CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ ĐỔI MỚI CƠ CẤU HÀNG XUẤT NHẬP KHẨU NHẰM HẠN CHẾ NHẬP SIÊU
1.2 Quan hệ giữa đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu và việc giảm nhập siêu song phương
1.2.1 Một số vấn đề lý thuyết về nhập siêu
Cán cân thương mại (hay xuất khẩu thuần, có khi được kí hiệu là NX) là sự chênh lệch giữa tổng giá trị xuất khẩu tính bằng tiền với tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa tính bằng tiền của một nước với nước ngoài trong một thời kỳ xác định, và được tính bằng đồng tiền của quốc gia đó (Sullivan, Sheffrin, 2003).
Cán cân thương mại thường có các trạng thái là cân bằng (tổng kim ngạch xuất khẩu bằng tổng kim ngạch nhập khẩu), thặng dư (tổng kim ngạch xuất khẩu vượt qua tổng kim ngạch nhập khẩu) và cuối cùng là thâm hụt (tổng kim ngạch xuất khẩu nhỏ hơn tổng kim ngạch nhập khẩu). Nhập siêu là cách gọi khác của thâm hụt cán cân thương mại.
1.2.1.2 Nguyên nhân dẫn đến nhập siêu song phương (1) Nguyên nhân từ xuất khẩu
Tăng trường xuất khẩu thấp hơn nhập khẩu: Xuất khẩu là nguồn động lực đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển các chuỗi dịch vụ, sản xuất, tài chính- tiền tệ, và tăng quy mô cán cân thương mại tổng thể cũng như song phương (Gros, 2013). Nếu tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của một nền kinh tế thấp hơn hoặc tương đương với tăng trưởng nhập khẩu sang nước đối tác, sẽ dẫn đến tình trạng nhập siêu song phương.
Tỷ trọng hàng thô và sơ chế quá cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu: Nếu tỷ trọng hàng thô và sơ chế còn cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của một nước sang một nước đối tác, sẽ dễ dẫn tác động tiêu cực lên cán cân thương mại song phương.
Nhóm hàng này có đặc điểm là tăng trưởng sản lượng có giới hạn, giá cả xuất khẩu những hàng hóa xuất khẩu chủ lực biến động mạnh và khó lường. Khi tỷ trọng lớn kim ngạch xuất khẩu lại phụ thuộc vào giá trên thị trường thế giới, nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp và cơ quan chức năng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sang một thì trường sẽ rất dễ bị tác động (Gallagher, 2015).
Tỷ lệ nội địa hóa của hàng hóa xuất khẩu thấp: Tỷ lệ nội địa hóa là tỷ lệ sử dụng các nguyên vật liệu và phụ tùng công nghiệp sản xuất trong nước so với nhập khẩu. Gia tăng tỷ lệ nội địa hóa có nghĩa là gia tăng tỉ lệ nguyên vật liệu và phụ tùng công nghiệp sản xuất trong nước (Yean, 2001; Palanca, 2004). Khi hàng hóa xuất khẩu của một nước sang một nước khác có tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị xuất khẩu ròng của những hàng xuất khẩu đó thấp, chưa tạo được nền tảng vững chắc để bù đắp nhập khẩu.
(2) Nguyên nhân từ nhập khẩu
Cơ cấu nhập khẩu chủ yếu là hàng hóa đầu vào sản xuất: Khi cơ cấu hàng hóa nhập khẩu song phương của một nước chủ yếu là hàng hóa thuộc nhóm thứ nhất, tức là hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu và máy móc thiết bị cho sản xuất và xuất khẩu thì nguy cơ nhập siêu cao vì đây là nhóm hàng tạo kim ngạch nhập khẩu rất cao (Mesquita, 2007; Soo, 2007)..
Nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ các dự án đầu tư: Nếu kim ngạch khẩu máy móc, thiết bị, hàng hóa của một nước từ nước đối tác để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và các dự án không xuất khẩu chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu, trong khi hiệu quả đầu tư vào các ngành này không cao, không tạo giá trị xuất khẩu sang ước đối tác đủ lớn, tình trạng nhập siêu hàng hóa có nguy cơ xảy ra (Kilpatrick, 2006).
Tâm lý chuộng dùng hàng ngoại của người tiêu dùng: Cùng với tăng trưởng kinh tế, nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng ngày càng tăng, nhất là những năm gần đây sau khi gia nhập WTO, vì nhiều hàng hóa sản xuất trong nước chưa đủ sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu và tâm lý ưa chuộng hàng ngoại của nhóm người tiêu dùng có khả năng chi
trả lớn. Nếu nhu cầu tiêu dùng hàng xa xỉ nhập khẩu (ô tô, điện thoại di động và những hàng không thiết yếu khác) quá lớn so với trình độ phát triển kinh tế trong khi nhà nước không kiểm soát quyết liệt hoặc khả năng can thiệp yếu thì sẽ gây áp lực gia tăng nhập siêu (Nguyễn Hoàng Giang (2008).
(3) Nguyên nhân từ khả năng và cơ cấu của nền kinh tế
Năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp thấp: đây cũng là nguyên nhân khiến hàng hóa của một nước khó cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ nước đối tác, đặc biệt khi nước đối tác có nền công nghiệp chế biến phát triển vượt trội hơn hẳn (Porter, 2008). Nếu nhu cầu máy móc thiết bị, đầu vào chiến lược và sản phẩm phụ trợ cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của một quốc gia quá lớn trong khi nước đối tác có thể đáp ứng tốt và nhanh chóng với mức giá cả phù hợp, trong khi nước đó lại không xuất khẩu được sang nước tối tác hàng hóa có giá trị tương xứng, cán cân thương mại giữa hai quốc gia sẽ thâm hụt trong dài hạn.
Hội nhập kinh tế quốc tế: Hội nhập kinh tế quốc tế mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho một nền kinh tế nếu biết tận dụng các ưu đãi trong FTA song phương và đa phương. Tuy nhiên, chính các FTA này cũng có khả năng tạo áp lực lớn hơn đối với nhập siêu nếu các doanh nghiệp của một nước tiếp cận dễ dàng hơn tới hàng hóa nhập khẩu của nước đối tác, khiến sức ép cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu tăng lên (Sohn, Lee, 2008).
(4) Nguyên nhân từ tỷ giá hối đoái
Tỷ giá hối đoái (còn được gọi là tỷ giá trao đổi ngoại tệ, tỷ giá Forex, tỷ giá FX hoặc Agio) giữa hai tiền tệ là tỷ giá mà tại đó một đồng tiền này sẽ được trao đổi cho một đồng tiền khác. Nó cũng được coi là giá cả đồng tiền của một quốc gia được biểu hiện bởi một tiền tệ khác (O’Sullivan, Steven, 2003).
Tỷ giá hối đoái là nhân tố quan trọng vì nó ảnh hưởng đến giá tương đối giữa hàng hóa trong nước với hàng hóa trên thị trường quốc tế. Thông qua tỷ giá, chính phủ có thể tác động đến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và cán cân thương mại quốc tế. Khi đồng tiền nội tệ mất giá (tỷ giá tăng) thì giá cả hàng xuất khẩu của quốc gia đó trở nên rẻ hơn, sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường quốc tế sẽ
được nâng cao. Khi ấy, mức cầu mở rộng và khối lượng hàng hoá xuất khẩu sẽ gia tăng. Trong khi đó, giá hàng nhập khẩu từ nước ngoài trở nên đắt hơn, do đó hạn chế nhập khẩu. Như vậy, sự tăng lên của tỷ giá làm nền kinh tế thu được nhiều ngoại tệ, cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện. Ngược lại, nếu giá của đồng nội tệ tăng lên so với đồng ngoại tệ (tỷ giá hối đoái giảm) sẽ làm cho xuất khẩu giảm đi, nhập khẩu tăng lên và cán cân thanh toán trở nên xấu hơn (Lane, Milesi, 2002).