Chương 3 THỰC TRẠNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ĐẠI TỪ, TỈNH THÁI NGUYÊN
3.4. Các yếu tố ảnh hưởng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
3.4.1. Yếu tố khách quan
- Đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến cán bộ công chức xã
Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành trung ương đã ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, tổ chức đội ngũ CBCC và người HĐKCT cấp xã. Các văn bản có nội dung điều chỉnh khá rộng, từ chế độ đào
tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá đến những nội dung cụ thể, đặc thù, đều đã giúp các địa phương có căn cứ cho việc thực hiện quy hoạch, tuyển dụng, bố trí, sử dụng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cấp xã. Tuy nhiên, theo Báo cáo đánh giá tác động chính sách Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người HĐKCT ở cấp xã, ở thôn, tổ đân phố (Kèm theo Tờ trình số 1939/TTr-BNV ngày 26 tháng 4 năm 2023 của Bộ Nội vụ), việc triển khai thi hành các Nghị định hiện hành của Chính phủ còn một số vướng mắc, bất cập như:
+ Nhiều nội dung quy định về cán bộ, công chức cấp xã được thực hiện tương tự như đối với công chức từ cấp huyện trở lên nhưng chưa được quy định liên thông hoặc áp dụng tương tự; các quy định về cán bộ, công chức cấp xã được quy định ở nhiều văn bản, do nhiều cơ quan ban hành, một số nội dung chưa thống nhất (Nghị định số 114/2003/NĐ-CP; Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Nghị định số 112/2011/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP); Thông tư số 13/2019/TT-BNV1; Luật Hộ tịch năm 2014; Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán và các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về Công an, Quân sự và và quy định tại các văn bản do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương ban hành;
+ Số lượng cán bộ, công chức cấp xã được quy định theo loại đơn vị hành chính (ĐVHC) còn chưa phù hợp với ĐVHC cấp xã sau sáp nhập có diện tích rộng, dân số đông và ở các đô thị có dân số cơ học tăng nhanh, dẫn đến khối lượng công việc nhiều, tạo áp lực lớn đối với đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
+ Tiền lương, phụ cấp và một số chế độ, chính sách khác đối với cán bộ, công chức cấp xã và quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách (HĐKCT) ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố còn có một số hạn chế, bất cấp.
Như vậy, có thể thấy, các quy định pháp luật về CBCC và người HĐKCT cấp xã còn thiếu tính đồng bộ, thống nhất, thậm chí chồng chéo, gây khó khăn cho việc tra cứu, áp dụng trong thực tiễn; nhiều vấn đề chưa được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay. Điển hình đó là cơ chế, chính sách về tiền lương cho CBCC và người
HĐKCT cấp xã mặc dù đã liên tục được điều chỉnh nhưng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được cuộc sống hằng ngày. Thu nhập về lương, thưởng chưa thực sự tạo động lực làm việc cho CBCC và khó thu hút nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị cấp xã trên địa bàn tỉnh. Do đó, vẫn còn CBCC tranh thủ đi muộn, về sớm, làm việc riêng, đến công sở trong giờ làm việc bán hàng trên mạng xã hội; có những CBCC vì lợi ích kinh tế đã nhũng nhiễu, tham ô, tham nhũng vi phạm ĐĐCV, vi phạm các quy định của pháp luật; suy thoái về phẩm chất đạo đức, vi phạm những điều đảng viên không được làm.
- Môi trường kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương
Trong những năm gần đây, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Đại Từ cơ bản được giữ vững và phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 10,88%, cơ cấu kinh tế đã và đang chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tương đối tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu GDP. Sản phẩm nông nghiệp có nhiều tiến bộ trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa, gắn với thị trường, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Những thành tựu kinh tế nói trên có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng nguồn nhân lực cấp xã như thu nhập bình quân đầu người tăng, điều kiện sống có những bước tiến bộ đáng kể. Do có sự ổn định về mặt kinh tế, đời sống được nâng cao đã tạo động lực cho nguồn nhân lực của UBND cấp xã tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn để thích nghi với điều kiện làm việc mới, tăng năng lực cạnh tranh. Nguồn thu NSNN trên địa bàn huyện thời gian qua là một trong những yếu tố ảnh hưởng quan trọng tới việc thực hiện các hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cấp xã. Nguồn lực tài chính dồi dào sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng NNL cấp xã. Kết quả thu chi ngân sách nhà nước huyện Đại Từ giai đoạn 2020 – 2022 được thể hiện qua bảng dưới đây.
Bảng 3.22: Kết quả thu chi NSNN huyện Đại Từ giai đoạn 2020 – 2022
Chỉ tiêu
Năm 2020 (Tr.đ)
Năm 2021 (Tr.đ)
Năm 2022 (Tr.đ)
Chênh lệch 2021/2020
(%)
Chênh lệch 2022/2021
(%) Thu cân đối ngân
sách (trừ cấp QSD đất)
210.344 198.252 157.921 -5,75 -20,34 Tổng chi NSNN 1.387.143 1.100.559 1.128.526 -20,66 2,54 Trong đó:
- Chi đầu tư phát
triển 475.184 268.096 169.509 -43,58 -36,77
- Chi thường
xuyên 846.866 832.463 843.484 -1,70 1,32
(Nguồn: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH huyện Đại Từ các năm 2020, 2021, 2022) Số liệu trong bảng trên cho thấy, trong giai đoạn 2020 – 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và do ảnh hưởng của kinh tế trong và ngoài nước, thu cân đối cân sách (trừ cấp QSD đất) của huyện Đại Từ đang có xu hướng giảm dần từ 210.344 triệu đồng năm 2020 xuống chỉ còn 198.252 triệu đồng năm 2021 và năm 2022 là 157.921 triệu đồng. Trong khi tổng chi NSNN của huyện tương đối ổn định, nên ngân sách tỉnh phải bổ sung khá nhiều cho ngân sách huyện.
Để đảm bảo hoạt động của bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức khác và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chi thường xuyên NSNN của huyện vẫn tương đối ổn định. Năm 2020, tổng chi thường xuyên là 846.866 triệu đồng, đến năm 2021 con số này là 832.463 triệu đồng và năm 2022 là 843.484 triệu đồng. Như vậy có thể thấy, mặc dù nguồn lực tài chính có hạn nhưng các cấp chính quyền địa phương vẫn ưu tiên phân bổ ngân sách để đảm bảo duy trì hoạt động động của chính quyền địa phương, trong đó có đội ngũ nguồn nhân lực cấp xã.
Bên cạnh ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế địa phương, tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định đã tạo môi trường thuận lợi để huyện phát triển kinh tế, từ đó huyện có điều kiện đầu tư kinh phí, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc cho đội ngũ nguồn nhân lực của ủy ban; các chế độ, chính sách đối với nguồn nhân lực cấp xã được thực hiện tốt và đầy đủ hơn.
- Thị trường lao động
“Thị trường lao động” muốn nói đến ở đây chính là các ứng viên tham gia thi tuyển, xét tuyển làm CBCC và người HĐKCT tại cơ quan UBND cấp xã trên địa bàn huyện Đại Từ. Thái Nguyên được coi là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn của cả nước với quy mô tổng cộng hàng chục trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp, các Viện Nghiên cứu. Đây là thuận lợi rất lớn cho tỉnh Thái Nguyên nói chung và cho huyện Đại Từ nói riêng khi có sẵn lực lượng lao động có trình độ cao. Tuy nhiên, để có thể tuyển dụng được những lao động có trình độ cao này vào làm việc tại UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đại Từ, đòi hỏi huyện và tỉnh phải có cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi phù hợp.