Chương 3 THỰC TRẠNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ĐẠI TỪ, TỈNH THÁI NGUYÊN
3.3 Các hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
3.3.3. Công tác sử dụng nguồn nhân lực cấp xã
Trong giai đoạn 2020 – 2022, theo phương án bố trí sử dụng CBCC cấp xã được thực hiện theo đúng quy định về định mức biên chế các chức danh CBCC cấp xã tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ và tại Thông tư 13/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ thì số lượng CBCC và những người hoạt động không chuyên trách của 30 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đại Từ hiện nay (không tính đến CB hợp đồng) như bảng 3 Phụ lục 03.
Nhìn chung, các vị trí đều đã bố trí đủ số lượng người: mỗi chức danh cán bộ cấp xã được bố trí 01 biên chế, chỉ có chức danh Phó chủ tịch UBND thì mỗi xã, phường có từ 01 đến 02 người. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có một số chức danh được bố trí đủ cán bộ như Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch MTTQ, Chủ tịch Hội Phụ nữ và Chủ tịch Hội CCB, bên cạnh đó vẫn có 01 số chức danh chưa bố trí đủ so với số lượng được giao. Cụ thể, chức danh Bí thư Đảng ủy thiếu 01 người, Phó Bí thư Đảng ủy thiếu 02 người, Chủ tịch HĐND thiếu 02 người, Chủ tịch UBND thiếu 02 người, Phó Chủ tịch UBND thiếu 05 người, Bí thư Đoàn TN thiếu 01 người và Chủ tịch Hội Nông dân thiếu 02 người. Nguyên nhân của sự chênh lệch này là do một số chức danh kiêm nhiệm. Thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đến nay toàn huyện Đại Từ có 02/29 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã; có 17/29 Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND cấp xã. Cụ thể:
tại xã Cù Vân và thị trấn Hùng Sơn, 02 Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã;
17 Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã. Ngoài ra, còn có 09 Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND cấp xã; 01 Chủ tịch Hội CCB kiêm Chỉ huy trưởng quân sự tại xã Cát Nê; 01 Phó Chủ tịch HĐND kiêm Bí thư Đoàn TNCS HCM tại xã Hoàng Nông.
Đối với các chức danh công chức cấp xã cũng bố trí mỗi chức danh có biên chế nhưng qua bảng số liệu thì chỉ có 01 chức danh bố trí đủ là Chỉ huy Trưởng Quân sự, tất cả các chức danh còn lại đều đang chưa được bố trí đủ so với số lượng được giao.
Cụ thể, chức danh Văn phòng – Thống kê thiếu 04 người, chức danh Tài chính – Kế toán thiếu 02 người, chức danh Tư pháp – Hộ tịch, chức danh Địa chính – Xây dựng và chức danh Văn hóa – Xã hội đều thiếu 03 người. Tình trạng thiếu hụt này ảnh hưởng khá lớn tới công việc của đội ngũ cán bộ, công chức tại các xã này gây áp lực cho đội ngu cán bộ công chức xã trong việc giải quyết khối lượng công việc được giao, ảnh hưởng tới công việc của UBND xã cũng như giải quyết các công việc của người dân tại các địa phương này.
Đối với người HĐKCT cấp xã, những người HĐKCT cấp xã gồm: Phó Trưởng công an, Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Ủy viên chuyên trách Ủy ban kiểm tra Đảng ủy, Văn phòng Đảng ủy, Nông thôn mới (đối với xã) hoặc Quản lý trật tự đô thị, môi trường (đối với thị trấn), Lao động – Bảo vệ trẻ em, Phụ trách đài truyền thanh, Thú y, Phó Trưởng Ban bảo vệ dân phố. Hiện nay, 30 xã/thị trấn trên địa bàn huyện Đại Từ đều bố trí đủ số lượng được giao.
Bên cạnh việc bố trí đủ số lượng người cho mỗi chức danh, việc sử dụng, bố trí CBCC và người HĐKCT phải phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường, bố trí đúng người, đúng việc để phát huy tối đa tiềm lực và khả năng của nguồn nhân lực cấp xã, thu hút và giữ chân những người có thực tài và tiềm năng phát triển, một trong những nội dung quan trọng trong quá trình sử dụng nhân lực, đó là điều động, luân chuyển, biệt phái… được thực hiện hợp lý, công bằng, khoa học sẽ tạo môi trường thuận lợi cho những cá nhân có năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức tốt phát huy được năng lực, sở trường trong công việc, từ đó nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực cấp xã.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, cụ thể hóa việc thực hiện Đề án số 08-ĐA/TU, ngày 15/7/2021 của
BCH Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ chủ chốt các cấp đủ năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” (Tỉnh ủy Thái Nguyên, 2021), huyện Đại Từ chủ trương kết hợp luân chuyển với điều động, biệt phái, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống chính trị, tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, có nhu cầu, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ các cấp, huyện Đại Từ rất chú trọng tới công tác luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ. Huyện đã ban hành Quy chế luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ lãnh đạo, quản lý, Quy chế được xây dựng rõ ràng, chi tiết tất cả các nội dung từ mục đích, yêu cầu, quan điểm, nguyên tắc, phạm vi, đối tượng, tiêu chuẩn, hình thức luân chuyển,…đây là cơ sở quan trọng cho việc triển khai thực hiện luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ lãnh đạo, quản lý của huyện.
Thực tế, trong giai đoạn 2020 – 2022, huyện đã thực hiện việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ yếu theo 02 hình thức sau:
- Luân chuyển từ xã, thị trấn về huyện
- Luân chuyển từ xã, thị trấn này sang xã, thị trấn khác
Riêng trong 2 năm 2021 và 2022 kể từ khi thực hiện Đề án số 08-ĐA/TU, ngày 15/7/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh, huyện đã luân chuyển 08 cán bộ huyện về làm Bí thư Đảng ủy tại 08 xã gồm: Thị trấn Hùng Sơn, Phục Linh, Cù Vân, Tân Thái, Ký Phú, Văn Yên, Tiên Hội, Phú Lạc. Bên cạnh đó, huyện đã luân chuyển 02 cán bộ huyện làm Chủ tịch UBND xã tại 02 xã là An Khánh và Phú Thịnh. Ngoài ra, huyện còn thực hiện luân chuyển ngang giữa các xã, thị trấn các cán bộ xã giữ chức danh chủ chốt, đã có 18 cán bộ được điều động luân chuyển ngang giữ chức danh từ phó Chủ tịch HĐND, UBND trở lên từ xã, thị trấn này sang xã, thị trấn khác, các xã có cán bộ luân chuyển ngang gồm: Phục Linh, Hà Thượng, Tân Linh, Phú Lạc, Tân Thái, Phú Cường, Minh Tiến, Đức Lương, Phú Lương, Lục Ba, Quân Chu, Tiên Hội, Bình Thuận và Thị trấn Quân Chu, Na Mao.
* Kết quả khảo sát về công tác sử dụng nguồn nhân lực cấp xã
Kết quả khảo sát đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, CBCC và người HĐKCT cấp xã về công tác sử dụng nguồn nhân lực cấp xã trên địa bàn huyện Đại Từ được thể hiện qua bảng 4 Phụ lục 03.
Để đánh giá về công tác sử dụng nguồn nhân lực cấp xã trên địa bàn huyện Đại Từ, tác giả đưa ra 03 tiêu chí đánh giá, trong đó có 02 tiêu chí chỉ được đánh giá ở mức bình thường là “Bố trí công việc phù hợp ngành nghề đào tạo, trình độ chuyên môn, năng lực của nguồn nhân lực cấp xã” và tiêu chí “Số lượng CBCC và người HĐKCT tại các vị trí việc làm hợp lý” với mức điểm lần lượt là 3,36 điểm và 3,35 điểm, chỉ có 01 tiêu chí được đánh giá khá cao là “Cơ chế luân chuyển, bổ nhiệm công khai, minh bạch, đúng quy định” với 3,78 điểm.
Đối với công tác luân chuyển cán bộ, Huyện ủy Đại Từ đã ban hành Quy chế số 08/QC-HU ngày 20/02/2023 V/v luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó quy định rõ về phạm vi, đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức luân chuyển,…là căn cứ cho việc thực hiện luân chuyển cán bộ một cách công khai, minh bạch, đúng quy định. Tuy nhiên, việc bố trí CBCC và người HĐKCT cấp xã của một số xã, thị trấn còn những hạn chế, nhất định như bố trí, sử dụng người chưa đúng với chuyên môn đào tạo, sắp xếp sai vị trí chức danh công việc, vẫn còn tình trạng có chức danh thiếu người...Những bất cập này khiến cho nguồn nhân lực cấp xã không phát huy hết những mặt mạnh của mình, ngược lại còn kìm hãm sự phát triển của họ.