CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ ĐỔI MỚI CƠ CẤU HÀNG XUẤT NHẬP KHẨU NHẰM HẠN CHẾ NHẬP SIÊU
1.1 Một số vấn đề lý thuyết về đổi mới cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu
1.1.2 Một số vấn đề lý thuyết về đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu
(1) Khái niệm “Đổi mới”
“Đổi mới“ hay “Đổi mới sáng tạo“ trong tiếng Anh là “Innovation”. Có rất nhiều định nghĩa về “Đổi mới sáng tạo“ trên thế giới, trong đó định nghĩa của OECD được sử dụng rộng rãi là: "Thực hiện một sản phẩm mới hay một sự cải tiến đáng kể (đối với một loại hàng hóa hay dịch vụ cụ thể), một quy trình, phương pháp marketing mới, hay một phương pháp tổ chức mới trong thực tiễn kinh doanh, tổ chức nơi làm việc, hay các mối quan hệ đối ngoại" (OECD, 2005).
Theo đó, OECD (2005) xác định bốn loại Đổi mới sáng tạo:
Đổi mới sáng tạo sản phẩm: hàng hóa hay dịch vụ được cải tiến đáng kể. Bao gồm những cải tiến đáng kể về thông số kỹ thuật, thành phần và vật liệu, phần mềm trong sản phẩm, đặc tính thân thiện với người sử dụng và các đặc điểm chức năng khác.
Đổi mới sáng tạo quy trình: Phương pháp phân phối hay sản xuất mới hay được cải thiện đáng kể. Bao gồm những thay đổi đáng kể về kỹ thuật, thiết bị và / hoặc phần mềm.
Đổi mới sáng tạo hoạt động tiếp thị (marketing): Một phương pháp tiếp thị (marketing) mới liên quan đến những thay đổi đáng kể trong thiết kế sản phẩm hoặc bao bì, sắp xếp sản phẩm, quảng bá sản phẩm hoặc định giá.
Đổi mới sáng tạo tổ chức: Phương pháp tổ chức mới trong thực tiễn kinh doanh, tổ chức nơi làm việc hoặc quan hệ đối ngoại.
(2)Khái niệm “Đổi mới cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu”
Với định nghĩa về “Đổi mới sáng tạo” của OECD (2005) được đề cập ở mục trên, có thể đưa ra định nghĩa “Đổi mới cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu” như sau: .
“Đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu là một quá trình cải tiến cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa hiện thời để đảm bảo tính hiệu quả trong quan hệ thương mại với một hoặc nhiều nước đối tác và sự phát triển bền vững của một quốc gia“.
Đổi mới cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa không phải chỉ giới hạn trong đổi mới sản phẩm mà phải được thực hiện đồng thời với đổi mới quy trình, đổi mới hoạt động tiếp thị và đổi mới tổ chức.
Đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu thông qua đổi mới sản phẩm: đổi mới hàm lượng công nghệ, thành phần, đặc tính trong hàng hóa xuất nhập khẩu
Đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu thông qua đổi mới quy trình: Đổi mới quy trình sản xuất, đổi mới phương thức xuất nhập khẩu hàng hóa
Đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu thông qua đổi mới hoạt động tiếp thị: đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại tầm vi mô và vĩ mô với các thị trường truyền thống và tiềm năng.
Đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu thông qua đổi mới tổ chức: Đổi mới chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, đổi mới chính sách thương mại và đầu tư của nhà nước...
“Đổi mới“ trong cơ cấu hàng xuất nhập khẩu phải được hiểu là sự thay đổi đáng kể về tỷ trọng giữa các nhóm hàng hóa được xuất khẩu và nhập khẩu của một nước với một hoặc nhiều đối tác.
Đổi mới trong cơ cấu hàng xuất nhập khẩu không thể diễn ra quá nhanh bởi cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu là hệ quả của cơ cấu kinh tế và cơ cấu sản xuất của một quốc gia . Cơ cấu kinh tế phải thay đổi thì mới có được sự thay đổi trong cơ cấu xuất nhập khẩu. Về cơ bản, cơ cấu kinh tế cũng chỉ có thể chuyển dịch từ từ, không thể có sự đổi mới nhanh chóng toàn diện trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, tính “mới“ thể hiện ở sự lựa chọn mặt hàng chủ lực để tập trung khai thác xuất khẩu sao cho phù hợp với xu thể chuyển dịch, nằm trong tầm khả năng hoặc lợi thế của nước xuất khẩu, là sản phẩm mà nước nhập khẩu có nhu cầu lớn và lâu dài.
1.1.2.2 Chủ thể đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu song phương
Trong nghiên cứu này, tác giả xác định cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của một quốc gia chỉ có thể thực hiện được nếu có sự kết hợp của cả ba chủ thể Chính phủ, Doanh nghiệp và Nhà khoa học.
(1) Chủ thể Nhà nước
Nhà nước tác động đến đổi mới cơ cấu xuất nhập khẩu thông qua việc đổi mới mô hình tăng trường, đổi mới các các chính sách khuyến khích xuất nhập khẩu, tích cực đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại, đưa ra định hướng phát triển kinh tế quốc gia cũng như các chính sách vĩ mô khác. Nhà nước không phải là chủ thể duy nhất nhưng là chủ thể quan trọng nhất trong đổi mới cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu.
(2) Chủ thể Doanh nghiệp
Doanh nghiệp gồm có doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại. Cả hai loại doanh nghiệp này, dù ở quy mô và hoạt động trong lĩnh vực nào cũng đều góp phần rất lớn trong đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu song phương.
Doanh nghiệp sản xuất góp phần đổi mới cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua việc đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất để đổi mới hàm lượng chế
biến trong sản phẩm, không ngừng khai thác sản phẩm mới, nâng cao năng lực và chi phí cho công tác nghiên cứu và phát triển….
Doanh nghiệp thương mại góp phần đổi mới cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua đổi mới chiến lược kinh doanh ngắn hạn và dài hạn với thị trường nước đối tác, đổi mới phương thức tiến hành xúc tiến thương mại tầm vi mô với thị trường nước đối tác cũng như các thị trường tiềm năng khác.
(3) Chủ thể Nhà khoa học
Các nhà khoa học dù ở tổ chức hay ngành nghề nào cũng có thể góp phần rất lớn vào quá trình đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu thông qua các nghiên cứu lý thuyết hay ứng dụng của mình.
Về nghiên cứu lý thuyết: Các công trình nghiên cứu đi sâu tìm hiểu đặc điểm, nhu cầu tiêu dùng theo vùng miền của các nước đối tác thương mại, dự báo những xu hướng tiêu dùng mới…có thể là căn cứ rất có tác dụng cho các doanh nghiệp sản xuất phát triển sản phẩm và doanh nghiệp thương mại triển khai thị trường mới.
Về nghiên cứu ứng dụng: các nhà khoa học thông qua các phát minh, sáng chế, sáng kiến đổi mới trong sản xuất…tạo đột phá trong sản xuất, giúp nâng cao vị thế công nghệ, giúp nâng cao vị trí quốc gia trong các mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu.
1.1.2.3 Tiêu chí đánh giá sự đổi mới trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa song phương
Hiện nay tại Việt Nam, chưa có một nghiên cứu nào đưa ra các tiêu chí cụ thể và đầy đủ để đánh giá sự đổi mới cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu song phương.
Trong nghiên cứu này, tác giả đưa ra hai tiêu chí là lớn là Tính hiệu quả trong quan hệ thương mại song phương và Khả năng đảm bảo phát triển bền vững quốc gia
(1) Tính hiệu quả trong quan hệ thương mại song phương
Tính hiệu quả trong quan hệ thương mại song phương của đối mới cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có thể được xem xét qua các tiêu chí sau:
Đổi mới cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu phải tận dụng được lợi thế so sánh quốc gia: tỷ trọng giữa các nhóm hàng được xuất-nhập khẩu giữa hai nước có sự thay đổi căn bản theo chiều hướng có lợi cho cả hai bên. Sự đổi mới này cần có sự đột phá và phải tạo ra một cơ cấu hàng hóa mà trước đó hai nước chưa từng đạt được trong thương mại song phương.
Đổi mới cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu phải tác động tích cực đến tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu và cán cân thương mại song phương: Sự đổi mới trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước cần đảm bảo kim ngạch xuất và nhập khẩu hàng hóa ngày càng tăng sự nhưng cán cân thương mại hàng hóa giữa hai nước không mất cân bằng quá lớn trong dài hạn.
Đổi mới cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu song phương phải tận dụng được các ưu đãi trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương: Sự đổi mới cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu song phương cần tận dụng được những ưu đãi thuế quan và hạn ngạch trong các thỏa thuận hợp tác và FTA song phương, cũng như không vi phạm các thỏa thuận hợp tác và FTA mà hai nước đã ký kết khác.
(2)Khả năng đảm bảo phát triển bền vững quốc gia
"Phát triển bền vững" là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường (Kaulin, Freinkman, 2009). Sự đổi mới trong cơ cấu xuất nhập khẩu theo đó cần đảm bảo:
Đổi mới cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế:
Đổi mới cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu song phương cần góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế, góp phần đưa quốc gia hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới.
Đổi mới cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu phải không tác động xấu đến môi trường: Cơ cấu hàng xuất nhập khẩu song phương cần đổi mới theo hướng hướng giảm xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, giảm nhập khẩu hàng hóa chất
lượng kém, công nghệ lạc hậu gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và môi trường tự nhiên.
Đổi mới cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu phải góp phần phát triển xã hội: Cơ cấu hàng xuất nhập khẩu song phương cần được đổi mới theo hướng tác động tích cực công ăn việc làm, khuyến khích nâng cao tay nghề cho người lao động.