Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
2.2.1. Nội dung của quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp khai thác đá xây dựng
2.2.1.1. Xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp khai thác đá xây dựng
Xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy QLNN về ATVSLĐ trong các DNKTĐXD là yêu cầu khách quan, đảm bảo cho doanh nghiệp nói riêng, ngành công nghiệp khai thác nói chung phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội và môi trường.
Mô hình tổ chức bộ máy QLNN về ATVSLĐ trong DNKTĐXD khá đa dạng, phong phú: Một là, mô hình tổ chức, bộ máy QLNN về ATVSLĐ có thể theo phương thức trực tiếp. Nghĩa là, cơ quan QLNN tiến hành quản lý trực tiếp ngay trên hiện trường làm việc. Tuy nhiên, mô hình này rất tốn kém và không thực sự hiệu quả trong nền kinh tế thị trường; Hai là, mô hình tổ chức bộ máy QLNN về ATVSLĐ theo phương thức gián tiếp, thông qua cơ chế, chính sách và pháp luật.
Có sự chỉ đạo từ Trung ương, Bộ, nghành, xuống tới địa phương và doanh nghiệp.
Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tham gia vào các khâu của QLNN (theo sự phân công), đảm bảo cho các doanh nghiệp phát triển kinh doanh khai thác đá gắn với bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động.
Xây dựng mô hình, tổ chức bộ máy QLNN và bộ máy làm công tác ATVSLĐ trong doanh nghiệp khai thác khoáng sản đá phù hợp với quy mô và đặc thù của mỗi bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, đơn vị quản lý. Hoạt động QLNN cần nghiên cứu giải pháp phù hợp cho từng loại hình doanh nghiệp, từng quy mô doanh nghiệp. Nghiên cứu kỹ những điểm thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp để từ đó đưa ra các mô hình, tổ chức bộ máy QLNN phù hợp, dễ áp dụng, dễ triển khai và tốn kém ít chi phí cho doanh nghiệp.
Song hành với việc xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy QLNN về ATVSLĐ, vấn đề quan trọng nữa đó là: đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu QLNN về ATVSLĐ ở các bộ, ngành, địa phương và đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đá. Ngoài việc khuyến khích doanh nghiệp cử người đi học tập, đào tạo về ATVSLĐ, cần phải có mạng lưới cán bộ làm công tác an toàn tốt tại các doanh nghiệp để dễ triển khai và qua đó họ có môi trường để học hỏi kinh nghiệm của nhau trong công tác quản lý về ATVSLĐ.
2.2.1.2. Xây dựng, hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch khai thác gắn với an toàn, vệ sinh lao động và tiết kiệm nguồn tài nguyên đá xây dựng
Xây dựng, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch khai thác đá xây dựng gắn với ATVSLĐ là nội dung quan trọng nhất đối với QLNN về ATVSLĐ trong DNKTĐXD. Bởi vì, có xây dựng quy hoạch, kế hoạch mới có thể khai thác tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; đảm bảo ATVSLĐ, sức khỏe, tính mạng cho người lao động. Hay nói cách khác, xây dựng và hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch khai thác đá xây dựng gắn với ATVSLĐ mới có thể đảm bảo tăng trưởng, phát triển kinh tế, đảm bảo phát triển xã hội và khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Nhà nước thực hiện quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng là căn cứ pháp lý cho các cơ quan chức năng của Nhà nước quản lý nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nhằm sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, phát triển bền vững ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng trong việc xin cấp giấy phép thăm dò, cấp giấy phép khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng trong giai đoạn trung và dài hạn làm cơ sở để định hướng phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ổn định, lâu dài. Để thực hiện một cách toàn diện, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch, chương trình, mục tiêu khai thác cần gắn liền với mục tiêu, chương trình quốc gia về ATVSLĐ.
Mặt khác, xây dựng và hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch khai thác đá xây dựng gắn với ATVSLĐ trong các DNKTĐXD còn tạo lập cơ sở để đánh giá hiện trạng
nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, xác định nhu cầu trữ lượng khoáng sản cần thăm dò, khai thác cho ngành công nghiệp vật liệu xây dựng trung và dài hạn; xác định được khả năng đáp ứng từ nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, xác định danh mục, tiến độ thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các mỏ, đồng thời xác định các mỏ, các khu vực cấm và tạm thời cấm thăm dò, khai thác, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
2.2.1.3. Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp khai thác đá xây dựng
- Chính sách, pháp luật về ATVSLĐ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển DNLTĐXD. Thông qua chính sách, pháp luật, có thể điều chỉnh các quan hệ tương tác trong DNKTĐXD (doanh nghiệp với ngành công nghiệp khai thác đá xây dựng;
doanh nghiệp với người lao động; doanh nghiệp với các chủ thể khác bên trong và bên ngoài doanh nghiệp).
- Để thực hiện chức năng QLNN về ATVSLĐ trong các DNKTĐXD của Nhà nước, công việc trước tiên là phải tăng cường xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hoặc triển khai các văn bản pháp luật:
+ Hiến pháp;
+ Bộ luật, Luật;
+ Nghị định;
+ Thông tư, quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện các chế độ về BHLĐ, ATVSLĐ, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, quy định ĐKLĐ và danh mục nghề, công việc cấm không được sử dụng lao động nữ, lao động đặc thù...nhằm quản lý ATVSLĐ đối với các hoạt động trong khai thác đá xây dựng; các loại máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, các loại phương tiện bảo vệ cá nhân phục vụ cho khai thác đá xây dựng.
+ Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động...
- Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ATVSLĐ trong các DNKTĐXD là một trong những nội dung quan trọng, tạo hành lang pháp
lý cho hoạt động QLNN nói chung, quản lý về ATVSLĐ nói riêng, đồng thời cũng tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tham gia giám sát tốt công tác ATVSLĐ trong DNKTĐXD.
2.2.1.4. Tuyên truyền, huấn luyện, phổ biến và giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp khai thác đá xây dựng
- Tuyên truyền, huấn luyện, phổ biến, giáo dục về ATVSLĐ trong các DNKTĐXD là công việc quan trọng, tiết kiệm và hiểu quả, đảm bảo phòng ngừa rủi ro về ATVSLĐ, giảm thiểu TNLĐ, BNN trong các DNKTĐXD.
- Tuyên truyền, huấn luyện, phổ biến, giáo dục về ATVSLĐ trong các DNKTĐXD có thể thông qua nhiều kênh, nhiều biện pháp, như: Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, phát hành tờ rơi, tổ chức các hội thi tìm hiểu về ATVSLĐ trong khai thác tài nguyên đá xây dựng, huấn luyện trực tiếp tại địa phương, cơ sở…
- Hoạt động QLNN là triển khai công tác tuyên truyền, huấn luyện, phổ biến và giáo dục về ATVSLĐ, đặc biệt quan tâm tới các đối tượng quản lý ở cấp xã, phường. Hình thành đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, huấn luyện ở tất cả các cấp, các ngành và địa phương.
- Để công tác tuyên truyền, huấn luyện, phổ biến và giáo dục về ATVSLĐ được hiệu quả và gần hơn với thực tế thì đội ngũ giảng viên cần được nâng cao trình độ qua các khoá tập huấn chuyên sâu, qua các cuộc hội thảo trong và ngoài nước.
Liên tục cập nhật nội dung tài liệu huấn luyện và giáo dục ATVSLĐ và đổi mới phương pháp giảng dạy để phù hợp từng đối tượng, vùng miền.
- Các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ LĐTBXH, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường phối hợp thực hiện tốt và thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ cho các doanh nghiệp hoạt động khai thác đá xây dựng bằng nhiều phương pháp phù hợp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của các DNKTĐXD cũng như nâng cao năng lực của hệ thống QLNN, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương
và nhân dân, nhất là người dân xung quanh khu vực diễn ra hoạt động khai thác đá xây dựng.
2.2.1.5. Tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp khai thác đá xây dựng
- Các hình thức về thanh tra, kiểm tra giám sát được quy định rõ, với quy trình kiểm tra, nội dung thanh, kiểm tra; thẩm quyền trong thanh, kiểm tra cho cán bộ thanh, kiểm tra cụ thể, rõ ràng; được trang bị đủ các phương tiện cho cán bộ kiểm tra. Thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ có tổ chức cũng như lực lượng của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về khai thác đá xây dựng từ trung ương đến địa phương; kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật những hành vi vi phạm pháp luật nhất là đối với các doanh nghiệp không tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường và ATVSLĐ.
- Thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, có thể theo dõi, thống kê, cung cấp thông tin về TNLĐ, BNN; xây dựng chương trình, hồ sơ quốc gia ATVSLĐ; cập nhật các số liệu báo cáo, thống kê về tình hình TNLĐ, BNN. Thông qua các số liệu này cơ quan QLNN sẽ có những quy định nhằm điều chỉnh kịp thời nhằm giảm thiểu và ngăn chặn đến mức tối đa các TNLĐ, BNN có thể xảy ra. Do đó việc cung cấp các số liệu cho cơ quan QLNN là hết sức hữu ích và cần thiết. Do đó cần phải xây dựng được cơ sở dữ liệu để thống kê về tình hình TNLĐ, BNN, đồng thời có những quy định cụ thể từ cơ quan QLNN đối với các đơn vị được điều chỉnh để có được số liệu thống kê đầy đủ và sát thực với tình hình hiện tại.
Quản lý tổ chức và hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực ATVSLĐ. Các tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực ATVSLĐ chính là các tổ chức làm công tác huấn luyện ATVSLĐ và các tổ chức thực hiện việc kiểm định kỹ thuật ATLĐ đối với các máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ. Các tổ chức này cần phải đảm bảo đủ điều kiện, năng lực hoạt động theo quy định và phải được cơ quan QLNN có thẩm quyền chỉ định.
Ngoài các nội dung trên, còn có các nội dung khác liên quan đến hoạt động QLNN về ATVSLĐ trong DNKTĐXD đáng chú ý như:
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý nhà nước về ATVSLĐ trong các DNKTĐXD
Duy trì và nâng cao hiệu quả hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế để lĩnh hội và chia sẻ kinh nghiệm QLNN về ATVSLĐ đối với hoạt động khai thác đá xây dựng.
Xây dựng cơ chế, kế hoạch và nội dung hợp tác phù hợp với từng đối tác và từng tổ chức quốc tế liên quan đến hoạt động QLNN về ATVSLĐ đối với lĩnh vực khai thác đá xây dựng.
Tăng cường sự hỗ trợ của quốc tế trong việc nâng cao công tác QLNN về ATVSLĐ nói chung và ATVSLĐ trong các DNKTĐXD ở Việt Nam nói riêng.
- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ của khoa học - công nghệ đối với hoạt động khai thác đá xây dựng
Thực hiện việc nghiên cứu những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật trong việc cải tiến công nghệ, máy, thiết bị trong khai thác và chế biến đá xây dựng.
Thay thế dần dần các máy, thiết bị, quy trình khai thác lạc hậu, không đảm bảo ATVSLĐ bằng những máy, thiết bị có công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn và có hiệu suất cao vào sử dụng
Nghiên cứu việc áp dụng các quy trình chế biến các sản phẩm đá tinh để phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm đá xây dựng phục vụ sản xuất các mặt hàng có chất lượng cao.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cần phải tính toán một cách khoa học để hài hòa giữa lợi ích kinh tế với đảm bảo ATVSLĐ, vì quá trình trang bị các máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại đồng nghĩa với việc đầu tư một khoản chi phí khá lớn, điều này đôi khi là cản trở đối với những doanh nghiệp khai thác đá xây dựng có quy mô vừa và nhỏ.