Chương 2: CÁC VẤN ĐỀ LÍ LUẬN LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
2.1. Các vấn đề lí luận về thuật ngữ
2.1.3. Phương thức đặt thuật ngữ
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những quan điểm khác nhau về các con đường hình thành thuật ngữ. Theo tác giả Hoàng Văn Hành, thuật ngữ được hình thành từ ba con đường, đó là: 1) Thuật ngữ hóa từ ngữ thông thường;
2) Cấu tạo những thuật ngữ tương ứng với thuật ngữ nước ngoài bằng phương thức sao phỏng và 3) Mượn nguyên thuật ngữ nước ngoài [Dẫn theo 100, tr.350].
Tác giả Lê Khả Kế trên cơ bản, thống nhất với quan điểm với tác giả Hoàng Văn Hành về ba con đường hình thành thuật ngữ trong tiếng Việt như đã nêu ở trên.
Tuy nhiên, vì cho rằng con đường thứ hai và thứ ba là một nên theo ông, có hai con đường cơ bản để hình thành thuật ngữ tiếng Việt, đó là: 1) Đặt thuật ngữ trên cơ sở tiếng Việt và 2) Tiếp nhận thuật ngữ nước ngoài [Dẫn theo 100, tr.350].
a) Đặt thuật ngữ trên cơ sở tiếng Việt bằng cách thuật ngữ hóa từ ngữ thông thường.
Đây là cách làm được áp dụng khá phổ biến trong việc định danh thuật ngữ mới trong nhiều ngành khoa học. Thuật ngữ hoá từ ngữ thông thường là cách làm biến đổi và phát triển nghĩa của từ đã có trong ngôn ngữ toàn dân để tạo ra một nghĩa mới (nghĩa thuật ngữ). Thực chất nghĩa thuật ngữ đó là một nghĩa phái sinh trên cơ sở một hay một vài nghĩa vị cơ bản trong cấu trúc biểu niệm của từ.
Khả năng biến dạng ý nghĩa của từ nhiều nghĩa thông thường (nghĩa biểu niệm)
37
có thể đi đến giới hạn là nghĩa thuật ngữ. Đó là trường hợp mặt biểu hiện (vỏ ngữ âm) của từ và cái biểu vật giữ nguyên không thay đổi, còn ý nghĩa thì thay đổi [Dẫn theo 100, tr.53]. Thực tế cho thấy, trong quá trình thuật ngữ hoá từ toàn dân, nghĩa của thuật ngữ đã được biến đổi theo hướng chuyên biệt hoá với chức năng biểu hiện khái niệm trong một chuyên ngành nào đó mà vẫn giữ nguyên hình thức biểu hiện, lúc này thuật ngữ đồng âm với từ toàn dân. Điều đáng lưu ý, khi từ toàn dân được chuyên biệt hoá để trở thành thuật ngữ khoa học thì “tính chất hình tượng và giá trị gợi cảm của từ sẽ mất đi” [Dẫn theo 100, tr.354]. Ví dụ, trong hệ thống từ toàn dân, xanh, đỏ, vàng là những từ được sử dụng để miêu tả mầu sắc. Sau khi được thuật ngữ hoá, chúng trở thành các thuật ngữ âm nhạc chỉ thể loại nhạc như: nhạc xanh, nhạc đỏ, nhạc vàng. Tương tự, trong tiếng Anh cũng có hiện tượng thuật ngữ hoá từ ngữ thông thường. Ví dụ, trong hệ thống từ toàn dân, từ “time” được dùng chỉ thời gian, số lần, khi là thuật ngữ âm nhạc có nghĩa là nhịp. Như vậy, thuật ngữ hoá từ ngữ thông thường là một cách làm giàu vốn từ tiếng Việt bằng cách gắn thêm nghĩa cho từ theo hướng chuyên môn hoá theo chuyên ngành cụ thể trên vỏ hình thức có sẵn. Một trong những ưu điểm của cách làm này là tạo ra những thuật ngữ khoa học dễ nhớ, dễ dùng và đảm bảo tính dân tộc.
b) Tiếp nhận thuật ngữ nước ngoài
Trên thực tế, thuật ngữ nước ngoài được tiếp nhận vào tiếng Việt bằng các hình thức khác nhau như: sao phỏng, phiên âm hoặc giữ nguyên dạng. Thuật ngữ tiếng Việt đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài, gắn liền với những chặng đường phát triển của đất nước. Đặc biệt, từ sau khi đất nước thống nhất, trước nhiệm vụ đặt ra là xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, trong đó có việc ưu tiên phát triển khoa học kỹ thuật phục vụ cho sản xuất và kiến tạo đất nước thì số lượng thuật ngữ khoa học được tiếp nhận từ nước ngoài ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc tiếp nhật thuật ngữ nước ngoài do không có sự thống nhất trong giới khoa học nên dẫn đến tình trạng cùng một khái niệm khoa học nhưng có nhiều tên gọi khác nhau (hiện tượng đồng nghĩa). Ví dụ, trong hệ thuật ngữ âm nhạc tiếng Việt có số lượng đáng kể thuật ngữ đồng nghĩa do cùng lúc sử dụng các
38
phương thức khác nhau để định danh cho một đối tượng hoặc một khái niệm. Ví dụ, để chỉ sự hài hoà âm thanh có các khái niệm: hoà âm, hài âm, hoà thanh, hoà huyền. Để giải quyết vấn đề này, năm 1964, Uỷ ban Khoa học Nhà nước đã tổ chức Hội nghị bàn về vấn đề xây dựng thuật ngữ khoa học mà trọng tâm là vấn đề sử dụng thuật ngữ khoa học nước ngoài. Việc tiếp nhận thuật ngữ nước ngoài thực chất là quá trình vay mượn trong ngôn ngữ và đây là hiện tượng xảy ra ở hầu hết các ngôn ngữ để làm giàu thêm ngôn ngữ của dân tộc mình. Theo số liệu thống kê, hiện nay trên thế giới tồn tại “khoảng trên 6800 ngôn ngữ và dường như không có ngôn ngữ nào mà trong hệ thống từ vựng của mình lại không có hiện tượng vay mượn” [55, tr.9].
Xoay quanh việc tiếp nhận thuật ngữ nước ngoài vào tiếng Việt hiện tồn tại hai luồng quan điểm khác nhau. Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng, vì thuật ngữ là một lớp từ thuộc hệ thống từ vựng tiếng Việt nên khi tiếp nhận các thuật ngữ nước ngoài vào tiếng Việt không nên để nguyên dạng mà cần Việt hoá chúng bằng hình thức sao phỏng hoặc phiên chuyển và cần thống nhất cách thức phiên chuyển. Luồng quan điểm thứ hai cho rằng, các từ vay mượn từ ngôn ngữ khác cần giữ nguyên dạng nhằm đảm bảo tính quốc tế của thuật ngữ. Chúng tôi ủng hộ việc tiếp nhận thuật ngữ nước ngoài vào tiếng Việt theo cách giữ nguyên dạng để một mặt sẽ tránh được những rắc rối trong việc xuất hiện hiện tượng thuật ngữ đồng nghĩa, dẫn đến việc hiểu không đúng hay hiểu không chính xác các khái niệm khoa học, mặt khác sẽ đảm bảo tính quốc tế của thuật ngữ nhằm giúp cho công tác trao đổi, giao lưu quốc tế trên các phương diện khác nhau có hiệu quả. Trong quá trình thu thập số liệu thuật ngữ âm nhạc trong tiếng Anh, chúng tôi nhận thấy, người Anh cũng vay mượn một số lượng thuật ngữ âm nhạc đáng kể từ các ngôn ngữ khác đặc biệt là tiếng Ý, tiếng Pháp và tiếng Đức. Điều đáng lưu ý là, người Anh đã sử dụng cách mượn nguyên dạng. Ví dụ: thuật ngữ
“aris - phách lên” được sử dụng giống nhau trong các ngôn ngữ Anh, Ý, Pháp và Đức. Điều này tránh được sự hiểu lầm khái niệm khoa học và sẽ rất thuận lợi trong giao tiếp quốc tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập để phát triển đất nước hiện nay của Việt Nam.
39