Thành tố Doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu trong quan hệ thương mại với trung quốc nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu (Trang 97 - 101)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG ĐỔI MỚI CƠ CẤU HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU VIỆT NAM NHẰM HẠN CHẾ NHẬP SIÊU VỚI TRUNG QUỐC

2.4 Thực trạng các thành tố tác động đến đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu Việt-Trung

2.4.4 Thành tố Doanh nghiệp

Không chỉ những bất cập từ phía chính phủ khiến cơ cấu hàng xuất nhập khẩu Việt Nam với Trung Quốc tồn tại nhiều bất cập mà nhìn từ phía doanh nghiệp cũng có nhiều hạn chế cần khắc phục. Trong luận án này, xuất phát từ đặc điểm giao thương giữa hai nước mà phạm vi “doanh nghiệp“ được xác định rộng hơn, bao gồm các doanh nghiệp, các tư thương, thương lái người Việt Nam và các hộ nông dân có giao thương với Trung Quốc. Số liệu của phần này một phần được tác giả rút ra từ báo cáo kết quả điều tra Doanh nghiệp được thực hiện phục vụ cho nghiên cứu (Phụ lục 2)

2.4.4.1 Xúc tiến thương mại tầm vi mô kém hiệu quả

Xúc tiến thị trường tầm vi mô là hoạt động do các doanh nghiệp thực hiện nhằm tham quan, khảo sát, nghiên cứu thị trường, trực tiếp đàm phán và ký kết các hợp đồng xuất khẩu. Các doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm thông tin, thăm dò thị trường và lựa chọn đối tác, xác định giá và các điều kiện cụ thể về giao dịch, mua bán, thanh toán….

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hiện nay là thiếu thông tin về thị trường và yếu kém trong khâu quảng bá sản phẩm. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa do hạn chế về kinh phí nên mức đầu tư cho hoạt động xúc tiến thương mại chưa thỏa đáng. Phần lớn doanh nghiệp còn trông chờ vào các cơ quan xúc tiến thương mại nhà nước nên ở thế bị động và phụ thuộc. Dù thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng nhưng doanh nghiệp lại thiếu thông tin về các thị trường mới, từ đó bị giới hạn thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Tiếp cận thị trường Trung Quốc vẫn là một khó khăn lớn với các doanh nghiệp Việt Nam, dù Trung Quốc là thị trường láng giếng có chung đường biên giới. 45%

doanh nghiệp cho biết, khó khăn lớn nhất khi tiếp cận thị trường Trung Quốc là

“Không có cơ hội tiếp cận trực tiếp khách hàng“, tức là không có cơ hội sang tận nơi nghiên cứu thị trường. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa đầu tư nghiên cứu sâu về thị trường Trung Quốc. Theo kết quả điều tra, chỉ có 13% doanh nghiệp có chiến lược tiếp cận và thâm nhập thị trường Trung Quốc cụ thể và dài hạn, 65%

không có và 22% tạm thời chưa có. Chỉ có 26% doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung

Quốc bằng đường chính ngạch, còn tiểu ngạch chiếm đến 67%. Do yếu kém trong khâu xúc tiến thương mại, đến 70% doanh nghiệp chỉ xuất khẩu được sang tỉnh gần nhất với Việt Nam của Trung Quốc là Quảng Tây, còn 30% doanh nghiệp xuất khẩu được sang các tỉnh thành xa hơn (phụ lục 2).

2.4.4.2 Chưa chú trọng công tác xây dựng thương hiệu

Việc không đầu tư đăng ký thương hiệu cho hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp và tư thương Việt Nam cũng là một nguyên nhân khiến nhập siêu từ Trung Quốc khó giảm. Chỉ có 26% doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đã được đăng ký thương hiệu tại Việt Nam, 72% doanh nghiệp xuất khẩu hàng chưa đăng ký thương hiệu tại Việt Nam, chỉ có 2% đầu tư đăng ký thương hiệu cả ở Việt Nam và Trung Quốc (phụ lục 2). Đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, hầu hết các hộ sản xuất không đăng ký thương hiệu cho sản phẩm của mình mà sau khi thu hoạch là bán luôn cho tư thương Trung Quốc. Nhiều loại nông sản Việt Nam đưa về Trung Quốc sau đó lại được xuất khẩu sang nhiều thị trường khác với thương hiệu Trung Quốc. Tình trạng này khiến người sản xuất Việt Nam vừa mất thương hiệu vừa không thu được lợi nhuận cao vì bán hàng với giá rẻ.

Các hộ tư thương kinh doanh lâu năm ở nhiều làng nghề truyền thống và nổi tiếng ở Việt Nam như làng Lụa Vạn Phúc (Hà Đông-Hà Nội) hay làng Gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm-Hà Nội) cùng bày bán rất nhiều đồ gốm hay lụa Trung Quốc. Các hộ sản xuất ở Vạn Phúc hầu như không còn một nhà nào còn dệt lụa mà nhập lụa cũng như quần áo Trung Quốc bày bán. Điều này cho thấy họ không có ý thức bảo tồn và duy trì thương đã được xây dựng sẵn của mình, mà lại tự nguyện “bán hàng thuê“ cho Trung Quốc. Thậm chí, nhiều người bán hàng Việt Nam chỉ vì ham lợi nhuận mà bán khoai tây, dâu tây Trung Quốc giả thương hiệu của Đà Lạt, nho Trung Quốc giả nho Ninh Thuận, mận, đào Trung Quốc giả mận, đào của Lạng Sơn... Hành động này vừa phá hoại thương hiệu trong nước, vừa khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào chất lượng thương hiệu Việt, khiến hàng Việt Nam thua ngay trên sân nhà. Đạo đức kinh doanh của các tư thương Việt Nam lúc này rõ ràng là đang tiếp tay triệt đường phát triển của chính các doanh nghiệp Việt Nam, khiến

cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa Viêt-Trung trở nên bất lợi cho Việt Nam, từ đó gián tiếp làm gia tăng tình trạng nhập siêu.

2.4.4.3Chưa tạo được niềm tin với người tiêu dùng trong nước

Một trong những nguyên nhân khiến hàng tiêu dùng Việt Nam thất thế trên sân nhà, nhường thị trường cho hàng ngoại là do các doanh nghiệp sản xuất trong nước chưa tạo dựng được niềm tin đối với người tiêu dùng trong nước. Các thương hiệu “thuần Việt“ như Điện cơ Thống Nhất, khóa Việt Tiệp, cao su Sao Vàng, dệt kim Đông Xuân...tuy chất lượng ổn định nhưng mẫu mã lạc hậu, hệ thống phân phối theo kiểu quốc doanh nên mất dần vị trí trong lòng người Việt. Các doanh nghiệp có chỗ đứng vững hơn trên thị trường như Bitis, Bitas... thì thiết kế mẫu mã cũng chưa hẳn đã thích hợp với nhiều đối tượng khách hàng trong nước.

Người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng đón nhận các thương hiệu thực phẩm thuần Việt hơn là các thương hiệu trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến khác. Họ vẫn có tâm lý đánh giá thấp thương hiệu trong nước so với thương hiệu nước ngoài.

Thêm vào đó là công tác bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp sản xuất chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng được trà trộn vào tiêu thụ trên thị trường. Người tiêu dùng mua phải hàng nhái sẽ dần mất niềm tin vào thương hiệu và chuyển sang dùng hàng ngoại nhập.

Kết quả khảo sát người tiêu dùng Việt Nam do Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) tổ chức cũng cho thấy, người tiêu dùng rất lo ngại vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó 25% số người được khảo sát lo ngại doanh nghiệp Việt Nam sử dụng chất cấm trong sản xuất và bảo quản, sử dụng nguyên liệu không bảo đảm chất lượng để sản xuất (Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, 2017).

2.4.4.4Thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước

Trong mỗi nền kinh tế, khi các doanh nghiệp trong nội bộ một ngành thiếu sự liên kết thì sẽ khó có các doanh nghiệp mạnh và dẫn đến sự yếu kém của toàn ngành.

Sự hoạt động kém hiệu quả này dẫn đến nhiều hậu quả như các doanh nghiệp không thể hoặc không muốn hỗ trợ nhau về mặt thông tin, kinh nghiệm làm ăn tại một thị

trường cụ thể, thiếu sự tin tưởng giữa các doanh nghiệp với nhau cũng như giữa doanh nghiệp với Hiệp hội ngành hàng, thậm chí khi không hoạt động theo chuỗi, các doanh nghiệp rất dễ gây khó khăn cho nhau. Chỉ có 60% doanh nghiệp tham gia các Hiệp hội ngành hàng, còn 40% không tham gia (phụ lục 2). Doanh nghiệp Việt trong hầu hết các lĩnh vực hiện còn thiếu tính liên kết, và điều này cũng tác động đến cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Ngành nông lâm thủy sản: Trong giao thương với Trung Quốc, ngành nông lâm thủy sản Việt Nam cũng tồn tại từ lâu hiện tượng mạnh ai nấy làm. Tiêu biểu với mặt hàng gạo, nông dân thu hoạch gạo xong sẽ phần lớn được thương lái thu gom thay vì đưa về các doanh nghiệp rồi bán ở thị trường nội địa hay quốc tế. Gạo từ tay thương lái tiếp tục được xuất ngay sang Trung Quốc khiến nguồn cung cho nội địa bị ảnh hưởng, Việt Nam lại thiếu gạo để xuất khẩu trên sàn kinh doanh quốc tế. Trong lĩnh vực thủy sản, nhiều doanh nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long cạnh tranh nhau để mua tôm nguyên liệu bán sang Trung Quốc rất mạnh. Tình trạng này gây ảnh hưởng lớn đến các nhà máy đang thực hiện hợp đồng xuất khẩu tôm sang các thị trường chiến lược, truyền thống như EU, Mỹ, Nhật vì thiếu tôm nguyên liệu.

Nhiều doanh nghiệp chỉ có thể hoạt động cầm chừng, thậm chí có doanh nghiệp chỉ hoạt động từ 30-50% công suất vì thiếu nguyên liệu.

Ngành điện tử: Hiện nay các doanh nghiệp FDI vẫn phải nhập khẩu linh kiện để lắp ráp mà chưa đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp nội địa đủ năng lực cung cấpvà có nguồn lực đủ mạnh. Tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm điện tử của Việt Nam còn rất thấp nên tỷ lệ giá trị gia tăng trong hàng xuất khẩu không cao. Đồ điện tử xuất xứ Trung Quốc đang cạnh tranh mạnh mẽ với hàng nội vì mẫu mã đa dạng mà giá cả lại hợp lý.

Ngành dệt may: Dệt may vốn là ngành thế mạnh của Việt Nam do có nguồn lao động dồi dào giá rẻ, tay nghề cao. Các công ty may Việt Nam được thành lập nhiều nhưng chủ yếu là may gia công cho các thương hiệu lớn của châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản, Hàn Quốc. Dù nhiều công ty may có mở các cửa hàng giới thiệu sản phẩm để bày bán các thiết kế của mình, thị trường đồ may mặc Việt Nam hiện gần như thuộc về Trung Quốc. Tuy Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã thành lập sự liên kết giữa các

doanh nghiệp trong Hiệp hội còn chưa hiệu quả. Thiếu liên kết dẫn đến doanh nghiệp thiếu thông tin và hỗ trợ lẫn nhau về nguồn nguyên liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ....từ đó dẫn đến mẫu mã lạc hậu, chất liệu không phong phú, giá thành sản phẩm cao và mất dần thị trường nội địa cho hàng may mặc Trung Quốc. Tình trạng nhập khẩu từ nguyên phụ liệu đến đồ may mặc thành phẩm từ Trung Quốc góp phần khiến Việt Nam nhập siêu nặng thêm từ thị trường này.

Một phần của tài liệu Đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu trong quan hệ thương mại với trung quốc nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu (Trang 97 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(223 trang)