Chương 2. CƠ SỞ THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM HỌC TẬP CỘNG ĐỒNG THEO ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI HỌC TẬP
3.3. Một số giải pháp quản lý phát triển trung tâm cộng đồng theo định hướng xã hội học tập
3.3.4. Thu hút nguồn lực thông qua tăng cường liên kết với các đối tác
Giải pháp tập trung vào hai vấn đề: Tăng cường liên kết giữa TT HTCĐ với các mô hình/ thiết chế giáo dục khác định hướng XHHT; Đẩy mạnh XHH GD nhằm quản lý phát triển các TT HTCĐ.
3.2.4.1. Tăng cường liên kết giữa TT HTCĐ với các cơ sở giáo dục khác
Ý nghĩa, mục tiêu của việc tăng cường liên kết: Để xây dựng XHHT thông qua việc quản lý phát triển TT HTCĐ thì cần phải hình thành và phát triển mô hình các TT HTCĐ mới. Hiện tại mạng lưới các TT HTCĐ ở Việt Nam phân bố còn rất nhiều bất hợp lí. Sự liên kết, hợp tác và chia sẻ lợi ích giữa các TT HTCĐ còn rời rạc, kém hiệu quả. Do đó việc tăng cường sự liên kết giữa các TT HTCĐ sẽ góp phần khắc phục sự phân bố chưa hợp lí nói trên, đảm bảo để TT HTCĐ “gần dân” hơn và tạo cơ hội, điều kiện tốt nhất cho người dân có thể đến sinh hoạt, học tập tại các TT HTCĐ xã, phường, thị trấn, thôn.
Muốn xây dựng thành công XHHT thì cần có sự kết hợp phát triển giữa giáo dục chính quy và giáo dục không chính quy. Do đó việc tăng cường liên kết giữa TT HTCĐ với các mô hình/ thiết chế giáo dục khác sẽ thúc đẩy sự kết hợp phát triển giữa hai hệ thống giáo dục chính quy và không chính quy.
Nội dung thực hiện tăng cường liên kết:
Xác định những mục tiêu, nội dung, lợi ích chung giữa TT HTCĐ với các mô hình, thiết chế khác có thể kết hợp với nhau cùng hoạt động để đạt được mục tiêu chung là phát triển cộng đồng. Có thể nêu ra một số mô hình, thiết chế có thể liên kết với TT HTCĐ như: Các tổ chức cộng đồng ở địa phương, các tổ chức đoàn thể, các ban ngành chuyên môn... Ngoài ra, một sổ tổ chức, cơ quan có chung mục tiêu chương trình và quan hệ công việc cũng có thể liên kết trong mạng lưới như các tổ chức phát triển, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cấp huyện,...
Đánh giá mức độ hợp tác và lợi ích thu được trong mối quan hệ mạng lưới, liên kết giữa các TT HTCĐ với nhau và giữa TT HTCĐ với các mô hình, thiết chế, các cơ sở giáo dục cộng đồng khác (gọi là nhóm cộng đồng).
Việc đánh giá mức độ hợp tác của TT HTCĐ được thể hiện qua việc xác định TT HTCĐ đã tham gia vào mạng lưới hay chưa, trên những lĩnh vực nào và đạt được những kết quả gì? Việc liên kết giữa TT HTCĐ với các đối tác được tiến hành như thế nào?
Liên kết với TT dạy nghề trên tất cả các lĩnh vực như dạy nghề nông nghiệp phục vụ chuyển đổi cơ cấu kinh tế; dạy nghề công nghiệp phục vụ cho các cụm công nghiệp, khu công nghiệp; dạy nghề thương mại dịch vụ,….
Các điều kiện thực hiện tăng cường liên kết: TT HTCĐ và các tổ chức thành viên trong cùng một mạng lưới cần có năng lực nhất định để đóng góp vào sự phát triển của mạng lưới.
Quá trình hợp tác và liên kết giữa các TT HTCĐ với nhau và giữa TT HTCĐ với các tổ chức thành viên trong mạng lưới cần sự minh bạch, cởi mở và hỗ trợ lẫn nhau.
Trong mạng lưới, việc chia sẻ thông tin hiệu quả cần được xây dựng trên cơ sở niềm tin và quan trọng hơn cả là yếu tố con người, chìa khóa của sự ổn định trong mối liên kết.
3.2.4.2. Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát triển các chương trình học tập ở trung tâm học tập cộng đồng
Ý nghĩa, mục tiêu của đẩy mạnh XHH GD: Thực trạng hoạt động của các TT HTCĐ ở Thái Bình đã cho thấy nhiều TT HTCĐ hoạt động chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong việc xây dựng XHHT. Lí do của những tồn tại, yếu kém đã nêu thì có nhiều, nhưng một số lí do quan trọng hàng đầu là CSVC,
thiết bị nghèo nàn, lạc hậu; kinh phí hoạt động thiếu thốn, đội ngũ CBQL - GV chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, giảng dạy ở các TT HTCĐ và các chương trình giáo dục (nội dung, phương pháp, hình thức học tập) của các TT HTCĐ chưa đa dạng, phong phú.
Nếu chỉ trông chờ vào Nhà nước và ngành GD&ĐT thì sẽ không sớm khắc phục được những khó khăn trên. Do đó đẩy mạnh XHH GD là giải pháp quan trọng nhằm phát triển các TT HTCĐ định hướng XHHT.
Thực hiện XHH GD nhằm hai mục tiêu lớn: mục tiêu thứ nhất là phát huy tiềm năng trí tuệ, vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục;
mục tiêu thứ hai là tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt các đối tượng chính sách, người nghèo được hưởng thụ thành quả giáo dục ở mức độ ngày càng cao.
Nội dung thực hiện đẩy mạnh XHH GD:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, vận động và cung cấp thông tin về XHH GD để nâng cao nhận thức cho xã hội về XHHGD.
Hoàn thiện các cơ chế, quy chế, thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hoá các thủ tục về việc thành lập, cho thuê đất, huy động vốn, nhân lực đối với các TT HTCĐ.
Phát huy tối đa dân chủ cơ sở để giám sát công việc quản lý và thực hiện ở TT HTCĐ.
Gắn phong trào toàn dân đoàn kết XDĐSVH với các hoạt động của TT HTCĐ với từng thôn, làng, xã, thị trấn; hình thành các tổ giáo viên của thôn, làng, xã, thị trấn để quản lý học viên tham gia học tập ở các lớp chuyên đề khoa học trong TT HTCĐ. Mỗi người dân, CBQL - GV, người học thực hiện học tốt, làm tốt, sống văn hoá; mỗi gia đình tạo môi trường thuận lợi cho mọi thành viên học tập ở các TT HTCĐ khi có nhu cầu.
TT HTCĐ có trách nhiệm nghiêm chỉnh thực hiện chủ trương, chính sách, các quy định của nhà nước, của địa phương, không ngừng nâng cao chất lượng, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tuân thủ mục tiêu của các hoạt động.
Các điều kiện thực hiện đẩy mạnh XHH GD:
Căn cứ vào Nghị quyết 05/ NQ-CP của chính phủ và đề án của tỉnh Thái Bình về xã hội hoá trong các lĩnh vực Văn hoá- TT-TT , Y tế, Giáo dục,...; TT HTCĐ tiến hành khảo sát thực tế xây dựng chương trình hành động có tính khả thi, sát thực, phù hợp với yêu cầu phát triển nhằm huy động mọi nguồn lực tham gia đóng góp cho hoạt động của các TT HTCĐ.
Lãnh đạo TT HTCĐ chịu trách nhiệm trước cấp uỷ và chính quyền của địa phương. Giám đốc TT HTCĐ cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, trực tiếp chỉ đạo để xây dựng các đề án phù hợp năng lực thực tế, sơ kết, tổng kết đánh giá công tác XHH GD theo định kỳ.