Thành tố Chính phủ

Một phần của tài liệu Đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu trong quan hệ thương mại với trung quốc nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu (Trang 87 - 93)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG ĐỔI MỚI CƠ CẤU HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU VIỆT NAM NHẰM HẠN CHẾ NHẬP SIÊU VỚI TRUNG QUỐC

2.4 Thực trạng các thành tố tác động đến đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu Việt-Trung

2.4.2 Thành tố Chính phủ

2.4.2.1 Mô hình tăng trưởng lạc hậu

Có thể nói mô hình tăng trưởng theo chiều rộng mà Việt Nam theo đuổi trong một thời gian dài đến nay đã lạc hậu và không còn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế Việt Nam. Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2002-2016 có nhịp độ tăng năng suất lao động xã hội thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam

giai đoạn này còn phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư, khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ chưa quan tâm thích đáng đến các động lực khác của nền kinh tế như khoa học -công nghệ, nhu cầu thị trường nội địa...Mô hình này còn thiên về nguồn lực cho công nghiệp, dịch vụ, chưa chú trọng và đầu tư thích đáng cho nông nghiệp, nông thôn.

2.4.2.2 Yếu kém trong trong quản lý hoạt động xuất nhập khẩu

Trong một thời gian dài vừa qua, nhà nước chưa có sự quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu với thương nhân Trung Quốc. Điều này tác động nghiêm trọng đến cơ cấu xuất nhập khẩu, từ đó tác động đến cán cân thương mại song phương.

Nổi cộm nhất là việc thương lái tự do người Trung Quốc sang Việt Nam thu mua hàng hóa, trong khi hoạt động này bị cấm theo Luật Việt Nam (Điều 6 và Điều 27 Luật Thương Mại 2005). Sự lỏng lẻo trong quản lý của nhà nước khiến thị trường nông lâm thủy sản hoạt động hỗn loạn, kim ngạch xuất khẩu thấp và phụ thuộc thương lái Trung Quốc. Mức chất lượng hàng bán cho thương lái Trung Quốc thường không đồng đều nên không bán được mức giá cao. Nguy hiểm hơn là nông sản Việt Nam xuất khẩu theo hình thức này sẽ mất thương hiệu vào tay các doanh nghiệp Trung Quốc vì họ nhập hàng Việt Nam về rồi phân phối và xuất khẩu với thương hiệu của mình.

Nông lâm thủy sản Việt Nam chưa đóng vai trò đáng kể trong việc lành mạnh hóa cán cân thương mại với Trung Quốc dù nhu cầu của Trung Quốc với nhóm hàng này luôn rất cao. Bộ Công Thương Việt Nam cho biết, xuất khẩu một số mặt hàng nông, thủy sản còn manh mún, tự phát dẫn đến có lúc không kiểm soát được nguồn cung dành cho xuất khẩu. Đặc biệt, tình trạng sản xuất manh mún dẫn đến chất lượng nông, thủy sản không đồng đều, khó kiểm soát vấn đề an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn thế giới về truy xuất nguồn gốc. Vấn đề an toàn thực phẩm có được cải thiện so với trước nhưng chưa thật sự bền vững. Tình trạng sản phẩm xuất khẩu bị trả về do không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm cũng ảnh hưởng chung đến nông sản, trái cây Việt.

2.4.2.3 Quản lý thương mại vùng biên với Trung Quốc kém hiệu quả

Bất cập trong quản lý thương mại vùng biên giữa Việt Nam và Trung Quốc là một nguyên nhân khiến Việt Nam nhập siêu nặng nề. Thực tế cho thấy, việc quản lý

cửa khẩu giữa hai nước Việt-Trung chưa đồng nhất, trao đổi hàng hóa phụ thuộc nhiều vào phía bạn về thời gian, địa điểm giao hàng. Hiện hàng Trung Quốc có thể vào Việt Nam qua bất cứ cửa khẩu nào, còn hàng của Việt Nam xuất sang Trung Quốc buộc phải qua một hoặc một số cửa khẩu chỉ định Một số hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc không có hợp đồng mua bán sẵn, ồ ạt đưa lên biên giới khi vào vụ nên khả năng thông quan không đáp ứng kịp, bị doanh nghiệp Trung Quốc ép giá, gây ùn tắc ở cửa khẩu.

Nhà nước giai đoạn vừa qua còn thiếu chiến lược lâu dài về phát triển thương mại biên giới với Trung Quốc nên thường bị động về chính sách biên mậu từ phía nước bạn. Điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, nhất các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng thương mại phục vụ phát triển biên mậu ở khu vực cửa khẩu phía Việt Nam thiếu đồng bộ dẫn đến hiệu quả thông quan chưa cao, tác động gián tiếp đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc, góp phần dẫn đến tình trạng nhập siêu hiện nay.

2.4.2.4 Chính sách đầu tư liên quan đến Trung Quốc không hợp lý (1) Chính sách chấm thầu EPC chưa chặt chẽ

Một trong những nguyên nhân chính khiến thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc tăng cao là do sự tham gia với tỷ lệ áp đảo của các nhà thầu Trung Quốc trong các dự án lớn ở Việt Nam. Hiện có tới 90% các dự án tổng thầu EPC (dự án tư vấn, thiết kế-cung cấp thiết bị-xây lắp, vận hành) tại Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, chủ yếu thuộc lĩnh vực dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim (Từ Thúy Anh, Nguyễn Bình Dương, 2012). Tỷ lệ tham gia làm nhà thầu phụ của doanh nghiệp Việt Nam trong các dự án kể trên rất thấp. Nếu tính riêng các dự án Trung Quốc làm tổng thấu, tỷ lệ nội địa hóa gần như bằng 0%. Điều này khiến thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc ngày càng lớn do các nhà thầu Trung Quốc nhập khẩu toàn bộ máy móc thiết bị từ trong nước vào Việt Nam (CIEM, 2014).

Trong các dự án quan trọng kể trên, có khá nhiều sự án bị đánh giá là chất lượng không tốt, chậm tiến độ, phải tăng vốn đầu tư gây bất bình trong xã hội. Có

rất nhiều dự án mà doanh nghiệp Việt Nam có thể đảm nhận nhưng không trúng thầu. Điều này cho thấy nhà nước còn chưa có chính sách chấm thầu EPC chặt chẽ và đảm bảo lợi ích lâu dài. Điều này tác động không nhỏ đến cơ cấu nhập khẩu song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, khiến lượng máy móc thiết bị, nguyên liệu và thậm chí cả nhân công Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh, làm gia tăng tình trạng nhập siêu vốn đã rất nghiêm trọng.

(2)Chưa thu hút FDI từ Trung Quốc vào các lĩnh vực có lợi cho Việt Nam

FDI Trung Quốc vào Việt Nam thường hướng tới hai lĩnh vực: cơ sở hạ tầng và sản xuất nguyên liệu đầu vào nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác thương mại quan trọng như Mỹ hay EU. Cơ cấu đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam gần đây có sự chuyển hướng rõ nét vào các nhóm ngành chế tác, khai thác tài nguyên (như sản xuất kim loại), dệt nhuộm, sản xuất sợi, chế biến thực phẩm, da giày, gỗ và giấy. Vốn đầu tư vào ngành da giày đã tăng từ 6,05%

tổng vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam (năm 2006) lên trên 40% vào năm 2016.

Trong khi đó, vốn tương ứng vào các ngành luyện kim lại giảm từ 67% về khoảng 7% trong cùng kỳ.

Quy mô các dự án FDI của Trung Quốc tại Việt Nam đều khá nhỏ, chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ mà chưa có sự góp mặt của các tập đoàn lớn. Quy mô của các dự án Trung Quốc trung bình chỉ bằng 50% của các nhà đầu tư nước khác.

Hiệu ứng lan tỏa kỹ thuật của doanh nghiệp FDI Trung Quốc còn thấp do Trung Quốc hầu như không đầu tư vào các ngành thuộc nhóm công nghệ tiên tiến mà lại là những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Nhiều dự án FDI hàm lượng công nghệ thấp, sử dụng công nghệ lạc hậu khiến Việt Nam có nguy cơ trở thành “bãi rác công nghệ” của Trung Quốc.

2.4.2.5 Xúc tiến thương mại tầm vĩ mô chưa hiệu quả

Xúc tiến thương mại tầm vĩ mô là hoạt động do Chính phủ và các bộ ngành liên quan thực hiện nhằm thiết lập mối quan hệ ngoại giao, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước về mặt pháp lý, cung cấp thông tin về thị trường trong nước, ngoài nước cho các doanh nghiệp về môi trường pháp luật, chính sách thương mại, các rào cản hạn ngạch, thuế quan, phi thuế quan; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp

tham quan, khảo sát thị trường để thực hiện xuất khẩu…Năm 2016, Bộ Công Thương đã phê duyệt và thực hiện 182 đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí 90 tỷ đồng.

Đối với nhóm hàng nông-thủy sản có 23 đề án với kinh phí 32 tỷ đồng, chủ yếu là tổ chức tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế ở các nước và tổ chức hội chợ triển lãm trong nước có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài (Cục Xúc tiến thương mại, 2016). Nhiều hoạt động trong Chương tình xúc tiến thương mại quốc gia, đặc biệt các hoạt động với quy mô lớn như Triển lãm Vietnam Foodexpo, có sức ảnh hưởng lan rộng và hiệu quả truyền thông lớn, thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia.

Công tác xúc tiến thương mại tầm vĩ mô đóng vai trò rất lớn trong việc cải thiện cơ cấu thương mại hàng hóa nói chung cũng như với thị trường Trung Quốc nói riêng.

Tuy nhiên, chính phủ và các ban ngành hữu quan Việt Nam vẫn chưa thực hiện tốt được nhiệm vụ này.

Đơn vị:%

Nguồn: Cục Xúc tiến thương mại, 2016 Hình 2.10 Khó khăn của các đơn vị xúc tiến thương mại Việt Nam năm 2016

(1)Quy mô hoạt động chưa lớn, mức đầu tư chưa thỏa đáng: Theo Báo cáo xúc tiến thương mại 2016, hoạt động xúc tiến thương mại của Chính phủ đã được triển khai nhiều và đồng bộ hơn nhưng còn ít đổi mới và thiếu chiến lược xúc tiến chung ở cấp quốc gia để đáp ứng được các nhu cầu của doanh nghiệp. Chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với Chương trình Thương hiệu

quốc gia. Kinh phí hàng năm dành cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia của Việt Nam trong hai năm vừa qua tính trên kim ngạch xuất khẩu chưa đến 0,003% so với mức trung bình của thế giới là 0,11%, con số này chỉ tương đương 1/30 và bằng 1/4 so với Bangladesh, bằng 1/10 so với Thái Lan (Cục xúc tiến thương mại, 2016).

(2) Chưa triển khai tốt tác cung cấp thông tin cho doanh nghiệp trong nước: Các cơ quan hữu quan chưa triển khai tốt công tác cung cấp thông tin cho Doanh nghiệp trong nước. Chỉ có 5% số doanh nghiệp được điều tra cho biết có nắm được thông tin về các Hiệp định Khu vực Thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký trực tiếp từ các cơ quan quản lý nhà nước thông qua các buổi hội thảo, các Thông tư hay điện thoại, email 5%. Điều này dẫn đến hệ quả là chỉ có 23% doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường nước thành viên FTA tăng mạnh, 47% doanh nghiệp kim ngạch xuất khẩu có tăng nhưng chưa tận dụng hết các ưu đãi, 30% doanh nghiệp chưa tận dụng được ưu đãi của các FTA đã ký kết (Phụ lục 2).

Hiệp hội ngành hàng hoạt động chưa hiệu quả: Trong số các doanh nghiệp tham gia các Hiệp hội ngành hàng, chỉ có 61% doanh nghiệp thường xuyên nhận được thông tin từ Hiệp hội về các biện pháp quản lý nhập khẩu của Việt Nam cũng như của các nước khác. 98% doanh nghiệp yêu cầu gia tăng hơn nữa sự hỗ trợ từ các hiệp hội ngành hàng. Về hình thức hỗ trợ, 5% doanh nghiệp yêu cầu cung cấp thêm thông tin, 2% yêu cầu tăng cường hỗ trợ về mặt pháp lý, 4% yêu cầu tăng cường công tác đào tạo, tập huấn và 89% yêu cầu tăng cường sự hỗ trợ của Hiệp hội ngành hàng ở cả 3 hình thức trên (phụ lục 2).

(3)Xúc tiến thương mại với thị trường Trung Quốc chưa đủ mạnh

Trong công tác xúc tiến thương mại với thị trường Trung Quốc, có thể nói Chính phủ đã có nhiều hoạt động tương đối tích cực giai đoạn 2009 trở lại. Năm 2009, Hội chợ triển lãm Thương mại quốc tế miền Tây Tứ Xuyên, hội chợ Trung Quốc- ASEAN. Hai hội chợ Thương mại quốc tế Việt- Trung tại Lào Cai và Hội chợ Thương mại quốc tế Móng Cái- Quảng Ninh cũng được đánh giá là các sự kiện xúc tiến thương mại tiêu biểu ở khu vực biên giới, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường đông dân nhất thế giới.

Vài năm gần đây, hoạt động xúc tiến thương mại với thị trường Trung Quốc của nhà nước đã có sự khởi sắc. Hàng hoạt các hội nghị, hội thảo được tổ chức như: Hội thảo Xúc tiến thương mại thị trường Trung Quốc tổ chức tại Đà Nẵng tháng 10/2016. Hội thảo “Thông tin thị trường và cơ hội xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc” do Cục Xúc tiến thương mại phố́i hợp với Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh, Trung Quốc tháng 11/2016. "Hội nghị giao thương giữa các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và các doanh nghiệp nhập khẩu lớn của Trung Quốc" cuối năm 2017. Gần đây nhất, Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức giới thiệu Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (China International Import Exposition-CIIE 2018) tại Thượng Hải, đồng thời công bố tổ chức đoàn Việt Nam tham gia hội chợ.

Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến thương mại tầm vĩ mô với thị trường Trung Quốc còn nhiều hạn chế. Theo tác giả, hạn chế lớn nhất là các cơ quan Xúc tiến thương mại quốc gia chưa đưa ra được một chiến lược xúc tiến thương mại đủ tầm cho thi trường này. Với một đối tác quan trọng như Trung Quốc mà đến tận năm 2015, Việt Nam mới thành lập được Văn phòng Xúc tiến thương mại đầu tiên của Việt Nam tại Trùng Khánh. Sự chẫm trễ trong thiết lập các Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam đặt tại các thành phố lớn của Trung Quốc dẫn đến hạn chế trong công tác cung cấp thông tin hai chiều: thông tin về năng lực và khả năng cung ứng của doanh nghiệp Việt đến với thị trường Trung Quốc, và ngược lại là thông tin về nhu cầu nhập khẩu, đặc điểm tiêu dùng, thông tin doanh nghiệp của từng tỉnh thành của Trung Quốc đến doanh nghiệp Việt. Đặc biệt, Nhà nước cũng chưa có một điều tra quy mô nào để thống kê và cung cấp cho doanh nghiệp trong nước về nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu hàng hóa của từng vùng miền của Trung Quốc tương ứng với những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Doanh nghiệp thiếu hiểu biết về thị trường Trung Quốc là hạn chế rất lớn dẫn đến kim ngạch xuất khẩu quá nhỏ so với tiềm năng, khiến việc giảm nhập siêu khó thực hiện

Một phần của tài liệu Đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu trong quan hệ thương mại với trung quốc nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu (Trang 87 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(223 trang)