THÀNH PHỐ SÁNG TẠO
2. Các di tích lịch sử - văn hóa thế mạnh của tỉnh Thừa Thiên Huế đối với
Lịch sử là bản thân hiện thực khách quan, với tất cả những sự kiện, hiện tượng xảy ra trong quá khứ. Từ khi xuất hiện trên trái đất, trải qua hàng triệu năm đấu tranh vì sự sinh tồn và phát triển, con người đã để lại những dấu vết, minh chứng cho quá khứ có thật của mình, đó chính là DTLS.
Luật Di sản văn hóa sửa đổi (2013) nêu rõ: DTLS - văn hóa (Historical and cultural site/monument) là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Di tích lịch sử - văn hóa (DTLSVH) phải có một trong các tiêu chí sau đây:
a. Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử, văn hóa tiêu biểu của quốc gia hoặc của địa phương;
b. Công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của quốc gia hoặc của địa phương trong các thời kỳ lịch sử;
c. Địa điểm khảo cổ có giá trị tiêu biểu;
d. Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị tiêu biểu cho một hoặc nhiều giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật [5].
Từ những quan điểm nêu trên, có thể hiểu DTLS là những dấu vết còn lại của một thời kỳ lịch sử gắn với sự kiện tiêu biểu hoặc gắn với thân thế, sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của quốc gia hoặc địa phương trong các thời kỳ lịch sử. Nhiều DTLS có giá trị về văn hoá, phản ánh sự phát triển của văn hoá ở một giai đoạn nhất định. Cho nên, người ta gọi chung là loại hình di tích lịch sử văn hóa. Ngoài những công trình đơn lẻ, còn có cụm DTLS. Cụm DTLS là một nhóm DTLS hình thành cùng thời hay qua quá trình tồn tại, được liên kết với nhau thành hệ thống về nội dung và giá trị không thể tách rời, ví dụ như Quần thể Di tích Cố đô Huế, Quần thể Di tích danh thắng Yên Tử,…
Di tích lịch sử văn hóa là di sản quý giá của nhiều thời đại, là sự kết tinh những tinh hoa do con người sáng tạo ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế văn hóa, xã hội… Nói một cách khác DTLSVH là biểu trưng cụ thể của bản lĩnh bản sắc dân tộc.
Với đặc trưng và thuộc tính của mình, DTLSVH là một yếu tố không thể thiếu được trong kết cấu môi trường sống của con người và cũng là yếu tố thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt là trong lĩnh vực truyền bá tri thức khoa học và giáo dục truyền thống cho các thế hệ.
3. Hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở Thừa Thiên Huế
Thừa Thiên Huế là vùng đất địa linh nhân kiệt. Hiếm có nơi nào mà những giá
165
trị văn hoá phong phú, đa dạng, đặc sắc, độc đáo vừa mang nét chung, vừa có tính đặc thù riêng biệt như ở Thừa Thiên Huế. Đây là nơi mà lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí độc lập tự cường đã trở thành nét đẹp truyền thống được trao truyền qua bao thế hệ. Biết bao tên đất, tên làng, đường phố, ngôi nhà, ngọn đồi, khe suối… đã chứng kiến lòng dũng cảm phi thường và sự hi sinh cao cả của quân và dân Thừa Thiên Huế, cùng đồng bào cả nước - những người nặng lòng với Huế để giải phóng Huế, bảo vệ giá trị văn hoá Huế. Những giá trị lịch sử, văn hoá đó kết tinh lại ở các DTLSVH đã và đang được bảo tồn và phát huy cho đến ngày nay.
Với hệ thống di tích lịch sử phong phú gồm 891 di tích đã được tiến hành kiểm kê phân loại, trong đó có 532 di tích lịch sử cách mạng, lưu niệm danh nhân và sự kiện lịch sử, 44 di tích khảo cổ học và di tích thời kỳ Champa, 298 di tích kiến trúc nghệ thuật, 17 di tích danh thắng.Trong đó, Quần thể Di tích Cố đô Huế, hệ thống di tích đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (qua Thừa Thiên Huế); Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế (Nhà lưu niệm Bác Hồ ở đường Mai Thúc Loan;
Địa điểm Trường Quốc Học; Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ; Đình làng Dương Nỗ) là di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt. Các giá trị văn hóa di sản đã phát huy vai trò làm nền tảng cho phát triển du lịch bền vững, các di tích được bảo tồn và phát huy đồng bộ, không gian văn hóa phục vụ tham quan được mở rộng. Một số điểm di tích nổi bật trong Kinh Thành Huế, các lăng tẩm, đền đài, đình, miếu… đang được ưu tiên bảo tồn kết nối đồng bộ với những điểm di tích lịch sử khác trên địa bàn. Kết hợp tham quan với khám phá trải nghiệm ở một số địa phương, đây là xu thế mới của du lịch Thừa Thiên Huế.
Xét về đơn vị quản lý, hệ thống DTLS ở Thừa Thiên Huế có thể chia thành 3 nhóm:
- Quần thể Di tích Cố đô Huế: Gắn liền với sự tồn tại của nhà Nguyễn trong gần 400 năm (1558 - 1945), bao gồm hệ thống di tích phân bố ở thành phố Huế và các huyện Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, tiêu biểu là: Kinh thành, Hoàng thành, Tử Cấm thành, hệ thống lăng tẩm của các vua Nguyễn, Trấn Bình đài, Trấn Hải thành, điện Hòn Chén, Văn Miếu, Võ Miếu, Hải Vân quan,… Trải qua thời gian và những biến thiên của lịch sử, Quần thể Di tích Cố đô Huế vẫn bảo tồn được diện mạo của một kinh đô xưa, có giá trị đặc biệt về lịch sử, khoa học, nghệ thuật, mang đậm bản sắc Huế…
- Các DTLSVH, DTLSCM: Trải qua bao thế kỷ, Huế vẫn lưu giữ cho thế hệ ngày nay một kho tàng sử liệu đồ sộ từ các di tích của nền văn hóa Champa, đến DTLS - văn hoá, cách mạng, phản ánh sự ra đời và lãnh đạo cách mạng của Đảng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với những con người mà tên
166
tuổi gắn liền với dòng chảy của lịch sử như Tôn Thất Thuyết, Phan Bội Châu, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu, Hoàng Anh, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Anh... Nổi tiếng một thời là kinh đô Phật giáo của Việt Nam, Thừa Thiên Huế có hàng chục ngôi chùa cổ kính, uy nghi như chùa Thiên Mụ, Từ Đàm... tạo nét riêng trong đời sống tinh thần xứ Huế.
- Những di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người: Hệ thống di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình là di sản ghi dấu quãng thời gian Người đã sinh sống, học tập và tham gia phong trào yêu nước trước tuổi thanh niên.
Qua thống kê, hiện nay có khoảng 20 di tích và địa điểm di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 4 di tích được xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 5 di tích cấp Tỉnh [1, tr.10]. Các di tích và địa điểm di tích không nằm tập trung, chủ yếu ở thành phố Huế và huyện Phú Vang. Đây là nơi Người từng sinh sống với gia đình và theo cha đi dạy học. Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người chia thành 3 nhóm: Nhóm di tích được bảo tồn nguyên trạng (nhà lưu niệm Bác Hồ tại 112 Mai Thúc Loan, nhà lưu niệm Dương Nỗ…); nhóm công trình tưởng niệm (nhà bia tưởng niệm bà Hoàng Thị Loan tại núi Bân, bia tưởng niệm trường Tiểu học Việt - Pháp Đông Ba…); một số địa điểm di tích (chợ Xép, ngôi nhà Dãy Trại gần cửa Đông Ba, ngôi nhà bà Nguyễn Thị Thanh từng ở từ năm 1924 - 1930…).
Nhìn chung, hệ thống di tích lịch sử của Thừa Thiên Huế có đầy đủ các loại hình:
- Loại DTLS ghi dấu cuộc đời, sự nghiệp của các danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, nhà cách mạng: Lăng mộ, nhà thờ, nghĩa trang Phan Bội Châu; nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu; khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; các DTLS ghi dấu hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình tại tỉnh Thừa Thiên Huế…
- Loại DTLS gắn liền với các sự kiện lịch sử tiêu biểu của các thời kỳ cách mạng, kháng chiến: Cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ 1938 - 1939, bến đò Vĩnh Tu…
- Loại DTLS phản ánh tội ác của thực dân, đế quốc: Nghĩa địa và chùa Ba Đồn, nhà Ngô Đình Cẩn và khu vực Chín Hầm, địa điểm chứng tích chiến tranh hóa học của đế quốc Mỹ tại sân bay A So…
- Loại DTLS gắn liền với lịch sử ngành nghề truyền thống: Khu mộ và nhà thờ ông tổ nghề Kim Hoàn, khu mộ và nhà thờ ông tổ nghề Đúc đồng, Thanh Bình Từ Đường, nhà thờ Cổ Nhạc, danh nhân Ưng Bình tại Châu Hương Viên …
- Loại DTLS gắn liền tưởng niệm các chiến sĩ, đồng bào hi sinh để bảo vệ đất nước: Đàn Âm Hồn, miếu Âm Hồn, đền thờ 27 liệt sỹ tại Ấp Tư - Mỹ Thủy, …
Trong các địa phương, thành phố Huế là nơi có số lượng di tích lớn nhất và mật độ tập trung di tích dày đặc nhất, gấp gần 30 lần mật độ trung bình toàn tỉnh, thấp nhất là ở Nam Đông và A Lưới. Như vậy, chính hệ thống DTLS phong phú về số lượng, đa
167
dạng về loại hình, độc đáo về giá trị lịch sử, khoa học, thẩm mỹ,… với mật độ lớn đã tạo nên giá trị rất cao cho phát triển du lịch, góp phần quan trọng làm cho Huế trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách.