CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG ĐỔI MỚI CƠ CẤU HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU VIỆT NAM NHẰM HẠN CHẾ NHẬP SIÊU VỚI TRUNG QUỐC
2.4 Thực trạng các thành tố tác động đến đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu Việt-Trung
2.4.6 Thành tố Cơ hội
Thành tố Cơ hội theo mô hình Kim cương thể hiện ở những nghiên cứu, phát minh có khả năng thay đổi cấu trúc của một ngành, tạo lợi thế xuất khẩu lớn. Đây là vấn đề liên quan đến mức đầu tư cho Nghiên cứu và Phát triển cũng như năng lực của đội ngũ nghiên cứu Việt Nam.
2.6.4.1Chính phủ chưa có giải pháp hiệu quả để thúc đẩy hoạt động R&D
Năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam hiện còn yếu kém, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia chưa đủ mạnh. Chỉ số tri thức toàn cầu (Global Knowledge Index - GKI) do UNDP công bố cho thấy, năm 2017 Việt Nam xếp hạng 56/131 thế giới về R&D và đổi mới sáng tạo, hạng 77 về công nghệ thông tin truyền thông, hạng 47 về giáo dục cơ sở, hạng 74 về dạy nghề, hạng 101 về giáo dục đại học và sau đại học, hạng 56/131 nước về thể chế môi trường tạo điều kiện cho việc phát triển tri thức. Xếp hạng này cho thấy điều kiện học tập và nghiên cứu tại Việt Nam còn rất hạn chế.
Nguồn: Tác giả vẽ lại theo số liệu trích xuất từ cơ sở dữ liệu của UNDP 2017 Hình 2.11: Thứ hạng của Việt Nam và Trung Quốc về Năng lực khoa học,
công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2017
Theo hình 2.11, nếu so sánh với Trung Quốc thì Việt Nam chỉ hơn Trung Quốc về tiêu chí Thể chế môi trường cho phát triển tri thức. Tất cả các tiêu chí còn
lại, Việt Nam đều xếp sau Trung Quốc khá xa. Đặc biệt là tiêu chí dạy nghề, trong khi Trung Quốc xếp thứ 23, giáo dục cơ sở xếp thứ 24 trong số 131 nước thì thứ hạng tương ứng của Việt Nam là 74 và 47. Trung Quốc xếp thứ 23 về R&D về đổi mới và sáng tạo, trong khi Việt Nam đứng thứ 56. Những thua kém này tất yếu dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về chất lượng nguồn nhân lực, tốc độ công nghiệp hóa cũng như vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu giữa hai nước, cũng là nguyên nhân khiến cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước bất lợi cho Việt Nam.
Dù đang phấn đấu trở thành công xưởng của thế giới với sự hiện diện của các thương hiệu lớn như Microsoft, Intel, Samsung, LG … nhưng Việt Nam chưa thu hút được nhiều đầu tư cho R&D. Không nhiều nhà đầu tư nước ngoài hành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam như Samsung hay Bosch. Yếu kém về nghiên cứu phát triển dẫn đến hạn chế rất lớn cho ngành công nghiệp Việt Nam. Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, hạn chế này thể hiện ở việc nhu cầu nhập khẩu linh phụ kiện từ nước ngoài phục vụ lắp ráp trong nước rất lớn. Trong khi các nước trong khu vực như Malaysia, Philippines hay Thái Lan đã xuất khẩu kim ngạch lớn linh kiện điện tử sang Trung Quốc thì Việt Nam vẫn nhập khẩu về để lắp ráp kiếm lợi từ phí gia công ít ỏi.
2.4.6.2Doanh nghiệp chưa đầu tư thỏa đáng cho hoạt động R&D
Để có những đổi mới, phát minh, sáng kiến quan trọng trong ngành, vai trò của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Thời gian qua, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng trong hàng xuất khẩu củaViệt Nam còn thấp, khiến kim ngạch xuất khẩu nói chung và với Trung Quốc nói riêng chưa cao là do doanh nghiệp còn chưa thực sự coi trọng công tác này.
Đơn vị: %
Nguồn: Tác giả vẽ theo số liệu của Bộ Công thương, WB (2017) Hình 2.12 Mức chi cho R&D/doanh thu tại các doanh nghiệp Đông Nam Á
giai đoạn 2014-2017
Doanh nghiệp Việt Nam không muốn đầu tư hoặc đầu tư nhiều cho khâu R&D.
Điều này khiến sức sản xuất để tạo ra sản phẩm mới của doanh nghiệp Việt còn kém cả các doanh nghiệp Campuchia (Bộ Công thương, WB, 2017). Theo đó, mức chi trả cho hoạt động R&D của doanh nghiệp Việt Nam đang kém hơn so với Campuchia và thuộc top dưới trong khối các nước Đông Nam Á. Doanh nghiệp Việt chỉ chi 1,6% doanh thu hàng năm cho R&D, trong khi tỷ lệ này ở Campuchia là 1,9%. Như vậy, nếu chỉ so sánh trong khu vực Đông Dương doanh nghiệp Việt lại ít quan tâm đến hoạt động đầu tư phát triển nhất. WB cũng chỉ ra rằng với các doanh nghiệp Việt, có khoảng 20% tuyên bố có đào tạo cho các nhân viên về phát triển sản phẩm hay quy trình mới. Tỷ lệ này cao hơn Lào, Malaysia, Thái Lan, tuy nhiên lại vẫn thấp hơn Campuchia và Philippines. Tỷ trọng số tiền trung bình thực chi trên tổng doanh thu dành cho R&D của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thấp hơn hầu hết các nước Đông Nam Á.
2.4.6.3Các nhà khoa học chưa phát huy tốt vai trò nghiên cứu
Vai trò của các nhà khoa học là nghiên cứu với hai mảng chính là nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu ứng dụng. Nghiên cứu lý thuyết thể hiện qua các ấn phẩm khoa học, còn nghiên cứu ứng dụng được thể hiện qua bằng phát minh sáng chế
được công nhận., Trong 15 năm (1996-2011), Việt Nam mới có trên 13 nghìn bài nghiên cứu khoa học công bố trên các tập san quốc tế, bằng khoảng 1/5 của Thái Lan, 1/6 của Malaysia, và 1/10 của Singapore. (Viện thông tin khoa học (ISI) trích qua Dương Bùi, 2013). Về số lượng bằng sáng chế, nếu chỉ tính số bằng sáng chế Mỹ công nhận (US patent) thì thành tích nghiên cứu ứng dụng của Việt Nam còn quá khiêm tốn so với các nước trong khu vực.
Việt Nam là đất nước có nhiều người tài được công nhận trong mọi lĩnh vực tại nhiều quốc gia. Năm 2016, theo công bố của Thomson Reuters, có 5 người Việt lọt vào tốp các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới (Thanh Nhàn, 2016). Có thể khẳng định, tiềm năng nghiên cứu sáng tạo trong mọi lĩnh vực của các nhà khoa học Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, thực trạng nghiên cứu, phát triển sản phẩm, chế tạo máy móc thiết bị mới còn yếu so với nhiều nước trong khu vực. Điều này thể hiện ngay ở trình độ đổi mới công nghệ và tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất chậm của nước ta. Có thể khẳng định đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam hoạt động chưa hiệu quả, chưa phát huy vai trò cốt lõi và có tác động tích cực đến năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, về tất cả các phương diện như công nghệ chế biến, mẫu mã, chất lượng...
TIỂU KẾT CHƯƠNG 2
Trong chương 2, sau khi phân tích thực trạng nhập siêu Việt Nam-Trung Quốc giai đoạn 2002-2016, luận án phân tích vai trò của đổi mới cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa tình trạng nhập siêu giữa hai nước. Nghiên cứu đánh giá mức độ đổi mới trong cơ cấu hàng xuất nhập khẩu Việt-Trung giai đoạn này theo hai tiêu chí Hiệu quả đổi mới và Khả năng đảm bảo phát triển bền vững. Luận án rút ra nguyên nhân liên quan đến thị trường Trung Quốc và thị trường Việt Nam, đồng thời cùng phân tích thực trạng các thành tố tác động đến cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu và cán cân thương mại theo như khung lý thuyết đã đề ra ở chương 1.