Yếu tố ảnh hưởng đến liên kết trong phát triển rừng gỗ nguyên liệu

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nghiên cứu giải pháp thúc đẩy liên kết trong phát triển rừng gỗ nguyên liệu khu vực miền trung việt nam (Trang 41 - 46)

PHẦN 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ LIÊN KẾT TRONG

2.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ LIÊN KẾT TRONG PHÁT TRIỂN RỪNG GỖ NGUYÊN LIỆUNGUYÊN LIỆU

2.1.5. Yếu tố ảnh hưởng đến liên kết trong phát triển rừng gỗ nguyên liệu

a. Thị trường sản phẩm

Thị trường lâm sản nói chung và gỗ nguyên liệu nói riêng luôn có sự biến động không ngừng, trong đó chứa đựng nhiều yếu tố nhạy cảm và tạo ra phản ứng thị trường mạnh mẽ như giá cả hàng hóa, sự cân bằng cung cầu và tính đặc thù riêng của sản phẩm...

Sự biến động của thị trường biểu hiện thành sự biến động trong quan hệ cung cầu nông sản hàng hóa và sự biến động về giá cả. Nhìn chung, khi cung lớn hơn cầu thì nông dân cần đến liên kết nhưng ngược lại doanh nghiệp lại không mặn mà với liên kết, khi cung nhỏ hơn cầu thì sự biểu hiện sẽ theo chiều ngược lại. Thị trường không bảo đảm việc tiêu thụ hết sản lượng nông sản hàng hóa do nông dân sản xuất ra một cách nhanh chóng, kịp thời, với mức giá thỏa đáng sẽ thúc đẩy nông dân tham gia liên kết với doanh nghiệp (Hồ Quế Hậu, 2009).

Khi giá cả trường biến động lớn, rủi ro về giá cho cả doanh nghiệp và nông dân càng lớn; theo đó, liên kết kinh tế với nhau nhằm ổn định một mức giá hợp lý là giải pháp có thể làm giảm rủi ro cho cả hai bên; do đó, nhu cầu liên kết tăng.

Thế nhưng, đó chỉ là lý do khi họ ký kết hợp đồng với nhau, còn sau khi ký kết hợp đồng thì tác động của sự biến động giá cả thị trường lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Khi giá cả tăng, nông dân bỏ hợp đồng hoặc không tuân thủ đầy đủ hợp đồng. Ngược lại khi giá giảm doanh nghiệp lại chính là phía vi phạm hợp đồng bằng nhiều cách khác nhau như ép cấp, ép giá, gây phiền hà cho nông

25

dân thậm chí bỏ cả hợp đồng. Chỉ khi nào giá cả bình ổn thì khả năng thực thi hợp đồng mới khả thi. Tác động hai chiều của giá cả biểu hiện ở chỗ khi giá cả ổn định tỉ lệ nông dân ký hợp đồng thấp nhưng tỉ lệ hoàn thành hợp đồng cao và ngược lại khi giá cả thị trường biến động mạnh (Hồ Quế Hậu, 2009).

Với đặc điểm của sản xuất lâm nghiệp, trồng rừng gỗ nguyên liệu có chu kỳ kinh doanh dài nên vấn đề thị trường tiêu thụ gỗ sau khai thác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định sản xuất. Mọi hoạt động trồng rừng gỗ nguyên liệu đều với mục tiêu kinh doanh, đặc biệt với rừng trồng có tính đặc thù cao như có chứng chỉ Quản lý rừng bền vững. Xuất phát từ nhu cầu của thị trường sẽ định hướng hoạt động trồng rừng, liên kết trồng rừng, như nhu cầu gỗ nguyên liệu có chứng chỉ FSC, đảm bảo về khả năng truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp, gỗ nguyên liệu là gỗ lớn cho chế biến đồ mộc…

b. Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các dự án quốc tế

Theo tác giả Hồ Quế Hậu (2009), trong việc thực hiện liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp chế biến nông sản thông qua phương thức sản xuất theo hợp đồng hạn chế khó khăn đến từ nông dân là: (i) Qui mô nhỏ phân tán; (ii) Chủ nghĩa cơ hội cao, ý thức pháp luật kém; (iii) Khả năng thương lượng thấp. Những hạn chế đó có thể được khắc phục thông qua các quan hệ xã hội và tổ chức kinh tế-xã hội của nông dân bao gồm: quan hệ cộng đồng, làng xóm; hội nông dân và quan trọng nhất là các HTX nông - lâm nghiệp và các hình thức kinh tế hợp tác khác.

Tuy nhiên, khả năng thương lượng tương đối của các doanh nghiệp sẽ mạnh hơn khi họ độc quyền mua trong thị trường chế biến, khi có rất nhiều người sản xuất vô tổ chức. Vì vậy sức nặng của hành động tập thể về phía những nông dân có thể tạo ra khả năng doanh nghiệp không thực hiện hợp đồng với nông dân để chuyển sang phương thức tự sản xuất hoặc tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế.

Đối với liên kết phát triển rừng gỗ nguyên liệu, đặc biệt trong liên kết theo nhóm hộ nông dân trồng rừng chịu sự chi phối rất lớn từ các hình thức hỗ trợ của các tổ chức xã hội, các dự án quốc tế như hỗ trợ kỹ thuật trong canh tác, hỗ trợ kinh phí sản xuất, hoạt động khuyến lâm, kinh nghiệm xây dựng tổ chức và vận hành nhóm liên kết và nhiều hình thức hỗ trợ khác giúp cho các chủ rừng là hộ gia đình sẵn sàng tham gia và duy trì liên kết nhóm hộ nông dân trồng rừng theo quy mô lớn.

26

c. Tác động chính sách của Nhà nước

Theo Hồ Quế Hậu (2009), sự tác động và quản lý của Nhà nước tác động vào mối quan hệ liên kết giữa người sản xuất nguyên liệu với nhà chế biến rất quan trọng. Nhà nước phải xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất nông sản, cũng như xử lý nghiêm minh những vi phạm hợp đồng của các bên đối tác theo pháp luật. Khung pháp lý của các hợp đồng kinh tế nói chung và hợp đồng tiêu thụ nông sản nói riêng phải dần được nhà nước hoàn thiện, đồng thời là người xác nhận tính pháp lý của hợp đồng.

Để thúc đẩy quá trình liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan, đặc biệt có sự tham gia của thành phần là các hộ nông dân sản xuất nông – lâm nghiệp, theo các hình thức liên kết ngang mở rộng quy mô hay liên kết dọc theo chuỗi giá trị, các nhà quản lý phải hoạch định được những chính sách thích hợp, tạo sự gắn bó vì lợi ích chung của các tác nhân tham gia và cả cộng đồng như chính sách về quản lý đất lâm nghiệp, hỗ trợ vốn đầu tư, khuyến khích hỗ trợ trong liên kết... Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc quản lý và kiểm soát các quan hệ độc quyền khi hợp đồng được thiết lập để bảo đảm sự công bằng của mối quan hệ giữa doanh nghiệp với nông dân hoặc giữa các bên tham gia trong các hợp đồng liên kết; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho sản xuất, thực hiện khuyến lâm, tào tạo nâng cao nhận thức và kỹ thuật cho chủ rừng; hợp tác công tư với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các can thiệp của Nhà nước chỉ nên hạn chế ở mức đưa ra các động lực khuyến khích kinh tế, hỗ trợ thông tin và kỹ thuật cho hợp đồng liên kết kinh tế. Nếu sự can thiệp quá nhiều của Nhà nước có thể bóp méo thị trường hoặc ngăn cản một cách tình cờ đối với các hợp đồng liên kết.

d. Tác động của chính quyền địa phương

Mỗi hoạt động liên kết trong sản xuất lâm nghiệp đều được thực hiện trên phạm vi địa lý khá rộng theo đặc thù của sản xuất lâm nghiệp là quy mô diện tích rộng lớn, phân bố trên nhiều địa phương. Chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện các định hướng và chính sách của Nhà nước. Chính quyền địa phương năng động trong thúc đẩy phát triển rừng trồng, quan tâm đến hoạt động liên kết phát triển trồng rừng sẽ thúc đẩy được sự phát triển sản xuất lâm nghiệp, tạo động lực và môi trường liên kết kinh tế, thu hút đầu tư của các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế trong phát triển trồng rừng cung cấp gỗ nguyên liệu.

27

2.1.5.2. Yếu tố bên trong a. Đặc điểm sản phẩm

Sản phẩm có đặc điểm và tính chuyên biệt cao sẽ có thị trường giao dịch hẹp và có nhu cầu đầu tư chuyên biệt; theo đó người sản xuất nguyên liệu sẽ bị cột chặt vào cơ sở chế biến và ngược lại, nhờ đó dễ hình thành mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp chế biến với người sản xuất nguyên liệu hơn là những sản phẩm phổ thông (Hồ Quế Hậu, 2009).

Trong sản xuất lâm nghiệp, gỗ nguyên liệu cũng có những đặc điểm riêng ví dụ như gỗ có chứng chỉ Quản lý rừng bền vững, đối với những diện tích rừng được trồng theo chứng chỉ này phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt theo 10 nguyên tắc, trong đó có 54 tiêu chí do các tổ chức quốc tế về cấp chứng chỉ FSC quy định. Đối với các doanh nghiệp chế biến lâm sản sử dụng gỗ nguyên liệu có chứng chỉ cho sản xuất các đơn hàng thường phải tuân thủ quy định về quản lý chuỗi hành trình sản phẩm (FSC/CoC), quản lý và đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc gỗ rừng trồng; ngoài ra, các doanh nghiệp này phải đảm bảo nguồn cung đầu vào ổn định cho sản xuất bởi mặt hàng gỗ nguyên liệu đầu vào như vậy thường khan hiếm trên thị trường, nên việc liên kết với chủ rừng sẽ giúp doanh nghiệp chế biến yên tâm hơn trong sản xuất. Đối với chủ rừng sản xuất kinh doanh rừng trồng có chứng chỉ Quản lý rừng bền vững phải đảm bảo diện tích đất sản xuất tập trung đủ lớn, do vậy đối với hộ nông dân cần phải liên kết với nhau thành nhóm hộ nông dân trồng rừng, tích tụ đất rừng sản xuất để trồng rừng theo nhóm quy mô lớn.

b. Đặc điểm chủ thể tham gia liên kết

Sự hình thành và duy trì hoạt động liên kết trong phát triển rừng gỗ nguyên liệu chịu tác động và ảnh hưởng từ đặc điểm của các bên tham gia; mỗi hình thức liên kết sẽ có đặc điểm riêng cho mỗi bên tham gia. Đối với các hộ nông dân, có địa bàn sinh sống chủ yếu là khu vực nông thôn, đồi núi, cuộc sống phụ thuộc nhiều vào hoạt động canh tác, do thiếu đất trồng rừng, có lao động và có mong muốn tìm thêm nguồn thu nhập; trong khi đó, các doanh nghiệp lâm nghiệp, doanh nghiệp chế biến lâm sản có nhiều diện tích đất trồng rừng, thiếu lao động cho hoạt đông trồng rừng và diện tích rừng ở nơi vùng sâu vùng khó quản lý; ngoài ra, các doanh nghiệp lâm nghiệp và doanh nghiệp chế biến lâm sản dựa vào uy tín trong sản xuất kinh doanh để tạo mối liên kết lâu dài với các bên tham gia

28

liên kết, trong đó có các hộ nông dân tại địa phương. Từ các nhu cầu thực tiễn của hai phía đã hình thành nên liên kết trong tạo rừng.

c. Cơ chế liên kết

Trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp tồn tại nhiều mô hình liên kết như liên kết nhóm hộ nông dân trồng rừng; liên kết giữa hộ nông dân trồng rừng với doanh nghiệp lâm nghiệp, với doanh nghiệp chế biến lâm sản… Mỗi mô hình liên kết đều được thực hiện thông qua các quy tắc ràng buộc hoặc các cơ chế vận hành liên kết cụ thể. Sự sẵn sàng tham gia và duy trì liên kết của các tác nhân được nâng cao khi mô hình đó được vận hành thông qua các quy định chặt chẽ, linh hoạt và minh bạch; các thành viên tham gia liên kết đều có vai trò quan trọng và bình đẳng trong xây dựng quy chế hoạt động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên phải thực hiện.

d. Hiệu quả kinh tế rừng trồng liên kết

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh rừng trồng nói chung và trong liên kết phát triển rừng gỗ nguyên liệu nói riêng đều lấy hiệu quả kinh tế làm yếu tố quan trọng hàng đầu, giữ vai trò quyết định chiến lược kinh doanh và đầu tư phát triển. Đối với các tác nhân tham gia liên kết ngang tạo quy mô sản xuất lớn hoặc tham gia liên kết dọc theo chuỗi cung ứng luôn phải đặt câu hỏi cho việc tham gia liên kết có hiệu quả kinh tế cao hơn hay thấp hơn so với việc không tham gia liên kết, rừng trồng liên kết có hiệu quả kinh tế cao hơn hay thấp hơn so với rừng trồng không tham gia liên kết. Các tác nhân có thể sẵn sàng tham gia liên kết khi họ tin tưởng rằng hoạt động liên kết sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, vốn đầu tư sử dụng cho liên kết và cho sản xuất có hiệu quả.

Tóm lại: Các yếu tố ảnh hưởng đến liên kết kinh tế trong phát triển rừng gỗ nguyên liệu có thể còn nhiều hơn những yếu tố nêu trên như: đặc điểm mỗi tác nhân, văn hóa dân tộc, vùng miền, thời gian áp dụng, khoảng cách địa lý, tần xuất giao dịch… Tuy nhiên, các yếu tố được lựa chọn phân tích trên là cơ bản và có tác động trực tiếp nhất. Trong đó, cả yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài đều có các yếu tố thành phần giữ vai trò quan trọng nhất, đặc biệt là yếu tố về hiệu quả kinh tế rừng trồng liên kết và thị trường sản phẩm. Các yếu tố không tồn tại độc lập mà có mối quan hệ tác động qua lại và tương quan với nhau. Mỗi một yếu tố tác động đến liên kết theo cả hai chiều thuận và nghịch. Vì vậy, nhận thức và vận dụng các yếu tố phải có quan điểm toàn diện và cụ thể.

29

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nghiên cứu giải pháp thúc đẩy liên kết trong phát triển rừng gỗ nguyên liệu khu vực miền trung việt nam (Trang 41 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(291 trang)
w