Chương 2: CÁC VẤN ĐỀ LÍ LUẬN LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
2.1. Các vấn đề lí luận về thuật ngữ
2.1.2. Tiêu chuẩn của thuật ngữ
Những tiêu chuẩn cần có của thuật ngữ là vấn đề được các nhà nghiên cứu ở nước ngoài và ở Việt Nam quan tâm và đã có những tranh luận về vấn đề này.
Trước hết, dựa theo các công trình nghiên cứu của D.S. Lotte và Ủy ban Khoa học kỹ thuật thuộc viện Hàn Lâm Khoa học Liên Xô, Corsumôp và Xumburôva đã đưa ra bốn đặc điểm cần có của thuật ngữ, đó là: (1) Không có thuật ngữ đa nghĩa trong một ngành, (2) Không có từ đồng nghĩa, (3) Phản ánh những đặc trưng cần và đủ của khái niệm và (4) Có tính hệ thống [13, tr.39-44]. Cùng quan điểm về tính chính xác, ngắn gọn của thuật ngữ Dafydd Gibbon viết “Thuật ngữ kĩ thuật phải chính xác, chỉ chứa những đặc điểm cần thiết và nên có một hình thái ngữ pháp phù hợp với khái niệm”. Tác giả nhấn mạnh thêm, “Thuật ngữ kĩ thuật không nên thay đổi vì bất cứ một lí do nào, … thuật ngữ kĩ thuật lí tưởng chỉ nên biểu hiện một khái niệm, trong trường hợp chưa rõ, phải chỉ ra sự thay đổi” [Dẫn theo 68, tr.19].
Ở Việt Nam, các nhà Việt ngữ học cũng đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về các tiêu chuẩn làm căn cứ đặt thuật ngữ. Người đầu tiên đề cập tới vấn đề này là Hoàng Xuân Hãn. Trong công trình nghiên cứu mang tên “Danh từ khoa học”, tác giả đã chỉ ra tám đặc điểm cần có của thuật ngữ như sau [37]:
(1). Mỗi ý phải có một danh từ để gọi;
(2). Danh từ ấy phải dùng riêng về ý ấy;
(3). Mỗi ý đừng có nhiều danh từ;
(4). Danh từ phải làm cho dễ nhớ đến ý;
(5). Danh từ trong các môn phải thành một toàn thể duy nhất và liên lạc;
(6). Danh từ phải gọn;
(7). Danh từ phải có âm hưởng Việt Nam;
(8). Danh từ phải đặt theo lối đặt các tiếng thường và phải có tính chất quốc gia.
Tiếp theo quan điểm của Hoàng Xuân Hãn, năm 1964, trong báo cáo chính trình bày tại Hội nghị bàn về vấn đề xây dựng thuật ngữ khoa học do Ủy ban Khoa học Nhà nước tổ chức, Lưu Vân Lăng đã đưa ra các tiêu chuẩn của thuật
29
ngữ bao gồm: (1) Tính chất khoa học; (2) Tính chất dân tộc và (3) Tính chất đại chúng. Lê Khả Kế đồng quan điểm với Lưu Vân Lăng khi ông cho rằng, thuật ngữ cần phải khoa học, mà tính khoa học ở đây là sự chính xác và có hệ thống, tính dân tộc và đại chúng được hiểu là phải đặt thuật ngữ sao cho ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ và dễ hiểu [Dẫn theo 96, tr.1-9]. Khi thảo luận về các đặc điểm của thuật ngữ, Lê Văn Thới đưa ra đặc điểm về mặt nội dung và hình thức. Theo tác giả, “Về nội dung: (1) Danh từ phải chỉ riêng một ý mà thôi, (2) Một ý không nên có nhiều danh từ, (3)Danh từ trong một bộ môn phải nằm trong một hệ thống chung (4), Danh từ phải gợi đến ý chính. Về hình thức: (5) Danh từ phải ngắn gọn, (6) Danh từ phải nằm trong hệ thống chung của ngôn ngữ” [Dẫn theo 96, tr.1-9]. Ngoài các đặc điểm nêu trên của thuật ngữ, Nguyễn Văn Tu và Nguyễn Thiện Giáp còn đưa ra tính quốc tế cần có của thuật ngữ [103], [22].
Theo quan điểm của Nguyễn Đức Tồn, đặc điểm mang tính bản thể của thuật ngữ là tính khoa học và tính quốc tế. Trong đó, tính khoa học bao gồm tính chính xác, tính hệ thống và tính ngắn gọn [100, 345].
Rõ ràng, cho đến nay, có nhiều ý kiến được đưa ra khi bàn luận về tiêu chuẩn hay đặc điểm của thuật ngữ. Tuy nhiên, ý kiến của các nhà khoa học có những nội dung trùng lặp hoặc lồng ghép trong nhau. Chẳng hạn, khi nói đến tính chính xác của thuật ngữ là đã thể hiện tính đơn nghĩa. Từ những quan điểm khác nhau của các tác giả về tiêu chuẩn của thuật ngữ, chúng tôi cho rằng, các tiêu chí nêu trên đưa ra đối với thuật ngữ đều có ý nghĩa và nếu như việc đặt thuật ngữ khoa học đảm bảo được đầy đủ các tiêu chí đó thì thật là lí tưởng. Tuy nhiên, trên thực tế, khi đặt thuật ngữ sẽ không thể đảm bảo được tất cả các đặc điểm nêu trên. Do đó, chúng tôi quan niệm rằng, trong các tiêu chuẩn để đặt thuật ngữ có những tiêu chuẩn bắt buộc (đây là điểm phân biệt thuật ngữ với từ không phải là thuật ngữ) và các tiêu chuẩn không bắt buộc. Theo chúng tôi, tính chính xác, tính hệ thống, tính ngắn gọn và tính quốc tế là những đặc điểm bắt buộc đối với thuật ngữ, còn tính dân tộc và đại chúng cũng là những đặc điểm cần lưu ý khi đặt thuật ngữ.
30
Sau đây, các tiêu chuẩn của thuật ngữ sẽ được chúng tôi phân tích cụ thể, làm cơ sở cho nghiên cứu của luận án.
a) Tính chính xác
Do thuật ngữ là từ, ngữ biểu thị khái niệm khoa học nên tính chính xác là tiêu chuẩn hàng đầu của thuật ngữ. Nếu thuật ngữ thiếu tính chính xác có nghĩa là nó không biểu đạt đúng nội dung khái niệm. Điều này sẽ dẫn đến sự hiểu lầm, hiểu sai trong giao tiếp chuyên môn. Một thuật ngữ đạt được tiêu chuẩn về tính chính xác là thuật ngữ phản ánh được đặc trưng cơ bản, nội dung bản chất của khái niệm. Tuy nhiên, không thể đòi hỏi thuật ngữ phản ánh đầy đủ mọi phương diện, khía cạnh của khái niệm.
Để thuật ngữ đạt được tính chính xác, cần tuân thủ nguyên tắc khi đặt thuật ngữ là mỗi khái niệm có một thuật ngữ và mỗi thuật ngữ chỉ có một khái niệm.
Ngoài ra, để tránh sự hiểu lầm hoặc hiểu sai nội dung khái niệm mà thuật ngữ biểu đạt cần loại bỏ hiện tượng đồng âm, đồng nghĩa khi đặt thuật ngữ. Tuy nhiên, “chúng ta không thể tuyệt đối hóa được nguyên tắc này. Có thể có trường hợp do sự phát triển của khoa học mà một thuật ngữ cũ vẫn song song tồn tại một thời gian với thuật ngữ mới, v.v.” [102, tr.346].
b) Tính hệ thống
Bàn về tính hệ thống của thuật ngữ, các tác giả nước ngoài đã đưa ra các quan điểm khác nhau. A.A. Reformaxki cho rằng “Thuật ngữ là theo một hệ thống dọc về ngữ nghĩa, tức là trong một hệ thống thuật ngữ, nó tương ứng (và tương ứng một cách bắt buộc nếu đó là thuật ngữ) với những khái niệm này hay những khái niệm kia. Theo nghĩa này, mỗi thuật ngữ đều có cái trường của nó trong phạm vi một hệ thuật ngữ nhất định và ta có thể cần phải qui định các trường ấy một cách chính xác” [79, tr.49].
Các nhà Việt ngữ học khi bàn về các tiêu chuẩn của thuật ngữ cũng đưa ra tính hệ thống cần có của thuật ngữ. Theo Lưu Vân Lăng, việc xây dựng hệ thống khái niệm (mặt nội dung/ cái được biểu đạt) cần được tiến hành trước khi đặt hệ thống kí hiệu (mặt hình thức/ cái biểu đạt). Lưu Vân Lăng còn nhấn mạnh việc đặt khái niệm cho thuật ngữ phải được đặt trong toàn bộ hệ thống khái niệm [61,
31
tr.427]. Như vậy, có thể thấy, khi đặt tên cho một khái niệm nào đó, người ta thường liên tưởng tới các khái niệm cùng chung một hệ thống. Kết quả là khi đặt thuật ngữ, mối liên tưởng trong đầu óc khiến người ta nghĩ tới các khái niệm liên quan đến nhau. Ví dụ: khi đặt tên các nhạc cụ có dây nếu như bắt đầu bằng “đàn ghi ta” người ta sẽ liên tưởng tới các nhạc cụ có dây khác như vĩ cầm, đàn tranh, đàn bầu v.v…. và xếp chúng vào nhóm nhạc cụ dây. Điều đó chứng tỏ tính hệ thống có thể làm tăng thêm khả năng sản sinh của thuật ngữ nhờ sự liên tưởng của đầu óc tới các khái niệm liên quan trong cùng một hệ thống.
c) Tính ngắn gọn
Thuật ngữ là một bộ phận trong vốn từ của ngôn ngữ và có tính chất định danh. Do có tính chất định danh nên đòi hỏi thuật ngữ cần phải ngắn gọn vì một số lí do. Trước hết, về mặt trao đổi thông tin thì thuật ngữ càng ngắn gọn, chính xác bao nhiêu càng có khả năng truyền tải thông tin nhanh chóng tới đối tượng giao tiếp bấy nhiêu, và càng tuân thủ qui luật tiết kiệm trong ngôn ngữ. Bên cạnh đó, một thuật ngữ dài dòng thường có tính chất miêu tả khái niệm hoặc định nghĩa khái niệm khoa học. Những thuật ngữ dài dòng “không những làm cho hệ thống thuật ngữ bị lỏng lẻo mà có khi còn làm lu mờ ít nhiều hoặc thậm chí phá vỡ mất tính chất của bản thân nó” [61, tr.55].
Có thể thấy rằng, tính ngắn gọn là rất cần thiết đối với thuật ngữ khoa học.
Vấn đề đặt ra là, tính ngắn gọn của thuật ngữ được hiểu như thế nào? Về vấn đề này, Belakhov L. Iu cho rằng “Tính ngắn gọn của thuật ngữ cần được hiểu là, trong thành phần cấu tạo của thuật ngữ chỉ cần chứa một số lượng đặc trưng tối thiểu cần thiết, nhưng vẫn đủ để thống nhất hóa và khu biệt hóa các khái niệm được phản ánh bằng thuật ngữ đó” [10, tr.211-214]. Quan niệm về tính ngắn gọn của thuật ngữ của Belakhov L. Iu phù hợp với nguyên tắc định danh ngôn ngữ:
chỉ lựa chọn những đặc trưng có tính khu biệt cao để phân biệt sự vật/ hiện tượng này với sự vật/ hiện tượng khác chứ không thể đưa tất cả các đặc trưng vào tên gọi của sự vật/ hiện tượng. Khi bàn về tính ngắn gọn của thuật ngữ, Reformanski quan niệm, đối với những thuật ngữ khoa học là từ ghép hay cụm từ chỉ có thể gồm hai, ba hoặc bốn thành tố [78, tr.253-271]. D.S. Lotte cho rằng “số lượng
32
tổng cộng của các thành tố thuật ngữ thành phần, thí dụ, thuật ngữ từ tổ chỉ có thể là các tổ hợp hai, ba và hãn hữu là bốn yếu tố vì sự cồng kềnh khiến cho chúng sẽ không được chấp nhận trong thực tế thuật ngữ” [Dẫn theo 73, tr.149].
Trong luận án này, chúng tôi một mặt tiếp thu quan điểm của Belakhov L. Iu và D.S Lotte về tính ngắn gọn của thuật ngữ, một mặt cho rằng, việc đi đến kết luận một thuật ngữ khoa học ngắn gọn hay không ngắn gọn không chỉ dựa vào số lượng thành tố cấu tạo của thuật ngữ mà còn dựa vào sự phù hợp của cấu trúc hình thức với các đặc trưng khái niệm. Đến đây xem như tính ngắn gọn của thuật ngữ không mâu thuẫn với tính chính xác mà còn góp phần làm tăng thêm tính chính xác cho thuật ngữ, tránh được những thuật ngữ mang tính miêu tả. Chúng tôi cũng cho rằng, trong quá trình đặt thuật ngữ cần lưu ý tới tính ngắn gọn nhưng phải đảm bảo tính ngắn gọn không làm mất đi tính chính xác của thuật ngữ. Tuy nhiên, cũng không nên hiểu tính ngắn gọn một cách máy móc mà cần vận dụng linh hoạt trong từng chuyên ngành cụ thể. Bởi vì, có những thuật ngữ bao gồm một số đặc trưng của khái niệm và phải cần đến một số thành tố để thể hiện các đặc trưng đó và trong những năm gần đây có “xu hướng hình thành các thuật ngữ có cấu tạo phức (multi-word: nhiều từ) và các thuật ngữ là tổ hợp từ (term collocation)” [73, tr.21].
d) Tính quốc tế
Thuật ngữ biểu đạt khái niệm khoa học, mà tri thức khoa học là vốn tri thức chung của nhân loại, nên thuật ngữ cần có tính quốc tế. Nhấn mạnh tính quốc tế của thuật ngữ, tác giả Nguyễn Thiện Giáp cho rằng “Thuật ngữ là bộ phận từ vựng đặc biệt biểu hiện những khái niệm khoa học chung cho những người nói các tiếng khác nhau. Vì vậy, sự thống nhất thuật ngữ giữa các ngôn ngữ là cần thiết và bổ ích. Chính điều này đã tạo nên tính quốc tế của thuật ngữ” [23, tr.274]. Tính quốc tế của thuật ngữ thể hiện cả ở mặt nội dung và hình thức. Về mặt nội dung (cái được biểu hiện), cần thống nhất giữa những người nói những tiếng khác nhau. Về mặt hình thức (cái biểu hiện), tính quốc tế được thể hiện ở mặt ngữ âm và các yếu tố cấu tạo nên thuật ngữ. Các ngôn ngữ dùng các thuật ngữ giống nhau hoặc tương tự nhau, cùng xuất phát từ một gốc chung. Đôi khi
33
tính quốc tế thể hiện trong thuật ngữ là kết quả của quá trình vay mượn tiếp thu thuật ngữ nước ngoài. Thông thường, các thuật ngữ có tính thống nhất về mặt hình thức trong phạm vi ảnh hưởng của những ngôn ngữ và vùng văn hóa lớn như khu vực Tây - Âu với tiếng La Tinh, khu vực Bắc Phi, Tiểu Á, Cận Đông với tiếng Ả rập, khu vực Ấn Độ với tiếng Sanscrit, khu vực Đông Á, Đông Bắc Á, Trung Quốc với tiếng Hán. Tuy nhiên, trên thực tế, để đạt được sự thống nhất cao về tính chất quốc tế của thuật ngữ trên phương diện hình thức là rất khó vì các ngôn ngữ khác nhau vốn đa dạng và có những nét khác biệt riêng. Tính quốc tế về mặt nội dung (cái được biểu hiện - nội dung khái niệm) tuy khó nhìn thấy nhưng lại là sự biểu hiện phổ biến và căn bản.
Ví dụ:
- nốt nhạc: tiếng Việt - note: tiếng Anh - nota f: tiếng Ý - note f: tiếng Pháp - note f: tiếng Đức
Thuật ngữ “nốt nhạc” trong ví dụ trên mang tính quốc tế xét cả về mặt nội dung và hình thức vì về mặt nội dung khái niệm được biểu hiện ở các ngôn ngữ là như nhau và về mặt hình thức thể hiện trong các ngôn ngữ Anh, Ý, Pháp, Đức có nét tương đồng. Những thuật ngữ khoa học mang tính quốc tế như vậy sẽ rất thuận lợi trong giao tiếp chuyên môn vì sẽ không gây ra tình trạng hiểu lầm hay hiểu không đúng khái niệm khoa học.
e) Tính dân tộc và tính đại chúng
Thực tế cho thấy, muốn xây dựng một nền văn hóa, khoa học, độc lập, tự chủ dứt khoát phải chú trọng tới tính dân tộc của nó. Nhận thức được điều này nên trong các kỳ đổi mới của đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao tính dân tộc, trong đó có phát triển ngôn ngữ phải đảm bảo giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Trong quá trình hội nhập với thế giới trên nhiều phương diện khác nhau, Đảng ta vẫn chủ trương chỉ đạo “hòa nhập nhưng không hòa tan” và xây dựng “nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Vậy, trở lại với
34
vấn đề tính dân tộc của thuật ngữ, chúng ta nên hiểu như thế nào? Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Một số ý kiến cho rằng, tính dân tộc là đặc điểm bắt buộc của thuật ngữ nhằm gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Một số ý kiến khác lại cho rằng, tính dân tộc mâu thuẫn với tính quốc tế bởi vì một thuật ngữ không thể vừa có tính dân tộc lại vừa có tính quốc tế. Trong trường hợp này chỉ xảy ra cá biệt, hoặc có đặc điểm này thì không có đặc điểm kia và ngược lại.
Theo ý kiến của chúng tôi, tính chất dân tộc của thuật ngữ cần được hiểu là khi đặt thuật ngữ mới trước hết nên cố gắng huy động vốn từ trong tiếng Việt thay vì vay mượn các thứ tiếng khác bằng các hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, khi tiếp nhận các thuật ngữ từ nước ngoài cần Việt hóa chúng để tạo điều kiện
“nhập tịch” cho thuật ngữ vào tiếng Việt, từ đó góp phần làm giàu thêm vốn từ tiếng Việt. Ví dụ, hiện nay, việc phiên âm hay dùng nguyên dạng thuật ngữ khoa học của nước ngoài cũng đang là một vấn đề gây tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng, nên phiên âm theo tiếng Việt, một số ý kiến khác lại cho rằng, nên giữ nguyên cả cách đọc cũng như cách viết. Quan điểm của chúng tôi là, đối với các thuật ngữ được vay mượn từ ngôn ngữ nước ngoài cần có sự thống nhất hình thức phiên âm theo một quy tắc chung. Việc vay mượn thuật ngữ nước ngoài đối với những thuật ngữ không tìm được tương đương khái niệm trong tiếng Việt nên bằng hình thức giữ nguyên dạng cả cách viết và cách đọc để vừa đảm bảo tính quốc tế cho thuật ngữ cả về mặt nội dung lẫn hình thức biểu hiện, vừa tránh được những hiểu lầm, hiểu sai trong giao tiếp chuyên môn.
Cuối cùng, chúng tôi cho rằng, khi đặt thuật ngữ, không nên hiểu tính dân tộc một cách máy móc, hẹp hòi. Thay vào đó, tính dân tộc cần được hiểu và vận dụng một cách linh hoạt vào từng trường hợp cụ thể. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định của Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn khi bàn về “phương châm dân tộc” trong việc đặt thuật ngữ khoa học, ông viết “Cha ông ta có truyền thống tốt đẹp là khi trong vốn tiếng mẹ đẻ của mình không đủ từ để cấu tạo nên một thuật ngữ mới cho thỏa đáng thì sẵn sàng vay mượn ở tiếng nước ngoài (trước kia thường là tiếng Hán) rồi qua sử dụng lâu ngày mà Việt hóa đi. Nếu cha ông