PHẦN 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ LIÊN KẾT TRONG
2.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN VỀ LIÊN KẾT TRONG PHÁT TRIỂN RỪNG
2.2.2. Kinh nghiệm về liên kết trong phát triển nông - lâm nghiệp ở Việt Nam
Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện cả nước có khoảng 136.097 tổ hợp tác, trong đó 3.600 là tổ, đội thủy sản đánh bắt xa bờ, 8.341 tổ thủy lợi và trên 100.000 tổ hợp tác trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp... Các tổ hợp tác phân bố tập trung ở các vùng như Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 60%, Đồng bằng sông Hồng gần 10%, miền Núi phía Bắc và các vùng còn lại khoảng 30%. Các tổ hợp tác trong sản xuất lâm nghiệp có vai trò quan trọng phát triển liên kết ngang giữa các hộ gia đình có đất lâm nghiệp để tạo
33
quy mô về sản lượng và diện tích rừng trồng tập trung. Tuy nhiên, trong tổng số 100.000 tổ hợp tác, chỉ có 30% phân bố ở vùng Núi phía Bắc và các vùng kinh tế sinh thái lâm nghiệp khác là rất nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng của gần 1,5 triệu HGĐ có đất trồng rừng (Hoàng Liên Sơn & cs., 2017b). Nhìn chung, các tổ hợp tác hoạt động đúng luật, tạo sự liên kết hợp tác sản xuất trong nông lâm nghiệp, một số hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, được bà con nông dân tín nhiệm.
Hiện cả nước có khoảng 9.725 hợp tác xã, trong đó 9.056 HTX nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi); 129 HTX lâm nghiệp; 480 HTX thủy sản và 60 HTX diêm nghiệp. Tuy nhiên, các HTX chủ yếu làm dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, chưa có nhiều các HTX chuyên ngành. Nhìn chung các tổ hợp tác và hợp tác xã đều hoạt động chưa hiệu quả và thiếu bền vững, đa số HTX hoạt động cầm chừng do thiếu vốn, thiếu tài sản và do cung cách quản lý yếu kém. Tỷ lệ các HTX xếp loại khá chỉ chiếm từ 10% - 20%, còn lại là các HTX trung bình và yếu.
Đối với hợp tác xã trong sản xuất lâm nghiệp, số lượng và quy mô của các HTX chiếm tỷ trọng rất nhỏ (dưới 5% tổng số HTX trên phạm vi toàn quốc).
Nghiên cứu của Hoàng Liên Sơn (2012) đã chỉ rõ hình thức kinh tế tập thể trong khu vực sản xuất lâm nghiệp dưới hình thức HTX có hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) nông - lâm nghiệp - dịch vụ tổng hợp. Các HTX này được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định rõ tư cách pháp nhân. Hoạt động chủ yếu của loại hình này là sản xuất, cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp, thu mua và chế biến lâm sản.
Theo Đỗ Đình Sâm (2013) đã nghiên cứu đánh giá Hợp phần thể chế dự án WB3 trong việc hình thành các nhóm hộ nông dân trồng rừng gỗ nguyên liệu và cấp Chứng chỉ rừng (CCR) theo hướng bền vững; và phát triển thể chế tạo điều kiện thúc đẩy cho chương trình trồng rừng tiểu điền cung cấp gỗ nguyên liệu đạt hiệu quả cao và bền vững. Dự án đã tập trung vào hoạt động chính là hình thành các nhóm hộ nông dân trồng rừng và hỗ trợ một số nhóm hộ tham gia CCR. Mục tiêu của nhóm nông dân trồng rừng là cải thiện lợi ích của các hộ dân ở nông thôn về mặt kinh tế, xã hội và môi trường thông qua quản lý bền vững rừng trồng và phát triển thị trường cho gỗ nguyên liệu. Kết quả nghiên cứu ghi nhận rằng, nhóm hộ nông dân trồng rừng liên kết theo nhóm, tổ hợp tác là tiền đề cho quá trình hình thành các “HTX lâm nghiệp cải tiến”. Các mô hình này được hình
34
thành khá nhiều ở các xã tham gia dự án WB3 tại các tỉnh miền Trung và một số tỉnh phía Bắc thuộc các chương trình hỗ trợ quốc tế và liên kết khác.
2.2.2.2. Hình thức phát triển liên kết theo chuỗi giá trị
Theo tác giả Huỳnh Thị Thu Sương (2012) đã tổng hợp và phân tích về sự hợp tác, liên kết theo chuỗi đạt hiệu quả của tập đoàn đoàn chuyên về gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ như tập đoàn IKEA. Nghiên cứu đã chỉ ra, Tập đoàn IKEA có khoảng 238 cửa hàng bán lẻ ở trên 34 quốc gia/lãnh thổ. IKEA đã hợp tác và liên kết với 1.500 nhà cung cấp ở trên 55 quốc gia. Trong những năm gần đây, IKEA đã thay đổi chiến lược kinh doanh của mình là chuyển từ việc bán hàng sang mua hàng và dành một nguồn lực đáng kể trong việc xây dựng mối quan hệ chiến lược và liên kết theo chuỗi với các nhà cung cấp. Ngày nay, IKEA đã chú trọng hơn vào việc xây dựng mối quan hệ và liên kết dài hạn với một số nhà cung cấp lớn. Đối với chuỗi cung ứng IKEA, để trở thành nhà cung cấp trong chuỗi thì họ phải chấp nhận giá họ bán cho IKEA thấp hơn so với khách hàng khác. Tuy nhiên, với chính sách đặt hàng với số lượng lớn và sự hỗ trợ tích cực của IKEA về kỹ thuật, thanh toán, vận chuyển là cam kết gắn bó lâu dài trong chuỗi cung ứng của IKEA sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn là bất lợi cho nhà sản xuất. Ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ Việt Nam nói chung và sản xuất nguồn cung gỗ nguyên liệu nói riêng dựa vào mô hình liên kết theo chuỗi của IKEA để học hỏi cách thức và có thể trở thành nhà cung cấp về gỗ nguyên liệu và các sản phẩm đồ gỗ cho tập đoàn toàn cầu này. Qua nghiên cứu chuỗi cung ứng IKEA, các doanh nghiệp Việt Nam muốn trở thành nhà cung cấp sản phẩm, bắt buộc các doanh nghiệp phải trang bị những chuẩn mực nhất định từ nguyên liệu đầu vào nhằm tiết kiệm chi phí, tổ chức điều kiện và môi trường sản xuất tương thích, tạo niềm tin từ đối tác thì sự hợp tác mới xảy ra.
Theo Dương Ngọc Thí (2008) dựa trên cách tiếp cận chuỗi giá trị đã tổng kết kinh nghiệm để chỉ ra cấu trúc hình thức liên kết dọc bao gồm các khía cạnh, như sau: (1) Thể chế tổ chức, thể hiện mối quan hệ giao dịch được quản trị qua thị trường hay bằng biện pháp quản trị doanh nghiệp, kèm theo đó là những ràng buộc giữa các tác nhân; (2) Cơ chế phân phối lợi ích, đây là cơ chế phân phối qua giá thị trường hay phân phối kết hợp nhiều hình thức; (3) Thể chế quản lý chất lượng sản phẩm trong các giai đoạn khác nhau; (4) Thể chế chia sẻ rủi ro về đầu tư ứng trước, rủi ro vì sự đột biến của thị trường; (5) Thể chế phối hợp các tác nhân ngoài hệ thống liên kết như tác nhân hỗ trợ về khoa học công nghệ, chính
35
quyền địa phương; và (6) Một số chính sách đối với hai tác nhân chủ yếu là doanh nghiệp chủ đạo và nông dân.
Theo tác giả Hồ Quế Hậu (2012) đã phân tích hiện trạng liên minh kinh tế giữa doanh nghiệp chế biến nông sản với nông dân ở Việt Nam trên 4 nội dung:
(1) Lĩnh vực liên kết, (2) Hình thức cấu trúc tổ chức liên kết, (3) Phương thức ràng buộc trong liên kết và (4) Quản trị liên kết. Tác giả đã căn cứ vào tiêu chí đánh giá kết quả và hiệu quả để đánh giá hiện trạng liên kết, theo đó cho thấy những thành tựu đã đạt được trong thời gian. Liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp chế biến nông sản với nông dân đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp chế biến.
Trong nghiên cứu của Lê Phạm Hoàng Oanh (2019) đã nêu, liên kết bốn nhà trong nông nghiệp là sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ của nhà nước nhằm phát triển liên kết theo chuỗi giá trị. Khi thực hiện mô hình liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp, vai trò và lợi ích của các bên tham gia được nâng lên đáng kể. Nhà nông có điều kiện tiếp cận vốn, các tiến bộ khoa học và công nghệ, được cung cấp vật tư đầu vào và được bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp, họ yên tâm và mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao trình độ thâm canh. Nhà doanh nghiệp có nơi tiêu thụ vật tư, phân bón, xăng dầu, thuốc phòng trừ dịch bệnh, có nguồn nguyên liệu ổn định, chủ động trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước. Nhà nước (chính quyền các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan) tổ chức liên kết, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ và nâng cao vai trò quản lý. Nhà khoa học (cơ quan khuyến nông, cơ quan nghiên cứu, viện/ trường) có điều kiện nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ rõ, mô hình liên kết 4 nhà tại quận Bình Thủy thuộc thành phố Cần Thơ đã góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp với 03 kết quả nổi bật sau: một là, khẳng định được vai trò quản lý, định hướng của Nhà nước đối với nông dân trong sản xuất nông nghiệp; hai là, hình thành liên kết chặt chẽ giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp; ba là, đã phối hợp với các viện, trường tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn các kế hoạch sản xuất gắn với việc đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường. Vai trò của từng “nhà”
được xếp theo thứ tự: nhà doanh nghiệp, nhà nước, nhà nông và cuối cùng là nhà khoa học, trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò rất quan trọng trong sản xuất và tiêu
36
thụ nông sản. Tuy nhiên, liên kết “4 nhà” trong nông nghiệp hiện nay ở quận Bình Thủy chưa đủ mạnh. Nguyên nhân là do doanh nghiệp trong nông nghiệp còn ít; những doanh nghiệp thực sự muốn liên kết có năng lực về tài chính, kho tàng, cơ sở chế biến có thể liên kết và thực hiện liên kết không nhiều. Nhận thức về vai trò của từng nhà trong liên kết “4 nhà” còn hạn chế.
Nghiên cứu của Tran Thi Thu Ha & cs. (2013) cho thấy, bằng cách tạo điều kiện phối hợp theo chiều ngang giữa các cụm sản xuất có thể nâng cao năng lực quản lý của cả các nhà sản xuất theo hướng thâm canh và quảng canh để đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất quốc tế. Tuy nhiên, sự thành công của các cụm cũng phụ thuộc vào loại hình và sức mạnh của sự phối hợp theo chiều dọc với các tác nhân khác trong chuỗi giá trị để cung cấp đầu vào và tiếp thị đầu ra. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra, để các cụm nông dân sản xuất quảng canh cải tiến tận dụng hơn nữa các tiêu chuẩn chất lượng theo định hướng sản xuất, Chính phủ Việt Nam cần đóng vai trò lớn hơn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất và tạo khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành cụm do khu vực tư nhân điều hành.
Các hình thức phát triển liên kết thường có hợp đồng kinh tế để làm căn cứ để đảm bảo sự công bằng, minh bạch và có tính pháp lý. Nghiên cứu của Đào Thế Anh (2005), Roberts & Nguyễn Tri Khiêm (2005), Lê Huy Du (2009) và Nguyễn Thái Văn (2009) đã xem xét các hình thức liên kết theo hợp đồng giữa các hộ nông dân sản xuất nguyên liệu với các công ty chế biến thành phẩm. Kết quả của những nghiên cứu này chỉ ra rằng nếu không có mối quan hệ hợp đồng này thì người nghèo sẽ dần bị đẩy ra bên lề của chuỗi giá trị nông nghiệp và không thể cạnh tranh do quy mô sản xuất nhỏ, năng suất tương đối thấp và không có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao.
2.2.2.3. Một số chính sách về liên kết phát triển rừng gỗ nguyên liệu
Quyết định 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 08/07/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp” với mục tiêu “Phát triển lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh; Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng; tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm 4 - 4,5%; từng bước đáp ứng nhu cầu gỗ, lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; Góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển
37
bền vững”. Để thực hiện các mục tiêu trên, một trong các định hướng như: phát triển theo vùng kinh tế - sinh thái lâm nghiệp; trong đó, đối với khu vực miền Trung có định hướng sau: (i) Vùng Bắc Trung bộ: xây dựng vùng nguyên liệu gỗ lớn thứ hai của cả nước cung cấp nguyên liệu gỗ cho công nghiệp giấy và ván nhân tạo ở các khu vực gần nhà máy, xây dựng vùng nguyên liệu gỗ lớn ở các khu vực xa hơn cho các nhà máy chế biến đồ mộc trong và ngoài vùng; (ii) Vùng Duyên hải Nam Trung bộ: xây dựng vùng nguyên liệu gỗ lớn thứ ba của cả nước chủ yếu cung cấp nguyên liệu gỗ lớn cho công nghiệp chế biến gỗ tại địa phương và vùng Đông Nam bộ. Để thực hiện mục tiêu và triển khai theo đúng định hướng, nội dung chính sách nêu lên nhiều giải pháp thực hiện cụ thể. Trong đó, giải pháp về tổ chức quản lý và sản xuất kinh doanh rừng có đề cập đến lĩnh vực kinh tế hợp tác với các giải pháp cụ thể sau: “(i) Liên kết, liên doanh giữa các thành phần kinh tế, trong nội bộ các thành phần kinh tế, đặc biệt là liên kết, liên doanh giữa các công ty lâm nghiệp với hộ gia đình để trồng rừng nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; (ii) Khuyến khích liên kết các doanh nghiệp và các tác nhân trong các khâu trồng rừng, khai thác, chế biến, dịch vụ,... để hình thành chuỗi giá trị của sản phẩm lâm nghiệp, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới; (iii) Tổ chức các hộ nông dân liên kết hợp tác trồng rừng theo kế hoạch quản lý rừng chung của tổ hợp tác/hợp tác xã dịch vụ trên cơ sở hài hòa giữa kế hoạch sản xuất của hộ gia đình và kế hoạch chung của tổ hợp tác/hợp tác xã, nhằm có được diện tích đủ lớn và ổn định để có thể cung cấp khối lượng gỗ đủ lớn hàng năm cho thị trường” (Bộ NN&PTNT, 2013).
Theo kế hoạch số 1391/KH-BNN-TCLN ngày 29/4/2014 của Bộ NN&PTNT về Kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp giai đoạn 2014-2020 đã nêu “các tổ hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp thực chất là các hộ gia đình có đất lâm nghiệp tự liên kết với nhau để trồng và bảo vệ rừng, hình thành nên các trang trại lâm nghiệp”. Đây là loại hình hợp tác kinh tế có quy mô nhỏ được hình thành và phát triển ở khu vực nông thôn. Các thành viên cùng đóng góp tiền mua cây giống, vật liệu đầu vào cho trồng rừng, khai thác và lưu thông lâm sản, nhằm tiết kiệm chi phí... Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các tổ hợp tác đều có quy mô sản xuất nhỏ, vốn ít, trình độ quản lý thấp, hoạt động theo thời vụ, địa bàn hoạt động hẹp chủ yếu trong phạm vi xã, huyện, thị trường tiêu thụ không ổn định. Hoạt động sản xuất gặp
38
nhiều khó khăn, chưa có nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước, chỉ một số nhỏ được thành lập và nhận được sự hỗ trợ của các dự án nước ngoài đầu tư. Mục tiêu của kế hoạch là góp phần thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Một số nhiệm vụ phải thực hiện như: (i) Liên kết, liên doanh giữa các thành phần kinh tế, nội bộ các thành phần kinh tế, đặc biệt là liên kết liên doanh giữa các công ty lâm nghiệp với hộ gia đình để trồng rừng nguyên liệu; (ii) Khuyến khích liên kết các doanh nghiệp và các tác nhân trong khâu trồng rừng;
(iii) Tổ chức các hộ nông dân liên kết hợp tác trồng rừng theo kế hoạch quản lý rừng chung của tổ hợp tác, hợp tác xã dịch vụ trên cơ sở hài hòa giữa kế hoạch sản xuất của hộ gia đình và kế hoạch chung của tổ hợp tác, hợp tác xã, nhằm có được diện tích đủ lớn và ổn định để có thể cung cấp lượng gỗ đủ lớn hàng năm cho thị trường (Bộ NN&PTNT, 2013).
Công văn số 1186/BNN-LN, ngày 05/5/2009 của Bộ NN&PTNT về việc hướng dẫn việc liên doanh liên kết trồng rừng nguyên liệu gắn với chế biến sản phẩm gỗ đã nêu rõ một số định hướng trong phát triển rừng gỗ nguyên liệu. Hoạt động tạo rừng được thực hiện với nhiều hình thức liên kết như: (i) Liên kết trồng rừng giữa nhà máy chế biến lâm sản với các hộ gia đình có đất lâm nghiệp, liên kết giữa hộ dân trồng rừng trên đất của nhà máy chế biến lâm sản, các hộ liên kết với nhau thành nhóm hộ trồng rừng để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến lâm sản, (ii) Liên kết trồng rừng giữa nhà máy chế biến với công ty lâm nghiệp và giữa công ty lâm nghiệp với các hộ thành viên, hộ gia đình nông dân địa phương. Mỗi hình thức liên kết đều có những hướng dẫn cụ thể khác nhau từ các hình thức đầu tư đến cung cấp gỗ nguyên liệu.