3.1 Những phương tiện diễn đạt lịch sự qua câu nghi vấn trong cả hai ngôn ngữ Anh – Việt
3.1.2. Những phương tiện diễn đạt lịch sự qua câu nghi vấn trong tiếng Việt
Dưới đây là tiêu chí phân loại A, B, C, D, E dành cho các câu nghi vấn trong tiếng Việt qua 5 hành vi ngôn ngữ.
A: Trong câu có các từ ngữ như: vui lòng, có thể, được không, được không ạ,.…
thể hiện thái độ lịch sự, mang tính khách sáo của người nói.
B: Biểu thị thái độ trung tính của người nói. Có thể dùng cho cả hai tình huống:
Sp1<Sp2 và Sp1=Sp2. Loại B là những trường hợp còn lại sau khi phân loại các câu hỏi ở mức độ A, C và D.
C: Trong câu có các tiểu từ tình thái, thường là ở cuối câu như: à/ nha/ nhỉ/
nhé?.… tạo cảm giác thân mật, gần gũi.
D: Với những câu biểu hiện mức độ quá gần gũi, thân thiện. Các câu này có cách xưng hô như mày – tao, ta – mi, bồ - tui, cô/thầy – con,.… hoặc trong những câu hỏi tỉnh lược bao gồm tỉnh lược đại từ nhân xưng, tỉnh lược các thành phần câu, các yếu tố chỉ xuất về thời gian, nơi chốn của sự vật trong ngôn ngữ diễn đạt.
Việc phân loại chủ yếu dựa trên dựa trên cơ sở lý thuyết từ quan điểm của các tác giả đi trước về phép lịch sự, và theo cách phân định của các nhà ngôn ngữ học: [15],
[16], [18], [19], [37], [73], [81], [117], [172], [174], [175], [178], [198], [199], [200], [201], [206], [212]. Ngoài ra, mức độ từ A đến D còn tùy thuộc vào tình huống, ngữ cảnh cụ thể, vào đối tượng được hỏi (bạn bè hay thầy cô) trong từng cặp thoại theo các vai giao tiếp khác nhau.
Trong tiếng Việt, các chiến lược sau đây trong hành vi ngôn ngữ có thể là tiêu chí xếp loại A: lịch sự nhất (the most formal) và B: lịch sự thông thường, (less formal) mang tính chất trung hòa trên thang độ lịch sự trong giao tiếp.
- Sử dụng câu hỏi dọn đường mở đầu cho cuộc thoại để thuyết phục người nghe đồng cảm thông với mình, tạo điều kiện thuận lợi cho câu yêu cầu theo sau (pre- sequences):
105. Cô ơi, em muốn nhờ cô giúp dùm em một việc có được không ạ? Cô có thể cho em mượn quyển sách này một lát được không?
- Tạo một cơ sở vững chắc với thái độ chân thành cởi mở bằng cách nêu một lý do xác thực về nhu cầu cần mượn (giving reasons):
106. Chị ơi, lát nữa em có thể sử dụng cây viết này của chị trong buổi học sáng nay được không? Cây viết của em hết mực rồi.
- Làm dịu đi, giảm đi những ý nghĩ bất thuận có thể xảy ra theo những khả năng khó khăn hiện có khi dự đoán trước tình huống, mở lời khéo léo làm vui lòng người nghe (softeners/hedges):
107. Lan ơi, mình biết bạn đang rất bận, nhưng bạn có thể nhín chút thời gian tìm dùm mình quyển sách đó cho mình mượn một tí được không?
- Làm giảm bớt tối đa những áp đặt trong câu yêu cầu hỏi mượn bằng cách bỏ ngõ cho sự lựa chọn bằng câu điều kiện mở đầu cuộc thoại hỏi mượn (giving options):
108. Nếu em có mang theo sách giáo khoa, (em) có thể cho chị mượn một lát được không?
- Làm vui lòng người cho mượn bằng một lời hứa hẹn tốt đẹp hoặc một lời khen chân thành trước và sau câu yêu cầu (promises/compliments as hedges).
109. Mình thấy bạn có nhiều sách hay mà mình rất thích. Cho mình mượn quyển sách này một ngày để photo nha? Chiều nay rảnh mình sẽ gởi hình của lớp qua e-mail cho bạn nhé.
Các ví dụ minh họa điển hình về hành vi mượn:
a. Xét theo vai giao tiếp: Sinh viên (SV: Sp1) và Giáo viên (GV: Sp2) trong tình huống (Sp1< Sp2):
Loại A:
110. Thưa cô, cô có thể cho em mượn quyển sách này để về nhà em tham khảo thêm được không ạ?
Loại B:
111. Quyển sách tiếng Anh thầy giới thiệu hay quá, thầy cho em mượn một lát để photo được không (ạ)?
Loại C:
112. Cô ơi, cho em mượn quyển sách này nha cô?/ Thầy ơi, cho em mượn cuốn sách của thầy nhé?
Loại D:
113. Cô cho em mượn quyển sách?
b. Xét theo vai giao tiếp: Sinh viên (SV) và Sinh viên (SV) (Sp1=Sp2):
Loại A:
114. Bạn xem xong quyển sách này chưa? Có thể cho mình mượn được không?
Loại B:
115. Bạn cho mình mượn cuốn sách đó đi?
116. Cho mình mượn quyển sách này chút nha?
Loại C:
117. Mình mượn cuốn sách tí nha bồ?
118. Cuốn sách hay quá, cho tớ mượn nhé?
Loại D:
119. Mượn cuốn sách kia đi?
120. Mượn cuốn sách, mày?
Bảng 3.2 dưới đây sẽ tổng kết lại những phương tiện đánh dấu tính lịch sự dưới hình thức hiển ngôn hoặc hàm ẩn trong câu nghi vấn ở cả hai ngôn ngữ đang xét.
Bảng 3.2 Tiêu chí đánh dấu tính lịch sự trong câu nghi vấn Những từ ngữ
đánh dấu phép lịch sự
Ví dụ trong tiếng Việt Ví dụ trong tiếng Anh Đại từ xưng hô được dùng
trong lớp học thầy/cô – em, mình - bạn, tớ -
cậu. … I - you
Các tiểu từ, tổ hợp từ, hoặc động từ biểu đạt sự tôn trọng người nghe
xin vui lòng/ làm ơn/ xin/ hộ/
vâng/ dạ, …
Could/ should/ will/
would/ beg/ do a favour/
help/ please.…
Những từ tình thái và những thành phần bổ nghĩa cho câu giúp làm giảm đi áp lực cho người nghe và tạo cho người nghe có sự lựa chọn
có thể/ có lẽ/ hay là, … Perhaps/ possibly/ maybe/
probably,…
Tiểu từ/tổ hợp từ tình thái cuối câu trong tiếng Việt và cụm từ diễn đạt nghi thức khách sáo hay lịch sự/ lễ phép trong tiếng Anh
Nhé/ với/ được không ạ/ nha/
nhé/ chứ/ ạ, …
excuse me/ pardon me/ I don’t want to bother you/
but …/ sorry/ but …
Từ/ngữ chỉ mức độ của hàm ngôn trong thang độ, phủ định những mức cao hơn, làm giảm nhẹ tính áp đặt và hàm ẩn ý nghĩa lịch sự
một chút/ một tí/ một lát/ một phút/ chỉ trong một vài ngày,
…
a bit/ a little/ just one minute/ for a few days.…