Thực trạng chuyển hóa các nguồn lực để phát triển công nghiệp sáng tạo ở Huế hiện nay

Một phần của tài liệu Kỷ yếu hội thảo mạng lưới các thành phố sáng tạo của unesco (Trang 146 - 151)

THÀNH PHỐ SÁNG TẠO

3. Thực trạng chuyển hóa các nguồn lực để phát triển công nghiệp sáng tạo ở Huế hiện nay

3.1. Thể chế, cơ chế, chính sách có nhiều biến chuyển

Trong khoảng 10 năm gần đây, Thừa Thiên Huế là tỉnh có những thay đổi rất tích cực về thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển văn hóa. Tỉnh đã kịp thời cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương như Kết luận số 48-KL/TW, Thông báo 175- TB/TW của Bộ Chính trị1, và gần đây là Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Ngày 18/3/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 109/KH-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đó cụ thể hóa thành các đề án, dự án triển khai trong thực tiễn.

Trên cơ sở đó, thành phố có nhiều thay đổi trong cơ chế quản lý, đề ra nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn. Huế đã có những bước đi thiết thực nhằm xây dựng thành phố xứng tầm là “trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước”, khẳng định các thương hiệu Huế điểm đến di sản: “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa, du lịch ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”, “đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường”, v.v...

Huế cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài và thực hiện hồi hương cổ vật về nước. Huế có các Đề án xây dựng và khai thác sản phẩm thương hiệu đặc trưng: “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Huế - Thành phố Lễ hội”, “Huế - Kinh đô Áo dài”, “Phát huy và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc”... góp phần thiết thực khai thác thế mạnh, sự hấp dẫn về văn

1 Kết luận số 48-KL/TW, ngày 25-5-2009, của Bộ Chính trị, về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020; Thông báo số 175-TB/TW, ngày 1-8-2014, của Bộ Chính trị, về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng phát triển tỉnh Thừa Thên Huế và đô thị Huế đến năm 2020

141

hóa, vùng đất, con người Huế phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền thành phố có cơ chế hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như cấp vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ các startup trong các dự án đổi mới sáng tạo, v.v...

Tuy nhiên, bên cạnh đó, thành phố vẫn cần phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện, cải cách thể chế, cơ chế, chính sách nhiều hơn nữa để ngày càng tiệm cận hơn và phù hợp hơn với kinh tế thị trường. Hiện nay vẫn còn không ít điểm nghẽn cần tháo gỡ trong cơ chế, chính sách đối với văn nghệ sĩ, với các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp văn hóa nghệ thuật, xúc tiến, thu hút đầu tư, xuất khẩu, tiếp cận thị trường thế giới... Chỉ khi có một hành lang pháp lý thuận lợi, một môi trường đầu tư thông thoáng, một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt, Huế mới thu hút được nhiều nhà đầu tư địa phương cũng như từ các tỉnh khác và quốc tế. Đến nay, bản thân nhiều người con của Huế vẫn thấy cố đô là không gian khá chật hẹp cho những ý tưởng sáng tạo bay bổng. Do vậy, việc phát triển công nghiệp sáng tạo ở Huế gặp nhiều trở ngại hơn so với các đô thị lớn ở hai đầu đất nước.

3.2. Sản phẩm, dịch vụ văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng

Huế đã có những bước đi năng động và đạt những kết quả đáng ghi nhận ở các lĩnh vực có ưu thế nổi trội như: du lịch văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, điện ảnh, thiết kế...

Trước hết, du lịch vẫn là thế mạnh hàng đầu của Huế với những sản phẩm độc đáo, có bản sắc riêng gắn với du lịch di sản, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch lễ hội, du lịch về nguồn... Ngoài các tour, tuyến du lịch đại nội, du lịch lăng tẩm, Huế ngày càng có nhiều sản phẩm du lịch mới như: Chương trình nghệ thuật

“Đêm Hoàng Cung”, các tour du lịch thăm nhà vườn Huế, làng nghề Huế, di sản và văn hóa các làng cổ, các tuyến phố đi bộ... Các loại hình nghệ thuật cung đình, dân gian, truyền thống được nghiên cứu, sáng tạo để trở thành những chương trình biểu diễn, giao lưu nghệ thuật phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách. Một số lễ hội mang nét văn hóa cung đình thời Nguyễn được phục dựng, tái hiện như Lễ tế Nam Giao, Lễ tế Xã Tắc... Huế cũng có nhiều làng nghề truyền thống giàu bản sắc, trở thành những điểm tham quan hấp dẫn. Phát triển du lịch làng nghề được xem là một hướng đi hiệu quả nhằm gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa Huế.

Huế còn thành công ở lĩnh vực tổ chức các sự kiện, lễ hội đương đại. Trải qua hơn 20 năm, Huế đã tổ chức thành công 10 kỳ Festival. Các Festival ngày càng hoàn thiện về quy mô, nội dung, hình thức và tính chuyên nghiệp. Đó là nền tảng để Huế xây dựng thương hiệu “thành phố festival”, tạo nên sức hút, vị thế riêng của Huế trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.

Huế cũng có những thành công trong lĩnh vực thiết kế, thời trang. Áo dài Huế đang trở thành một thương hiệu mới cả trên phương diện tổ chức sự kiện lẫn

142

thiết kế. Ra đời từ thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, áo dài ngũ thân gắn bó mật thiết với văn hóa Huế và ngày nay trở thành trang phục mang đậm quốc hồn quốc túy của dân tộc. Hiện nay, đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” đang được triển khai với nhiều hoạt động rộng khắp. Nghề may đo áo dài được phục hồi, góp phần phát huy tri thức, kỹ năng của các nghệ nhân Huế, đồng thời tạo thêm giá trị gia tăng cho các lĩnh vực khác như sản phẩm lưu niệm, đồ chơi, phụ kiện, điện ảnh, mỹ thuật… Năng lực thiết kế của Huế còn thể hiện ở nhiều sản phẩm độc đáo khác, chẳng hạn như sản phẩm giày kết hợp nghệ thuật sơn mài, điêu khắc của doanh nhân trẻ Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh. Sản phẩm đã khẳng định thương hiệu không chỉ ở thị trường nội địa, mà còn có chỗ đứng ở các thị trường khó tính như Mỹ, EU hay các sàn diễn quốc tế danh giá.

Ẩm thực cũng là một thế mạnh để Huế khai thác xây dựng thương hiệu

“Kinh đô ẩm thực Việt Nam”. Bún bò, cơm hến, bánh bèo, bánh bột lọc nhân tôm, thanh trà, mè xửng, chè hạt sen, ruốc, tôm chua và tré là 10 đặc sản ẩm thực lọt vào top Đặc sản Việt Nam lần thứ nhất (2012). Đặc biệt, bún bò là một trong số 12 món ăn Việt Nam được xác lập Kỷ lục châu Á trong năm 2012. Bên cạnh đó, có ít nhất 30 đến 50 món chay ở Huế thỏa sức cho du khách trải nghiệm. Hiện nay Đề án

“Huế - Kinh đô ẩm thực” đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đang được Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế hợp tác với Công ty Cổ phần Đại Nam - Thái Y Viện triển khai góp phần đắc lực vào việc định hình một ngành công nghiệp văn hóa của thành phố.

Huế cũng có nhiều sáng tạo đột phá trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Từng là thủ phủ của các chúa Nguyễn và kinh đô của các triều Tây Sơn, Gia Long, Huế là nơi hội tụ các nghệ nhân và tinh hoa làng nghề của cả nước. Chính vì thế, Huế được chọn làm nơi tổ chức “Festival nghề truyền thống” hai năm một lần, quy tụ các ngành nghề truyền thống của Việt Nam. Nổi tiếng nhất phải kể đến chiếc nón bài thơ Huế. Các nghệ nhân hiện nay đã có nhiều thay đổi trong tư duy làm nghề, tạo nên những sản phẩm độc đáo như: nón lá sen, nón xương lá bàng, nón trúc chỉ...

Ngoài ra là các sản phẩm điêu khắc gỗ, thêu tay, làm đèn lồng, làm diều, đúc đồng, đan lát mây tre, đan lát cỏ bàng, làm phấn nụ, hoa giấy, làm hương, tranh pháp lam, thếp mài, sơn mài... Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Huế hiện không chỉ là đồ lưu niệm ưa thích cho du khách, mà còn trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị đến các quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ…

Thời gian qua có khá nhiều nhà hoạt động văn hóa, nghệ thuật sử dụng bối cảnh Huế, di sản Huế, làng nghề Huế để xây dựng các tác phẩm điện ảnh, nghệ thuật rất thành công. Nổi bật hơn cả trong các sản phẩm nghe nhìn là điện ảnh.

Nhiều dự án phim đã lựa chọn Huế làm không gian, bối cảnh cho tác phẩm. Sự

143

thành công của những bộ phim đình đám Nàng thơ xứ Huế, Mắt Biếc, Gái già lắm chiêu, Em và Trịnh là những minh chứng thuyết phục. Điện ảnh đang trở thành một phương thức hữu hiệu tạo ra các giá trị gia tăng trực tiếp và gián tiếp cho Huế.

Trong âm nhạc, nếu trước đây công chúng quen với những ca khúc nhẹ nhàng, tình cảm, nhưng có phần chậm rãi, trầm buồn; phong cách biểu diễn ít sôi động, phá cách; trang phục kín đáo, đậm gam màu tím Huế, thì hiện nay đã có một sự “lột xác” cả về ý tưởng, bối cảnh, trang phục, màu sắc, nhịp điệu, công nghệ... Đây là một cách tiếp cận hoàn toàn mới, đưa tới một góc nhìn trẻ trung, năng động, tươi mới về Huế, thấm đượm hơi thở của công nghiệp văn hóa.

Có thể thấy, các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ văn hóa ở Huế đang ngày càng được đa dạng hóa, đa kênh hóa. Đó chính là những điều kiện quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo và hình thành một thị trường văn hóa thực sự.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, sản phẩm và dịch vụ văn hóa của Huế vẫn cần tiếp tục được cải tiến, nâng cấp và hoàn thiện hơn. Nhiều mẫu mã, sản phẩm còn đơn điệu, rập khuôn, tính sáng tạo chưa cao, chất lượng còn nhiều hạn chế. Thị trường văn hóa của Huế còn ở giai đoạn phát triển tự phát, quy mô chưa lớn, chưa mở rộng được xuất khẩu. Việc đăng kí thương hiệu, bảo vệ tác quyền vẫn chưa được chú trọng.

Trên thực tế, nhiều sản phẩm sáng tạo của Huế vẫn bị hàng ngoại và hàng của các địa phương khác lấn lướt. Các doanh nghiệp văn hóa, nhà sáng tạo, nhà sản xuất còn phải chật vật “giải bài toán” doanh thu. Do vậy, rất cần tiếp tục đa dạng hóa cũng như “dị biệt hóa” các hàng hóa, sản phẩm mang bản sắc Huế, gia tăng hàm lượng sáng tạo trong các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

3.3. Nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật được quan tâm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng

Theo số liệu thống kê, lao động trong lĩnh vực sáng tạo ở thành phố Huế chiếm 7,6% tổng số lao động, chủ yếu dựa trên ngành công nghiệp thiết kế dệt may, thời trang và tiếp đến là ngành mộc, mỹ nghệ... Đó là bởi từ năm 2015, địa phương đã định hướng xây dựng Huế trở thành trung tâm dệt may miền Trung và người Huế cũng nổi tiếng về sự tỉ mỉ, cầu kỳ, khéo tay. Để thích ứng với kinh tế thị trường, đội ngũ sáng tạo, thiết kế, các nghệ nhân Huế luôn năng động trong cách tân, sáng tạo và liên tục thay đổi chất liệu, mẫu mã.

Về hoạt động đào tạo, hiện nay Huế là nơi tập trung các trường đào tạo hàng đầu về văn hóa nghệ thuật của miền Trung: Trường Đại học Nghệ thuật thuộc Đại học Huế, Học viện Âm nhạc Huế, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế... Trong hai thập niên gần đây, thông qua các Đề án quan trọng của Nhà nước như: Đề án Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến

144

năm 2020, tầm nhìn 2030; Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trình độ cao trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2011 - 2020; Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường văn hóa nghệ thuật; Đề án Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn 2030; Đề án Đào tạo bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật đến năm 2030..., các cơ sở đào tạo ở Huế cũng được hưởng lợi từ các chương trình này. Một số sinh viên xuất sắc có cơ hội được tuyển chọn và cử đi đào tạo nước ngoài từ trình độ đại học trở lên.

Các Đề án 911, 599, học bổng Hiệp định Chính phủ... cũng góp phần đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật cho các địa phương. Bên cạnh các cơ sở đào tạo công lập, hiện nay cũng xuất hiện các cơ sở đào tạo ngoài công lập, các “lò đào tạo” diễn viên, ca sĩ, tài năng nghệ thuật... với cách tuyển sinh, đào tạo năng động và gần gũi hơn với thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là nguồn nhân lực sáng tạo ở Huế vẫn còn khá yếu và thiếu, vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển.

Đội ngũ làm nghề có thể có chuyên môn giỏi, tài năng nghệ thuật cao, nhưng lại thiếu kỹ năng quản trị, kinh doanh, tiếp thị, truyền thông, quảng cáo trong cơ chế kinh tế thị trường. Tính sáng tạo còn yếu, nên sản phẩm còn thiên về sản xuất hàng loạt, còn thiếu vắng những sản phẩm có bản sắc riêng của Huế, có giá trị gia tăng cao.

Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, nguồn nhân lực của Huế cũng còn yếu về công nghệ thông tin, chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, sáng tạo số làm nền tảng cho sự phát triển và đổi mới.

3.4. Công nghiệp sáng tạo có đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của địa phương

Không thể phủ nhận là những năm gần đây, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Du lịch di sản, du lịch văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Huế. Theo thống kê, tổng lượt khách đến Huế năm 2019, đến trước đại dịch COVID-19, đạt gần 5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt gần 2,5 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt gần 5 nghìn tỷ đồng. Khoảng 85% du lịch Huế là du lịch di sản, tỷ trọng dịch vụ du lịch chiếm trên một nửa trong cơ cấu các ngành kinh tế. Các ngành công nghiệp sáng tạo có đóng góp ngày càng tăng vào GRDP của thành phố.

Các ngành công nghiệp sáng tạo cũng còn có đóng góp thiết thực trên phương diện văn hóa - xã hội, tạo công ăn, việc làm, gia tăng thu nhập cho người dân, giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp, hạn chế các tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan là sự đóng góp nêu trên của Huế vẫn chủ yếu đến từ việc khai thác, phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch.

Tỷ trọng đóng góp của các ngành mang tính sáng tạo thực sự vẫn còn khá khiêm

145

tốn. Hàm lượng đổi mới, sáng tạo vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các nguồn tài nguyên và nguồn lực con người Huế.

Một phần của tài liệu Kỷ yếu hội thảo mạng lưới các thành phố sáng tạo của unesco (Trang 146 - 151)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(374 trang)