Chương 3 THỰC TRẠNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ĐẠI TỪ, TỈNH THÁI NGUYÊN
3.3 Các hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
3.3.4. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cấp xã
Công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và nguồn nhân lực cấp xã nói riêng luôn được huyện ủy, UBND huyện Đại Từ quan tâm và chú trọng. Với mục tiêu chuẩn hóa nguồn nhân lực cấp xã về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, kiến thức về quản lý nhà nước, các kỹ năng cần thiết trong quá trình thực thi công vụ…hàng năm huyện Đại Từ đã tiến hành đào tạo, bồi dưỡng cho nguồn nhân lực cấp xã theo các nội dung cơ bản sau:
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức danh chuyên môn mà cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách đảm nhiệm.
- Đào tạo, bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị theo tiêu chuẩn quy định cho các chức danh cán bộ, ngạch công chức và chức danh lãnh đạo quản lý; tổ chức phổ biến các văn kiện, nghị quyết của Đảng và Nhà nước.
- Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước: Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo chương trình quy định cho các công chức và chức danh lãnh đạo quản lý, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý chuyên ngành theo chế độ quy định bắt buộc hàng năm (5 ngày /năm) đối với công chức theo quy định tại khoản 4, điều 4 nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 5/3/2010 của Chính phủ về đào tạo bồi dưỡng công chức (Chính phủ, 2010); Ngoài ra còn bồi dưỡng văn hóa công sở, kiến thức hội nhập quốc tế, các kỹ năng tin học, ngoại ngữ, kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng lãnh đạo, quản lý….
Quy trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cấp xã ở huyện Đại Từ gồm các bước như sau:
Bước 1: Xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng Bước 2: Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng Bước 3: Lựa chọn đối tượng đào tạo, bồi dưỡng
Bước 4: Sắp xếp thời gian cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng
Bước 5: Đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng.
Những năm vừa qua, Huyện ủy, UBND huyện Đại Từ cùng các ban ngành đoàn thể đã tích cực triển khai thực hiện các biện pháp để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cấp xã một cách tích cực quyết liệt và có hiệu quả nhằm cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cấp xã đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Đặc biệt là ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, cán bộ nữ… Kết hợp nhiều hình thức đào tạo như đào tạo tại chức, đào tạo tập trung ngắn hạn và dài hạn…
Đồng thời, khuyến khích mạnh mẽ phong trào tự học tập nâng cao trình độ đối với nguồn nhân lực cấp xã.
Dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể, cùng sự cố gắng và nỗ lực phấn đấu học tập của nguồn nhân lực cấp xã, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cấp xã trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và được thể hiện qua bảng 3.13 dưới đây.
Kết quả đào tạo, bồi dưỡng cho thấy, trong giai đoạn 2020 – 2022 đã có tất cả 5.150 lượt CBCC và người HĐKCT được cử đi tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng
với các nội dung đào tạo đa dạng, phong phú, trong đó, các khóa đào tạo chuyên môn nghiệp vụ có đông đảo nguồn nhân lực cấp xã tham gia nhất. Ngoài ra, nguồn nhân lực cấp xã còn được tham gia các khóa đào tạo lý luận chính trị, quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ.
Bảng 3.20: Kết quả đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cấp xã trên địa bàn huyện Đại Từ giai đoạn 2020 - 2022
Nội dung đào tạo
Năm 2020 (Lượt người)
Năm 2021 (Lượt người)
Năm 2022 (Lượt người)
Chênh lệch 2021/2020
(%)
Chênh lệch 2022/2021
(%) Chuyên môn nghiệp vụ 1.057 1.435 2.301 35,76 60,35
Lý luận chính trị 32 26 35 -18,75 34,62
Quản lý nhà nước 30 59 37 96,67 -37,29
Tin học 21 28 24 33,33 -14,29
Ngoại ngữ 25 17 23 -32,00 35,29
Tổng số 1.165 1.565 2.420 34,33 54,63
(Nguồn: Báo cáo tổng kết hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức huyện Đại Từ năm 2020, 2021, 2022) Có thể thấy, số lượt người được đào tạo, bồi dưỡng có xu hướng tăng qua các năm, từ 1.165 lượt năm 2020 tăng lên đạt 1.565 lượt năm 2021 và năm 2022 là 2.420 lượt. Nguyên nhân của sự biến động này chủ yếu là do 02 năm 2020 và năm 2021 chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng gặp khó khăn trong việc triển khai, hình thức học chủ yếu trong giai đoạn này là học trực tuyến. Đến năm 2022, khi tình hình dịch bệnh đã giảm dần, các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục được triển khai mạnh mẽ đến các CBCC và người HĐKCT cấp xã.
Một số khóa bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho nguồn nhân lực cấp xã đã được huyện Đại Từ đã triển khai được thể hiện ở bảng 5 Phụ lục 03.
Tuy nhiên, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cấp xã trên toàn huyện thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém chưa đáp ứng được yêu cầu của công
tác đổi mới. Đào tạo, bồi dưỡng còn chạy theo số lượng, việc lựa chọn sai đối tượng, không đúng chuyên ngành cần đào tạo dẫn tới việc sử dụng không hiệu quả. Ngoài ra chưa quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ dự nguồn sau đào tạo. Dần tới chất lượng của đội ngũ này không được nâng cao, tốn kém thời gian, chi phí đào tạo.
Đối với thái độ của người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu vẫn là đối phó, học cho qua để chuẩn hóa bằng cấp chuyên môn theo tiêu chuẩn chức danh công chức hoặc được đề bạt, bổ nhiệm, được chuyển ngạch cao hơn, thậm chí học để “đánh bóng” tên tuổi của mình chứ chưa thực sự có mục đích học để nâng cao trình độ, phục vụ cho công việc chuyên môn.
Đối với cơ quan cử CBCC và người HĐKCT cấp xã đi đào tạo, bồi dưỡng có xem xét, lựa chọn nhưng chủ yếu dựa vào thâm niên công tác, ngạch bậc lương, các mối quan hệ.
Đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn nặng về lý luận, dàn trải, thiếu sự liên thông, liên kết, kế thừa, thiếu tính thiết thực, chưa đi sâu vào rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ công tác cho và người HĐKCT cấp xã. Do đó, một số CBCC và người HĐKCT cấp xã mặc dù đã được đào tạo, bồi dưỡng qua nhiều trường lớp nhưng vẫn còn lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
* Kết quả khảo sát về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cấp xã Kết quả khảo sát đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, CBCC và người HĐKCT cấp xã về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cấp xã trên địa bàn huyện Đại Từ được thể hiện qua bảng 6 Phụ lục 03.
Kết quả khảo sát cho thấy, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cấp xã không được các đối tượng được khảo sát đánh giá cao. Trong số 07 tiêu chí được đưa ra để đánh giá về công tác này chỉ có 02 tiêu chí được được đánh giá cao, còn lại 05 tiêu chí không được đánh giá cao. Cụ thể như sau:
Các tiêu chí được đánh giá cao gồm: “Cơ hội đào tạo, bồi dưỡng giữa các CBCC và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã là bình đẳng” và tiêu chí “Hình thức, phương pháp, nội dung đào tạo, bồi dưỡng đa dạng, phong phú”.
Các tiêu chí không được đánh giá cao gồm: “Các địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cấp xã cả trong ngắn hạn và dài hạn”, “Công
tác đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện theo kế hoạch đề ra”, “Hình thức phương pháp, nội dung đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”, “Công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với công tác quy hoạch, sử dụng nguồn nhân lực cấp xã”
và tiêu chí “Nguồn nhân lực cấp xã sau khi được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao được hiệu quả công việc”.
Thực tế, trong thời gian qua, huyện Đại Từ đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hoặc cử CBCC và người HĐKCT tham gia rất nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng với nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với từng khối như khối Đảng, khối đoàn thể, khối chính quyền. Các hình thức đào tạo cũng rất đa dạng, trong giai đoạn 2020 – 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 phải giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc, do đó rất nhiều khóa học online đã được tổ chức. Thời gian thực hiện các khóa học cũng rất đa dạng, gồm cả ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cấp xã trên địa bàn huyện Đại Từ cũng còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cấp xã chưa theo kế hoạch, tiêu chí rõ ràng, nhiều nơi việc đào tạo, bồi dưỡng chỉ chú ý để công chức hoàn thành các tiêu chuẩn công chức, chú trọng bằng cấp, chứng chỉ mà chưa thực sự chú trọng đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và phù hợp với nhu cầu, yêu cầu sử dụng trong thực tế, do đó, chưa khuyến khích ý thức tự đào tạo của CBCC và người HĐKCT theo công việc cụ thể. Việc đào tạo, bồi dưỡng đã có những cải tiến về nội dung, chương trình nhưng vẫn còn nặng về lý thuyết, việc rèn luyện các kỹ năng thực hành còn ít, đặc biệt là kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc.Việc đào tạo, bồi dưỡng CBCC và người HĐKCT cấp xã không được xây dựng thành chương trình, kế hoạch dài hạn. Công tác đào tạo bồi dưỡng chưa gắn quy hoạch và sử dụng nên còn mang tính hình thức, chưa sát với đòi hỏi của thực tiễn, còn tình trạng có nơi cử người đi học cho đủ chỉ tiêu số lượng.