Chương 4 GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ĐẠI TỪ, TỈNH THÁI NGUYÊN
4.3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn huyện Đại Từ
4.3.1 Nhóm giải pháp trực tiếp
4.3.1.1 Hoàn thiện công tác quy hoạch cán bộ, lãnh đạo quản lý cấp xã
Chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch cán bộ, thực hiện tốt phương châm
“động” và “mở” trong quy hoạch cán bộ; đảm bảo sự liên thông quy hoạch của đội
ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị; phát huy vai trò của tập thể cấp ủy, của Ban Thường vụ cấp ủy và trách nhiệm của người đứng đầu. Nguồn quy hoạch cán bộ phải bao gồm cả nguồn ngắn hạn và dài hạn; khắc phục tình trạng khép kín và những bất cập trong tạo nguồn cán bộ; tổ chức rà soát, bổ sung quy hoạch, lựa chọn nhân tốt mới, cán bộ trẻ, cán bộ nữ có trình độ, năng lực, có triển vọng để đưa vào quy hoạch; đồng thời đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đủ tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch cán bộ. Cần xác định rõ ràng, đúng đắn mục đích, yêu cầu của công tác quy hoạch và cần thực hiện quy hoạch dựa trên các nguyên tắc dưới đây.
* Mục đích, yêu cầu công tác quy hoạch
- Nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ; đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, chủ động phát hiện sớm nguồn cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, có triển vọng phát triển để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân.
- Việc xác định tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, chức danh quy hoạch, dự báo nhu cầu sử dụng cán bộ phải xuất phát từ tình hình đội ngũ cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị trong từng nhiệm kỳ và định hướng nhiệm kỳ kế tiếp; đồng thời, gắn kết chặt chẽ với các khâu khác trong công tác cán bộ.
- Rà soát, đánh giá toàn diện nguồn cán bộ trước khi đưa vào danh sách giới thiệu nhân sự quy hoạch; bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công bằng, công tâm, công khai, minh bạch, đúng quy trình, thẩm quyền; không đề xuất, phê duyệt quy hoạch những trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện.
- Thực hiện tốt phương châm quy hoạch “động” và “mở”. Hằng năm đánh giá, rà soát để kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước;
bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới từ nguồn nhân sự tại chỗ hoặc nguồn nhân sự từ nơi khác đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có triển vọng phát triển.
* Nguyên tắc quy hoạch
- Bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, liên thông, công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch cán bộ.
- Thực hiện đúng thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ, nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, người đứng đầu, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác quy hoạch cán bộ.
- Coi trọng chất lượng, không vì số lượng cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, bảo đảm cân đối, hài hòa, hợp lý, liên thông giữa các khâu trong công tác cán bộ; giữa quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng; giữa đánh giá với quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ; giữa cán bộ quy hoạch với cán bộ đương nhiệm, giữa nguồn cán bộ ở huyện với cơ sở, địa bàn và lĩnh vực công tác, giữa nguồn cán bộ tại chỗ với nguồn cán bộ từ nơi khác. Phấn đấu quy hoạch theo cơ cấu ba độ tuổi (khoảng cách giữa các độ tuổi là 5 năm), tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn, lĩnh vực công tác.
- Quy hoạch cấp ủy các cấp phải gắn với quy hoach lãnh đạo, quản lý; lấy quy hoạch các chức danh cấp ủy làm cơ sở để quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý; quy hoạch cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cấp trên.
- Chỉ quy hoạch chức danh cao hơn, mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý quy hoạch không quá 03 cán bộ, một cán bộ quy hoạch không quá 03 chức danh ở cùng cấp. Không thực hiện quy hoạch đồng thời với việc đề xuất bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Việc thực hiện quy trình bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức danh quy hoạch chỉ được thực hiện sau khi phê duyệt quy hoạch ít nhất 3 tháng.
Ngoài ra, cần hoàn thiện quy hoạch cán bộ, làm căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng;
xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải khoa học và kịp thời cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng. Đảng ủy xã, thị trấn cần rà soát trình độ của cán bộ ở từng ngành, lĩnh vực; đánh giá, dự báo nhu cầu đào tạo và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo tinh thần của Ban Thường vụ Huyện ủy về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026 - 2030, tránh tình trạng khi chuẩn bị phương án nhân sự để giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm thì chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng những đơn vị thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ.
Ban Thường vụ huyện ủy cần đánh giá, rút kinh nghiệm về những ưu điểm và hạn chế trong quá trình thực hiện, từ đó đề ra biện pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tiếp theo; chú ý những địa phương có cách làm mới, sáng tạo trong thực hiện quy hoạch cán bộ để kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng; đồng thời có biện pháp xử lý, khắc phục hạn chế ở những địa phương thực hiện chưa tốt.
4.3.1.2 Hoàn thiện công tác tuyển dụng nguồn nhân lực cấp xã
Tuyển dụng công chức có ý nghĩa, vai trò quan trọng nhằm hình thành công chức có đủ phẩm chất, năng lực, xứng đáng là công bộc của nhân dân, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Trên thực tế việc tuyển dụng nguồn nhân lực cấp xã là một lĩnh vực khá phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến lợi ích của nhiều người. Vì vậy, không tránh khỏi những tồn tại, nhược điểm. Do đó, huyện Đại Từ cần lưu ý một số vấn đề sau trong công tác tuyển dụng nguồn nhân lực cấp xã.
Đối với cán bộ chuyên trách cấp xã:
Để công tác lựa chọn, tuyển dụng đảm bảo đúng quy định, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở cần thực hiện tốt các giải pháp:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng và xã hội hóa quy trình lựa chọn, giới thiệu nhân sự. Việc giới thiệu nhân sự để bầu cần phải dân chủ hóa và xã hội hóa. Các tổ chức, công dân đều có quyền lợi và nghĩa vụ xem xét, giới thiệu, chọn cử những người có đủ tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất đạo đức vào danh sách những người ứng cử. Đảm bảo thực hiện “cạnh tranh công khai”, mọi người đều bình đẳng và có cơ hội như nhau trong việc cạnh tranh lành mạnh vào các chức vụ chủ chốt của chính quyền cấp xã.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức bầu cử. Các chức vụ chủ chốt ở cấp xã nên áp dụng hình thức bầu cử trực tiếp, toàn thể nhân dân hoặc cử tri trong xã trực tiếp bầu cử.
Thứ ba, cụ thể hoá tiêu chuẩn hoá về trình độ, năng lực, các yêu cầu đối với các chức danh cán bộ chủ chốt. Trong quá trình hiệp thương, bầu cử phải đảm bảo khách quan, dân chủ.
Đối với công chức cấp xã:
Thứ nhất, khi tuyển dụng phải xuất phát từ nhu cầu của xã, của từng ngành, từng lĩnh vực.
Thứ hai, thực hiện đúng và mạnh dạn hơn nữa hình thức thi tuyển để lựa chọn được những CBCC mới, có năng lực, thu hút người tài từ các khu vực kinh tế khác hoặc ngoài tỉnh vào làm việc. Đồng thời, xây dựng quy chế, quy trình thi tuyển, xét tuyển chặt chẽ, phân công cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan, đảm bảo công bằng, công khai, cạnh tranh, thực hiện nghiêm túc quy trình để lựa chọn được công chức có đủ tiêu chuẩn theo quy định vào đội ngũ công chức cấp xã.
Thứ ba, xác định rõ đối tượng, chỉ tiêu và tiêu chuẩn tuyển dụng; công khai hóa thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ tư, ưu tiên cộng điểm vào kết quả tuyển dụng. Đối với hình thức thi tuyển thì cộng điểm vào kết quả tuyển dụng đối với những đối tượng tốt nghiệp ĐH chính quy loại giỏi, Thạc sỹ phù hợp với chuyên ngành cần tuyển dụng để thu hút đội ngũ chất xám cho cấp xã. Đối với hình thức xét tuyển thì cộng điểm vào kết quả tuyển dụng đối với những đối tượng là người dân tộc thiểu số - người địa phương có chuyên ngành tuyển dụng phù hợp.
Thứ năm, chú trọng, đẩy mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm trong quy trình, quá trình tuyển dụng công chức.
4.3.1.3 Hoàn thiện công tác sắp xếp, sử dụng nguồn nhân lực cấp xã
Nếu như công tác tuyển dụng giúp chúng ta tìm ra được những CBCC và người HĐKCT đủ tài và đức để thực hiện công việc thì bố trí, sắp xếp, sử dụng đội ngũ nhân lực cấp xã lại chính là cách thức giúp nguồn nhân lực cấp xã thể hiện được mình trong quá trình làm việc. Bởi vì, nếu bố trí, sắp xếp nguồn nhân lực cấp xã vào vị trí công việc thích hợp sẽ kích thích nhân lực phát huy được sở trường, hạn chế sở đoản. Ngược lại bố trí, sử dụng chưa hợp lý sẽ hạn chế năng lực nguồn nhân lực cấp xã, gây lãng phí nhân tài. Để làm tốt công tác bố trí, sắp xếp nguồn nhân lực cấp xã cần chú ý một số vấn đề sau:
- Bố trí, sử dụng nguồn nhân lực cấp xã cần xuất phát từ nhiệm vụ, yêu cầu của vị trí chức danh công việc cần bố trí.
- Bố trí, sử dụng nguồn nhân lực cấp xã theo ngành nghề chuyên môn đã được đào tạo: đây là vấn đề có tính nguyên tắc. Việc sử dụng CBCC có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của chức danh công việc sẽ rất thuận lợi cho việc tiếp nhận vị trí công tác mới vì bản thân CBCC cấp xã đó đã được đào tạo bài bản, kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực này đã nắm rõ. Do đó, khi thi hành công vụ khắc phục được tình trạng lúng túng.
- Việc bố trí, sử dụng nguồn nhân lực phải dựa trên kết quả đánh giá, tuyển chọn để bố trí đúng người, đúng việc, đúng sở trường, tránh bố trí thiếu căn cứ, theo cảm tính. Trước khi đề bạt CBCC hay người HĐKCT cần xem xét năng lực thực hiện, mức độ hoàn thành công việc và tinh thần, thái độ làm việc của cá nhân đó qua những hoạt động thường ngày để đưa ra quyết định có nên đề bạt hay không.
- Việc bố trí, sắp xếp nguồn nhân lực cấp xã xuất phát từ công tác quy hoạch và căn cứ vào mức độ phấn đấu, rèn luyện của cá nhân CBCC và người HĐKCT, đặc biệt quan tâm đến CBCC nữ, CBCC trẻ. Tránh sắp xếp thoát ly hoàn toàn quy hoạch, gây ra bố trí tùy tiện, chủ quan, lãng phí công sức đào tạo, bồi dưỡng trong quy hoạch cán bộ.
- Bố trí nguồn nhân lực cấp xã phải căn cứ vào cơ cấu nhân sự của chính quyền địa phương, nếu không gây tình trạng mất cân đối về cơ cấu, chức danh công việc nào thừa vẫn thừa mà chức danh thiếu vẫn thiếu nhiều. Hoặc là có chức danh chỉ toàn là nữ hoặc toàn những người đã cao tuổi, ảnh hưởng đến khả năng kế thừa và phát triển đội ngũ nguồn nhân lực cấp xã.
- Thực hiện nghiêm Quy định của Ban Thường vụ Huyện ủy về phân cấp, quản lý cán bộ và bổ nhiệm giới thiệu cán bộ ứng cử; quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ.
- Thực hiện tốt quy trình công tác cán bộ đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy định trong việc bố trí, sắp xếp, luân chuyển, điều động, giới thiệu cán bộ ứng cử;
thực hiện việc cơ cấu sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức.
- Ưu tiên xem xét, tuyển chọn bố trí giới thiệu công chức trong diện quy hoạch
đảm bảo tiêu chuẩn, có năng lực nổi trội ứng cử các chức danh cán bộ lãnh đạo chính quyền, Ủy ban mặt trận tổ quốc và các đoàn thể xã, thị trấn.
- Động viên, thuyết phục sinh viên tốt nghiệp các trường đại học là người địa phương về công tác ở cơ sở, trẻ hóa cán bộ, đặc biệt là cán bộ làm công tác Đoàn thanh niên theo Nghị quyết số 01-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
- Tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí Bí thư, Chủ tịch UBND, Trưởng công an xã, thị trấn không là người địa phương; tiếp tục thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở những xã, thị trấn có điều kiện phù hợp.
4.3.1.4 Hoàn thiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cấp xã
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên huyện Đại Từ cần phải thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu đã được xác định:
Sau khi đã xác định được nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, cần tiến hành xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hàng năm và dài hạn cả trong nước và nước ngoài, đảm bảo tính cụ thể và thiết thực, đào tạo để nâng cao trình độ và kỹ năng nghiệp vụ, chứ không đào tạo từ đầu, xây dựng kế hoạch đào tạo đến từng loại công chức. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cần phải rõ ràng về mục tiêu, phải cụ thể, đo lường được, đảm bảo tính khả thi và có thời hạn cụ thể. Việc đào tạo, bồi dưỡng phải có trọng tâm, trọng điểm, đúng yêu cầu, đúng đối tượng, tránh lãng phí trong đào tạo, phải gắn với việc bố trí, sử dụng công chức.
UBND huyện Đại Từ cần ban hành các chính sách và thực hiện thống nhất quản lý chặt chẽ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn huyện, tăng cường công tác kiểm tra quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm đặc biệt là đối với việc cử cán bộ, công chức cấp xã đi đào tạo, bồi dưỡng không đúng đối tượng, không theo quy hoạch, không xuất phát từ yêu cầu công việc. Cần tăng cường đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy ở các cơ sở đào tạo trên địa bàn huyện.
Trung tâm giáo dục chính trị huyện Đại Từ: cần nghiên cứu và thực hiện đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức cấp xã phù hợp và gắn với nhu cầu thực tiễn.
- Đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm: Công tác đào tạo, bồi dưỡng hiện nay nặng về lý thuyết cơ bản, chưa quan tâm đến kỹ năng tác nghiệp của cán bộ, công chức cấp xã; còn hiện tượng trùng lặp nội dung ở một số môn học đối với từng ngạch, bậc. Vì thế, cần phải lựa chọn kỹ lưỡng các nhóm kiến thức, mức độ, phạm vi cho thật phù hợp với từng loại đối tượng. Ngoài những nội dung chung quy định đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức được quy định, xuất phát từ những yếu kém của đào tạo trong thời gian qua, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức mà cán bộ, công chức cấp xã đang bị hẫng hụt hoặc không cập nhật khi chuyển sang kinh tế thị trường: quản lý kinh tế, kiến thức Nhà nước và pháp luật, về khoa học tổ chức và quản lý, quản lý nguồn nhân lực…; kỹ năng thực hành công vụ, nhất là cách xử lý tình huống, thủ pháp điều chỉnh chiến lược và tổ chức phối hợp hoạt động quản lý.Cụ thể là:
+ Mở các lớp đào tạo cho cán bộ, công chức cấp xã về kỹ năng tin học văn phòng nhưng phải gắn với thực hiện chương trình CCHC nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước.
+ Mở các lớp đào tạo về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ cho từng nhóm cán bộ, công chức cấp xã như: Đối với chủ tịch, phó chủ tịch HĐND cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng giám sát về xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, ngân sách xã, kỹ năng lãnh đạo và phối hợp trong giám sát, phương pháp và kỹ năng điều hành hoạt động của HĐND cấp xã; Đối với chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai và ngân sách xã, quản lý kết cấu hạ tầng cơ sở, kỹ năng chỉ đạo điều hành, kỹ năng chỉ đạo thực hiện kế hoạch, ban hành quyết định, tổ chức điều hành cuộc họp, quản trị thời gian và nguồn lực, giải quyết xung đột, xử lý các tình huống xấu, tranh chấp, khiếu kiện xảy ra. Đối với các cán bộ Đảng và đoàn thể thì nội dung đào tạo liên quan đến công tác Đảng, công tác chính quyền, đoàn thể, hành chính công, quản lý đô thị, CCHC nhà nước, đồng thời rèn luyện các kỹ năng cơ bản như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng soạn thảo văn bản…