Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM HỌC TẬP CỘNG ĐỒNG THEO ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI HỌC TẬP
1.4. Phát triển trung tâm học tập cộng đồng theo định hướng xã hội học tập
1.4.2. Phương thức quản lý phát triển trung tâm học tập cộng đồng
Về các phương thức quản lý phát triển TTHTCĐ, hiện nay trên thế giới tồn tại ba phương thức quản lý chính, gồm: (1) Nhà nước quản lý tập trung, (2) Quản lý dựa vào cộng đồng, (3) Cộng đồng tự quản lý.
Trong ba phương thức quản lý kể trên, xét về trình độ quản lý phù hợp với thực tiễn và theo lý thuyết phát triển cộng đồng thì phương thức quản lý dựa vào cộng đồng sẽ làm giảm gánh nặng cho các cơ quan quản lý nhà nước trên các phương diện tài chính, quản lý, kinh tế, xã hội. Cụ thể:
Về mặt tài chính, quản lý dựa vào cộng đồng là một mô hình hiệu quả nhất trong huy động vốn đầu tư xã hội, giúp giảm tải vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.
Về mặt quản lý, hình thức quản lý dựa vào cộng đồng giúp chuyển giao trách nhiệm quản lý tài nguyên và phát huy các nguồn lực cộng đồng, làm giảm tải công tác quản lý hằng ngày của chính quyền địa phương.
Về mặt kinh tế, hình thức quản lý dựa vào cộng đồng giúp cho việc khai thác tài nguyên và nguồn lực đạt được giá trị sử dụng cao hơn và bền vững hơn.
Về mặt xã hội, áp dụng hình thức quản lý dựa vào cộng đồng sẽ giúp người dân nâng cao nhận thức về quản lý tài nguyên và nguồn lực, tăng cường khối đoàn kết dân tộc tại các khu dân cư, mở đường cho các quy định pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống của người dân.
Phương thức quản lý dựa vào cộng đồng là một tập hợp mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng; trong đó, cộng đồng là người đưa ra quyết định cuối cùng về tất cả các vấn đề liên quan đến quá trình lập kế hoạch và triển khai thực hiện. Phương thức quản lý dựa vào cộng đồng có 5 cấp độ:
Cấp độ thông báo: Nhà nước ra quyết định, thông báo và hướng dẫn cộng đồng tham gia quản lý.
Cấp độ tham vấn: Cộng đồng cung cấp thông tin, Nhà nước tham khảo ý kiến của cộng đồng để đưa ra quyết định, thông báo và hướng dẫn cộng đồng tham gia quản lý.
Cấp độ cùng thực hiện: Cộng đồng có cơ hội và được phép tham gia thảo luận, góp ý kiến để đưa ra quyết định và được tham gia quản lý.
Cấp độ đối tác: Nhà nước và cộng đồng cùng quản lý.
Cấp độ chủ trì: Cộng đồng được Nhà nước trao quyền quản lý, Nhà nước chỉ thực hiện việc kiểm soát.
Trung tâm học tập cộng đồng với tư cách là thiết chế giáo dục không chính quy của cộng đồng; do cộng đồng và vì cộng đồng. Sự tiến bộ của mỗi cá nhân nhận được sự ủng hộ bởi các hoạt động học tập trao đổi tương tác với nhau trong các tổ chức học tập trong cộng đồng. Sự phát triển văn hóa HTSĐ là mục tiêu của cộng đồng. Bởi vậy, mỗi cộng đồng sẽ biết rõ nhất họ cần phải học gì, đồng thời cũng biết sử dụng nguồn lực địa phương và có thể tự mình quản lý nguồn lực cho học tập tốt hơn chính quyền.
Quản lý theo kiểu áp đặt từ trên xuống thường không sát và không đáp ứng được các nhu cầu học tập của mỗi cộng đồng, vì thiếu thông tin chính xác về nhu cầu học tập, thiếu hiểu biết về hoàn cảnh, tập quán của mỗi cộng đồng địa phương. Quản lý phát triển TT HTCĐ dựa vào cộng đồng hình thành ở một địa phương cụ thể, giữ vai trò, chức năng và nhiệm vụ cung cấp dịch vụ giáo dục xuất phát từ nhu cầu, lợi ích chung của cộng đồng. Lợi ích ở đây bao gồm lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội do giáo dục của TT HTCĐ cung cấp nhằm mục tiêu chính là cải thiện, nâng cao tri thức và kỹ năng nghề nghiệp cho chính bản thân các thành viên trong cộng đồng.
Mặc dù TT HTCĐ là của cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng song nếu thiếu sự định hướng và hỗ trợ của Nhà nước thì các TT HTCĐ khó lòng phát triển được. Bởi vì, việc xây dựng XHHT theo kinh nghiệm của các nước đã chỉ ra rất cần sự cam kết và hỗ trợ của chính quyền. Chính quyền được đề cập ở đây, theo mô hình của nước ta là chính quyền từ cấp huyện trở lên. Như trên đã đề cập chính quyền cấp xã phải được coi là một nhân tố bên trong, nó không phải là một lực lượng đứng bên ngoài hoặc bên trên cộng đồng mà là một thành phần quan trọng của cộng đồng.
Việc quản lý TT HTCĐ cần theo phương thức quản lý dựa vào cộng đồng.
Nhưng phương thức quản lý dựa vào cộng đồng có 5 cấp độ; nên áp dụng cấp độ nào là phù hợp với thực tiễn. Rõ ràng, nếu theo cấp độ 5 - cấp độ chủ trì: Cộng đồng được Nhà nước trao quyền quản lý, Nhà nước chỉ thực hiện việc giám sát là lý tưởng nhất.
Tuy nhiên cấp độ này chỉ thực hiện được khi trình độ dân trí của cộng đồng cao, kinh tế - xã hội phát triển và nhất là năng lực quản lý của những người đầu tầu trong cộng đồng đủ sức đưa TT HTCĐ đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Bởi vậy mô hình quản lý TT HTCĐ được sử dụng trong luận án này theo phương thức quản lý dựa vào cộng đồng ở cấp độ 4 - cấp độ đối tác: Nhà nước và cộng đồng cùng quản lý.
1.4.3. Nội dung quản lý phát triển trung tâm học tập cộng đồng theo định hướng xã hội học tập
Nếu TT HTCĐ ngày càng góp phần tích cực vào việc xây dựng thành công XHHT thì đó là biểu hiện của quản lý thành công. Xuất phát từ phương thức quản lý dựa vào cộng đồng và tiếp cận quản lý sự thay đổi, trong luận án này nội dung quản lý phát triển trung tâm dựa vào cộng đồng theo định hướng xây dựng XHHT vừa tuân theo theo các chức năng cơ bản của quá trình quản lý vừa tuân theo 3 giai đoạn/ nội dung quản lý phát triển: lập kế hoạch phát triển, thực hiện kế hoạch phát triển, đánh giá và củng cố từng bước phát triển. Ngoài ra, như trên đã đề cập vai trò của Nhà nước trong việc định hướng phát triển TT HTCĐ, bởi vậy ngoài các nội dung quản lý của TT HTCĐ, cần bổ sung sự quản lý và hỗ trợ, giám sát của Nhà nước. Các nội dung quản lý của TT HTCĐ: Kế hoạch tổng thể phát triển trung tâm; mô hình tổ chức và bộ máy của trung tâm; phương thức và tổ chức các chương trình phổ biến kiến thức, tập huấn; huy động các nguồn lực cho phát triển học tập của cộng đồng; đánh giá và củng cố phát triển của TT HTCĐ được trình bày dưới đây trên cơ sở kế thừa và tổng hợp các lý thuyết: Phát triển cộng đồng [56]; Quản lý những thay đổi trong tổ chức [43];
Quản lý sự thay đổi [70]; các quan điểm của Nhà nước về phát triển TTHTCĐ và xây dựng XHHT được thể hiện trong Quyết định số 89/QĐ-TTg về “xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020” và Quyết định số 281/QĐ-TTg về “Đẩy mạnh phong trào HTSĐ trong gia đình dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” [120].
1.4.3.1. Lập kế hoạch tổng thể phát triển trung tâm
Để xây dựng được kế hoạch phát triển TT HTCĐ cần có bước đầu tiên là tiến hành dự báo sự thay đổi. Việc dự báo trước sự thay đổi sẽ giúp cho các chủ thể quản lý chủ động trước mọi tình huống, có thời gian chuẩn bị và đối phó kịp thời với mọi sự thay đổi. Đây là một chức năng rất quan trọng đối với chủ thể quản lý sự thay đổi nói chung và các nhà quản lý TT HTCĐ nói riêng. Việc dự báo các thay đổi hoàn toàn có thể thực hiện được nếu các nhà quản lý TT HTCĐ biết cách khai thác và sử dụng các dự báo và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của mỗi địa phương.
Lập kế hoạch phát triển là quá trình mà chủ thể quản lý xem xét sự thay đổi của môi trường bên trong, môi trường bên ngoài, xem xét và đánh giá các nguồn lực vốn
có, để xây dựng những kế hoạch mới phù hợp với điều kiện hiện tại, để ứng phó kịp thời với sự thay đổi nhằm đạt được những mục tiêu mà TT HTCĐ cũng như cá nhân chủ thể quản lý đã đề ra. Quá trình lập kế hoạch phát triển tuân theo các bước:
Bước 1: Phân tích bối cảnh của TT HTCĐ, xác định nhu cầu học tập và phát triển cộng đồng sẽ thay đổi và đề xuất ý tưởng thay đổi;
Bước 2: Xác định mục tiêu thay đổi;
Bước 3: Lựa chọn các công việc cần tiến hành để thực hiện sự thay đổi;
Bước 4: Lập kế hoạch;
Một số điểm trọng tâm của hoạch định sự thay đổi: Dự báo sự thay đổi/ phát triển; xác định những khoảng cách thay đổi/ phát triển; xác định nhu cầu thay đổi/ phát triển; xác định sứ mạng, chọn lựa giá trị và xác định các mục tiêu thay đổi/ phát triển;
chọn lựa những chiến lược/ hành động cần thiết để phát triển; nhận biết và đánh giá sự phức tạp; xây dựng kế hoạch, chương trình thay đổi.
Lập kế hoạch phát triển sẽ giúp TT HTCĐ thực hiện công việc tốt hơn - tập trung sức lực của các thành viên cộng đồng cùng làm việc, học tập, cùng hướng tới các mục tiêu xây dựng cộng đồng học tập, đánh giá và điều chỉnh định hướng học tập của trung tâm phù hợp với thay đổi của môi trường. Lập kế hoạch phát triển còn là một nỗ lực của cộng đồng có tổ chức để đưa ra các quyết định và các hành động cơ bản để định hướng và chỉ dẫn cho biết TT HTCĐ phải làm gì, và tại sao làm như vậy, với sự tập trung vào tương lai.
Lập kế hoạch phát triển là một công cụ hùng mạnh để thiết lập các ưu tiên và đưa ra các quyết định đúng đắn về học tập của cộng đồng trong tương lai, giúp cho việc sử dụng các nguồn lực của TT HTCĐ trong một môi trường đang thay đổi nhanh chóng.
Lập kế hoạch không phải là điều gì quá mới lạ với TT HTCĐ. Phần lớn họ đã chuẩn bị các kế hoạch hay ngân sách hoạt động, đề cập tới những gì mà họ định làm trong những năm tới. Nhưng lập kế hoạch phát triển khác với việc Lập kế hoạch thông thường trên các mặt: Tập trung vào tương lai. Nó được thiết kế để giúp TT HTCĐ hình dung ra một tương lai mong muốn và có thể thực hiện; thực hiện cách tiếp cận tiên phong trong quản lý. Nó đòi hỏi nỗ lực cao hơn nhằm đáp ứng các thay đổi, tìm kiếm các ảnh hưởng qua lại và định hướng tới môi trường để làm sao giúp cộng đồng thông
qua xây dựng cộng đồng học tập có thể đạt tới các mục tiêu phát triển KT-XH của cộng đồng; các mục đích, định hướng và giá trị mà cộng đồng đang đề cao; là định hướng hành động và tập trung vào các kết quả đạt được từ việc học tập suốt đời; tập trung sự chú ý và các nguồn lực vào các vấn đề cơ bản mà cộng đồng đang đương đầu hơn là việc cố đặt ra các vấn đề cùng một lúc; đặt trọng tâm lớn hơn vào việc hình thành, duy trì và liên kết dựa vào sự liên minh rộng rãi của các cá nhân, các tổ chức thường là qua các ranh giới quyền hạn để làm việc cho các mục tiêu chung. Các thời cơ hoặc các nguy cơ nào đang tồn tại để cộng đồng có thể khai thác hoặc để tránh. Các mặt yếu nào cần khắc phục. Bằng cách tập trung vào các điểm cơ bản trên, lập kế hoạch phát triển thường lôi cuốn hoặc đem lại các kết quả trong những thay đổi cơ bản trong văn hoá, quan niệm và định hướng XHHT của cộng đồng.
Lập kế hoạch phát triển là việc xác định, lựa chọn mục tiêu, quyết định trước xem phải làm cái gì, làm như thế nào, khi nào làm và ai làm cái đó. Quá trình lập kế hoạch phát triển là quá trình đòi hỏi các bên có liên quan phải xác định các đường hướng một cách có ý thức và đưa ra các quyết định của cộng đồng trên cơ sở mục tiêu hướng tới xây dựng xã hội học tập, sự hiểu biết và những đánh giá thận trọng về nhu cầu và nguồn lực cho học tập. Nó bao gồm sự lựa chọn các mục tiêu học tập của cộng đồng, xác định phương thức để đạt được mục tiêu. Như vậy, các kế hoạch cho ta sự tiếp cận hợp lý tới các mục tiêu chọn trước trong tiến trình hướng đến một XHHT và đòi hỏi sự đổi mới quản lý một cách mạnh mẽ.
Kế hoạch phát triển TT HTCĐ hướng đến xây dựng XHHT cần được xây dựng cho dài hoặc trung hạn (5 năm) hoặc dài hạn. Kế hoạch hàng năm cần cụ thể hóa mục tiêu trong kế hoạch dài hạn; nó bao gồm các mục tiêu, các chương trình học tập được cung cấp, các giải pháp và ngân sách.
Theo nội dung, kế hoạch hành động bao gồm các chương trình học tập được cung cấp cho cộng đồng theo thời gian xác định, trình tự các công việc phải làm và mục tiêu thực hiện đã được khẳng định rõ ràng, cụ thể hơn; trách nhiệm hay nhiệm vụ cụ thể cho mỗi lực lượng và sự phối hợp; kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, huy động và sử dụng nguồn lực tài chính. Việc có được nguồn vật lực, tài lực cần thiết là đảm bảo vững chắc cho các chương trình học tập đã vạch ra được thực hiện có kết quả và đảm bảo cho việc đạt được những mục tiêu quan trọng của TT HTCĐ ở mỗi giai đoạn phát triển của nó.
Trong quá trình lập kế hoạch phát triển TT HTCĐ, khâu khó khăn và phức tạp nhất là việc định hướng nhu cầu và nghĩa vụ học tập của người dân. Nhu cầu học tập của người dân rất đa dạng và phong phú. Không có TT HTCĐ nào có thể đáp ứng được tất cả các nhu cầu học tập của mọi thành viên. Do đó, TT HTCĐ cần phải xác định, phân loại nhu cầu học tập của người dân; tiếp đến xác định các nhu cầu phù hợp với mục tiêu phát triển KT-XH của cộng đồng/ địa phương; với điều kiện, khả năng đáp ứng của mình. Sau đó, TT HTCĐ xây dựng kế hoạch, nội dung… để thực hiện việc giới thiệu, định hướng nhu cầu học tập và nghĩa vụ học tập của người dân theo các nhu cầu đã được lựa chọn. Việc định hướng nhu cầu và nghĩa vụ học tập của người dân là một công việc không hề đơn giản, đòi hỏi những người được giao nhiệm vụ này cần có tính kiên trì, bền bỉ trong vận động, có uy tín trong nhân dân, có khả năng thuyết phục.
Định hướng nhu cầu và nghĩa vụ học tập của người dân, bao gồm các công việc sau: Khảo sát, xác định, phân loại nhu cầu học tập của người dân; dựa vào cộng đồng (sự tham gia của người dân) lựa chọn các nhu cầu phù hợp với mục tiêu xây dựng cộng đồng học tập phục vụ phát triển KT-XH của địa phương, với điều kiện của TT HTCĐ; tổ chức xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình giới thiệu, định hướng nhu cầu học tập và nghĩa vụ học tập của người dân; thẩm định đánh giá kết quả định hướng nhu cầu học tập và nghĩa vụ học tập của người dân.
Kế hoạch phát triển TT HTCĐ nếu được xây dựng kịp thời, phù hợp với thực tế cộng đồng sẽ là một động lực thúc đẩy trung tâm phát triển mạnh mẽ.
Nếu việc quản lý phát triển TT HTCĐ dựa vào tất cả các bên có liên quan, trong đó các bên có liên quan tham gia ngay vào khâu đầu tiên của quá trình quản lý - lập kế hoạch sẽ đảm bảo chắc chắn kế hoạch sát thực tế và đáp ứng được nhu cầu học tập của các thành viên. Đồng thời kế hoạch sẽ là điểm tựa vững chắc cho việc thực hiện các chức năng khác của quản lý. Việc lập được kế hoạch phát triển TT HTCĐ và kế hoạch đó có tính khả thi cao sẽ giúp: Tiến trình phát triển của TT HTCĐ đi theo đúng lộ trình đã hoạch định; TT HTCĐ phát huy tốt nhất những nội lực có sẵn, có thể huy động để phát triển; khắc phục khó khăn của TT HTCĐ theo cách hợp lý nhất; các hoạt động, chương trình phát triển được thực hiện theo thứ tự phù hợp với nhu cầu