Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM HỌC TẬP CỘNG ĐỒNG THEO ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI HỌC TẬP
1.3. Trung tâm học tập cộng đồng với việc xây dựng xã hội học tập
1.3.3. Trung tâm học tập cộng đồng - góp phần xây dựng xã hội học tập và phát triển kinh tế - xã hội
1.3.3.1. Đặc điểm của trung tâm học tập cộng đồng - góp phần xây dựng xã hội học tập Các TT HTCĐ thông qua các hoạt động của mình sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người không phân biệt giới tính, tuổi tác… được tham gia xây dựng trung tâm và được học tập theo các chương trình do chính trung tâm tổ chức và cung ứng; được tiếp
nhận các tri thức, kiến thức, kinh nghiệm của xã hội. Từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người dân và cả cộng đồng, đồng thời góp phần vào việc xây dựng thành công cộng đồng học tập.
Thành lập TT HTCĐ do nhu cầu cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu học tập, trao đổi kinh nghiệm của một cộng đồng dân cư (hiện nay cộng đồng học tập gắn với TT HTCĐ phục vụ là xã, phường, thị trấn), cộng đồng dân cư này có nguyện vọng và đáp ứng đủ các điều kiện như có tờ trình xin thành lập TT HTCĐ, được UBND xã, phường đề nghị thì UBND huyện và tương đương ra quyết định thành lập TT HTCĐ. Như vậy TT HTCĐ được lập ra bởi cộng đồng. Điều này hoàn toàn khác các cơ sở giáo dục chính quy do Nhà nước thành lập (trường công lập) hay do tư nhân thành lập (trường tư).
Cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên ở các TT HTCĐ là những người tự nguyện (không lương hoặc có thể hưởng phụ cấp). Nếu ở các cơ sở giáo dục chính quy thì đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, hướng dẫn viên…được hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc do tư nhân trả (với trường tư). Còn ở TT HTCĐ do cộng đồng dân cư lập ra nên những người tại cộng đồng tham gia thường được phân làm 2 loại: i) Được điều động/ phân công vào lãnh đạo trung tâm - thường có lương đối với giáo viên được điều động sang làm phó giám đốc trung tâm hay được hưởng phụ cấp đối với giám đốc trung tâm song phụ cấp không đáng kể, mang tính hình thức;
ii) tham gia mang tính tự nguyện như các thành viên của cộng đồng hoạt động trong các nhóm chuyên môn và họ hoàn toàn không hưởng thù lao.
Thời lượng của mỗi chương trình được các cơ sở giáo dục chính quy cung cấp cho người học thường được quy định/ giới hạn trong Luật giáo dục, ví dụ ở Việt Nam quy định: giáo dục tiểu học là 5 năm, THCS là 4 năm, THPT là 3 năm... Điều này có nghĩa là mỗi cơ sở giáo dục chính quy phục vụ người học trong một khoảng thời gian nhất định của đời người. Còn ở các TT HTCĐ thì không giới hạn về thời gian phục vụ người học (phục vụ suốt đời).
Tương tự trên, đối tượng và độ tuổi phục vụ của các cơ sở giáo dục chính quy được quy định rất rõ ràng. Ví dụ: các trường THCS nhận các học sinh đã tốt nghiệp tiểu học, có độ tuổi từ 12 đến 15 vào học. Còn các TT HTCĐ thì phục vụ cho mọi người, mọi lứa tuổi. Các cơ sở giáo dục chính quy đều có định hướng bằng cấp, ví dụ tốt nghiệp THPT được cấp bằng tú tài, tốt nghiệp đại học được cấp bằng cử nhân hoặc
kỹ sư... Đối với TT HTCĐ thì không có sự định hướng bằng cấp. Tức là hoàn thành các khóa học ở TT HTCĐ người học không được cấp bất cứ một loại bằng cấp nào thuộc hệ thống bằng cấp quốc gia.
Về chương trình học tập và phương thức hoạt động của các cơ sở giáo dục chính quy được quy định rất tường minh thì trái lại ở các TT HTCĐ chương trình học tập và phương thức hoạt động rất linh hoạt, mềm dẻo, đáp ứng kịp thời nhu cầu của cộng đồng.
Mục tiêu học tập của người học ở các cơ sở giáo dục chính quy được xác định rất rõ. Ví dụ học sinh học THPT ra trường hoặc sẽ tiếp tục học tập ở bậc học cao hơn, học nghề hoặc ra ngoài xã hội lao động phổ thông. Đối với TT HTCĐ thì mục tiêu học tập rất đa dạng, như học cho chính mình, học để biết, học để làm, học để tồn tại và chung sống...; hình thức tổ chức của các TT HTCĐ thường rất linh hoạt, tuỳ thuộc về điều kiện kinh tế - xã hội của cộng đồng, của từng địa phương.
Tóm lại, các hoạt động của TT HTCĐ góp phần đắc lực vào việc xây dựng cộng đồng học tập bằng chính sứ mạng và đặc điểm riêng có của nó. Cụ thể: TT HTCĐ là thiết chế giáo dục không chính quy của cộng đồng; do cộng đồng và vì cộng đồng; Kết hợp sử dụng các nguồn học tập chính thống và không chính thống. TT HTCĐ được các đối tác về kinh tế, về giáo dục chia sẻ các nguồn đào tạo của họ;
Người học được chia sẻ tri thức của nhân loại. Vốn hiểu biết và các tri thức xã hội của mỗi cá nhân được đánh giá cao, được sử dụng đúng mức. Sự tiến bộ của mỗi cá nhân nhận được sự ủng hộ bởi các hoạt động học tập trao đổi tương tác với nhau trong các tổ chức học tập trong cộng đồng; Học tập được xem như một quá trình tiến bộ xã hội, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội; Cộng đồng phát triển tốt đẹp dựa trên tính chủ động cao của sự phân quyền; Có sự tiếp cận xã hội phổ biến với các công nghệ học tập, với mạng lưới học tập và làm việc trong các cộng đồng; Nghiên cứu về các chương trình, chiến thuật học tập, về sức khỏe, về chất lượng cuộc sống và các chương trình xã hội khác được chú trọng; Chiến lược HTSĐ được xây dựng bao gồm kế hoạch học tập cho cá nhân, cho tập thể, cho các cơ sở kinh tế trong cộng đồng; Sự phát triển văn hóa HTSĐ là mục tiêu của cộng đồng.
TT HTCĐ với các ưu điểm đặc thù như khai thác được các nguồn lực trong xã hội hỗ trợ cho hoạt động học tập tại cộng đồng; khai thác được các nguồn học tập
chính thống và không chính thống; hoạt động học tập trong TT HTCĐ được sự ủng hộ cao của cộng đồng; bầu không khí học tập thân thiện; các thành viên trong cộng đồng sẵn sàng chia sẻ các tri thức xã hội cho nhau; người học “cần gì, học nấy”; cơ hội học tập được trao cho tất cả mọi người… đã tạo ra nhu cầu, động lực học tập cho mọi người và mọi người đã được tạo cơ hội được học tập thường xuyên, HTSĐ. Các TTHTCĐ được cắm sâu trên địa bàn xã, phường, thị trấn, bắt rễ vào từng thôn, làng, bản... là những điều kiện thuận lợi để thực hiện được khẩu hiệu "ai cũng học tập" góp phần xây dựng thành công cộng đồng học tập. Như vậy có thể thấy xây dựng TT HTCĐ là bước đi đúng, cần thiết, quan trọng để góp phần xây dựng thành công cộng đồng học tập ở Việt Nam. Đặc biệt có TT HTCĐ, xã hội không chỉ chú ý đến việc học của trẻ em mà đã từng bước chăm lo việc học tập cho mọi người, thuộc mọi lứa tuổi, nhất là việc học tập của người lớn không có điều kiện đi học tại các cơ sở giáo dục ở xa cộng đồng thôn, xã mà họ đang sinh sống. Người dân được đăng ký học không chính quy, học tập ngoài nhà trường, học cái gì mà họ cần và học mọi nơi, mọi lúc, học suốt đời,...
1.3.3.2. Vai trò của trung tâm học tập cộng đồng với phát triển kinh tế - xã hội
Trong những năm qua, việc xây dựng, quản lý phát triển các TT HTCĐ diễn ra mạnh mẽ ở các địa phương đã tạo ra mạng lưới các TT HTCĐ rộng khắp trong cả nước. Với việc không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các TT HTCĐ đã góp phần thúc đẩy sự phát triển KT - XH ở các địa phương.
Sự ra đời của các TT HTCĐ đã tạo cơ hội cho mọi người, mọi lứa tuổi, tầng lớp, mọi nơi, mọi lúc... được học tập, được tạo cơ hội để tăng hiểu biết, được phổ biến để có thể nắm và ứng dụng các tiến bộ của khoa học kĩ thuật vào lao động, sản xuất.
Nhiều TT HTCĐ đã triển khai rất hiệu quả các chuyên đề về thành tựu khoa học kĩ thuật, chuyển giao ứng dụng công nghệ vào thực tế sản xuất đã góp phần thúc đẩy sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế tạo điều kiện phát triển kinh tế ở các địa phương. Không ít hoạt động học tập về kiến thức văn hóa xã hội được triển khai trong các TT HTCĐ, thông qua các chuyên đề xây dựng nếp sống mới ở nông thôn, chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, các chương trình đọc sách báo, sinh hoạt CLB thơ, dạy hát quan họ, hát chèo... Phong trào học tập của các TT HTCĐ đã thực sự gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng.
Trung tâm HTCĐ tham gia đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao năng suất lao động góp phần xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết 26, khóa X của Đảng ta đã khẳng định phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước. Mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới là: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện thí điểm chương trình xây dựng nông thôn mới, chúng ta đang gặp một số vướng mắc cơ bản về: Qui hoạch; xây dựng thể chế nông thôn; Huy động vốn đầu tư; phát huy vai trò khoa học công nghệ; Vai trò các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt là Nâng cao năng lực cư dân nông thôn. Nâng cao năng lực cư dân nông thôn là một trong những nhu cầu cấp thiết không chỉ cho sự phát triển của nông nghiệp, nông dân mà có sự quan hệ mật thiết với nhu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa dịch vụ, hiện đại hóa nông nghiệp. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần đào tạo để cho một bộ phận lớn dân cư sẽ rời khỏi nông nghiệp, rời nông thôn ra đô thị sinh sống; mặt khác, xây dựng đội ngũ nông dân trẻ, có trình độ đủ sức làm chủ nền nông nghiệp hiện đại cả về công nghệ và quản lý.
Để giải quyết vấn đề nâng cao năng lực cư dân nông thôn, nhất thiết phải đào tạo nghề cho nông dân là một thành phần cơ bản để xây dựng nông thôn mới và là cơ sở để xây dựng XHHT ở nông thôn và cơ hội để mỗi nông dân được HTSĐ.
Cần xây dựng một chiến lược về xã hội hoá giáo dục và xây dựng một XHHT suốt đời ở Việt Nam. Học suốt đời và xây dựng XHHT ở nông thôn nước ta là thực hiện chức năng quan trọng là để tiếp tục hình thành và phát triển nhân cách công dân Việt Nam và công dân quốc tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong xu thế toàn cầu hóa. Học suốt đời và xây dựng XHHT ở nông thôn nước ta là để phát huy nhân tố nông dân, động lực phát triển trực tiếp nông thôn Việt Nam trên
con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là lợi ích của từng nông dân, từng gia đình và của từng cộng đồng làng, xóm. Học suốt đời và xây dựng XHHT ở nông thôn nước ta là con đường thực hiện tốt dân chủ hóa nông thôn Việt Nam, xây dựng nông thôn mới [66].
Khi đó TT HTCĐ với triết lí, sứ mạng, chức năng… của mình đã góp phần đào tạo nghề cho nông dân, tạo cơ hội cho nông dân được HTSĐ; đóng góp vào việc hình thành và phát triển nhân cách công dân Việt Nam; góp phần đảm bảo lợi ích của từng nông dân, từng gia đình và của từng cộng đồng làng, xóm…Vì vậy để xây dựng thành công nông thôn mới ở Việt Nam cần gắn chặt với phát triển TT HTCĐ.