Khái niệm về phép lịch sự và hành vi ngôn ngữ có liên quan đến câu nghi vấn trong tiếng Anh

Một phần của tài liệu So sánh câu nghi vấn trong tiếng anh và tiếng việt trên bình diện ngữ dụng (Trang 36 - 40)

TIẾNG VIỆT TRÊN BÌNH DIỆN NGỮ DỤNG

1.2. Khái niệm về phép lịch sự và hành vi ngôn ngữ có liên quan đến câu nghi vấn trong tiếng Anh

Khi đề cập đến phép lịch sự và nhu cầu giữ thể diện, tác giả George Yule (1996) [212, tr.59-69] đã minh họa cách thể hiện một hành vi ngôn ngữ mà sinh viên (A) nói với thầy (B) trong quan hệ thầy trò và sinh viên (C) nói với sinh viên (B) trong quan hệ bạn bè trong cùng một hành vi ngôn ngữ:

28a. A, to B (sinh viên nói với thầy): Excuse me, Mr. Buckingham, but can I talk to you for a minute?

28b. C, to B (sinh viên B nói với sinh viên C trong quan hệ bạn bè): Hey, Bucky, got a minute?

Có thể thấy cách tiếp cận giao tiếp của hai cách dùng ngôn ngữ trong hai mối quan hệ giao tiếp này rất khác nhau bởi vì người nói trong giao tiếp cần phải giữ thể diện cho người nghe theo phép lịch sự. Trong trường hợp (28a) của G. Yule [212, tr.60- 61], vai giao tiếp A ở vị thế xã hội thấp hơn B, và vì vậy có khoảng cách. Ngôn ngữ sử dụng qua câu nghi vấn với giá trị ngôn trung là hỏi dạm/xin phép, thể hiện trên bề mặt ngôn ngữ có những dấu hiệu tình thái đánh dấu mức độ lịch sự trang trọng, khách sáo hơn trong câu (28a) khi so với cách sử dụng câu nghi vấn trong câu (28b). Ngôn ngữ trong (28b) thể hiện ngắn gọn và thân mật, không có dấu hiệu đánh dấu tình thái trang trọng hay khách sáo. Dựa trên mối quan hệ về xã hội trong giao tiếp, về mối quan hệ thân-sơ mà người nói quyết định chọn lựa ngôn ngữ để sử dụng trong giao tiếp. Nếu không thích hợp trong ngữ cảnh cụ thể, chẳng hạn, thay đổi vị trí (28a) cho (28b) thì câu nói của sinh viên lại trở nên không lễ phép, không lịch sự khi giao tiếp với thầy cô của mình, và trong trường hợp là bạn bè thân thiết, khi giao tiếp lại sử dụng ngôn ngữ khách sáo như trong (28a) đôi khi có thể hóa ra là một sự lịch sự mỉa mai, châm biếm (irony politeness) dẫn đến vi phạm nguyên tắc lịch sự trong quan hệ giao tiếp. George Yule (1996) xem “lịch sự” trong một cuộc tương tác như là phương tiện dùng để chứng tỏ được sự nhận thức thể diện của người khác và cũng chính là một nghi thức xã giao nằm bên trong một nền văn hóa.

Khi nói về các công trình của các tác giả nước ngoài về lĩnh vực ngữ dụng học không thể không kể đến G. N. Leech. Theo Leech (1983) [188, tr.138-149], mục tiêu của phép lịch sự được dựa trên khái niệm tổn thất và lợi ích. Dựa trên nguyên tắc tối thiểu hóa những lối nói bất lịch sự và tối đa hóa những vấn đề lịch sự. Leech đã đề ra những phương châm giao tiếp đóng góp trong hội thoại, trong đó ông cũng đề cập về nguyên tắc hợp tác gồm: Quantity (Lượng), Quality (chất), Relation (quan hệ), Manner (cách thức), và nguyên tắc lịch sự gồm các phương châm: khéo léo, hào hiệp, tán đồng, khiêm tốn, thiện cảm, âm điệu của giọng nói thể hiện tính lịch sự.

Tác giả Nguyễn Đức Dân [27, tr.6, 17, 24, 65,] khi đề cập đến các công trình có liên quan đến nguyên lý lịch sự khi bàn về phép lịch sự dưới góc độ hợp tác hội thoại đã nhắc đến tác giả B. Braser (1990), ông đã giới thiệu một số vấn đề về phép lịch sự dựa trên tóm tắt của Kerbrat-Orecchioni (1992) và quan điểm của nữ tác giả R.

Lakoff. Theo đó, ông cũng khẳng định “Lịch sự là tôn trọng nhau. Nó là một biện pháp để giảm bớt trở ngại trong tương tác giao tiếp giữa các cá nhân.” Ông cũng đưa ra ba quy tắc cần thực hiện: “a. Không áp đặt (trong lễ nghi, ngoại giao); b. Để ngỏ cho sự lựa chọn (trong giao tiếp thông thường); c. Làm cho người đối thoại cảm thấy thoải mái (trong trò chuyện thân mật)” [27, tr.142-143].

Xét về các hành vi ngôn ngữ có liên quan đến câu nghi vấn trong tiếng Anh, có thể thấy loại câu hỏi chuyên biệt “Wh- Questions” không phải chỉ để tìm thông tin, mà có khi đơn giản chỉ là muốn bày tỏ tình cảm hay ý kiến của mình với cảm xúc nào đó mà không mong đợi bất kỳ lời đáp nào từ phía người nghe như trong ví dụ (23).

29. Who does she think she is? She had no right to use my computer without my permission.

Cô ấy nghĩ mình là ai chứ? Cô ấy không có quyền sử dụng máy tính của tôi khi không có sự cho phép của tôi.

Hoặc đôi khi loại câu hỏi chuyên biệt (Wh- Questions) trong tiếng Anh cũng có trường hợp sử dụng hình thức nghi vấn trong hành vi mời, xét ví dụ (30):

30. How do you know it’s great if you don’t taste? Try it!

Không thử sao biết ngon? Dùng thử đi!

Khi dịch câu này sang tiếng Việt chắc chắn người Việt sẽ hiểu hàm ý trong ngữ cảnh này đại từ nhân xưng chỉ xuất xưng hô ngôi thứ hai “you” trong tiếng Anh được lược bỏ, vì không cần thiết trong ngữ cảnh. Kiểu loại này trong tiếng Anh hiếm khi được đối dịch theo cách “từ đối từ” sang tiếng Việt theo kiểu: Làm thế nào bạn biết nó ngon nếu bạn không ăn thử? Thử đi!

Những trợ động từ tình thái được dùng phổ biến nhất trong các hành vi ngôn ngữ như xin phép, yêu cầu hay mời có thể kể đến là các phương tiện diễn đạt tình thái đánh dấu mức độ lịch sự như trong hành vi ngôn ngữ (HVNN) sau đây:

- Hành vi xin phép Can/ Could/ May…?

31. May/ Could/ Can I use your phone?

Cho phép tôi mượn điện thoại của bạn nhé?/ Tôi có thể dùng điện thoại của chị được không ạ?

- Hành vi yêu cầu và mời: can, could, hoặc would: could được dùng trong tình huống trang trọng, lịch sự hơn so với can; would được dùng lịch sự hơn will, nhất là trong các câu yêu cầu lịch sự.

32. Would you give me a call this evening?

Tối nay anh nhớ gọi điện cho em nhé?

33. Will you join us for a drink after the concert?

Sau buổi hòa nhạc bạn đi uống nước với chúng tôi nhé?

- Hành vi tìm thông tin, hỏi xin ý kiến hoặc lời khuyên: shall 34. What shall I do?

Tôi nên làm gì bây giờ?

Ngoài các động từ tình thái, các tổ hợp làm thành cụm từ với động từ “be” cũng diễn đạt ý nghĩa tình thái: be about to, be certain to, be likely to/ that, be supposed to. Việc phân loại các hành vi ngôn ngữ dưới dạng thức câu nghi vấn phải xét trong hoàn cảnh giao tiếp, vai giao tiếp cụ thể của từng hành vi ngôn ngữ.

Xét hai ví dụ sau trong tiếng Anh:

35a. Can you help me, please?

35b. Can you speak Chinese?

Đây là hai câu hỏi tổng quát trong tiếng Anh, tuy có cùng dạng thức nhưng có hai giá trị ngôn trung khác nhau do khác nhau về yếu tố từ vựng. Câu thứ nhất có giá trị ngôn trung là lời yêu cầu thuộc câu hỏi phi chính danh, và câu thứ hai có giá trị ngôn trung là câu hỏi để biết thông tin thuộc câu hỏi chính danh.

Brown và Levinson [166, tr.66] cho rằng lịch sự là phương tiện, cách thức để điều chỉnh việc chuyển tải nội dung và lực ngôn trung phù hợp theo nhu cầu người nghe, duy trì, giữ lại hay loại bỏ những yếu tố đe dọa đến thể diện tiêu cực hay tích cực của họ.

Trong công trình nghiên cứu của Austin (1962), các loại hành vi ngôn ngữ được phân ra làm 5 lớp lớn: lớp biểu hiện (Representatives), lớp cầu khiến (Directives), lớp cam kết (Commissives), lớp biểu cảm (Expressives), và lớp tuyên bố (Declatatives) (dt [135]). Trong hành vi ngôn ngữ (Speech acts) người phát ngôn thường cố gắng diễn đạt mục đích giao tiếp của mình thể hiện qua lực ngôn trung và tùy theo mức độ mạnh hay yếu của từng lực ngôn trung mà hành động ngôn trung đó được “gán nhãn” thích hợp. Chẳng hạn, những hành vi tại lời như ra lệnh, thách thức, thỉnh cầu hay nài nỉ được nhận biết và giá trị ngôn trung của nó được định vị theo các lực mạnh hay yếu tùy thuộc vào vị thế của người nói và người nghe và trạng thái tâm lý được biểu hiện là ý chí, mong muốn, nguyện vọng ở tính chất

“khiêm tốn” hay “tấn công” để người nghe thực hiện.

Để đạt được mục đích của một hành vi tại lời đôi khi phải có thêm những hành vi khác mở đường làm chiến lược giao tiếp. Những hành vi mang tính chiến lược này với tư cách là rào đón hay dạm hỏi (Hedges), hay theo đuổi theo một tuyến hành vi nhất định với trạng thái tâm lý biểu hiện là ý định như hứa hẹn, cho, tặng,… trong lớp cam kết, và cũng có thể sử dụng các hành vi thuộc lớp biểu cảm như hành vi khen, hay hành vi chê trách trong lớp biểu cảm để tạo nên biểu thức rào đón, hoặc làm cầu nối chiến lược cho hành vi tại lời kế tiếp đạt mục đích.

Trong tiếng Anh, theo Tự điển Lạc Việt, động từ “hỏi” (ask) có thể dùng trong nhiều hành vi tại lời khác nhau. Chẳng hạn, cách biểu đạt “to ask somebody for

something” dùng để yêu cầu ai cho cái gì hoặc làm gì; “to ask somebody’s advice/opinion” dùng để hỏi ý kiến ai về điều gì đó; “to ask someone to dinner”

dùng để mời ai đó dùng cơm chiều với mình… Tùy theo ngữ cảnh mà trong đó động từ “ask” (hỏi) thể hiện để người nghe có thể hiểu được giá trị ngôn trung của câu nghi vấn có chứa động từ “ask” trong phát ngôn:

36. May I ask a favor of you?

Tôi có thể nhờ anh một việc được không?

Hội thoại là sự tương tác, là địa bàn mà phép lịch sự phát huy tác dụng. Phép lịch sự chính là tổng thể những cách thức mà người tham gia hội thoại dùng để giữ thể diện cho nhau. Theo P. Brown và S. Levinson, có hai nhóm hành vi ngôn ngữ:

1/ Nhóm hành vi ngôn ngữ đe dọa thể diện tích cực hay tiêu cực của người hội thoại như ra lệnh, phê bình, xin lỗi,

2/ Nhóm hành vi ngôn ngữ tôn vinh thể diện tích cực hay tiêu cực của người hội thoại như cảm ơn, khen ngợi, tán đồng,… (dt [135])

Thể diện dương tính còn gọi là thể diện tích cực (Positive face) và thể diện âm tính còn gọi là thể diện tiêu cực (Negative face). Thể diện tích cực là những điều mà mỗi người mong muốn mình được người khác khẳng định, được người khác tôn trọng.

Người mang thể diện dương tính thường có nhu cầu được biết mong muốn của mình cũng được người khác chia sẻ. Trong khi đó, thể diện âm tính là mong muốn không bị can thiệp, được hành động theo cách tự do mà mình lựa chọn. Người mang thể diện âm tính thường mong muốn người khác tôn trọng sự riêng tư cá nhân của mình, được quyền tự chủ, quyền tự do hành động và quyền từ chối [89, tr.44].

Một phần của tài liệu So sánh câu nghi vấn trong tiếng anh và tiếng việt trên bình diện ngữ dụng (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(215 trang)