TIẾNG VIỆT TRÊN BÌNH DIỆN NGỮ DỤNG
1.4. Khái niệm về phép lịch sự và hành vi ngôn ngữ có liên quan đến câu nghi vấn trong tiếng Việt
Câu nghi vấn trong tiếng Việt có thể được nhận biết nhờ các dấu hiệu từ vựng: đại từ hỏi, tiểu từ tình thái dùng để hỏi và vị trí của các từ hỏi và các từ kèm để hỏi trong câu. Các đặc trưng đơn thuần về mặt hình thức như đã trình bày vẫn chưa đủ để tạo lập những quy tắc phân biệt các dạng câu hỏi trong lĩnh vực giao tiếp và trong dịch thuật. Bởi lẽ, cùng một dạng câu hỏi, giống nhau về mặt hình thức nhưng có thể biểu đạt những ý định giao tiếp khác nhau trong những tình huống khác nhau nếu có sự khác nhau về từ vựng:
51a. Con có muốn ăn bánh mì không?
51b. Con có muốn ăn đòn không?
Cả hai câu nghi vấn trong tiếng Việt nêu trên có cùng dạng thức nhưng có hai giá trị ngôn trung khác nhau do yếu tố từ vựng. Câu thứ nhất là câu hỏi nguyện vọng nhưng câu thứ hai lại có giá trị ngôn trung là một lời răn đe [27].
Trong cùng một dạng thức, câu hỏi có thể biểu hiện những ý định giao tiếp khác nhau trong những tình huống giao tiếp khác nhau.
Chẳng hạn, trong câu hỏi Mấy giờ rồi?, ngoài giá trị ngôn trung là hỏi để biết thông tin về thời gian (câu hỏi chính danh) còn có nhiều giá trị ngôn trung khác. Đó là các
giá trị ngôn trung đòi hỏi người thụ ngôn phải nằm trong tình huống giao tiếp cụ thể mới có thể nhận diện được. Câu hỏi trên còn có những giá trị khác như phàn nàn hay trách móc ai đó đi trễ, hối thúc ai đó, băn khoăn trước việc gì đòi hỏi phải cần thêm thời gian để làm.
Theo tác giả Đỗ Hữu Châu (2003b) [22, tr.72-90], Đối với người đang ở vị thế xã hội cao hơn, người ở vị thế thấp hơn phải dùng biểu thức “Thưa + X…” theo nguyên tắc lễ phép trong nền văn hóa Việt Nam. Xưng hô là một hành vi ngôn ngữ, trong đó người nói phải chọn từ xưng hô sao cho thích hợp với mục đích và chiến lược giao tiếp của mình và thích hợp với sự chấp nhận của người nghe mà mình dự kiến. Và muốn quy chiếu sự kiện theo phương thức chỉ xuất thì phải định vị được vai người nói như một điểm mốc và theo một phương nhất định hướng về người giao tiếp để xưng gọi cho thích hợp tính từ điểm mốc đó.
Tác giả Đỗ Hữu Châu (2003b) [16, tr.263] đã minh họa mức độ lịch sự cao thấp khác nhau cho một hành vi ở lời bằng 2 mũi tên hai chiều theo thang độ (scales) tổn thất và lợi ích của người phát ngôn và người thực hiện:
Tổn thất cho người
Lợi ích cho người
Kém lịch sự Lịch sự hơn
Theo ông, điều kiện tiên quyết của hoạt động lịch sự (face work) là khi tiến hành hoạt động này, “người nói phải tính toán được các mức độ đe dọa thể diện của hành vi ở lời mình định nói để từ đó mà tìm cách giảm nhẹ nó”. Ông cũng cho rằng mức độ đe dọa thể diện của một hành vi ngôn ngữ, theo Brown và Levison, được đánh giá theo các thông số: quyền lực, khoảng cách, và mức độ trầm trọng (mức độ áp đặt) của các hành vi đe dọa thể diện [16, tr.269].
Dựa theo quan điểm này, ông cũng đưa ra những chiến lược lịch sự theo chiều hướng kết hợp hai thể diện dương tính và âm tính và cho rằng đây là hai mặt bổ
sung cho nhau, chứ không tách biệt nhau. Hai thể diện này phát huy tác dụng theo lối “cộng sinh” với nhau, có nghĩa là một sự vi phạm thể diện âm tính cũng đồng thời làm mất thể diện dương tính. Các biện pháp làm giảm hiệu lực đe dọa thể diện theo Brown và Levinson gọi là biện pháp dịu hóa (Softeners), và House và Kasper thì gọi là “downgraders”, mà thuật ngữ này được Nguyễn Văn Quang dịch là “các hạ ngôn”.
Ngoài ra, tác giả Đỗ Hữu Châu cũng đưa ra các biện pháp giữ thể diện, tôn trọng người nghe trong các câu cầu khiến như sau: thứ nhất, biện pháp làm dịu, rào đón bằng cách dùng các từ ngữ như: làm ơn, phiền cậu, giúp cho, cảm phiền; thứ hai, biện pháp dùng tiền dẫn nhập một thỉnh cầu (Pre-request) bằng câu hỏi: Cậu (bạn, chị, em…) có thể giúp tôi (mình, em…) một việc không? thứ ba, tiền dẫn nhập cho một hành vi hỏi (Pre-interrogation) bằng một câu hỏi như: Tôi có thể hỏi bạn về việc này một chút được không? thứ tư, sử dụng lối nói chân thành, thân thiện bằng những tiểu từ tình thái cuối câu thích hợp trong câu nghi vấn dành cho một hành vi xin phép: Cho mình góp ý nhé!; thứ năm, dùng câu hỏi dạm mở đường cho một hành vi mời (Pre-invitation): Tối nay bạn có rảnh không?; thứ sáu, có thể dùng
“biện pháp tháo ngòi nổ” bằng cách nói trước cái hiệu quả xấu đó.
52. Tôi rất băn khoăn khi phải phiền anh, nhưng,…
hoặc thứ bảy, dùng biện pháp vuốt ve (Sweetener) bằng cách đưa ra những ưu điểm của người nhận, hoặc khen ngợi trước khi đưa ra các hành vi đe dọa thể diện.
53. Cậu sẽ rất tuyệt vời nếu cậu ra ngoài tiệm phô-tô hộ tớ cuốn này.
Theo ông, hiệu lực đe dọa thể diện có thể được làm giảm nhẹ bằng lời xin lỗi, hay bằng cách nêu lý do để thanh minh.
Cùng một cấu trúc hình thức nhưng một câu hỏi có thể biểu đạt những ý định giao tiếp khác nhau trong những tình huống khác nhau. Ví dụ, trong một tình huống tại lớp học, câu hỏi: Lan đã nộp bài chưa? có thể được hiểu như một câu hỏi yêu cầu thông tin hay như một câu hỏi kiểm tra, hay một câu hỏi nhằm khẳng định lại.
Tương tự, câu “Chị ăn cơm chưa?” trong những tình huống khác nhau có thể hiểu
như một câu hỏi yêu cầu thông tin, hay một câu hỏi lễ nghi (Chào khi gặp nhau), hay có thể là một tiền dẫn nhập cho một hành vi mời ăn trưa bằng một câu hỏi để mời. Do vậy, hiệu lực ngôn trung của một câu hỏi phụ thuộc vào tình huống giao tiếp. Sự phân loại câu hỏi không thể dựa theo tiêu chí hình thức, mà phải dựa và giá trị ngữ dụng của câu hỏi trong giao tiếp.
Chỉ xuất là phương thức chiếu vật bằng ngôn ngữ dựa trên hành động chỉ trỏ. Tất cả các ngôn ngữ đều có hệ thống từ chuyên chiếu vật theo phương thức chỉ xuất. Tổ hợp từ có chỉ xuất là một biểu thức chỉ xuất. Ba phạm trù chỉ xuất trong ngôn ngữ là phạm trù chỉ ngôi (nhân xưng), phạm trù chỉ xuất không gian và phạm trù chỉ xuất thời gian. Ngoài ra, phạm trù chỉ xuất xã hội thường được thực hiện kèm với phạm trù nhân xưng.
Theo quan điểm ngữ dụng, để câu nghi vấn thể hiện được hiệu quả lực ngôn trung của nó, người ta thường dùng phương thức chiếu vật là tên riêng, hay theo hướng mô tả dựa vào quan hệ của sự vật - nghĩa chiếu vật với một cột mốc nào đó quy chiếu phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp. Một trong những vấn đề có liên quan đến phép lịch sự là cách dùng chỉ xuất nhân xưng để biểu thị quan hệ liên cá nhân giữa các vai giao tiếp, trong đó, nguyên tắc lịch sự là “xưng khiêm hô tôn” và sử dụng
“kính ngữ”.
Nguyễn Thiện Giáp (2007) [37, tr. 111], khi bàn về phép lịch sự cũng khẳng định rằng từ xưng hô là một phương tiện để thể hiện lịch sự dương tính. Nếu nói trống không: Cho mượn cái bút! sẽ là không lịch sự, nhưng nếu có dùng các đại từ nhân xưng, tên riêng, các từ chỉ quan hệ họ hàng, và các từ chỉ chức tước địa vị, thì sẽ lịch sự hơn. Tùy theo quan hệ trong giao tiếp mà người nói chọn từ xưng hô cho thích hợp. Chẳng hạn, Anh ơi, cho em mượn cái bút!
Lựa chọn “từ” hay “vị từ” thích hợp theo phép lịch sự cũng là cách tạo sự gắn bó giữa người nói và người nghe. Ngoài ra, các tiểu từ tình thái, chẳng hạn: nào, nhé,… cũng là phương tiện thể hiện lịch sự dương tính. Trong khi đó, chiến lược lịch sự âm tính đòi hỏi phải nói hay làm một cái gì đó để chứng tỏ mình không
muốn can thiệp vào quyền tự do hành động và quyền không bị áp đặt của người khác. Trong hội thoại người ta có thể thấy chiến lược âm tính thể hiện ở cách nói ngập ngừng, lưỡng lự: Tôi có thể hỏi anh là… là… nếu anh thừa bút… anh… có thể cho mượn…, và bao gồm cả cách nói vô nhân xưng: Ở đây không hút thuốc.
Tác giả Đỗ Hữu Châu cũng cho rằng lịch sự nhất là không thực hiện hành vi đe dọa thể diện [16, tr.272-276]. Siêu quy tắc lịch sự theo Leech (dt [22, tr.261]) như sau:
“niềm tin, ý nghĩ, cách hiểu của mình về điều mình sẽ nói là lịch sự hay không lịch sự, chứ không phải nói về cái không lịch sự hay lịch sự đã thể hiện ra rồi.” Vì chính những “động cơ bên trong” về lịch sự này sẽ thúc đẩy chúng ta tìm cách thể hiện chúng ra thành lời nói. Ngoài một số phương châm phụ, siêu quy tắc lịch sự của Leech cũng bao trùm 6 phương châm lớn: phương châm khéo léo (Tact maxim);
phương châm rộng rãi (Generosity maxim); phương châm tán thưởng (Approbation maxim); phương châm khiêm tốn (Modesty maxim); phương châm tán đồng (Agreement maxim); và phương châm thiện cảm (Sympathy maxim).
Nhìn chung, khái niệm lịch sự bao trùm tất cả các phương diện của diễn ngôn, và bị chi phối bởi các quy tắc có chức năng giữ gìn tính chất hài hòa của mối quan hệ liên nhân. Lịch sự với những chiến lược, những quy tắc, những khái niệm đang trở thành những dụng cụ của bộ đồ nghề của ngữ dụng học, của tâm lý ngôn ngữ học, của dân tộc học, và của văn hóa ngôn ngữ học.
Vấn đề cách dùng từ ngữ xưng hô trên trong các hành vi ngôn ngữ là những vấn đề thuộc dụng học có liên quan đến việc giữ thể diện của người nghe, thuộc về thái độ, tình cảm mà người nói và người nghe cần phải dựa trên một chuẩn mực tối thiểu của “xã hội” khi giao tiếp. Theo Nguyễn Văn Khang [66, tr.204 -215], cách xưng gọi cũng được nhiều nhà ngôn ngữ nghiên cứu đến vì nó là yếu tố quyết định thái độ giao tiếp của một người, trang trọng/ khách sáo hay thân mật/ suồng sã trong tất cả các loại câu khi giao tiếp, trong đó một trong những vấn đề mà luận án quan tâm khảo sát là vị trí của các từ dùng để xưng lẫn gọi trong câu câu nghi vấn và ảnh hưởng của nó trên thang độ lịch sự trong giao tiếp.
Những ứng dụng về vấn đề xưng hô được tác giả Nguyễn Văn Khang nêu lên trong
“Vấn đề xưng hô trong giao tiếp tiếng Việt” không chỉ gồm các từ xưng hô “gốc”
mà còn có rất nhiều từ thuộc các từ loại khác chuyển sang, trong đó đáng chú ý là nhóm từ thân tộc. Cùng với các từ xưng gọi khác, các từ thân tộc có đặc điểm là vừa để “xưng”, vừa dùng để “hô” (gọi khách thể giao tiếp trong cả gia đình lẫn trong giao tiếp xã hội). Vì thế, thông qua cách sử dụng từ xưng hô có thể thấy được thái độ, quan điểm của các thành viên tham gia giao tiếp. Đây chính là một trong những lý do giải thích vì sao người Việt rất quan tâm đến tuổi của khách thể giao tiếp để chọn lựa cách xưng hô cho phù hợp với tuổi tác và vị thế trong các vai giao tiếp cụ thể. Chẳng hạn, nếu A xưng anh và gọi B là em: thể hiện A > B {lớn tuổi hơn + tình cảm}. Nhưng nếu A xưng tôi và gọi B là em: thể hiện A > B {lớn tuổi hơn + khoảng cách}.
Tiểu kết Chương 1
Chương 1 điểm qua những vấn đề lý thuyết có liên quan đến câu nghi vấn trong tiếng Anh và tiếng Việt qua những công trình nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học trong và ngoài nước và các tác giả khác có quan tâm nghiên cứu chuyên sâu về câu nghi vấn. Phần đầu Chương 1 trình bày khái niệm câu nghi vấn và các vấn đề có liên quan đến câu nghi vấn như phép lịch sự và các hành vi ngôn ngữ được thể hiện qua hình thức câu nghi vấn trong hai ngôn ngữ khác nhau, tiếng Anh và tiếng Việt để từ đó tìm ra được các tiêu chí phân loại câu nghi vấn qua thực tiễn sử dụng trong một bối cảnh giao tiếp cụ thể.
Dù xuất phát từ hai quan niệm khác nhau về hình thức liên kết của các thành tố trong câu nghi vấn, nhưng trong cả hai ngôn ngữ đều nhìn thấy phép lịch sự có vị trí đặc biệt quan trọng trong các hành vi ngôn ngữ xét trong mối quan hệ liên nhân, thái độ ứng xử trong giao tiếp và nội dung giao tiếp mà câu nghi vấn thể hiện, nó còn mang dấu ấn của một nền văn hóa mà ngôn ngữ đó đang hành chức trong giao tiếp xã hội.
Trên bình diện ngữ dụng, chúng tôi tập trung quan sát chức năng quy chiếu và chỉ xuất của các từ ngữ chỉ xuất xưng hô và qua đó có thể thấy được yếu tố chủ quan
của người sử dụng ngôn ngữ trong những hoàn cảnh cụ thể, biểu hiện thái độ, tình cảm của người nói cũng như sự phù hợp hay không phù hợp với hoàn cảnh của môi trường sử dụng ngôn ngữ đó xét trên phương diện lịch sự trong cả hai ngôn ngữ.
Nhìn chung câu nghi vấn trong tiếng Anh và tiếng Việt có điểm chung là cùng một hình thức nhưng có nhiều giá trị ngôn trung khác nhau trong bối cảnh giao tiếp khác nhau, và nhiều kiểu câu nghi vấn với cấu trúc khác nhau nhưng diễn đạt cùng một giá trị ngôn trung.
Điểm khác biệt trong việc phân định câu nghi vấn trên cơ sở lý thuyết là các từ ngữ dùng để xưng hô theo phép lịch sự và các từ tình thái trong hai ngôn ngữ không hoàn toàn tương ứng với nhau. Bước đầu, chúng tôi nhận thấy rằng các từ ngữ chỉ xuất xưng hô và các tiểu từ tình thái cuối câu cũng như các từ kèm để hỏi thể hiện ý nghĩa tình thái trong câu nghi vấn trong tiếng Việt đóng vai trò linh hoạt và tích cực hơn các từ ngữ chỉ xuất xưng hô, các từ ngữ thể hiện tính tình thái trong câu nghi vấn của tiếng Anh trong khả năng thể hiện ý nghĩa theo quan điểm đứng từ phía người sử dụng ngôn ngữ.
Sau khi tổng hợp các tư liệu về lý thuyết và thảo luận các dẫn chứng minh họa về sự hành chức của câu nghi vấn trên bình diện ngữ dụng, chúng tôi đã có những nhận định ban đầu mà cần được cũng cố thêm bằng các dữ liệu khách quan dựa trên một nguồn dữ liệu có độ ổn định và đáng tin cậy. Vì thế, trong Chương kế tiếp, chúng tôi sẽ thiết kế một cuộc khảo sát dựa trên văn bản để thẩm định lại những nhận định này.
CHƯƠNG 2