Tình hình nghiên cứu thuật ngữ âm nhạc trên thế giới và ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Đối chiếu thuật ngữ âm nhạc việt anh (Trang 28 - 31)

Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu về thuật ngữ ở nước ngoài và ở Việt Nam

1.1.3. Tình hình nghiên cứu thuật ngữ âm nhạc trên thế giới và ở Việt Nam

1.1.3. Tình hình nghiên cứu thuật ngữ âm nhạc trên thế giới và ở Việt Nam

Âm nhạc từ xa xưa đã phát huy vai trò của nó trong đời sống xã hội, nhất là đời sống tinh thần của con người. Không những thế, âm nhạc còn đóng vai trò quan trọng trong thể chế chính trị xã hội. Ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, từ thời cổ đại đã có chức quan chuyên trách về nhạc, gọi là nhạc quan. Danh từ chuyên dụng “nhạc phủ” dùng để chỉ “nơi quản lý về âm nhạc, chủ yếu phụ trách công việc sưu tập dân ca và phổ nhạc trong diễn xướng, bắt đầu xây dựng từ đời nhà Hán” [140, tr.1416]. Nhạc đi liền với Lễ trở thành nghi thức, điển chương trong xã hội phong kiến. Sách Luận ngữ có câu: “Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành, sự bất thành tắc lễ nhạc bất hưng, lễ nhạc bất hưng tắc hình phạt bất trúng.” Có thể thấy, lễ nhạc được hưng thịnh, là cơ sở để đảm bảo kỷ cương và sự nghiêm minh trong xã hội. Trung Quốc cổ đại đã xuất hiện danh từ chuyên dụng ngũ âm gồm cung, thương, giốc, chủy, vũ. [141, tr.75] dùng để chỉ năm cấp độ trong âm giai của Trung Quốc cổ đại. Trong tiếng Việt cũng xuất hiện danh từ chuyên dụng ngũ âm, mà bản chất của nó chịu ảnh hưởng của đặc điểm của ngữ âm, nhất là thanh điệu tiếng Việt.

21

Qua khảo cứu tài liệu, chúng tôi nhận thấy, hòa chung xu thế phát triển của xã hội và cùng với sự phát triển của ngành âm nhạc, vấn đề thuật ngữ âm nhạc đã được quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu nào được thực hiện một cách quy mô, có hệ thống về hệ thuật ngữ âm nhạc trong các ngôn ngữ khác nhau, nên chưa thể có được nhận xét tổng quát về đặc điểm ngôn ngữ thể hiện ở các bình diện như cấu tạo, ngữ nghĩa và đặc điểm định danh của hệ thuật ngữ này. Hơn thế, chưa có một nhận xét tổng kết, đánh giá khái quát về hệ thuật ngữ âm nhạc được biểu hiện trong các ngôn ngữ (nghiên cứu trường hợp) như thế nào.

Hiện nay, các nghiên cứu về thuật ngữ âm nhạc đang đi theo xu hướng của thuật ngữ học ứng dụng (applied terminology). Minh chứng cho điều này là có rất nhiều cuốn từ điển thuật ngữ âm nhạc của các tác giả khác nhau đã ra đời.

Trong đó, nổi tiếng nhất là bộ từ điển thuật ngữ âm nhạc xác thực Grove Anh - Anh, một tài liệu tra cứu tin cậy đối với những nhà nghiên cứu về lĩnh vực âm nhạc” [132].

Ở Việt Nam, kể từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay, duy nhất vào ngày 17 tháng 8 năm 1964, Tiểu ban thuật ngữ âm nhạc do Bộ Văn hóa thành lập gồm các nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực âm nhạc và lĩnh vực nghệ thuật của Việt Nam. Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Hội nghị “Bàn về vấn đề dùng thuật ngữ khoa học nước ngoài” do Ủy ban Khoa học Nhà nước tổ chức vào cuối tháng 12 năm 1964, Tiểu ban thuật ngữ âm nhạc đã tiến hành đánh giá lại tình hình biên soạn và sử dụng thuật ngữ âm nhạc từ trước đến nay ở Việt Nam và đã đúc rút ra kết luận, những trường hợp thuật ngữ âm nhạc tiếng Việt vi phạm ba tiêu chuẩn của thuật ngữ là “khoa học, dân tộc và đại chúng” chủ yếu do các nguyên nhân sau:

Lạm dụng yếu tố Hán - Việt và ngữ pháp tiếng Hán trong khi đặt tên cho thuật ngữ. Những thuật ngữ loại này hầu hết do vay mượn nguyên dạng thuật ngữ Trung Quốc và được đọc theo âm Hán - Việt.

22

Đọc sai hoặc phiên âm sai do quan niệm chưa chính xác về nội dung, hoặc do thiếu truy nguyên nguồn gốc, chỉ phiên chuyển qua ngôn ngữ trung gian khi tiếp thu các thuật ngữ ngoại lai.

Vận dụng các hình thức tạo từ, hoặc phiên âm còn tùy tiện, không theo những nguyên tắc nhất định.

Trước thực trạng về công tác biên soạn và sử dụng hệ thuật ngữ âm nhạc tiếng Việt như vậy, Tiểu ban thuật ngữ âm nhạc vào thời điểm đó đã đề xuất bốn định hướng biên soạn thuật ngữ âm nhạc là (1) Kiểm tra lại thuật ngữ Hán - Việt và tìm mọi khả năng thay thế chúng bằng những từ tiếng Việt tương ứng, đặc biệt là những thuật ngữ có sẵn trong vốn thuật ngữ âm nhạc dân tộc có nghĩa tương đương; (2) Dùng ngữ pháp tiếng Việt trong mọi trường hợp có thể; (3) Đối với những trường hợp thuật ngữ chưa chính xác thì cương quyết soạn lại; (4) Vấn đề phiên âm thì tuân thủ theo nguyên tắc phiên âm của Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã công bố. Từ những biện pháp mang tính chỉ đạo chung như vậy, Tiểu ban Âm nhạc đã biên soạn được cuốn Thuật ngữ Âm nhạc Nga - Pháp - Hán Việt- Việt [109].

Theo chúng tôi, nhận xét thứ nhất của Tiểu ban thuật ngữ âm nhạc về tình hình sử dụng thuật ngữ âm nhạc thời kỳ sau cách mạng tháng tám năm 1945 là

“Lạm dụng yếu tố Hán - Việt và ngữ pháp tiếng Hán trong khi đặt tên cho thuật ngữ” dường như có phần chưa thỏa đáng vì dựa trên kết quả nghiên cứu của các công trình đã thực hiện về thuật ngữ thì số lượng thuật ngữ khoa học tiếng Việt có sử dụng yếu tố Hán - Việt cho đến nay vẫn chiếm tỉ lệ cao. Một trong những tiêu chuẩn của thuật ngữ khoa học là tính ngắn gọn, chính xác mà từ gốc Hán lại có nghĩa trừu tượng, khái quát cao và trang trọng. Vì vậy, sử dụng yếu tố Hán - Việt trong cấu tạo thuật ngữ âm nhạc tiếng Việt, theo quan điểm của chúng tôi, sẽ làm cho thuật ngữ thêm ngắn gọn, chặt chẽ góp phần biểu đạt chính xác khái niệm khoa học.

Có thể thấy rằng, nền âm nhạc thế giới nói chung, nền âm nhạc Việt Nam nói riêng vẫn đang không ngừng phát triển cùng với tốc độ phát triển chung của xã hội, kéo theo sự gia tăng không ngừng về số lượng thuật ngữ âm nhạc mới

23

trong hệ thống thuật ngữ âm nhạc tiếng Việt. Đó là kết quả của việc tạo thuật ngữ âm nhạc mới và vay mượn thuật ngữ âm nhạc nước ngoài. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, một số tập tài liệu thuật ngữ âm nhạc đối chiếu đã được biên soạn. Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu nào về hiện trạng biên soạn từ điển và sử dụng hệ thuật ngữ âm nhạc được thực hiện.

Tóm lại, khi điểm lại tình hình nghiên cứu về thuật ngữ ở nước ngoài và ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề cần lưu ý như sau:

Thứ nhất, hiện nay, thuật ngữ đã trở thành một ngành khoa học thực sự và là vấn đề thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài và ở Việt Nam.

Thứ hai, hệ thống thuật ngữ thuộc các chuyên môn khác nhau như y học, xây dựng, quân sự, báo chí, du lịch, luật sở hữu trí tuệ đã được nghiên cứu có hệ thống, quy mô và công phu. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu nào về hệ thuật ngữ âm nhạc được thực hiện.

Thứ ba, chưa có công trình nghiên cứu nào đánh giá mức độ chuẩn mực của các thuật ngữ âm nhạc tiếng Việt đang được sử dụng hiện nay.

Thứ tư, ở Việt Nam chưa có nhiều công trình nghiên cứu đối chiếu thuật ngữ trong các ngôn ngữ khác nhau.

Điều đặc biệt cần lưu ý là các công trình nghiên cứu về thuật ngữ đã được thực hiện chưa bàn luận đến khía cạnh đặc điểm văn hóa, lịch sử hàm chứa trong các hệ thuật ngữ.

Những khoảng trống nghiên cứu được chỉ ra trên đây một lần nữa khẳng định, vấn đề chúng tôi lựa chọn để nghiên cứu trong luận án này là mới, cần thiết, có ý nghĩa cả về lí luận và thực tiễn.

Một phần của tài liệu Đối chiếu thuật ngữ âm nhạc việt anh (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)