Chương 4 ĐẶC ĐIỂM, NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG VÀ VAI TRÒ CỦA ĐẶC ĐIỂM, NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG VÀ VAI TRÒ CỦA
4.3. Vai trò của giao thông đường sắt ở Nam Bộ
4.3.3. Giao thông đường sắt với văn hóa và an ninh quốc phòng
Việt Nam là một nước trong khu vực Đông Nam Á, có nền văn hóa lâu đời, hình thành bởi điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, sự giao lưu văn hóa và luôn gắn chặt với quá trình lịch sử dân tộc; những giá trị bền vững, những tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam được vun đắp qua quá trình lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Một quá trình không ngừng đấu tranh chống ngoại xâm để giành độc lập dân tộc, hun đúc nên tâm hồn, bản lĩnh, khí phách và tinh thần yêu nước, thương dân. Tạo nên phẩm chất tốt đẹp trong con người Việt Nam, đó là lòng dũng cảm, đức hy sinh, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, ý thức bảo vệ nhân phẩm và giữ gìn đạo lý.
Văn hóa Việt Nam dưới triều Nguyễn được hình thành trên cơ tầng nền văn hóa nông nghiệp lúa nước được tiếp nối suốt hàng nghìn năm. Bản sắc văn hóa này được tồn tại trong cộng đồng người Việt với quá trình cùng nhau tìm kiếm nguồn thức ăn, nước uống, nơi cư trú… Sự đoàn kết này tạo những giá trị văn hóa trong đó có những chuẩn mực đạo đức, quy tắc tư duy, hành vi ứng xử và mối quan hệ tự nhiên giữa các cá nhân trong gia đình, xã hội. Nền văn hóa này, có sự chuyển biến sâu sắc khi người Pháp có mặt đầu tiên ở Nam Bộ với sự ra đời của hệ thống giao thông đường sắt, đô thị được mở mang, hệ thống giáo dục được mở rộng, trào lưu tư tưởng mới được nảy sinh, thành tựu khoa học kỹ thuật được áp dụng. Đây là cơ sở cho sự giao lưu giữa hai nền văn hóa Á – Âu và Đông – Tây tại Nam Bộ. Sự giao thời và chuyển tiếp nền văn hóa này được bắt đầu từ 1919 – 1929, đây là giai đoạn giao thoa, đan xen giữa văn hóa truyền thống và văn hóa ngoại lai.
Trong nền văn hóa Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung có sự giao lưu, tiếp biến từ nền tảng văn minh sông Hồng đến sự dung hòa dòng chảy văn hóa “cưỡng bức và tự nguyện” của Trung Hoa, Ấn Độ, phương Tây. Những nền văn hóa cưỡng
bức, áp đặt và tự nguyện trên đã được nhân dân tiếp thu không rập khuôn mà có sự chọn lọc càng làm cho diện mạo văn hóa Việt Nam ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Đặc biệt, đối với sự phát triển hệ thống giao thông đường sắt càng làm phong phú cho nền văn hóa dân tộc, đặc biệt là Nam Bộ.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự đóng góp của giao thông đường sắt Nam Bộ đã tạo sự tiếp nhận thêm văn hóa Âu – Mỹ. Sự du nhập các trào lưu tư tưởng, xu hướng nghệ thuật của các nước trong khu vực và trên thế giới càng làm cho kho tàng văn hóa Nam Bộ ngày càng phong phú và đa dạng hơn.
Với sự ưu đãi của thiên nhiên, lợi thế về địa lý và vị trí chiến lược quan trọng, đặc biệt huyết mạch giao thương quốc tế trong khu vực và thế giới, Nam Bộ đã trở thành nơi hội tụ của nhiều luồng dân cư đến từ mọi miền đất nước. Vì vậy, cư dân nơi đây rất đa dạng với nhiều nhóm dân tộc khác nhau như: Kinh, Hoa, Chăm, Khmer, Stiêng, Mạ, Nùng, Tày, Mường… do sự di dân thời chúa Nguyễn, do các công ty mộ phu thời Pháp thuộc, do sự biến động về chính trị (Hiệp định Genève – năm 1954, chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ - năm 1963…). Cộng đồng dân cư trên đã làm cho quá trình giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ với sự dung hòa, tích hợp, tổng hợp giữa yếu tố
“nội sinh” và “ngoại sinh”, cũng như sự pha trộn đặc sắc về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, tôn giáo, làng nghề… hình thành nét văn hóa riêng cho Nam Bộ. Đóng góp cho sự đa dạng về văn hóa này phải kể đến sự vận chuyển của hệ thống giao thông đường sắt.
Hệ thống giao thông đường sắt với phương tiện vận chuyển tiện ích, an toàn và giá cả hợp lý đã giúp cho người dân ở các tỉnh thành trong và ngoài nước có sự giao lưu, học hỏi cũng như sự hòa mình vào dòng chảy năng động của cư dân Nam Bộ tạo nên nét văn hóa riêng biệt so với Bắc Bộ. Sự phát triển đô thị, gia tăng dân số cùng sự đầu tư ngày càng cao của các công ty nước ngoài trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng đồn điền cũng như sự tác động của giao thông đường sắt đã hình thành trên địa bàn Nam Bộ những nét văn hóa vật chất và tinh thần, giúp cho đời sống của người dân lao động được cải thiện và nâng cao. Họ được giao lưu, học hỏi và trao đổi về phong tục tập quán để phù hợp với nhu cầu xã hội mà theo ông Legrand: “đường sắt
(TG) là phương tiện chuyên chở nền văn minh từ nơi này đến nơi khác, hòa đồng dân tộc, trao đổi tư tưởng. Những thái độ cực đoan chống đối nhau tại các miền lần lần xóa nhòa, thông cảm nhau hơn.... Nhờ sự xê dịch thường xuyên, tiếp xúc tiện lợi, các va chạm về tập quán, ngôn ngữ, tín ngưỡng giảm bớt và lần lần mọi sinh hoạt vật chất lẫn tinh thần hòa đồng”. Trong sách Quốc dân độc bản đã viết: "… Người tứ xứ qua lại chung sống với nhau thì ngôn ngữ, phong tục cả nước dần dần thống nhất" (Võ Văn Sạch chủ biên, 1997, tr. 82).
Văn hóa vật chất tại Nam Bộ được xuất hiện với những công trình kiến trúc qui mô, đồ sộ vừa mang tính cổ điển vừa mang tính hiện đại như: cao ốc văn phòng, nhà hàng, khách sạn, biệt thự, khu dân cư cao cấp, khu đô thị mới. Sự ra đời và phát triển đô thị đã hình thành dịch vụ đô thị với hệ thống chợ, tiêu biểu như: Chợ Lớn, Bến Thành, Soái Kình Lâm… Ngoài ra, còn có những phương tiện đa dạng do sự tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến. Nam Bộ là trung tâm của khu vực phía Nam, nơi tập trung các cư dân từ mọi miền đất nước, là cửa ngõ giao lưu quốc tế và là nơi qui tụ dòng chảy văn hóa, đặc biệt văn hóa ẩm thực rất đa dạng và phong phú với những món ăn truyền thống kết hợp món ăn Âu – Mỹ. Nơi đây, có những món ăn của người Việt pha trộn với các món ăn của người Hoa, người Chăm, Khmer và một số dân tộc khác, tiêu biểu Bắc Bộ có các món ăn: Bánh chưng, bánh dày, bánh cuốn, bánh cốm, phở (bò, gà), bún riêu, bún mọc, bún thang, giò (chả lụa), xôi vò, xôi gấc, chè hoa cau, chè sen, canh cua rau đay… Trung Bộ thì có: mì quảng, bún bò, bún cá, bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc…; Nam Bộ có các món ăn: bánh ít (lá, trần), bánh tét, bánh thửng (bánh bông lan hấp), cá khô tộ, canh chua (cá lóc, cá bông lau)…Đan xen với những món ăn của người Hoa như hủ tíu - mì, hoành thánh, bánh bao, xíu mại…còn có món ăn người Chăm, người Khmer như cà ri Ấn, hủ tíu Nam Vang. Khi Pháp đặt chân lên đất Nam Bộ, ẩm thực nơi đây càng đa dạng hơn với món bò au pagolac, bò bít tết, hamburger, sanwich, đa phần những món ăn của Pháp đều có pho – mát hoặc bơ. Món ăn “fast food” được du nhập vào Nam Bộ dưới chính quyền Mỹ – Ngụy được người dân nơi đây tiếp nhận. Tuy nhiên, những món ăn trên không chế biến cầu kỳ như nguồn gốc của nó mà có sự cải tiến cho phù hợp với khẩu vị của người dân tạo nên nét
đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Nam Bộ. Ngoài ra, còn nhiều nét văn hóa khác trong sinh hoạt, trang phục, nhà ở….
Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nông nghiệp lúa nước, văn hóa nông nghiệp gắn với tự nhiên rất bền vững, cư dân mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, thuận lợi trong kinh doanh, cuộc sống ấm no cùng lối sống cởi mở, thoáng và “hướng ngoại” đã giúp cho cư dân Nam Bộ nhanh chóng hình thành và phát triển văn hóa tinh thần với sự dung nạp nhiều tôn giáo lớn trên thế giới như: Phật giáo, Nho giáo, Thiên chúa giáo, Tin Lành, Hồi giáo. Bên cạnh những tôn giáo trên thì tôn giáo địa phương cũng được tiếp nhận như: Cao Đài, Hòa Hảo. Các tôn giáo này, tuy vị giáo chủ và giáo lý khác nhau, nhưng đều đồng nhất quan niệm sống: từ bi, hỉ xả, làm lành, lánh dữ. Lối sống trọng tình trọng nghĩa của người dân Việt đã hình thành sự tín ngưỡng dân gian như: Thờ cúng Tổ tiên ông bà – tôn kính những người đã khuất, thờ bà Thiên Hậu – vị thần giúp cho những người đi biển được bình an, thờ Thành hoàng – người sáng lập làng xã (Lăng Ông), thờ Ông Bổn – vị thần cai quản đất đai. Thói quen tồn tại lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức con người hình thành phong tục tập quán, bao gồm: Lễ Tết, lễ hội, tang ma, cưới hỏi. Tiêu biểu: Gửi những thông điệp chúc mừng mỗi khi Xuân về Tết đến, đón Giao thừa, lì xì đầu năm; trước khi khởi công xây dựng phải làm lễ động thổ… Kinh tế càng phát triển, cuộc sống được nâng cao thì nhu cầu hưởng thụ văn hóa càng lớn, cư dân thành phố tích cực tham gia vào các cuộc giải trí, thú tiêu khiển sau những ngày làm việc mệt nhọc, như: xem ca nhạc, kịch, cải lương, ca trù, phim truyện…
Nét đặc trưng văn hóa trên, có sự đóng góp không nhỏ của giao thông đường sắt Nam Bộ với vai trò kết nối và dung hòa các nền văn hóa “nội sinh” và “ngoại sinh”.
Hệ thống giao thông đường sắt từ khi xuất hiện cho đến nay, với tiếng còi hụ, tiếng xình xịch của bánh xe xiết trên đường ray đã làm xao xuyến và để lại trong lòng người dân Nam Bộ một dấu ấn khó phai, một kỷ niệm khó quên.
Nhìn chung, giao thông đường sắt Nam Bộ phần nào cũng có tác động đến nền văn hóa thành phố, bên cạnh đó thì vị trí địa lý và lịch sử cũng ảnh hưởng không nhỏ đã khiến Nam Bộ luôn là một khu vực đa dạng về văn hóa. Thời kỳ thuộc địa rồi chiến
tranh Việt Nam, Nam Bộ hấp thụ thêm nền văn hóa Âu – Mỹ thông qua những hoạt động kinh tế, du lịch. Cuộc di dân, quá trình đô thị hóa và sự chuyển biến kinh tế – xã hội, đã hình thành nên nếp sống công nghiệp, năng động, cởi mở, bao dung, tiên phong, hiếu khách và “hướng ngoại”, tạo cho Nam Bộ có nền văn hóa đặc trưng so với các nơi khác.
Ngoài ra, văn hóa luôn đồng hành với kinh tế, sự phát triển văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế. Đối với nền kinh tế thị trường, sự sáng tạo trong khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất sẽ nâng cao năng suất lao động, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển. Ngược lại, với nền kinh tế phát triển thì những thành tựu khoa học kỹ thuật trên thế giới được tiếp nhận sẽ cải thiện cuộc sống người dân và nâng cao trình độ dân trí; từ đó, hình thành nét sáng tạo độc đáo, tạo nên nét văn hóa riêng biệt. Vì vậy, không thể phát triển kinh tế mà không có văn hóa và ngược lại. Do đó, hệ thống giao thông đường sắt đã đóng góp một phần trong sự phát triển kho tàng văn hóa Nam Bộ.
4.3.3.2. Giao thông đường sắt với vấn đề quản trị địa bàn
Hệ thống giao thông đường sắt được Pháp khai mở đầu tiên tại Nam Bộ là phương tiện hữu hiệu nhất để vận chuyển lương thực và quân dụng nhằm phục vụ cho binh lính của Pháp nên nó đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến tranh xâm lược trên toàn nước Việt Nam, tiến đến thôn tính Đông Dương và mở rộng ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đường sắt sẽ là nơi “ứng chiến’ cũng như ‘tiếp viện” để phòng thủ Đông Dương (Tổng cục đường sắt Việt Nam, Hồ sơ 45 – TTLTQG III, tr. 156). Ngoài ra, sự phát triển của giao thông đường sắt sẽ tạo điều kiện cho việc khai thác các tỉnh giàu có của Trung Quốc mà Blanchet Edmond đã nhận định: “Khi nào đường sắt của ta (Pháp – TG) bắt đến trung tâm Trung Hoa … Khi đó, ta sẽ tha hồ khai thác những tỉnh ở trong vùng ảnh hưởng chính trị của ta” (Edmond Blanchet, 1945, p. 45). Đồng thời, Pháp muốn gây ảnh hưởng về chính trị với các nước xung quanh như Xiêm (Thailand ngày nay), Trung Quốc mà theo nhận định của Alexandre Vérignon: “Đường sắt là một công cụ phòng thủ, nó cũng có thể trở thành một công cụ chinh phục hòa bình, mở rộng các vùng lân cận như Xiêm và Trung Quốc, tạo thành một vành đai dài vài nghìn km ở Đông
Dương, … để thiết lập quyền thống trị” (Alexandre Vérignon, 1904, p. 38). Ngoài ra, Pháp muốn thiết lập tuyến đường sắt nối liền Sài Gòn đến Bangkok (thủ đô của Thailand ngày nay) nhằm mở rộng mối quan hệ Pháp – Xiêm và vận chuyển lâm thổ sản dọc theo sông Cửu Long để ngăn chặn được sự bành trướng của Anh tại khu vực Viễn Đông: “Lợi ích của con đường sắt này… đóng được vai trò cảnh giác chính phủ Anh” (Tổng cục đường sắt Việt Nam, tr. 157, Hồ sơ 45 – TTLTQG III). Theo sự nhận định của Alexandre Vérignon: “Anh…đã độc chiếm thương mại trong nhiều năm ở Xiêm và các tỉnh của Trung Hoa giáp với Bắc Kỳ ... Sẽ rất nguy hiểm cho chúng tôi (Pháp – TG) nếu nó chiếm một vị trí đặc quyền ở những quốc gia khác nhau này.
Cách duy nhất để ngăn chặn nó là …mở các cửa hàng mới cho các thương nhân và nhà công nghiệp Pháp và Đông Dương, họ cũng sẽ cung cấp an ninh chính trị hoàn chỉnh hơn cho Đông Dương” (Alexandre Vérignon, 1904, p. 38). André le Fèvre trong tác phẩm Le chemin de fer et la civilization cũng nhận định: “Thế kỷ XIX, đường sắt (TG) đã gây ảnh hưởng lớn trong những hoạt động chính trị” (Tổng cục đường sắt Việt Nam, tr. 159, Hồ sơ 45 – TTLTQG III).
Bên cạnh những toan tính trên, Pháp thực hiện chiến lược “chia để trị” để dễ bề cai trị nhân dân Việt Nam cũng như Đông Dương. Vì vậy, giao thông đường sắt đóng vai trò quan trọng trong việc phân tán lẻ tẻ, rời rạc dân cư từ đồng bằng đến các vùng xa xôi hẻo lánh nhằm ngăn chặn sự liên kết chống phá chính quyền cai trị của Pháp và đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Đông Dương, mà Edmond Blanchet đã từng nhận định: “phải phân tán họ… họ sẽ sống rời rạc và không có điều kiện chống lại ta”
(Edmond Blanchet, 1902, tr. 29). Ngoài ra, giao thông đường sắt đóng vai trò thuận tiện và nhanh chóng giúp Pháp thu phục lòng dân bằng “sức mạnh kỹ thuật” (Lịch sử đường sắt Việt Nam, 2006, tr. 14) để bình định và quản lý chặt chẽ Nam Bộ nhằm giúp Pháp dễ dàng cai trị: “Dân tộc Việt Nam … có một nền văn minh lâu đời … Nếu ta … bảo đảm tập quán và phong tục của họ và nhất là làm cho họ thấy những cái kết quả về khoa học của ta thì họ sẽ …vui lòng chịu ở dưới sự đô hộ của ta… chỉ có giao thông đường sắt là đóng được vai trò một cách nhanh chóng, rộng rãi và thuận tiện hơn hết”
(Tổng cục đường sắt Việt Nam, tr. 156, Hồ sơ 45, TTLTQG III). Giao thông đường sắt
được duy trì đến thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý vẫn đóng vai trò thiết yếu trong việc giữ vững bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương.
Năm 1960, đường sắt đã phục vụ cho chính quyền Sài Gòn trong việc thực hiện phong trào di dân, chở hàng vạn người dân cùng nông cụ, gia súc từ một số tỉnh thành xa xôi hẻo lánh đến các khu đông dân để lập nghiệp. Khi giao thông vận chuyển nhanh chóng, an toàn, thuận lợi thì bộ máy nhà nước càng vận hành thông suốt; trong đó, chủ trương, chính sách của nhà nước được tuyên truyền, phổ biến và kiểm tra kịp thời đến các tỉnh nhỏ lẻ. Trước đây, giao thông đường bộ, đường thủy với sự vận chuyển chậm chạp và gián đoạn làm cho sự vận hành của các tỉnh thành vùng đất Nam Bộ không thống nhất, luôn diễn ra tình trạng cát cứ, “phép vua thua lệ làng” do vận chuyển phương tiện chiến tranh cùng lực lượng chiến đấu quá thiếu thốn. Do đó, hệ thống giao thông đường sắt góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội thông qua việc điều tiết, giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động nhàn rỗi. Bên cạnh đó, chính quyền Sài Gòn cho rằng nguyện vọng của nhân dân ở các tỉnh nhỏ xa xôi cũng được bộ máy chính quyền trung ương nắm bắt và giải quyết kịp thời. Ngoài ra, để phục vụ chính trị và kinh tế nên Mỹ cùng với các nước trong khu vực Đông Nam Á đã tiến hàng Hội nghị giao thông vận tải họp tại Kuala Lumpur (5/1967) về việc thiết lập hành lang liên lạc giữa các nước bằng đường sắt do Viễn Á Kinh Ủy hội (ECAFE) triệu tập.
4.3.3.3. Giao thông đường sắt với hoạt động quân sự và quốc phòng
Hệ thống giao thông đường sắt được Pháp đầu tư xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng hoàn thành âm mưu thôn tính toàn Đông Dương; vì vậy, sự ra đời của đường sắt đã góp phần quan trọng trong việc mở rộng địa bàn chiếm đóng và giữ vững bộ máy thống trị của Pháp.
Ngoài ra, giao thông đường sắt còn là bộ phận không thể thiếu được trong thời chiến đó là việc Pháp sử dụng đường sắt để phục vụ cho công cuộc bình định và quản lý khu vực đang chiếm đóng cũng như đàn áp tinh thần đấu tranh của nhân dân; cho nên, giao thông đường sắt tại Nam Bộ có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển phương tiện chiến tranh và thực hiện công tác chuyển quân. Vì ngoài những ga vận chuyển hành khách, hàng hóa, hành lý, còn có một số ga dành riêng cho quân sự như