Chương 3: ĐỐI CHIẾU ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO VÀ ĐẶC ĐIỂM NGỮ NGHĨA CỦA THUẬT NGỮ ÂM NHẠC TRONG TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ANH
3.1. Đôi nét về phương thức cấu tạo từ trong tiếng Việt và tiếng Anh
3.1.1. Về phương thức cấu tạo từ trong tiếng Việt
Để nhận diện từ, về mặt hình thức, có thể căn cứ vào đặc điểm ngữ pháp và đặc điểm cấu tạo. Nói cách khác, muốn nhận diện từ cần phải xác định những yếu tố nào cấu tạo nên từ và được cấu tạo theo phương thức nào. Về vấn đề cấu tạo từ tiếng Việt, tác giả Đỗ Hữu Châu cho rằng, “Cấu tạo từ là những vận động trong lòng một ngôn ngữ (dĩ nhiên được sự thúc đẩy của xã hội) để sản sinh ra các từ cho ngôn ngữ, phục vụ những nhu cầu mới về mặt diễn đạt mà xã hội đặt ra” 11, tr.16. Khái niệm cấu tạo từ cũng đã được tác giả Nguyễn Đức Tồn làm rõ khi cho rằng, cấu tạo từ “được hiểu là một tổng thể các quy tắc và cách thức tạo ra từ mới trên cơ sở những yếu tố đã có trong một ngôn ngữ nào đó” 100, tr.117. Chính yếu tố đã có trong một ngôn ngữ nhất định mà tác giả Nguyễn Đức Tồn nêu ra là cái mà các nhà Việt ngữ học gọi là “đơn vị cấu tạo” từ trong tiếng Việt. Khi bàn về vấn đề đơn vị cấu tạo từ trong tiếng Việt, một số tác giả cho rằng, đơn vị cấu tạo từ là hình vị (nghĩa là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa). Một số tác giả khác lại cho rằng đơn vị cấu tạo từ trong tiếng Việt là tiếng. Coi đơn vị
53
cấu tạo từ tiếng Việt là tiếng, tác giả Nguyễn Thiện Giáp cho rằng: “Cái đơn vị tồn tại hiển nhiên nhất đối với mỗi người nói tiếng Việt hiện nay là tiếng hay chữ. Ví dụ: ăn, nói, đẹp, sẽ, đang, sơn, thủy, v.v … . Những đơn vị như vậy được gọi là “tiếng” vì mỗi tiếng bao giờ cũng phát ra một hơi, và có mang một thanh điệu nhất định, tức là trùng với một âm tiết; được gọi là “chữ” bởi vì từ chữ Nôm trước đây cho đến chữ Quốc ngữ hiện nay, mỗi tiếng bao giờ cũng viết rời thành một chữ” 29, tr.52. Do đó, công tác nghiên cứu cấu tạo từ trong tiếng Việt cần chỉ ra được các yếu tố (đơn vị) được sử dụng để tạo ra từ mới và các phương diện của cấu tạo từ. Từ phương diện số lượng đơn vị cấu tạo có thể giúp các nhà nghiên cứu phân biệt được từ đơn với từ ghép, hoặc từ phương diện phương thức cấu tạo có thể xác định từ được cấu tạo theo quy tắc, cách thức nào, từ đó giúp hiểu rõ cơ chế tạo ra từ mới. Trong công trình nghiên cứu này, chúng tôi tiếp thu quan điểm của tác giả Nguyễn Thiện Giáp, coi đơn vị cấu tạo từ tiếng Việt là tiếng, làm cơ sở để nhận diện thuật ngữ âm nhạc tiếng Việt xét theo đặc điểm cấu tạo.
Nếu như trong các ngôn ngữ trên thế giới từ được tạo ra bằng phương thức phổ biến là ghép và phái sinh thì trong tiếng Việt qua khảo sát tài liệu chúng tôi thấy, hầu hết các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng, từ trong tiếng Việt được cấu tạo chủ yếu dựa trên phương thức ghép và láy. Căn cứ vào quan niệm về yếu tố (đơn vị) cấu tạo và phương thức cấu tạo, từ trong tiếng Việt được phân thành từ đơn, từ ghép và từ láy.
Căn cứ vào mối quan hệ giữa các thành tố cấu thành, từ ghép được phân thành từ ghép đẳng lập (ghép song song) và từ ghép chính phụ. Trong đó, từ ghép đẳng lập là từ ghép gồm hai yếu tố có ý nghĩa từ vựng và thường cùng một tính chất, cùng loại kết hợp với nhau theo quan hệ bình đẳng, tức là không có yếu tố nào phụ thuộc vào yếu tố nào. Đặc biệt, ngữ nghĩa của từ ghép đẳng lập có tính chất tổng hợp, khái quát và trừu tượng. Ví dụ, bàn ghế, cha mẹ, xinh đẹp, đàn hát, v.v… Từ ghép chính phụ “là từ ghép gồm hai yếu tố kết hợp với nhau theo quan hệ chính phụ, một yếu tố làm nòng cốt, làm yếu tố chính và một yếu tố ghép thêm làm yếu tố phụ” 41, tr.62. Trong đó, yếu tố chính nhất thiết là yếu tố
54
có ý nghĩa từ vựng, yếu tố phụ có thể có ý nghĩa từ vựng, có thể mất hay không có ý nghĩa từ vựng và có thể không cùng loại với yếu tố chính. Điều đặc biệt cần lưu ý, trật tự giữa các yếu tố trong từ ghép chính phụ không thể thay đổi tự do mà thường cố định theo trật tự yếu tố chính đặt trước, yếu tố phụ đặt sau hay ngược lại - yếu tố phụ đặt trước, yếu tố chính đặt sau (khi các yếu tố cấu tạo từ là yếu tố Hán - Việt). Ví dụ: “hải phận, không phận” là các từ Hán - Việt, “bánh dẻo, nhà nghỉ, cháu ruột, đánh lén, xanh thẳm” là các từ thuần Việt, v.v.
Đứng trên cấp độ của từ trong tiếng Việt là tổ hợp từ. Tổ hợp từ được phân thành tổ hợp từ tự do và tổ hợp từ cố định. Tác giả Diệp Quang Ban quan niệm:
“ Tổ hợp từ tự do không có kết từ đứng trước có tên gọi là cụm từ. Vậy cụm từ là những kiến trúc gồm hai từ trở lên kết hợp tự do với nhau theo những quan hệ ngữ pháp hiển hiện nhất định và không chứa kết từ ở đầu (để chỉ chức vụ ngữ pháp của kiến trúc này)” 8, tr.6. Ví dụ, đã học xong bài, đang ăn cơm, v.v.
Cụm từ trong tiếng Việt thường được gọi tên theo từ loại của thành tố chính trong cụm. Căn cứ vào thành tố cấu tạo, cụm từ trong tiếng Việt được chia thành các kiểu nhỏ như sau:
Cụm từ có danh từ làm thành tố chính gọi là cụm danh từ. Ví dụ: mấy vị nhạc sỹ này, những bông hoa hồng kia, v.v.
Cụm từ có động từ làm thành tố chính gọi là cụm động từ. Ví dụ: đang ăn cơm, đã làm bài tập xong, v.v.
Cụm từ có tính từ làm thành tố chính gọi là cụm tính từ. Ví dụ: vẫn còn đẹp, vẫn rất trẻ, v.v.
Cụm từ có số từ làm thành tố chính gọi là cụm số từ. Ví dụ: hơn sáu mươi, ngoài năm mươi một chút, v.v.
Cụm từ có đại từ làm thành tố chính gọi là cụm đại từ. Ví dụ: ba chúng tôi, tất cả bọn họ, hầu hết chúng nó, v.v.
Mỗi loại cụm từ thông thường có thể chia thành ba bộ phận, đó là:
Phần phụ trước, đứng trước thành tố chính.
Phần trung tâm, là phần chứa thành tố chính.
Phần phụ sau, đứng sau thành tố chính.
55
Căn cứ vào ba bộ phận cấu thành cụm từ nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng một cụm từ tiếng Việt chứa đủ ba bộ phận này được xem là một cụm từ đầy đủ.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, tiếng Việt đã trải qua nhiều đợt tiếp xúc với các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Kết quả là, cho đến nay, trong hệ thống từ vựng tiếng Việt còn tồn tại yếu tố ngoại lai xét theo phương diện cấu tạo. Do tác động của điều kiện lịch sử, trong số các yếu tố ngoại lai được sử dụng để cấu tạo từ trong tiếng Việt, chủ yếu gồm các yếu tố gốc Hán, yếu tố gốc Pháp và yếu tố gốc Anh.
Đối với từ tiếng Việt có chứa yếu tố Hán có thể nhận diện từ trật tự
“nghịch” và rõ nhất là trật tự: định ngữ + danh từ theo quy tắc tiếng Hán, so với trật tự: danh từ + định ngữ theo quy tắc tiếng Việt. Tuy nhiên, hiện nay, xu hướng Việt hóa từ vựng đã dần dần chuyển quy tắc cấu tạo từ của tiếng Hán sang quy tắc cấu tạo từ của tiếng Việt. Ví dụ: nữ diễn viên có thể nói là diễn viên nữ.
Đối với yếu tố gốc Ấn - Âu (mượn từ ngôn ngữ Pháp và ngôn ngữ Anh), xét về mặt cấu tạo từ, các từ Ấn - Âu khi du nhập vào tiếng Việt đã chịu tác động của tính chất âm tiết hóa theo tiếng Việt - quá trình Việt hóa. Sự Việt hóa thể hiện ở các khía cạnh: Cắt các từ nhiều âm tiết thành những âm tiết rời, âm tiết hóa các tổ hợp phụ âm và mỗi âm tiết nhận một thanh điệu thích hợp.