Chương 3: THỰC TRẠNG CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THEO CƠ CHẾ MỘT CỬA TẠI ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN ĐẠI TỪ
3.4 Các yếu tố ảnh hưởng đến cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế Một cửa tại Ủy ban nhân dân huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
3.4.1 Các yếu tố khách quan
3.4.1.1 Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách thủ tục hành chính Cải cách hành chính là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong suốt công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, là một trong những giải pháp đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra định hướng phát triển đất nước đến năm 2030, đó là “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn giai đoạn vừa qua và tiếp tục thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp và xã hội trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 tại Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 15/7/2021. Trong đó, Thủ tướng chính phủ đã có chỉ thị về công tác cải cách TTHC như sau:
Triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn; trong đó, tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và các quy định thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, không cần thiết, trọng tâm là các thủ tục hành chính đang gây trở ngại, kìm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh và các thủ tục hành chính khác liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Khẩn trương hoàn thành rà soát, thống kê, đánh giá và đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số để chuẩn hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ; tích hợp các mẫu đơn, tờ khai và các giấy tờ có nội dung thông tin trùng lặp; cung cấp các tiện ích thông minh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết
thủ tục hành chính theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cho cấp đó giải quyết, đảm bảo nguyên tắc quản lý ngành, lãnh thổ, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho Nhân dân. Để thực hiện chủ trương trên, đòi hỏi hệ thống văn bản pháp luật do các bộ ban ngành ban hành phải đồng bộ, thống nhất, rõ ràng, chi tiết.
Kết quả khảo sát đội ngũ CBCC huyện Đại Từ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách TTHC theo cơ chế Một cửa được thể hiện qua bảng dưới đây.
Bảng 3.17. Kết quả khảo sát CBCC về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách TTHC theo cơ chế Một cửa
STT Tiêu chí Điểm đánh giá
ĐTB Ý nghĩa 1 2 3 4 5
1
Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách TTHC rõ ràng, đồng bộ, thống nhất
1 9 30 38 20 3,68 Đồng ý
2
Các văn bản quy định, hướng dẫn về cải cách TTHC được ban hành đầy đủ, chi tiết
2 7 25 54 10 3,64 Đồng ý
3
Các văn bản quy định, hướng dẫn về cải cách TTHC được ban hành kịp thời
12 18 36 32 0 2,90 Bình thường (Nguồn: Tác giả tổng hợp từ kết quả khảo sát)
Kết quả khảo sát cho thấy, trong số 03 tiêu chí được đưa ra đánh giá về chủ trương, chinh sách của Đảng và Nhà nước về cải cách TTHC theo cơ chế Một cửa, có 02 tiêu chí được đánh giá ở mức độ đồng ý, còn 01 tiêu chí chỉ được đánh giá ở mức bình thường. Cụ thể như sau:
02 tiêu chí được đánh giá khá cao, gồm: “Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách TTHC rõ ràng, đồng bộ, thống nhất” và tiêu chí “Các văn bản quy định, hướng dẫn về cải cách TTHC được ban hành đầy đủ, chi tiết” với mức điểm lần lượt là 3,68 điểm và 3,64 điểm.
01 tiêu chí không được đánh giá cao là “Các văn bản quy định, hướng dẫn về cải cách TTHC được ban hành kịp thời”.
Sở dĩ tiêu chí trên không được đánh giá cao bởi một số người được khảo sát cho biết, thực tế hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật do cấp trên ban hành liên tục thay đổi và chưa thật sự đồng bộ dẫn đến việc huớng dẫn các thủ tục hành chính, biểu mẫu hành chính cũng thay đổi gây trở ngại trong quá trình hướng dẫn và giải quyết thủ tục. Các quy định thường xuyên thay đổi, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, Tư pháp- hộ tịch nhưng chậm có văn bản hướng dẫn, có Nghị định đã có hiệu lực thi hành nhưng vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn. Tình trạng các văn bản ban hành như Nghị định chờ Thông tư làm cho CBCC rất lúng túng trong công tác áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật vào giải quyết TTHC. Đây là tình trạng chung trong rất nhiều lĩnh vực. Khi Nghị định, Thông tư ban hành và đã có hiệu lực nhưng vẫn chưa có Quyết định công bố TTHC. Điều này, làm cho CBCC làm công tác chuyên môn gặp nhiều khó khăn. Kết quả cuối cùng là hướng đến sự thuận tiện cho người dân là không đạt được, vì vậy người dân vẫn phải đi lại nhiều lần, gây mất thời gian. Từ đó, làm cho việc thực hiện giải quyết TTHC triển khai bị lúng túng và gặp nhiều khó khăn tại địa phương.
3.4.1.2 Điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương
“Đại Từ” tên gọi đã có từ lâu đời và được biết đến là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên. Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 100 năm qua, Đại Từ đã không ngừng phát triển, vững bước trên con đường đổi mới với nhiều kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực:
Bảng 3.18: Tăng trưởng kinh tế huyện Đại Từ giai đoạn 2020 - 2022 Đơn vị tính: %
Chỉ tiêu 2020 2021 2022
Tăng trưởng 2021/2020
Tăng trưởng 2022/2021 - Nông, lâm, thuỷ sản 3,58 4,15 4,4 0,57 0,25 - Công nghiệp -TTCN 26,65 -1,24 8,5 -27,89 9,74 - Thương mại - Dịch vụ 15,18 12,21 17,61 -2,97 5,4
(Nguồn: Báo cáo KT-XH huyện Đại Từ 03 năm 2020, 2021, 2022)
Trong giai đoạn 2020 – 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID- 19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện vẫn đạt mức khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành CN - Xây dựng và Dịch vụ; tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu của địa phương tăng bình quân 6,85%/năm;
giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt tính đến hết năm 2021 đạt trên 130 triệu đồng; sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo chiều sâu; cây chè trở thành cây trồng mũi nhọn. Từ năm 2015 đến nay, tổng vốn ngoài ngân sách dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng đạt trên 9.000 tỷ đồng. Nhờ triển khai hiệu quả, tích cực chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn Đại Từ ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng được đầu tư hiện đại, đồng bộ. Nhiều dự án lớn đã, đang được triển khai, hứa hẹn về một vùng đất phát triển sôi động, trở thành cực tăng trưởng quan trọng phía Tây Bắc của tỉnh. Đến nay, toàn huyện có 23/28 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, là đơn vị có số xã đạt chuẩn nông thôn mới nhiều nhất trên địa bàn tỉnh, đời sống nhân dân thay đổi từng ngày, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,77%/năm. Với sự phát triển KT-XH như vậy, đã có tác động lớn đến cải cách TTHC theo cơ chế Một cửa của địa phương.
Kết quả khảo sát CBCC về ảnh hưởng của điều kiện KT-XH địa phương tới cải cách TTHC theo cơ chế Một cửa tại UBND huyện Đại Từ được thể hiện qua bảng dưới đây.
Bảng 3.19. Kết quả khảo sát CBCC về ảnh hưởng của điều kiện KT-XH địa phương tới cải cách TTHC theo cơ chế Một cửa
STT Tiêu chí Điểm đánh giá
ĐTB Ý nghĩa 1 2 3 4 5
1
Địa phương có KT-XH phát triển, tập trung nguồn lực tài chính đầu tư cho bộ phận Một cửa
0 0 22 66 10 3,88 Đồng ý
2
Sự phát triển KT-XH của địa phương tạo ra sự cấp thiết trong cải cách TTHC theo cơ chế Một cửa để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH
0 0 13 54 31 4,18 Đồng ý
(Nguồn: Tác giả tổng hợp từ kết quả khảo sát)
Kết quả khảo sát cho thấy, cả 02 tiêu chí được đưa ra để đánh giá về ảnh hưởng của điều kiện KT-XH của địa phương đối với cải cách TTHC theo cơ chế Một cửa tại UBND huyện Đại Từ là “Địa phương có KT-XH phát triển, tập trung nguồn lực tài chính đầu tư cho bộ phận Một cửa” và tiêu chí “Sự phát triển KT-XH của địa phương tạo ra sự cấp thiết trong cải cách TTHC theo cơ chế Một cửa để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH” đều được đánh giá ở mức đồng ý.
Theo một số người được điều tra khảo sát cho biết, xác định cải cách hành chính là chìa khóa quan trọng để mở cửa thu hút đầu tư, thời gian qua, nhiều giải pháp cải cách hành chính đã được huyện Đại Từ thực hiện triển khai như: Ưu tiên dành một phần NSNN để xây dựng Mô hình Một cửa hiện đại với sự trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực chất lượng cao, chủ động rà soát, xây dựng quy trình nội bộ đối với từng thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4…
Ngoài ra, huyện cũng xác định, với tốc độ phát triển KT-XH như hiện nay, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thu hút đầu tư, tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đòi hỏi công tác cải cách TTHC, trong đó có cải cách TTHC phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, tạo bước đột phá, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Qua đó, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, là điểm đến tin cậy để các tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả.