PHẦN 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ LIÊN KẾT TRONG
2.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN VỀ LIÊN KẾT TRONG PHÁT TRIỂN RỪNG
2.2.1. Kinh nghiệm về liên kết trong phát triển nông - lâm nghiệp trên thế giới
Theo nghiên cứu của tác giả Hồ Quế Hậu (2012) và Hoàng Liên Sơn & cs.
(2017b) đã nêu, chuỗi giá trị gỗ và sản phẩm gỗ vùng Bắc Carolina – Hoa Kỳ, bao gồm liên kết ngang trong từng khâu và liên kết dọc giữa các khâu từ nhà cung cấp nguyên liệu đến sản xuất/chế biến và phân phối/thương mại sản phẩm.
Đặc biệt có sự kết hợp chặt chẽ các nhà cung cấp Logistics. Các tác nhân trong từng khâu bao gồm:
- Nhà cung cấp gỗ nguyên liệu: là các doanh nghiệp chuyên khai thác rừng trồng (gỗ tròn) đưa vào nhà máy chế biến để tạo ra gỗ nguyên liệu (gỗ mảnh, miếng, thanh) cung cấp kịp thời cho các nhà sản xuất trong vùng.
- Nhà sản xuất/chế biến gỗ: có hợp đồng mua nguyên liệu dài hạn từ các nhà cung cấp, sau đó sẽ tiến hành quá trình phân loại gỗ tùy vào mục đích sản xuất. Nhà sản xuất tiến hành sản xuất theo đơn đặt hàng ổn định từ nhà phân phối. Cơ cấu sản xuất của vùng Bắc Carolina rất đa dạng từ đồ nội thất bán lẻ cho người tiêu dùng đến đồ nội thất dùng cho văn phòng, nhà bếp, trường học, hộ gia đình, đồ dùng nội thất sử dụng hoàn toàn gỗ hoặc kết hợp gỗ và da bọc, …
- Nhà phân phối/thương mại: sau khi sản xuất hoàn tất, các thành phẩm sẽ được chuyển sang các nhà phân phối chuyên nghiệp là các trung tâm phân phối, từ đây thông qua các nhà bán sỉ, nhà bán lẻ, các cửa hàng chuyên bán đồ nội thất sẽ đến tay người tiêu dùng.
Như vậy, liên kết kinh tế theo chuỗi giá trị vùng Bắc Carolina – Hoa Kỳ được hình thành theo đặc trưng cơ bản của ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Theo đó, liên kết này đã chi tiết hóa các quy trình sản xuất kinh doanh thành 5 giai đoạn: nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm, phân phối và bán hàng.
Điểm quan trọng đáng lưu ý của liên kết này là: (1) Tạo lập, xây dựng và phát triển được chuỗi cung ứng ngành nội thất hoàn chỉnh của Vùng; (2) Chú trọng quản trị liên kết theo nhóm có mức độ chuyên môn hóa cao; (3) Tổ hợp các tác nhân và các thành tố trong chuỗi cung ứng hợp tác nhịp nhàng, khoa học từ khâu sản xuất gỗ nguyên liệu đến sản xuất chế biến và cho tới khi sản phẩm phân phối đến người tiêu dùng; (4) Tạo hiệu ứng lan tỏa để kết nối với các loại dịch vụ
30
và công nghiệp phụ trợ. Do đó, liên kết theo chuỗi giá trị gỗ vùng Bắc Carolina đã tạo ra thương hiệu mạnh, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng đồ gỗ toàn cầu. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, áp dụng kinh nghiệm liên kết ở vùng Bắc Carolina còn gặp nhiều khó khăn và sự tương thích chưa cao, vì lý do mức độ phát triển của Việt Nam còn thấp, các tác nhân trong hệ thống chuỗi cung trong nước chưa phát triển mạnh, khả năng gắn kết giữa các khâu trong sản xuất chưa được coi là sự tất yếu khách quan, còn tồn tại nhiều mối liên kết có yêu cầu tuân thủ thấp nên khó hình thành liên kết như vùng Bắc Carolina. Tuy vậy, đây có thể được xem là mô hình liên kết có thể được vận dụng phát triển trong tương lai.
2.2.1.2. Liên kết trong phát triển nông – lâm nghiệp ở Trung Quốc
Theo nghiên cứu của Hồ Quế Hậu (2012) và Hoàng Liên Sơn & cs.
(2017b), Trung Quốc xây dựng và phát triển Chương trình Công nghiệp hóa Nông thôn bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ XX, trong đó hình thức liên kết thông qua hợp đồng kinh tế bao tiêu nông sản là một nội dung quan trọng nhằm tăng cường doanh thu và tính cạnh tranh của việc sản xuất nông nghiệp. Đây là một dạng liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp chế biến nông sản với nông dân. Yêu cầu tạo lập liên kết được xác định, gồm: (1) Lựa chọn ngành hàng có đủ điều kiện để thực hiện liên kết; (2) Hình thức liên kết phù hợp; và (3) Vai trò lãnh đạo của nhà nước. Cụ thể các yêu cầu như sau:
- Lựa chọn ngành hàng có đủ điều kiện để thực hiện liên kết: việc thực hiện liên kết trước hết tập trung cho một số ngành hàng nông sản có tính chuyên biệt cao và có yêu cầu cao về chất lượng.
- Nội dung và hình thức liên kết: ở Trung Quốc, có hai hình thức cấu trúc được sử dụng tại các doanh nghiệp tham gia hợp đồng bao tiêu nông sản. Mô hình tập trung, trong đó, một đơn vị sẽ ký hợp đồng trực tiếp với nhiều hộ nông dân, được xem như “công ty + các hộ nông dân”. Hình thức được sử dụng rộng rãi thứ 2 là doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng với các hộ nông dân thông qua một bên trung gian như hội đoàn nông dân, người trung gian, hoặc hội đồng làng, được xem như: “công ty + trung gian + các hộ nông dân”.
- Vai trò lãnh đạo của nhà nước: vai trò lãnh đạo của nhà nước được thể hiện thông qua kết quả tạo lập môi trường thể chế, chính sách để thúc đẩy liên kết theo nhiều thành phần; hình thức liên kết chủ yếu thông qua hợp đồng. Chính
31
phủ Trung Quốc đã lựa chọn và chỉ định các doanh nghiệp trung ương hoặc địa phương có tiềm lực kinh tế, quy mô lớn, có kỹ thuật và công nghệ ký hợp đồng trực tiếp với nông dân được gọi là “Doanh nghiệp đầu rồng”. Ủy ban phối hợp phát triển công nghiệp hóa nông nghiệp quốc gia đưa ra tiêu chuẩn và giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp này. Nhờ đó việc sản xuất theo hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp chiếm tỷ lệ khá cao. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đóng góp nhiều nỗ lực cụ thể hóa chính sách của Trung ương như: hỗ trợ tín dụng, giảm thuế để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp.
2.2.1.3. Liên kết trong phát triển nông – lâm nghiệp ở Thái Lan
Kinh nghiệm quan trọng của Thái Lan trong thực hiện liên kết kinh tế trong sản xuất nông lâm nghiệp cho thấy chỉ những ngành hàng có đủ điều kiện thì liên kết mới thành công, yêu cầu nông dân đầu tư vào sản phẩm chuyên biệt và vai trò nhà nước và tổ chức xã hội hoặc các hiệp hội nghề nghiệp là hết sức quan trọng (Hồ Quế Hậu, 2012; & Hoàng Liên Sơn & cs., 2017b).
- Lựa chọn ngành hàng để thực hiện liên kết: ở Thái Lan tập trung vào một số ngành hàng có tính chuyên biệt hoặc cần có khoa học kỹ thuật cao trong quá trình sản xuất.
- Nội dung và hình thức liên kết: ở Thái Lan hình thức trang trại hạt nhân được chú trọng thực hiện.
- Vai trò của nhà nước: Chính phủ Thái Lan có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện việc tiêu thụ nông sản thông qua hình thức hợp đồng. Bên cạnh việc trợ giúp liên kết có tính chiến lược giữa các nhà sản xuất và tiêu thụ, Chính phủ còn xây dựng những luật lệ cơ bản, tiêu chuẩn và các yêu cầu cần thiết để hợp đồng tiêu thụ nông sản được thực hiện một cách chặt chẽ.
2.2.1.4. Liên kết trong phát triển nông – lâm nghiệp ở Ấn Độ
Theo kết quả nghiên cứu của Hồ Quế Hậu (2012) và Hoàng Liên Sơn & cs.
(2017b), vai trò của các Công ty đa Quốc gia là yếu tố có ý nghĩa quyết định trong các phương thức sản xuất nông nghiệp. Trong các hình thức liên kết kinh tế, không nhấn mạnh đến yếu tố pháp luật mà là sức hấp dẫn về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm, đầu tư của các công ty đa quốc gia để hỗ trợ nông dân nghèo và chia sẻ rủi ro trong sản xuất.
32
Nghiên cứu cũng chỉ ra, yếu tố quyết định để hình thành liên kết là những mặt hàng xuất khẩu tới các thị trường của các công ty đa quốc gia. Nội dung và hình thức liên kết đều thông qua hợp đồng thu mua nông sản nguyên liệu. Nội dung hợp đồng quy định rõ tiêu chuẩn và chất lượng nguyên liệu nông sản cho sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu, diện tích khai thác và giá bán cố định. Ngoài ra, hợp đồng còn có các nội dung về cung cấp nguyên liệu đầu vào như cây giống, tín dụng, kỹ thuật và dịch vụ tư vấn, cũng như quy trình bảo vệ sâu bệnh hại, lịch trình phun thuốc trừ sâu và quản lý chất lượng, nhãn mác của thuốc trừ sâu được sử dụng. Các công ty còn cung cấp bao bì đựng nông sản miễn phí vào thời điểm thu hoạch.
Sức thu hút các nông dân tham gia các liên kết này ở Ấn Độ chủ yếu ở việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật làm gia tăng giá trị sản phẩm, do đó lợi ích kinh tế là yếu tố ràng buộc chủ yếu trong liên kết. Vấn đề pháp lý theo hợp đồng không phải là yếu tố chủ đạo.
Như vậy, kinh nghiệm tạo lập và phát triển liên kết kinh tế trong sản xuất, kinh doanh nông – lâm sản của một số nước trên thế giới được khái quát như sau:
- Đặc trưng của ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ để tạo lập liên kết;
- Tiến bộ kỹ thuật và lợi ích kinh tế;
- Vai trò của doanh nghiệp “đầu rồng” và sự tham gia của các nông hộ;
- Vai trò can thiệp tạo lập môi trường thể chế, chính sách và pháp luật của Nhà nước;
- Vai trò trách nhiệm xã hội của các hiệp hội ngành nghề sản xuất, kinh doanh nông – lâm sản.