CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG ĐỔI MỚI CƠ CẤU HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU VIỆT NAM NHẰM HẠN CHẾ NHẬP SIÊU VỚI TRUNG QUỐC
2.4 Thực trạng các thành tố tác động đến đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu Việt-Trung
2.4.3 Thành tố Các ngành công nghiệp phụ trợ
Ở Việt Nam, công nghiệp phụ trợ chỉ toàn bộ những sản phẩm công nghiệp có vai trò hỗ trợ cho việc sản xuất các thành phẩm chính, như linh kiện, phụ liệu, phụ
tùng, sản phẩm bao bì, nguyên liệu để sơn, nhuộm...và bao gồm cả sản phẩm trung gian, nguyên liệu sơ chế. Sản phẩm công nghiệp phụ trợ thường được sản xuất với quy mô nhỏ, thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay Việt Nam có khoảng 30 ngành kinh tế - kỹ thuật cần đến công nghiệp phụ trợ. Trong đó, nhiều ngành sản xuất hàng xuất khẩu mang lại kim ngạch hàng chục tỷ USD mỗi năm nhưng phải nhập khẩu tới 80-85% nguyên liệu, tỷ lệ giá trị gia tăng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cơ cấu sản phẩm như sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, dệt may, da giày.
Công nghiệp phụ trợ Việt Nam giai đoạn 2002-2016 còn chậm phát triển, sản phẩm ít, phải nhập khẩu nên sản xuất trong nước phụ thuộc lớn vào nguồn cung ứng đầu vào từ bên ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Theo điều tra của tác giả, tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất 5 năm trở lại đây, mức 0-10% chiếm 26 %, mức 11-30% chiếm 17%, mức 31-50% chiếm 26%, mức 51-70% chiếm 17%
và mức trên 71% chỉ chiếm 14%. Doanh nghiệp Việt không hoặc ít sử dụng nguyên liệu đầu vào trong nước vì giá thành cao chiếm 17%, chất lượng không đảm bảo chiếm 14%, sản lượng không đáp ứng được nhu cầu chiếm 15%, do cả ba nguyên nhân kể trên chiếm 36%. 36% doanh nghiệp không có kế hoạch tăng tỷ lệ sử dụng hàng trong nước vì lý do công nghiệp phụ trợ trong nước chưa phát triển (phụ lục 2).
2.4.3.1 Ngành ô tô, xe máy
Theo số liệu của Viện Chiến lược công nghiệp (Bộ Công Thương), đến năm 2015, trong số khoảng 500 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực chế tạo, chỉ khoảng 200 doanh nghiệp trong nước đủ trình độ tham gia sản xuất cho nước ngoài, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xe máy và điện tử. Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 09 chỗ ngồi: mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến năm 2016 mới đạt bình quân khoảng 7- 10%. (Bộ Công thương, 2017). Tuy nhà nước đã có chủ trương bảo hộ cho các liên doanh sản xuất ô tô, các hãng đưa ra cam kết ban đầu sẽ nội địa hóa 40% sau khi đầu tư vào Việt Nam nhưng đến nay tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt 30%. Phần lớn các nhà sản xuất trong nước nhập linh kiện rồi tiến hành lắp ráp nên chi phí sản xuất tăng cao.
Niên giám thông kê công nghiệp hỗ trợ các ngành chế tạo Việt Nam 2016-2017 (SIDEC, 2016) cho thấy hiện Việt Nam có 158 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng cung cấp cho các doanh nghiệp lắp ráp cơ khí, bao gồm cả ô tô, xe máy. Các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ cho xe máy chỉ chủ yếu sản xuất các linh kiện đơn giản như giảm xóc, đồng hồ báo xăng, bộ dây điện, yên xe nhưng chưa sản xuất được những bộ phận chính như động cơ, hộp số...Hầu hết các linh phụ kiện này Việt Nam nhập khẩu từ các nước châu Á, trong đó nhiều nhất là từ Trung Quốc.
2.4.3.2 Ngành điện tử, điện máy
Trong ngành điện tử, điện máy hiện nay, đã có hàng loạt hãng điện tử lớn đầu tư vào Việt Nam nhằm tận dụng giá nhân công rẻ, lao động dồi dào, nhiều ưu đãi về chính sách tài chính, thuế, đất đai. Nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam thường kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ từ nước ngoài, tỷ lệ doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi giá trị rất ít. Đến nay, cả nước chỉ có 14 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện điện tử (SIDEC, 2016), đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và không có doanh nghiệp nào đầu tư vào sản xuất vật liệu điện tử.
Các doanh nghiệp điện tử trong nước chủ yếu khai thác sản phẩm cũ, chưa có đột phá lớn. Các doanh nghiệp FDI trong ngành điện tử, điện máy đang đứng trước sức ép phải giảm chi phí linh - phụ kiện và nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm, nhưng do số doanh nghiệp phụ trợ rất ít, chất lượng linh - phụ kiện chưa đảm bảo nên phần lớn các doanh nghiệp FDI phải nhập khẩu.
2.4.3.3 Ngành dệt may
Ngành công nghiệp dệt may chiếm 15-20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt nam và chiếm trên 50% kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp, bình quân mỗi năm tăng 20% . Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt hơn 28 tỷ USD. Để đạt được kim ngạch xuất khẩu đó, ngành dệt may đã tiêu thụ hết 8,9 tỷ m2 vải nhưng các nhà máy trong nước chỉ sản xuất được 2,8 tỷ m2 vải, còn lại phải nhập khẩu hơn 6 tỷ m2 vải và phụ liệu, với tổng giá trị gần 17 tỷ USD (Xuân Anh, 2017). Tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu ngành dệt may chỉ đạt 3 - 8%, còn chủ yếu là nhập nguyên liệu, thậm chí nhập sản phẩm bán thành phẩm về gia công sau đó xuất khẩu để tận dụng
nhân công giá rẻ và các ưu đãi của Nhà nước. Theo số liệu của Viện Chiến lược công nghiệp (Bộ Công Thương), ngành dệt may dự kiến nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 60% vào năm 2015 và 70% vào 2020, nhưng đến năm 2015 vẫn phải nhập khẩu 99% bông, 60% sợi, 70% vải. Nguyên nhân là năng lực các nhà máy cơ khí chuyên ngành dệt may chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành. Ngay cả Tổng Công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex) dù có tiềm lực lớn trong sản xuất và xuất khẩu nhưng việc phát triển các doanh nghiệp phụ trợ trong Tổng Công ty còn gặp nhiều khó khăn.
2.4.3.4 Ngành da giày
Da giày là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng năm chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đáp ứng 50% nhu cầu tiêu dùng trong nước và giải quyết việc làm cho hơn một triệu lao động. Tuy nhiên, Việt Nam không phát triển sản xuất giày dép song song với phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu da giày như Trung Quốc đã làm. Sự yếu kém về công nghệ, thiết bị và thiếu nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp là nguyên nhân công nghiệp phụ trợ da giày Việt Nam không phát triển.
Những doanh nghiệp FDI sản xuất da giày (Đài Loan, Hàn Quốc...) phải chuyển hầu hết máy móc thiết bị, đội ngũ quản lý, kỹ thuật viên từ nước ngoài vào Việt Nam để sản xuất, đồng thời chỉ định cả nguồn cung cấp nguyên phụ liệu nhập khẩu - chủ yếu từ Trung Quốc.
Hiện ở Việt Nam cũng đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành da giày như da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm phom, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất... nhưng số lượng và quy mô còn nhỏ bé, chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Các doanh nghiệp da giày muốn có đủ nguyên liệu sản xuất, phải nhập khẩu nguyên phụ liệu với kim ngạch hàng tỷ USD. Nguyên phụ liệu khác như giả da, vải dệt, đế giày, phom, khoen, khóa, chi tiết trang trí, keo, dây giày…có tỉ lệ nội địa hóa cao hơn da thuộc, nhưng lại không thể cạnh tranh về giá với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cơ khí chế tạo phụ tùng, phụ kiện, hóa chất, dệt vải…hỗ trợ cho ngành này cũng trong tình trạng kém phát triển.