THÀNH PHỐ SÁNG TẠO
3. Thực trạng hoạt động một số nghề thủ công ở Hương Vinh
Trong thời gian qua, các nghề thủ công truyền thống đứng trước rất nhiều thách như: Sự cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài có giá thành thấp, thiếu nguồn nhân lực kế thừa, thiếu nguồn nguyên liệu, giá thành cao, vấn đề marketing và thị trường tiêu thụ hạn chế, thiếu nhu cầu sử dụng các sản phẩm thủ công... Các nghề và làng nghề thủ công trên địa bàn thành phố Huế nói chung, khu vực phố cổ Bao Vinh, phường Hương Vinh cũng không nằm ngoài tình trạng đó.
3.1. Nghề làm Ông Táo
Tượng thờ Ông Táo là một hình tượng dạng phù điêu với hình ảnh hai ông một bà3. Sự ra đời của tượng thờ Ông Táo bắt nguồn từ phong tục thờ cúng Ông Táo của nước ta. Nghề làm tượng Ông Táo ở tổ dân phố Địa Linh (Hương Vinh) là một nghề gia truyền, chỉ lưu truyền cho con cháu trong dòng họ Võ Văn. Các cụ cao niên của họ Võ Văn hiện nay cũng không biết chính xác nghề làm Ông Táo có từ thời điểm nào, chỉ biết rằng từ đời ông cố đến nay đã truyền được khoảng từ 4 đến 5 đời. Trước đây, cùng với Địa Linh, nghề làm tượng Ông Táo bằng đất nung còn có mặt ở làng Sình4. Về sau, làng Sình chuyển sang in tượng Ông Táo trên giấy theo phương pháp in bản khắc gỗ. Hiện nay, Địa Linh là nơi duy nhất ở Huế còn giữ nghề truyền thống độc đáo này.
Sản phẩm của nghề làm Ông Táo là bộ tượng Ông Táo (hai ông, một bà) bằng đất nung dùng (12 x 10cm) để thờ cúng trong dịp tết Ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp.
Theo truyền thống, vào dịp Tết Ông Táo, mỗi gia đình người dân xứ Huế thường chuẩn bị một mâm cúng, bánh trái để đưa Ông Táo về trời, đồng thời thay tượng Ông Táo bằng đất nung mới nhằm cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ cho gia đình. Sau lễ cúng, tượng Ông Táo được rước ra để ở các ngôi miếu, gốc cây cổ thụ, ngã ba đường… với quan niệm tiễn Ông Táo về trời, trong khi đó, tượng Ông Táo mới được thỉnh lên thờ cúng trong năm mới.
Trước đây, các gia đình sinh sống chủ yếu bằng nghề làm Ông Táo, từ những năm 90 của thế kỷ XX trở lại đây, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thị trường lao động dồi dào, những người làm nghề dần tìm kiếm việc khác nhẹ nhàng hơn, có thu nhập cao hơn. Bởi theo họ, nghề này quá vất vả, nguồn thu nhập lại thấp, nên họ chuyển sang tìm kiếm các công việc khác như đạp xích lô, xe thồ, phụ hồ (đối với nam). Phụ nữ khó kiếm việc hơn nên phần lớn vẫn duy trì nghề làm Ông Táo. Hiện nay, trên địa bàn chỉ còn 5 hộ gia đình với khoảng 15 đến 20 thợ tham gia sản xuất,
3 Bao gồm: Thổ Công, Thổ địa và Thổ Kỳ. Trong đó, Thổ Công trông coi việc bếp núc, Thổ Địa trông coi việc nhà và Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. Ở nhiều địa phương còn gọi ba vị Táo quân là thần đất, thần nhà và thần bếp.
4 Làng Sình còn có tên chữ là làng Lại Ân (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế).
151 duy trì nghề truyền thống của gia đình, dòng họ.
3.2. Nghề làm Bài tới
Bài tới là nghề một trong những nghề thủ công có tính gia truyền ở địa bàn phường Hương Vinh, thành phố Huế. Hiện nay, chính những người thợ cũng không biết rõ nghề này có từ khi nào. Bà Tuyết (67 tuổi) cho biết, từ đời ông nội của bà thì nghề làm Bài tới đã rất phát triển trong dòng họ Ngô ở làng Địa Linh. Sau đó, ông nội bà đã truyền nghề lại cho 8 người con, đến lượt tám người con lại truyền lại nghề cho các con, cháu của mình.
Trong những năm 1950 của thế kỷ XX, thú chơi Bài tới thịnh hành ở khắp các địa phương, từ làng quê đến thành phố. Bài tới được chơi chủ yếu trong thời gian nhàn rỗi, đặc biệt phổ biến vào dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh dùng để chơi trong dịp Tết, Bài tới còn là bộ bài được sử dụng để chơi trong các hội Bài Chòi.
Bộ Bài tới gồm có 60 con bài, chia làm ba pho (văn, vạn, sách), mỗi pho có chín cặp và ba cặp Yêu: Ông Ầm, Thái Tử, Bạch Tuyết. Tùy từng địa phương, các con bài được gọi khác nhau. Con bài làm bằng giấy bồi, hình chữ nhật (2x8,5cm), in một mặt (mộc bản) đồ án biểu trưng cho con bài và lưng phết màu đỏ sẫm.
Để làm ra những bộ Bài tới hoàn toàn theo cách thủ công và rất tốn công sức.
Những con bài được in trên 2 khuôn. Mỗi khuôn in 15 con bài. Hai khuôn mới đủ cho 1 bộ bài 60 con. Khuôn in Bài tới được khắc bằng gỗ cây thị để đảm bảo độ dẻo, không nứt nẻ. Mực in được chế từ muội than khói đèn. In xong, một số quân như Ầm và Mỏ được đóng thêm dấu đỏ. Trước đây, Bài tới được in từ giấy dó mỏng nên người thợ phải dán nhiều lớp lại với nhau để con bài có độ cứng nhất định, sau đó dán thêm một lớp giấy ở lưng bài cho đẹp và đem hong gió cho khô rồi mới cắt xén vuông góc cạnh cho ra bộ bài.
Theo nghệ nhân Ngô Thị Tuyết, trước đây khi làm Bài tới, trước khi đi ngủ, thường phải thắp 4 cây đèn dầu để ngày mai lấy muội than trên bóng đèn làm mực in.
Vào dịp tết, cả nhà phải thức đêm để làm cho kịp hàng cho. Để hoàn thành một bộ bài phải trải qua nhiều công đoạn, vì vậy, trước đây mỗi ngày cả gia đình tập trung làm cũng chỉ được vài chục bộ.
Ngày nay, nhu cầu chơi Bài tới không còn nhiều, do đó, người làm Bài tới cũng dần bỏ nghề. Hiện tại chỉ còn duy nhất gia đình nghệ nhân Ngô Thị Tuyết (70 tuổi) còn gắn bó với nghề làm Bài tới.
3.3. Nghề khảm xà cừ
Khảm xà cừ (hay còn gọi là cẩn xà cừ, khảm trai) là nghề thủ công truyền thống lâu đời ở Việt Nam. Đây là nghề thủ công có nguồn gốc từ miền Bắc. Thần phả làng Chuôn Ngọ chép rằng: nghề khảm trai nơi đây phát triển vào khoảng thế kỷ XVI.
152
“Ông tổ nghề hiện được thờ tại làng là Trương Công Thành, một vị tướng triều lý, cuối đời ông ngao du sơn thủy. Một lần tình cờ ra bờ suối, thấy những mảnh vỏ trai, vỏ ốc mang nhiều màu sắc óng ánh rất đẹp, ông bèn đem về nhà thử lắp ghép những vật liệu đó thành các họa tiết hoa văn sinh động. Dần dần, ông khai nghiệp nghề khảm trai cho người dân trong vùng”5.
Nghề khảm trai được du nhập vào xứ Đàng Trong theo chân các chúa Nguyễn mở mang bờ cõi vào khoảng thế kỷ XVII, điều này cũng đã được ghi lại trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn: “Tại xứ Thuận Hóa người ta dùng xà cừ để khảm vào bàn ghế, hộp quả, rương hòm, chuôi kiếm…”6.
Sản phẩm của nghề khảm xà cừ cũng rất đa dạng, từ những vật dụng trong nội thất như bộ bàn ghế, trường kỷ, hoành phi, câu đối, tủ thờ, tranh thờ… đến những vật dụng mang tính trang trí, thẩm mỹ như hộp đựng trầu, khay trà… hay các bức tranh trang trí với những điển tích cổ truyền như tứ quý, tứ bình… Hệ sản phẩm khảm xà cừ không chỉ chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật độc đáo mà còn gửi gắm cả tình yêu, kỹ nghệ của người thợ thủ công. Để làm ra những sản phẩm khảm xà cừ đẹp, người thợ khảm phải bỏ ra rất nhiều công sức, trí tuệ cũng như đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, chuẩn xác tuyệt đối cũng như bề dày kinh nghiệm của mình, từ việc chọn gỗ;
chọn vỏ trai, ốc; sáng tác bản vẽ; mài, cưa, đục trên mặt tranh khảm; mài, đánh bóng mặt khảm.
Trước đây, có thời điểm trên địa bàn có đến trên 50 gia đình theo làm nghề khảm xà cừ (Trương Duy Thuấn, 69 tuổi), vừa duy trì sự hưng thịnh của nghề thủ công truyền thống, mang lại công việc ổn định, nguồn lợi kinh tế cho địa phương. Tuy nhiên, cũng trong tình trạng như một số ngành nghề khác, nghề khảm xà cừ nơi đây cũng dần suy thoái, khó cạnh tranh được với những sản phẩm mang yếu tố “thị trường” có xuất xứ từ miền Bắc.
Ngày nay, nghề khảm xà cừ trên địa bàn Hương Vinh dù không còn phát triển thịnh vượng như trước, nhưng vẫn duy trì hoạt động với một vài cơ sở sản xuất, quy tụ một số thợ thủ công có tay nghề cao trong vùng như cơ sở Đỗ Bình, cơ sở Cao Hợp…
3.4. Nghề rèn
Nghề rèn ở Bao Vinh có nguồn gốc từ làng Hiền Lương (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Theo một số người thợ rèn cao niên, cách ngày
5https://sodulich.hanoi.gov.vn/diem-den/diem-den-du-lich-lang-nghe/lang-nghe-kham-trai-chuon-
ngo53941.html#:~:text=Truy%E1%BB%81n%20thuy%E1%BA%BFt%20kh%C3%A1c%20%E1%BB%9F%20 l%C3%A0ng,kh%E1%BA%A3m%20nh%E1%BB%AFng%20%C4%91%E1%BB%93%20th%E1%BB%9D%2 0c%C3%BAng.
6Trần Đình Sơn (2015), “Bản sắc Việt, dấu ấn Huế trong mỹ nghệ khảm xà cừ”, https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3101/18100/ban-sac-viet-dau-an-hue-trong-my-nghe-kham-xa-cu.html.
153
nay khoảng hơn 100 năm, một số người thợ làng Hiền Lương di cư đến các khu phố chợ để hành nghề rèn, trong đó có phố chợ Bao Vinh. Về vấn đề nguồn gốc nghề ren, thợ rèn Hiền Lương vẫn lưu truyền rằng vị tổ sư của họ vốn có nguồn gốc từ Thanh - Nghệ đã theo chúa Nguyễn vào đây (Hiền Lương) lập quê mới và phát huy nghề nghiệp cũ của mình7.
Những sản phẩm của nghề rèn ở Bao Vinh từ những dụng cụ trong đời sống sinh hoạt thường nhật, như: dao, búa, liềm, kéo…; dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như cuốc, xẻng, liềm, cày, cày, bừa…; đến những bộ phận quan trọng trong đời sống sản xuất ngư nghiệp như đinh thuyền, mỏ neo… chúng không chỉ những vật dụng hỗ trợ cuộc sống sản xuất, sinh hoạt thường nhật mà còn mang những giá trị văn hóa nghề nghiệp đặc trưng.
Hiện nay, ở Bao Vinh chỉ còn 8 hộ gia đình còn làm nghề rèn với số lượng nhân công dao động từ 20 đến 25 người, trong đó, chủ yếu sản xuất các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp theo đơn đặt hàng. Do nhu cầu không còn nhiều, một số hộ gia đình chuyển sang nghề cơ khí, sản xuất sắt thép mỹ thuật phục vụ nhu cầu xây dựng, trang trí nội thất…
3.5. Một số nghề khác
Bên cạnh những nghề thủ công như nghề làm Ông Táo, nghề làm Bài tới, nghề khảm xà cừ (khảm trai), nghề rèn, nghề mộc mỹ nghệ… vẫn còn duy trì sự hoạt động, mang lại nguồn thu nhập cho các hộ gia đình, một số nghề thủ công truyền thống khác như nghề làm tranh gương, nghề làm gạch ngói, nghề làm vải, nghề đông y… đã gần như không còn hoạt động. Trong đó, nghề vẽ tranh gương hiện nay vẫn còn một số nghệ nhân và thế hệ tiếp nối, cũng có khi họ vẫn làm nghề khi có đơn đặt hàng, tuy nhiên, do không duy trì được sự thường xuyên nên những nghệ nhân trong nghề này đã chuyển sang công việc khác8. Nguy cơ mai một, thất truyền là không tránh khỏi.