PHẦN 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ LIÊN KẾT TRONG
2.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ LIÊN KẾT TRONG PHÁT TRIỂN RỪNG GỖ NGUYÊN LIỆUNGUYÊN LIỆU
2.1.1. Khái niệm và phân loại liên kết trong phát triển rừng gỗ nguyên liệu
a. Rừng và phát triển rừng gỗ nguyên liệu
Rừng là một hệ sinh thái bao gồm quần thể thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát, hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liền vùng từ 0,3ha trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên (Quốc hội, 2017). Rừng gồm rừng trồng và rừng tự nhiên trên đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng (Quốc hội, 2004).
Rừng gỗ nguyên liệu là rừng trồng trên đất lâm nghiệp được quy hoạch cho mục đích sản xuất, kinh doanh gỗ nguyên liệu và các loài cây lâm sản ngoài gỗ, kết hợp phòng hộ và bảo vệ môi trường (Thủ tướng Chính phủ, 2016). Rừng nguyên liệu là rừng trồng sản xuất (Thủ tướng Chính phủ, 2006).
Phát triển rừng gỗ nguyên liệu là hoạt động trồng mới rừng, trồng lại rừng sau khai thác, cải tạo rừng nghèo và áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh khác để tăng diện tích rừng, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng sản xuất, cung cấp gỗ nguyên liệu có chất lượng tốt hơn cho ngành chế biến gỗ, nâng cao hiệu quả kinh doanh rừng trồng, tiếp cận thị trường tốt, đảm bảo khả năng tiêu thụ gỗ được ổn định và bền vững (Quốc hội, 2004).
b. Liên kết trong phát triển rừng gỗ nguyên liệu
Tác giả Adam (1776) đã chỉ rõ tầm quan trọng của những liên kết để hợp tác phát triển trong một nền kinh tế. Sự hợp tác trong hoạt động kinh tế là tuyệt đối không thể thiếu nhằm kết thêm sức mạnh, nâng cao hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn cho mỗi thành viên tham gia.
7
Kaplinsky & Morris (2002) đã khái quát liên kết kinh tế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là một hình thức hợp tác của con người ở trình độ cao và được con người vận dụng từ rất lâu đời. Trình độ hợp tác trong liên kết sẽ ngày một phát triển và tương đồng với sự phát triển của kinh tế - xã hội và ngày càng đa dạng các hình thức liên kết kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế của các nước đang phát triển thực hiện hội nhập quốc tế, liên kết kinh tế là một trong những phương thức tất yếu để tăng cường nội lực cho các chủ thể kinh tế với đặc điểm chung là dù theo hình thức nào, ở mức độ nào thì các liên kết cũng đều nhằm mang lại vị thế lớn hơn, năng lực lớn hơn và lợi nhuận cao hơn cho các chủ thể tham gia liên kết.
Theo từ điển Thuật ngữ kinh tế học của Viện Nghiên cứu và Phổ biến tri thức bách khoa (2001) đã định nghĩa “liên kết kinh tế là hình thức hợp tác phối hợp hoạt động do các đơn vị kinh tế tự nguyện tiến hành nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển theo hướng có lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật của nhà nước”. Mục tiêu là tạo mối liên kết kinh tế ổn định thông qua các hoạt động kinh tế hoặc các quy chế hoạt động để tiến hành phân công sản xuất, khai thác tốt các tiềm năng của các đơn vị tham gia liên kết để tạo ra thị trường tiêu thụ chung và bảo vệ lợi ích cho nhau.
Liên kết kinh tế là việc thực hiện mối liên hệ giữa các chủ thể trong nền kinh tế, nhằm thực hiện mối quan hệ và hợp tác lao động được phân công để đạt tới lợi ích chung (Phạm Thị Minh Nguyệt, 2006). Cụ thể nội dung liên kết được xác lập giữa hai các chủ thể nhằm quy định trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi, chức năng và hoạt động mà các bên phải thực hiện để cùng nhau hợp tác (Dương Bá Phượng, 1995).
Theo Nguyễn Thị Ngọc Ánh (2009) cho rằng liên kết kinh tế là sự biểu hiện của chế độ hợp tác, nó phản ánh mối quan hệ về hợp tác và phân công lao động trong các quá trình sản xuất của các ngành, các địa phương, các đơn vị kinh tế, các thành phần kinh tế... Liên kết kinh tế là sự hợp tác, phối hợp giữa các chủ thể kinh tế trên cơ sở tự nguyện nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo hướng có lợi nhất. Liên kết kinh tế có thể diễn ra trong mọi ngành sản xuất kinh doanh, thu hút sự tham gia của tất cả các chủ thể kinh tế có nhu cầu của mọi thành phần kinh tế và không bị giới hạn bởi phạm vi địa lý.
8
Liên kết kinh tế có thể được hiểu là một cơ chế hợp tác, nó phản ánh mối quan hệ về phân công lao động trong quá trình sản xuất giữa các vùng địa lí, các ngành, các đơn vị, thành phần kinh tế…; liên kết này là sự hợp tác, phối hợp giữa các chủ thể trên cơ sở tự nguyện nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh theo hướng có lợi nhất (Phùng Giang Hải, 2015).
Từ các khái niệm trên, tác giả cho rằng: liên kết trong phát triển rừng gỗ nguyên liệu là liên kết kinh tế nhằm gia tăng sự hợp tác để kết thêm sức mạnh, nâng cao hiệu quả và lợi ích kinh tế cho mỗi tác nhân tham gia, tạo ra mối quan hệ ổn định, bù đắp các thiếu hụt của mỗi bên. Từ đó, khai thác tối đa lợi thế so sánh, tạo thêm sức mạnh cạnh tranh, hạn chế rủi ro, cân bằng lợi ích và duy trì ổn định liên kết thông qua phân công lao động, vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền và lợi ích của các bên tham gia liên kết.
2.1.1.2. Phân loại liên kết trong phát triển rừng gỗ nguyên liệu
Hiện nay có nhiều tiêu chí và cách phân loại liên kết được các tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu và phân tích. Phân loại theo tiêu chí các tác nhân tham gia liên kết, tác giả Andrew (2007) cho rằng có 05 liên kết bao gồm: (1) Liên kết giữa hộ nông dân sản xuất với người thu gom sản phẩm; (2) Liên kết giữa hộ nông dân sản xuất với người bán lẻ; (3) Liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp sản xuất chế biến sản phẩm; (4 Liên kết giữa hộ nông dân sản xuất với HTX trong tiêu thụ sản phẩm; (5) Liên kết trực tiếp giữa hộ sản xuất và người tiêu dùng sản phẩm. Căn cứ vào hình thức cấu trúc tổ chức liên kết, tác giả Charles & Anddrew (2001) cho rằng, có 05 hình thức cụ thể như sau: (1) Liên kết tập trung trực tiếp, hình thức này là các doanh nghiệp trực tiếp ký kết hợp đồng với từng hộ nông dân không qua bất kỳ trung gian nào; (2) Liên kết đa chủ thể;
(3) Hình thức hạt nhân trung tâm; (4) Liên kết qua trung gian; (5) Liên kết phi chính thức.
Hoàng Liên Sơn & cs. (2017b) đã nêu, liên kết kinh tế trong sản xuất kinh doanh nông - lâm nghiệp là nhằm tạo dựng chuỗi cung ứng các loại hàng hóa lâm sản để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy gia tăng lợi nhuận cho các tác nhân tham gia trong chuỗi. Chuỗi cung ứng được quản lý và tổ chức là một chuỗi giá trị của một ngành hàng cụ thể có các hình thức liên kết kinh tế khác nhau. Một chuỗi cung, về cơ bản, gồm 4 thành tố: (1) Dòng luân chuyển vật chất theo hành trình sản xuất; (2) Dòng tài chính hay dòng tiền tương
9
ứng với khối lượng yếu tố đầu vào và sản phẩm đầu ra; (3) Dòng thông tin trao đổi; và (4) Quản trị liên kết đồng thời theo cả chiều ngang và chiều dọc của một chuỗi giá trị ngành hàng. Vì vậy, căn cứ vào cách thức biểu hiện liên kết, hoạt động tổ chức sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp và đặc biệt liên kết trong phát triển rừng gỗ nguyên liệu luôn tồn tại 03 hình thức liên kết, bao gồm hình thức liên kết ngang, liên kết dọc và liên kết hỗn hợp; các hình thức liên kết này có thể bao hàm các loại hình liên kết khác đã nêu trên.
- Liên kết ngang: là hình thức liên kết giữa các tác nhân, gồm hộ gia đình, cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh và doanh nghiệp, có quy mô sản xuất phát triển theo chiều rộng, cùng phối hợp hoạt động hoặc thực hiện chuyên môn hóa trong một khâu của chuỗi hành trình sản phẩm. Trong liên kết ngang, các doanh nghiệp cùng ngành có thể phối hợp với nhau để cung cấp hàng hóa cho đơn hàng lớn. Mỗi thành viên tham gia có sản phẩm hoặc dịch vụ cạnh tranh nhau nhưng họ liên kết lại để tăng cường sự hợp tác, giảm các nguy cơ cạnh tranh đối đầu, phát huy lợi thế so sánh của từng thành viên, đặc biệt tăng cường khả năng cạnh tranh theo nhóm nhờ mở rộng quy mô của tổ chức hợp tác kinh tế. Kết quả của liên kết theo chiều ngang hình thành nên những tổ chức liên kết như: hợp tác xã, liên minh, hiệp hội, hội, nhóm...và cũng có thể dẫn đến độc quyền trong một thị trường nhất định. Tuy nhiên trong nền kinh tế có sự phối hợp nhịp nhành giữa nhà nước và thị trường, hình thức liên kết này rất có ý nghĩa đối với sản xuất, kinh doanh nông nghiệp để hạn chế được sự ép cấp, ép giá nông sản của các cơ sở chế biến nhờ sự làm chủ thị trường nông sản (Phạm Thị Minh Nguyệt, 2006).
Liên kết ngang trong kinh doanh rừng gỗ nguyên liệu được hình thành trong khâu tạo rừng gỗ nguyên liệu để hình thành nên quy mô diện tích rừng tập trung và đáp ứng được yêu cầu về điều kiện sản xuất gỗ nguyên liệu có sản lượng lớn và chất lượng gỗ cao hơn luôn là lựa chọn ưu tiên của các vùng sản xuất gỗ nguyên liệu. Từ đó, các liên kết này là yếu tố quan trọng để hình thành các nhóm hộ, hội và hợp tác xã trồng rừng đạt chứng chỉ Quản lý rừng bền vững. Bên cạnh đó, các liên kết còn góp phần quan trọng tạo điều kiện tiên quyết để mở rộng quy mô diện tích cho việc áp dụng các biện pháp tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa trong trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác rừng; thúc đẩy liên kết trong khâu khai thác lâm sản, chế biến hoặc thương mại các sản phẩm gỗ để phát huy tiềm năng sản xuất và mang lại hiệu quả cao hơn.
10
- Liên kết dọc: là liên kết được thực hiện dọc theo chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản xuất chế biến và thương mại sản phẩm. Trong sản xuất lâm nghiệp là từ khâu tạo rừng gỗ nguyên liệu đến chế biến gỗ và thương mại sản phẩm gỗ. Hoàng Liên Sơn & cs. (2017b) cho rằng vai trò quan trọng của liên kết dọc có trật tự là hình thành lên một chuỗi cung ứng được quản lý và tổ chức theo nội dung cơ bản của 5 thành tố: (1) Dòng luân chuyển vật chất; (2) Dòng tài chính; (3) Dòng thông tin; (4) Quản trị liên kết; và (5) Sự đồng thuận của các tác nhân tham gia trong chuỗi về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi và chia sẻ rủi ro. Trong kinh doanh lâm nghiệp, những chuỗi cung ứng này là nền tảng để tạo lập chuỗi giá trị của một ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ có hiệu quả và giá trị gia tăng cao nhờ việc giảm chi phí cho các khâu trung gian và gia tăng lợi ích cho người tiêu dùng.
Liên kết dọc trong kinh doanh rừng gỗ nguyên liệu là hình thức liên kết giữa các hộ gia đình, hợp tác xã lâm nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp lâm nghiệp, các doanh nghiệp chế biến – thương mại sản phẩm gỗ có mối quan hệ dọc theo từng khâu của chuỗi hành trình sản phẩm gỗ, từ khâu sản xuất nguyên liệu đến chế biến và thương mại của một ngành hàng sản phẩm gỗ. Liên kết dọc có trật tự là cơ sở tạo nên liên kết theo chuỗi giá trị. Người tham gia trong từng khâu của chuỗi giá trị là “tác nhân” để thực hiện các hoạt động theo chức năng của từng khâu trong chuỗi. Khi đó, các tác nhân sẽ tham gia vào một loạt các hoạt động sản xuất kinh doanh có quan hệ với nhau, từ việc cung cấp nguyên liệu đầu vào, khai thác, thu gom, chế biến và cuối cùng là bán sản phẩm gỗ cho người tiêu dùng. Nhìn chung, liên kết theo chiều dọc không có giới hạn về mặt địa lý, quy mô sản xuất và loại hình doanh nghiệp.
- Liên kết hỗn hợp: thực chất đây là hình thức liên kết có sự kết hợp của liên kết ngang và liên kết dọc, trong đó liên kết ngang là điều kiện cần và liên kết dọc là điều kiện đủ của một chuỗi cung ứng. Hình thức này xuất hiện khi mối quan hệ giữa các hộ, cơ sở và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có nhu cầu tự nguyện liên kết để hài hòa hóa giữa cạnh tranh và hợp tác sao cho tất cả các tác nhân cùng có lợi. Các tác nhân này một mặt liên kết với nhau theo chiều ngang để hình thành các nhóm, hay Hợp tác xã (HTX)... tại một khâu của dòng luân chuyển vật chất để tăng cường khả năng cạnh tranh trong từng thành viên, hạn chế tình trạng ép cấp, ép giá sản phẩm. Mặt khác, các tác nhân này tiếp tục tạo lập liên kết dọc từ người cung ứng nguyên liệu đến người chế biến, thương mại sản phẩm theo quá trình sản xuất kinh doanh (Prowse, 2012).
11
Vì vậy, trong hoạt động kinh doanh rừng gỗ nguyên liệu, liên kết thường được phân chia thành liên kết ngang, liên kết dọc và liên kết hỗn hợp. Trong đó, liên kết dọc là liên kết giữa các tác nhân theo chuỗi hành trình sản xuất của sản phẩm gỗ (từ khâu sản xuất tạo ra gỗ nguyên liệu đến khâu khai thác, chế biến và tiêu dùng sản phẩm gỗ cuối cùng); liên kết ngang là liên kết giữa các tác nhân, các đối tượng có hoạt động sản xuất tương tự nhau cùng tham gia vào một khâu trong chuỗi hành trình sản xuất sản phẩm gỗ như: liên kết giữa các hộ nông dân trồng rừng tạo thành một nhóm hộ, một tổ hợp tác trồng rừng có chung mục tiêu và cơ cấu tổ chức hoạt động cụ thể.