô, kết quả của sự giao lưu, tiếp biến giữa âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian. Huế còn có 03 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu thế giới và Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Mộc bản triều Nguyễn (năm 2009), Châu bản triều Nguyễn (năm 2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (năm 2016), v.v...
Huế cũng có một nền ẩm thực đặc sắc, hấp dẫn với thực đơn phong phú, đa dạng gồm các món ăn cung đình và dân gian. Theo thống kê, Huế chiếm tới 1.300/1.800 món ăn của Việt Nam. Huế còn nổi tiếng với những làng nghề thủ công
137
truyền thống lâu đời với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, đội ngũ nghệ nhân dân gian tài hoa, cần cù, giàu sáng tạo.
Nhìn chung, Huế sở hữu một nguồn tài nguyên di sản văn hóa vô cùng giàu có, là nguồn “vốn văn hóa” đầy tiềm năng để địa phương có thể khai thác, phát huy phục vụ cho phát triển công nghiệp sáng tạo.
2.2. Nguồn lực tài nguyên thiên nhiên
Bên cạnh nguồn tài nguyên nhân văn, Huế còn được tạo hóa ban tặng một nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, với hệ thống sông, núi, gò đồi, thảm thực vật, cảnh quan sinh thái tươi đẹp. Huế hiện có hơn 750 ha diện tích công viên cây xanh và đường phố có cây xanh, hơn 750 ngôi nhà vườn tạo thành một “đại lâm viên” trùm bóng mát lên đô thị. Do vậy, không phải vô cớ mà Huế được ví như một
“thành phố vườn”.
Sông Hương được xem là dòng sông sạch nhất của Việt Nam chảy qua trung tâm Huế. Những địa danh nổi tiếng của Huế như núi Ngự Bình, đồi Vọng Cảnh, những con đường bên bờ sông Hương đều có thảm thực vật và hệ cây xanh phủ kín.
Con người Huế thấm đẫm triết lý sống khiêm cung, thái hòa, hòa mình vào thiên nhiên, tôn trọng tự nhiên, nương mình vào thiên nhiên mà sống. Huế chính là một “đô thị di sản - sinh thái” điển hình của Việt Nam, giống như Cố đô Kyoto của Nhật Bản, nơi các di sản cổ kính nép mình dưới vòm xanh của thiên nhiên.
Huế đã tận dụng và khai thác rất tốt lợi thế này để quảng bá về hình ảnh thành phố. Năm 2014, Huế được nhận giải thưởng “thành phố bền vững môi trường ASEAN” với các tiêu chí về không khí sạch, đất sạch, nước sạch và phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Năm 2016, Huế lại là thành phố đầu tiên của Việt Nam được Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) vinh danh là “thành phố xanh quốc gia” bởi những chính sách và sáng kiến trong phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để Huế phát triển thành phố sáng tạo theo hướng bền vững, xây dựng đô thị di sản, đô thị sinh thái Xanh - Sạch - Sáng.
2.3. Nguồn lực con người
Nói về nguồn lực con người trong phát triển công nghiệp sáng tạo phải đề cập đến tất cả các loại nhân lực tham gia. Về cơ bản có thể quy về 3 nhóm: nhân lực quản lý, nhân lực sáng tạo và nhân lực sản xuất, kinh doanh.
Nhân lực quản lý là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức ngành văn hóa và các ngành liên quan giúp tư vấn, tham mưu, quản lý, giám sát, định hướng sự phát triển công nghiệp sáng tạo tại địa phương. Đây là bộ phận nhân lực quan trọng, quyết định sự thành bại của công tác hoạch định và thực thi chính sách. Nếu bộ phận này tinh nhuệ, có chuyên môn vững, có tư duy và tầm nhìn chiến
138
lược, nắm bắt tốt thực tiễn thì hiệu quả quản lý, lãnh đạo sẽ cao. Còn ngược lại, sẽ tạo nên tình trạng quan liêu, trì trệ, xa rời thực tế, cản trở sự phát triển.
Hiện nay, Huế may mắn có một ekip lãnh đạo rất quan tâm đến phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo nói riêng. Gần đây chính quyền thành phố đã có những quyết sách táo bạo, sự đầu tư ngân sách lớn cho văn hóa, triển khai nhiều đề án, dự án thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Đội ngũ này cũng luôn là những người đi tiên phong trong việc quảng bá văn hóa Huế (mặc áo dài truyền thống, tham gia các sự kiện, hoạt động tôn vinh văn hóa Huế, bản sắc Huế...).
Nhân lực sáng tạo là đội ngũ nòng cốt để phát triển công nghiệp sáng tạo, gồm các văn nghệ sĩ, trí thức, nghệ nhân dân gian, người làm văn hóa, nghệ thuật.
Họ là những người có tài năng, ý tưởng sáng tạo, có những phát minh, sáng chế mang hàm lượng trí tuệ cao. Vốn là vùng đất kinh sư, Huế là nơi sản sinh nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, điêu khắc gia tài danh như Trịnh Công Sơn, Mai Trung Thứ, Đinh Cường, Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng, Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Tôn Thất Đào, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vĩ... Trong nhiều thế kỷ, Huế cũng là nơi thu hút nhân tài, tinh hoa trí thức của cả nước. Hiện nay Huế luôn đi tiên phong trong nhiều vấn đề của văn học nghệ thuật. Trong số các nhạc sĩ, ca sĩ, người hoạt động nghệ thuật sinh ra hoặc có thời gian trưởng thành ở Huế có không ít tổ chức, cá nhân thích ứng tốt với công nghiệp văn hóa và gặt hái nhiều thành công như Nguyễn Hải Phong, Hồ Ngọc Hà, Quang Linh, Cát Tường, Gin Tuấn Kiệt...
Nhìn chung, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức Huế có năng lực sáng tạo tốt, khả năng thích ứng nhanh, bắt đầu phát huy vai trò trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Nhân lực sản xuất, kinh doanh chủ yếu là tầng lớp doanh nhân, người lao động trong các doanh nghiệp, tập đoàn, công ty, hợp tác xã, hộ gia đình... Đây là bộ phận giữ vai trò quan trọng trong việc biến các ý tưởng sáng tạo thành các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ văn hóa, đem lại giá trị kinh tế thiết thực. Bộ phận nhân lực này của Huế được đánh giá là có nền tảng văn hóa tốt, cần cù, khéo léo, thông minh, nắm bắt được khoa học và công nghệ, có kỹ năng kinh doanh trong cơ chế kinh tế thị trường.
2.4. Nguồn lực tài chính
Trong những năm qua, Nhà nước và chính quyền địa phương đã dành một nguồn kinh phí không nhỏ cho di sản văn hóa nói riêng, phát triển văn hóa nói chung. Chỉ tính riêng kinh phí đầu tư cho bảo tồn, tu bổ Quần thể Di tích Cố đô Huế giai đoạn 1996 - 2020 là khoảng 1.900 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1.000 tỷ đồng. Nhờ vậy, diện mạo Quần thể Di tích Cố đô Huế có nhiều biến chuyển, vượt
139
qua giai đoạn “cứu nguy khẩn cấp” chuyển sang giai đoạn “ổn định và phát triển bền vững”. Sau nhiều năm xuống cấp nghiêm trọng, gần 200 công trình và hạng mục công trình đã được tu bổ, phục hồi, tôn tạo. Di tích Điện Thái Hòa (Đại Nội Huế) được trùng tu để bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Sự nghiệp phát triển văn hóa được nhận kinh phí hằng năm từ ngân sách nhà nước, các nguồn đầu tư xây dựng cơ bản, các Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam và nhiều chương trình, đề án, dự án khác. Nhà nước tạo điều kiện để địa phương huy động các nguồn lực tài chính phục vụ cho phát triển, chẳng hạn, Quốc hội mới có Nghị quyết 38/2021/QH15 cho phép Huế giữ lại toàn bộ phí thu tham quan di tích để thực hiện việc đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích.
Huế là địa phương quan tâm đầu tư cho văn hóa qua các chương trình lớn như: Hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế với tổng kinh phí khoảng 268 tỷ đồng đến năm 2030 (Nghị quyết 18/2020/NQ-HĐND); Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND) với các chính sách hỗ trợ giá thuê cơ sở nhà, đất; hỗ trợ hoạt động trưng bày, triển lãm; đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ quảng bá hình ảnh...
Ngoài nguồn vốn của Nhà nước, các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cũng nhận được sự hỗ trợ của các Quỹ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài như UNESCO, JICA, KOICA, Quỹ Ford, Quỹ Toyota...
Công tác xã hội hóa được chính quyền khuyến khích dưới mọi hình thức.
Năm 2022, Quỹ Bảo tồn di sản Huế được thành lập nhằm huy động các nguồn lực tài chính từ các địa phương, cá nhân và tổ chức. Ngay trong dịp ra mắt, Quỹ đã tiếp nhận sự hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên 7,6 tỷ đồng.
2.5. Nguồn lực cơ sở vật chất
Về cơ bản, đến nay Huế đã có một cơ sở hạ tầng vật chất - kỹ thuật đủ sức phát triển một số ngành công nghiệp sáng tạo chủ chốt. Bên cạnh hệ thống nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa... của nhà nước đã hình thành một hệ thống các thiết chế văn hóa của khu vực tư nhân, ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của thị trường. Nhà hát Sông Hương mới được đầu tư xây dựng, có trang thiết bị hiện đại để tổ chức các chương trình, sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn. Bên cạnh đó Huế còn có Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế và Nhà hát Ca kịch Huế. Hiện Huế có 8 bảo tàng (6 bảo tàng công lập và 2 bảo tàng ngoài công lập), trong đó có những bảo tàng sở hữu nhiều hiện vật quý như Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Bảo tàng tranh thêu XQ, Bảo tàng gốm sứ...
140
Hệ thống rạp chiếu phim tư nhân ở Huế ngày càng hiện đại, khang trang, đảm bảo đạt chuẩn phòng chiếu quốc tế như Lotte Cinema, Cinestar, BHD Star, Starlight Cinema. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở từng bước đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của người dân. Đó là hệ thống Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, nhà văn hoá cấp xã, nhà sinh hoạt cộng đồng... thu hút được sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thể chất của người dân.
Nhìn chung, Huế đang sở hữu khá đầy đủ các nguồn lực chủ chốt, các điều kiện thiết yếu cũng như các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo và trở thành một thành phố sáng tạo.