Chương 2: CÁC VẤN ĐỀ LÍ LUẬN LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
2.1. Các vấn đề lí luận về thuật ngữ
2.1.1. Khái niệm thuật ngữ
Cùng với sự phát triển không ngừng của ngành thuật ngữ học, đến nay, các nhà ngôn ngữ học trên thế giới và ở Việt Nam đã đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về thuật ngữ. Các quan niệm khác nhau về thuật ngữ xuất phát từ hai góc độ.
Ở góc độ thứ nhất, thuật ngữ gắn liền với khái niệm mà nó biểu đạt. Trong trường phái thuật ngữ Xô Viết, có nhiều tác giả đã quan niệm thuật ngữ theo xu hướng này như O.S. Akhmanova, V.P.Đanilenko, A.S. Gerd [Dẫn theo 96, tr.1- 9], A.A. Reormmatxki, R. Yu. Kobrin, V.P. Đanilencô, A.X. Gerd, Đ.X. Lôttê [Dẫn theo 44, tr.11-14]. Trong quan niệm của các nhà nghiên cứu Xô Viết, có quan niệm của V. P Đanilencô nhấn mạnh rõ nhất về mối quan hệ giữa thuật ngữ với khái niệm. Bà viết: “Thuật ngữ dù là từ (ghép hoặc đơn) hay cụm từ đều là một ký hiệu mà một khái niệm tương ứng với nó”, “Thuật ngữ gọi tên khái niệm chuyên môn. Đặc trưng của khái niệm này là ở chỗ, nó không bị mất tính hoàn chỉnh dù nội dung của khái niệm được diễn đạt bằng bất kỳ phương tiện, phương thức nào” [Dẫn theo 44, tr.13]. Cùng quan điểm với các nhà ngôn ngữ học Xô Viết về việc đặt thuật ngữ trong mối quan hệ với khái niệm, Erhart Oeser và Gerhart Budin đại diện cho các nhà ngôn ngữ học Âu Mỹ cho rằng “Thuật ngữ là một tập hợp các khái niệm, trong mỗi lĩnh vực chuyên ngành đều có các mô hình cấu trúc đại diện cho tập hợp các khái niệm. Kiến thức khoa học được sắp xếp thành các cấu trúc khái niệm, các phương tiện biểu đạt ngôn ngữ và kí hiệu tương ứng được sử dụng trong văn phong khoa học để thông tin với người khác
26
về kết quả khoa học và bình luận các ngôn bản khác” [Dẫn theo 68, tr.11]. Bên cạnh đó, Le‟rat quan niệm, thuật ngữ là ký hiệu ngôn ngữ biểu thị khái niệm sử dụng trong lĩnh vực kiến thức chuyên ngành [Dẫn theo 116]. Trong cuốn
“Thuật ngữ: Lí luận, phương pháp và ứng dụng” M. Teresa Cabre‟ đưa ra định nghĩa về thuật ngữ như sau: “Điểm khác biệt rõ nhất để phân biệt thuật ngữ với từ của ngôn ngữ chung là thuật ngữ được sử dụng để chỉ các khái niệm trong chuyên môn cụ thể” [116, tr.81]. M. Teresa Cabre‟ nhấn mạnh thêm, “Một thuật ngữ có hình thức của ngôn ngữ và nội dung của thuật ngữ biểu thị khái niệm” [116, tr.95].
Các học giả Trung Quốc những năm gần đây cũng chú trọng nghiên cứu về thuật ngữ và đưa ra khái niệm xác đáng. Tiêu biểu là tác giả Phùng Chí Vĩ (2011) trong cuốn “Dẫn luận thuật ngữ học hiện đại” đã đưa ra định nghĩa như sau: Thuật ngữ là “các ký hiệu mang tính ước lệ dùng để biểu thị hoặc hạn định khái niệm chuyên ngành thông qua hình thức ngữ âm hoặc văn tự.” [139] Có thể nói, cách định nghĩa thuật ngữ của Phùng Chí Vĩ vừa phản ánh điểm chung của thuật ngữ trong các ngôn ngữ, vừa thể hiện tính đặc thù của ngôn ngữ Hán bởi vì tác động của loại hình văn tự biểu ý có mối quan hệ hữu cơ về hình, âm và nghĩa của mỗi chữ Hán đối với việc tạo từ nói chung và tạo thuật ngữ tiếng Hán nói riêng.
Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu quan niệm thuật ngữ gắn với khái niệm có các tác giả: Nguyễn Văn Tu [102, tr.25], Đỗ Hữu Châu [11, tr.167], Lưu Vân Lăng và Như Ý [59, tr.44]. Trong số các định nghĩa về thuật ngữ gắn với khái niệm của các nhà Việt ngữ học, đáng chú ý nhất là định nghĩa của Nguyễn Văn Tu khi tác giả nhấn mạnh mối quan hệ giữa thuật ngữ với khái niệm, ông viết
“Thuật ngữ là từ hoặc nhóm từ dùng trong các ngành khoa học, kĩ thuật, chính trị, ngoại giao, nghệ thuật v.v và có một ý nghĩa đặc biệt, biểu thị chính xác các khái niệm và tên các sự vật thuộc ngành nói trên” [102, tr.176]. Năm 1968, Nguyễn Văn Tu khẳng định lại trong cuốn “Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại”
rằng, “Thuật ngữ là những từ và những từ tổ cố định để chỉ những khái niệm của một ngành khoa học nào đó, ngành sản xuất hay ngành văn hóa nào đó v.v”.
[104, tr.114].
27
Ở góc độ thứ hai, quan niệm về thuật ngữ được gắn với chức năng. Theo xu hướng này, ở nước ngoài, đáng chú ý tới quan niệm của các nhà nghiên cứu Xô Viết như G.O. Vinoocua, V.K. Nikiforov, V.V. Vinôgrađốp, L.A. Kapatnadze, X.M. Burđin, A.G. Acnexôp, N.A. Baxkacôp và V.A. Zovêginxep [Dẫn theo 44]. Trong cuốn “Về bản chất ngôn ngữ của thuật ngữ” A.L Moixeev quan niệm, “Có thể xác định chức năng ngôn ngữ của thuật ngữ như là một chức năng gọi tên, định danh. Thuật ngữ định danh sự vật, hiện tượng trong hiện thực và định danh những khái niệm về chúng” [69, tr.21]. Đồng tình với chức năng định danh của thuật ngữ viện sỹ V.V. Vinôgrađôp viết, “Mọi người đều biết là trước hết từ thực hiện chức năng định danh, nghĩa là hoặc nó là phương tiện của định nghĩa lôgic, lúc đó nó là thuật ngữ khoa học” [Dẫn theo 39, tr.10]. Tác giả Nguyễn Đức Tồn xuất phát từ cách hiểu “định nghĩa thuật ngữ chỉ cần chỉ ra những đặc trưng bản chất nhất thuộc bản thể của nó, làm nó khác biệt với các từ ngữ phi thuật ngữ” đã đưa ra định nghĩa “Thuật ngữ là từ ngữ biểu hiện khái niệm hoặc biểu thị đối tượng trong phạm vi một lĩnh vực khoa học, công nghệ hoặc lĩnh vực chuyên môn” [100, tr.342].
Như vậy, từ khi thuật ngữ học ra đời đến nay, khái niệm thuật ngữ đã được các nhà nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam định nghĩa khác nhau. Quan niệm về thuật ngữ của các nhà nghiên cứu xuất phát từ hai luồng quan điểm.
Luồng quan điểm thứ nhất định nghĩa thuật ngữ gắn với khái niệm chuyên môn.
Luồng quan điểm thứ hai định nghĩa thuật ngữ gắn với chức năng. Có thể nói, quan niệm khác nhau về thuật ngữ của các tác giả đã đưa ra cái nhìn hết sức toàn diện về thuật ngữ. Trong luận án này, thuật ngữ được hiểu là những từ, cụm từ biểu thị khái niệm, sự vật, hiện tượng thuộc các ngành khoa học và chuyên môn khác nhau.
Khái niệm thuật ngữ âm nhạc
Căn cứ vào nội dung kiến thức của ngành âm nhạc, cấu trúc hệ thống thuật ngữ âm nhạc và phạm vi đối tượng nghiên cứu của luận án, thuật ngữ âm nhạc sử dụng trong luận án này được hiểu là những từ, cụm từ biểu thị khái niệm trong lĩnh vực lý thuyết âm nhạc, thể loại, hình thức âm nhạc và các loại nhạc cụ trong tiếng Việt và tiếng Anh.