Giải pháp về xây dựng quy hoạch, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước của chính quyền cấp tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước (Trang 171 - 175)

CHƯƠNG 4. PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA CHÍNH QUYỀN CẤP TỈNH VỀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC

5.2. Giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước của chính quyền cấp tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước

5.2.1. Giải pháp về xây dựng quy hoạch, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin

- Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch cần đổi mới theo hướng minh bạch, có sự kiểm tra giám sát và chú trọng các loại hình kế hoạch, bao gồm: kế hoạch trung hạn, kế hoạch hằng năm được đặt trong một tổng thể phù hợp với Chiến lược phát triển KT- XH của đất nước, của địa phương, chiến lược phát triển các ngành mũi nhọn tầm nhìn đến 2030 và mục tiêu đầu tư từng giai đoạn.

- Các kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT phải được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động. Đồng thời, phát huy hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo các cấp về ứng dụng CNTT chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra các cơ quan, đơn vị ở mỗi địa phương thực hiện các chương trình hành động và kế hoạch đã đề ra.

- Các kế hoạch đầu tư ngắn hạn và kế hoạch đầu tư hàng năm phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển ngành thông tin và kế hoạch trung hạn. Trên cơ sở phương án sắp xếp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng đề án tổng thể.

- Đối với kế hoạch trung hạn, căn cứ quy hoạch phát triển tổng thể và chiến lược ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các địa phương xây dựng danh mục dự án phù hợp với định hướng phát triển và dự kiến mức kinh phí theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý trong kỳ kế hoạch (sự phát triển của tỉnh, thành phố, khả năng cân đối nguồn vốn, tính cần thiết,...). Danh mục các dự án trong kỳ kế hoạch trung hạn cần được lấy ý kiến của Hội đồng khoa học do Sở KH&CN lập và tập trung trong kỳ kế hoạch trung hạn.

- Thực hiện bảo vệ kế hoạch với các cơ quan quản lý như Bộ TT&TT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính,... Sau khi bảo vệ xong kế hoạch, người quyết định đầu tư sẽ ấn định danh mục dự án. Thành lập hội đồng đánh giá để thông qua chủ trương đầu tư từng dự án trên cơ sở chuẩn bị của chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án, hoặc đơn vị được người quyết định đầu tư giao nhiệm vụ. Hội đồng thẩm định là những người có chuyên môn trong các lĩnh vực đầu tư của từng dự án. Các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nếu thay đổi quy mô, tổng mức đầu tư thì phải thông qua lại hội đồng để đảm bảo tính khách quan; Danh mục dự án đầu tư trong kỳ kế hoạch trung hạn cần được thông báo công khai trên trang cổng thông tin điện tử của các địa phương để đảm bảo tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát cộng đồng.

- Đối với kế hoạch hàng năm, phải xây dựng phù hợp với kế hoạch trung hạn về danh mục dự án đầu tư đặc biệt các dự án mở mới. Ưu tiên xếp hạng dự án dự kiến đầu tư trong kỳ kế hoạch hay năm kế hoạch theo thứ tự như sau: các dự án hoàn thành trong năm, các dự án chuyển tiếp; các dự án mở mới. Bố trí đủ vốn cho những dự án sắp hoàn thành. Để tránh dàn trải mở nhiều dự án, trong nguyên tắc phân bổ hàng năm cần quy định tỷ lệ vốn bố trí tối thiểu cho dự án mở mới năm đầu phù hợp với tình hình thực tế của từng năm. Hoạt động kế hoạch phải đi kèm với đánh giá đầy đủ của từng dự án thực hiện trong 6 tháng đầu năm, thuyết minh có số liệu minh họa, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của từng dự án trong năm tiếp theo.

- Trong các giải pháp thực hiện quy hoạch, kế hoạch ứng dụng CNTT, các địa phương cần nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của CNTT:

+ Chú trọng cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đến nay, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và

các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có trang/cổng thông tin điện tử đáp ứng nhu cầu tuyên truyền, quản lý, điều hành của CQHCNN; nhu cầu tìm hiểu, tra cứu, khai thác thông tin của người dân và DN. Các cơ quan tiêu biểu có số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến lớn là: Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa,... Hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến đáp ứng được ngày càng cao nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

+ Nghiên cứu xây dựng kiến trúc CPĐT, đô thị thông minh:

Nhiều bộ, ngành, địa phương tích cực xây dựng, ban hành kiến trúc và đang tổ chức triển khai thực hiện. Một số địa phương đã ban hành Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh (Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thái Nguyên) và một số địa phương khác đang xây dựng (TP. Hồ Chí Minh, Thái Bình, Đắk Lắk, Lào Cai, Yên Bái).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ứng dụng CNTT trong các CQNN vẫn còn một số hạn chế nhất định. Các ứng dụng CNTT trong CQNN chủ yếu ở quy mô nhỏ, chưa kết nối, chia sẻ thông tin trên diện rộng. Các giải pháp triển khai chưa đồng bộ; việc điều hành, xử lý công việc qua mạng còn ít; dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cung cấp cho người dân và DN còn chưa nhiều. Bên cạnh đó, mức độ quan tâm chỉ đạo triển khai còn khác nhau giữa các ngành, địa phương; nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quản trị, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin đã được đầu tư còn thiếu. Người dân sử dụng dịch vụ cũng còn hạn chế...

Những hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, phải kể đến một số nguyên nhân cơ bản, như: một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng tạo hành lang pháp lý cho triển khai CPĐT chưa được ban hành; giải pháp thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu chậm triển khai; công tác truyền thông về phát triển CPĐT chưa được chú trọng; lãnh đạo một số CQHCNN chưa thực sự quyết tâm, chỉ đạo sâu sát, ưu tiên ứng dụng CNTT nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động; vốn triển khai cho ứng dụng CNTT còn rất thấp so với nhu cầu thực tế.

+ Phát triển ứng dụng CNTT theo xu hướng tích hợp: Một hạn chế lớn của các kế hoạch ứng dụng CNTT hiện nay thường là không có định hướng hay chiến lược rõ ràng nào việc tích hợp trong tương lai. Xu hướng tích hợp của ứng dụng CNTT là một tất yếu để đảm bảo cho việc ứng dụng CNTT được hiệu quả. Để đảm bảo cho xu hướng

tích hợp này cần thực hiện 02 giải pháp sau:

Một là, cần phát triển các chương trình ứng dụng trong các CQHCNN cần được xây dựng theo xu hướng web hóa. Nếu bị hạn chế về kỹ thuật, yêu cầu tối thiểu phải có một thành phần (module) chạy trên nền tảng của công nghệ web. Các ứng dụng web được phát triển phải đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ web tiên tiến (ví dụ chuẩn web 2.0) và phải được kết hợp với một hệ quản trị Cơ sở dữ liệu (Database) nào đó (như:

MySQL, PosgreSQL, Oracle, SQL Server, DB2,...). Điều này sẽ đảm bảo cho việc phát triển các cổng thông tin tích hợp (portal) sau này. Đồng thời việc phát triển ứng dụng vẫn được diễn ra trong khi chưa có được mô hình kiến trúc phần mềm tổng thể.

Hai là, xây dựng và ban hành mô hình kiến trúc phần mềm tổng thể cho các cơ quan nhà nước. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho sự tích hợp về sau.

+ Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung ưu tiên cho nhiệm vụ cải cách hành chính, xây dựng mô hình chính quyền điện tử; phát triển dịch vụ hàng hải, khai thác cảng biển, cảng hàng không, hải quan, dịch vụ logistics;

quản lý, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển; dự báo, cảnh báo thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; quản lý, phát triển đô thị, giao thông theo yêu cầu phát triển thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại;

+ Đổi mới cơ chế quản lý, cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các doanh nghiệp viễn thông, CNTT đầu tư, phát triển trong môi trường hợp tác, cạnh tranh lành mạnh, sử dụng hạ tầng dùng chung, phát huy hiệu quả tối đa và tránh lãng phí.

+ Tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia và làm chủ thị trường trong nước, từng bước mở rộng ra khu vực và thế giới; khuyến khích người dân dùng sản phẩm sản xuất trong nước. Tạo lập môi trường thuận lợi để mỗi địa phương trở thành địa chỉ hấp dẫn và tin cậy của các đối tác đầu tư quốc tế.

+ Xây dựng cơ chế, chính sách tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số. Xây dựng các chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phần cứng tại các khu, cụm công nghiệp công nghệ cao, chuyên sâu của mỗi địa phương.

+ Ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với những đặc điểm riêng của mỗi địa phương về phát triển nhân lực CNTT, công nghiệp CNTT. Xây dựng chính sách ưu đãi

về thuế, đất, vốn đầu tư đối với các doanh nghiệp đầu tư trong khu CNTT tập trung.

+ Có chính sách đẩy mạnh nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ: Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu- phát triển của doanh nghiệp, chủ động chuyển giao và ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Chú trọng phát triển các sản phẩm có chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, khu vực và thế giới; Xã hội hóa hoạt động đầu tư cho khoa học và công nghệ; Huy động mạnh mẽ nguồn đầu tư của doanh nghiệp và các nguồn đầu tư khác; Ưu tiên đầu tư nghiên cứu khoa học cho các dự án nghiên cứu phát triển sản phẩm phần mềm, tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

+ Tăng đầu tư từ NSNN cho lĩnh vực CNTT phù hợp với khả năng tăng chi ngân sách hàng năm của mỗi địa phương. Ưu tiên nguồn vốn ngân sách để hỗ trợ thực hiện các dự án phát triển, ứng dụng CNTT; tập trung đầu tư cho một số dự án trọng điểm có tính đột phá và tạo ra tăng trưởng nhanh; quan tâm phát triển chính quyền điện tử.

+ Thúc đẩy mạnh mẽ và hiệu quả sự phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước của chính quyền cấp tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước (Trang 171 - 175)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(208 trang)